Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Đại tá Ngôn ôn lại chuyện chiến trường

      Ngày 26-11-2011 vừa qua, các CCB Cơ Điện và CSV K6 đã về thăm gia đình bạn Trần Văn Hóa tại thị trấn Vĩnh Trụ, tỉnh Hà Nam. Trong câu chuyện ôn lại thời khắc người đồng đội hy sinh ở Tây nguyên, anh Ngôn cựu SV K4, CCB đoàn 3002, nguyên đại tá QĐND đã không kìm nổi nứơc mắt, chúng tôi cũng không ai kìm được...

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Lời của một cựu chiến binh Cơ điện

        Tôi chẳng chức sắc gì trong quân đội. Tôi cũng chẳng thành đạt gì trong nghề kĩ sư chế tạo máy mà tôi được học. Tôi là một chiến sĩ ra đi từ mái trường rồi trở về trường. Hôm nay bỗng dưng vừa buồn vừa ngượng vì các bạn học của tôi nhẹ nhàng hỏi: “Anh ơi 22/12 năm nay các anh có gặp nhau không"?
-         có chứ .

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Một vài hình ảnh CCB+K6 về thăm gia đình Ls Hóa

       Trong khi chờ bài viết của Thọ mom, mời các CCB xem trước một số hình ảnh của ngày hôm nay:

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Một kỉ niệm không bao giờ quên

Triệu Bình - 3002

      Tôi lại cũng giống như Luân, khi được gặp một người Phụ nữ trên đường hành quân ra Mặt trận. Chỉ có khác Luân người Phụ nữ mà tôi gặp và mãi mãi không bao giờ quên ấy, lại là một... Bà mẹ Lào.
      Ngày hành quân ra trận, tôi đã bị gục ngã vì sốt rét rừng. Sau này tôi còn biết không phải chỉ là mình tôi, mà còn có thêm nhiều đồng đội khác nữa. Hôm ấy không còn biết là ngày thứ bao nhiêu sau khi bị sốt, thằng Ngô Thịnh dìu tôi bước theo đoàn quân; đi qua một cánh rừng Khộp trên đất nước Lào.

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Chuyện Trường Sơn


Nguyễn Trọng Luân
Sư đoàn 320A Tây Nguyên


Tôi không biết đặt tên chuyện này thế nào cho phải, nên cứ gọi là chuyện Trường Sơn vậy. Đọc sách báo, tiểu thuyết về một thời đánh giặc chả thấy ai viết về cái cảm giác sung sướng của người lính trên Trường Sơn khi bất ngờ được gặp một người con gái ra sao, cái sự có mặt một người phụ nữ trong đạn bom nó động viên mãnh liệt cho người con trai cầm súng thế nào? Hình ảnh người con gái đứng trước người ra trận thiêng liêng làm sao? Cái nỗi mong mỏi của người lính hành quân biền biệt ra chiến trường chỉ một lần thôi được gặp một cái dáng yêu kiều khác giới thì chỉ có người lính mới hiểu. Suốt hơn ba tháng leo Trường Sơn tôi nhớ là mình đã ba lần được gặp con gái. Ba lần ấy chỉ có hai lần nhìn thấy mặt còn một lần không. Thế mà cảm giác xúc động xốn xang trong cả ba lần ấy đều rạo rực như nhau. Bây giờ già rồi viết lại mà vẫn nguyên xúc động, ngày ấy đã qua bốn mươi năm.

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Không phải "Đừng đốt" mà là "Cứ đốt"

CHUYỆN Ở LỚP K6MA


Giao K6A - CCB ĐHCĐ
Câu chuyện tôi kể có thể bạn chưa biết, có thể bạn đã quên hoặc có thể bạn không biết, vì nó đã xảy ra lâu lắm rồi. Từ đó đến giờ kể từ khi bắt đầu thì đã 40 năm, còn từ khi kết thúc thì cũng 34 năm có lẻ. Nhưng nó vẫn âm ỉ trong tôi, trong người bạn của tôi có lẽ đến bây giờ.
        Đó là từ một buổi chiều cuối năm 1971, anh Thị lớp trưởng đi lấy thư báo về, vừa tới đầu sân anh đã thông báo:
        - Đã có danh sách nhập ngũ đợt này rồi đây.

Lời cảm ơn của tác giả "Bài thơ sông Tang"

         Thân gửi tất cả các bạn CCB sinh viên đại học đã đọc và có nhận xét với "bài thơ sông Tang" của tôi.
         Tôi là Hoàng Sơn Lâm sinh năm 1950 -là học sinh của trường cấp 3 Đình Bảng -Từ Sơn -Bắc Ninh khóa 1965-1968
         Ngày ấy, trở thành sinh viên là niềm mơ ước lớn của tôi, nhưng vì rất nhiều lý do, tôi không có điều kiện thực hiện ước mơ đó, và điều này đã khiến tôi tiếc nuối mãi tận sau này.

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Mới thiết kế thêm phần tìm kiếm

     Để thuận tiện thêm trong việc xem blog, BBT đã tạo thêm một ô tìm kiếm ngay bên dưới đồng hồ đếm số lần truy cập. Ô tìm kiếm này chỉ có tác dụng trong nội bộ blog của ta. Các bạn cần tìm chữ nào, từ nào thì cứ gõ vào trong ô rồi nhấn ENTER là các kết quả sẽ hiện ra.

Bạn lính đoàn 3002

           Không hiểu duyên cớ gì các tiểu đoàn bộ binh của trung đoàn tôi đều có các tiểu đội trinh sát mà A trưởng đều là sinh viên ĐH Cơ điện.
Hoàng Minh Dương K4 ở tiểu đoàn 9. Ngô Thịnh K6 ở tiểu đoàn 8, rồi sau là Nguyễn Mạnh Tiêu K4, sau cùng là tôi A trưởng trinh sát tiểu đoàn 8.
Ngô Thịnh là A trưởng trước thời tôi nhưng sau hắn lại là chiến sĩ của tôi. Lí do thì đơn giản nhưng nhiều lắm. Tóm lại với Ngô Thịnh thì thành tích chiến đấu nhiều bao nhiêu thì tội trạng cũng nhiều không kém. Tôi lên chức ấy là lúc nó xuống chức. Oái oăm cho bạn bè là vậy.

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Hùng bò K10 mời CCB Cơ Điện uống bia

      Ngày 4/12 tức Chủ nhật, từ 10g - 16g, tại sân vận động Quần Ngựa Hà Nội sẽ diễn ra lễ hội bia hơi hàng năm. Nơi đây sẽ quy tụ các cao thủ "bụng bự" để tỷ thí tranh tài cao thấp trong phần thi "uấng". Giám đốc phân phối bia "Hùng bò" thân mời các bạn k10 đã, đang và mới  "biết uống bia" đến tham dự và cổ vũ cho ngày hội thêm vui vẻ. (Lưu ý : bia uống thoải mái, miến phí, đồ nhắm thì...phải trả phí).

Ngày này năm xưa


Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Chuyện về cô giáo dạy Sức Bền của tôi

Hưởng ứng blog vận động viết về ngày 20-11
Nguyễn trọng Luân
                                                                                                         Lính 3002

            Bây giờ, tôi gọi cô là chị. Dĩ nhiên cô hơn tôi vài tuổi. Nhưng cái lý không ở  chỗ tuổi tác, mà ở chỗ cô coi tôi là em trong nhà.
          Bốn mươi năm nay vẫn thế. Lúc vui lúc buồn, nghĩ về anh là tôi nhớ về chị. đến thăm chị lại nhớ về anh. Tôi trọng anh bao nhiêu tôi nể chị bấy nhiêu. Chị và anh đều là thầy của tôi ở ĐH Cơ Điện.
          1972. Tôi nhập ngũ. Anh là giảng viên khoa Điện cùng nhập ngũ một ngày với tôi. Ngày về đơn vị, chúng tôi nhẹ nhàng, náo nức hăm hở, nhưng các thầy giáo cùng nhập ngũ ngoài cái vẻ lạnh lùng, chỉn chu quân lệnh là nỗi niềm trăn trở vợ con mà chúng tôi đâu có hiểu. Các thầy gần ba mươi tuổi, nhiều thầy đang chuẩn bị thi nghiên cứu sinh, đằng sau các thầy là vợ con và nếp nhà tranh nhỏ xíu trên vạt đồi Tích Lương. Nhà thì nhỏ mà sách thì nhiều. Sách nhiều bao nhiêu tiếng con khóc càng thêm nhói ruột bấy nhiêu. Thời đói kém ấy cộng cả hai vợ chồng thầy cô, cân nặng chỉ chòm chèm 90 kí.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Bài thơ sông Tang

Bài của Lê Phóng - CCB 1040 - SPVB
                                                           (Kỷ niệm nhỏ sống mãi trong tôi)
      Trong cuộc đời có một vài người bạn tri kỷ, thế là hạnh phúc lắm rồi. Những người lính giải phóng quân đi ra (trở về - thì đúng hơn chứ Phóng nhỉ -lời biên tập) từ cuộc kháng chiến, để lại đằng sau những nỗi đau, những bất hạnh. Khi may mắn trở về, những kỷ niệm chiến trường đã gắn kết họ lại thành những người bạn tri kỷ, nhiều người bạn tri kỷ - tôi và Tế K6 - có một người bạn tri kỷ trong số rất nhiều người bạn như vậy.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

“Chỉ huy thế này thì L… mẹ Việt Nam nào đẻ cho kịp”!

ccbD76

        Tôi lấy câu chửi tục của ông trung đoàn trưởng làm tiêu đề.
       Những người lính tân binh ra trận đầu ai mà không bỡ ngỡ, đa số là vượt qua giây phút hồi hộp đầu tiên, nhưng cũng có nhiều trường hợp chưa kịp định thần thì đã hy sinh rồi! Hôm nay tôi kể các bạn nghe một chuyện về sự hy sinh của các anh em tân binh thật đau lòng.

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Đ.V.Dũng đăng cai hội nghị blogger K6 + CCB 10g 2+11-11-11

       Theo một sáng kiến do chính mình đề xuất: mỗi tháng các blogger của K6 + CCB và những blogger yêu K6 + CCB sẽ "tụ tập" tại một địa điểm thuận tiện cho việc bàn bạc, chuyện trò về blog K6 và CCB Cơ Điện, tôi sẽ đăng cai tổ chức lần đầu tiên tại chính nhà riêng của mình tại 237 Kim Ngưu. Theo tôi là vào 10g trưa ngày chủ nhật 13-11-2011. Mời các bạn đã từng có bài viết đăng trên blog đến dự. Có thể tự tham gia với ý thức sẽ viết bài cho blog ngay sau khi dự hội nghị về như một bản thu hoạch...
      Mời các anh chị và các bạn đóng góp thêm ý kiến cho BBT và blog nói chung!

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Chuyện chiến trường! - Hú hồn hú vía!

Triệu Bình

Có lẽ chuyện những người lính chiến trường, trong những trận chiến ác liệt thì những cú thoát chết thần kì chắc không phải là hiếm. Có hàng ngàn hàng vạn những tình huống hi hữu có thể kể lại.
Còn tôi - một thằng Lính Phía Sau thế mà lại cũng có những tình huống cũng chỉ thoát chết, có lẽ sẽ trong sự Vô - Cùng - Đau - Đớn mà trong...một khoảng thời gian... Hàng -Thế - Kỉ; đến bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn thấy lạnh toát cả sống lưng - Chuyện gì vậy?

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Chuyện vui Trường Sơn 3

“Cụ Đây!”
 ccbD76

        Nhân tiện kể các bạn nghe tiếp một tình huống hồi trong quân ngũ mà mỗi khi nghĩ lại sự ngốc nghếch của mình tôi vẫn cười một mình. Để phục vụ cho công tác chỉ huy trong chiến dịch đánh Ban Mê Thuột, bên thông tin phải kéo hàng trăm km đường dây luồn trong rừng và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, luôn đề phòng biệt kích nghe trộm. Một hôm thủ trưởng đi vắng, thấy điện thoại kêu, tôi vào cầm máy lên nghe, ở đầu dây đằng kia có tiếng người lớn tuổi hỏi:

LÍNH MỚI Ở MẶT TRẬN QUẢNG TRỊ

Thọ mom - 5039

          Lính C3-D54 được bàn giao hết cho E88-F308, lính Cơ Điện phân tán về các D và C trực thuộc chẳng có C nào có đến 2 thằng Cơ Điện cả. Riêng D6 Thọ ở C10 còn Đ M Tường ở C11 (sau này mới biết chứ lúc đó thì không biết gì nhau hết) B2 của Thọ do Trang là Sv trường Mỏ đi đợt 9-71 là B trưởng còn Thọ A trưởng A3 với toàn lính Hà Tây huấn luyện được hơn tháng thì đi B và chưa bắn bài 1 cơ đấy.

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Thầy Đấu

Hưởng ứng blog vận động viết về ngày 20-11
                                          Truyện ngắn của lính 3002

Bây giờ thầy đã nghỉ hưu. Ngôi nhà của thầy cũng xây ba tầng nhưng thanh thoát bên bờ sông Thao. Thầy không đi dạy thêm, nhưng nhiều học trò vẫn tới nhà nhờ vả thầy mỗi kì thi đại học. Thù lao cũng thật đơn giản, cân chè, ống gạo nếp, vài cân đỗ lạc, hoặc nải chuối tiêu mang từ trong xóm.
            Tôi là học trò của thầy từ cuối những năm 60. Nhưng tôi hay gọi thầy bằng chú vì thầy là chú họ của tôi. Nhưng có lẽ thầy coi tôi là bạn nhiều hơn bởi tôi là đồng đội của thầy. Viết lại những chuyện về thầy thật khó, bởi trong tôi thầy là người thầy kính trọng, người chú thân tình và lại là người đồng đội vào sống ra chết cùng nhau.

Kỷ vật chiến trường

      Tế à! Mình nhớ là còn giữ được một lá thư chiến trường đúng nghĩa nhất của Tế gửi: thư tay này, tất nhiên không tem thư rồi, còn không cả bao thư (phong bì nữa). Hôm nay mới tìm thấy nó, mình đưa lên đây cho mọi người cùng xem nhé! Mà cũng thử xem Tế còn nhớ ngày gửi thư đi hay trong đó viết gì không?

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Chuyện vui Trường Sơn 2

ccbD76

        Nhân các bạn nói về những truyện cười trên đường Trường Sơn khi bọn mình hành quân vào, tôi nhớ lại một sự kiện ngày đó cười ra nước mắt. Truyện liên quan đến một thằng bạn mà cuộc sống dun dủi chúng tôi vẫn gặp nhau! Nó là thằng nghịch ngầm, nhiều khi nghĩ ra những tro tai quái. Chắc các bạn nhớ mấy tháng trời hành quân, suối sâu, đèo cao… như vắt kiệt hết sức lực của bọn mình. Chắc đoàn nào cũng vậy, để động viên anh em chiến sĩ, các vị chỉ huy thường lấy phong trào văn nghệ quần chúng khuấy động phong trào. Quả thật sau những phút giải lao, được nghe mấy bài hát khí thế của anh em cũng nâng lên.

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Chuyện vui Trường Sơn


Lính 3002

1-  Cây gỗ nằm ngang đường .
         
Tôi không nhớ rõ ở trạm nào, nhưng cũng phải đi hơn một tháng tính từ Quảng Bình. Đường đang lên dốc, có một cây gỗ to lắm nằm vắt ngang qua lối mòn. Oái oăm nhất là nó nằm cách mặt đất chừng 20 cm. Mà đường kính thì rõ to. Nó phải đến 80 cm. Không có cách nào khác là phải trèo qua thân cây chứ không thể chui. Mà trèo cũng khó vì ba lô nặng sau lưng. Lính ta đều nhấc chân phải lên, áp mặt và bụng vào thân cây rồi cố mà lăn qua. Kẻ trước người sau đun đít hộ nhau. Tất nhiên mặt anh nào cũng áp vào thân cây. Thì, đúng cái chỗ áp mặt vào ấy, có chú lính nào thông minh đã lấy dao đẽo hình cái Bướm rõ to, giống y chang. Lại còn  có cả lông lá đàng hoàng. Tránh cũng không được, kẻ trước người sau từ lính đến sĩ quan cứ tăm tắp áp mặt vào cái của quí ấy. Mà lạ lắm, ai cũng cười và hình như tinh thần nó sảng khoái hay sao mà vượt chướng ngại vật ấy thật dễ dàng. Giá không có cái “Bướm gỗ” ấy chắc leo qua thân cây này cũng khó. Tiếng cười của lính vang theo đến hơn một giờ sau.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Về kỉ niệm trận đánh trên đường số 7 tháng 3/1975


Nguyễn Trọng Luân

        Tôi đã viết về chuyện một người lính chiến đấu và hi sinh ở trận đánh xe tăng hôm 24/3/1975 mà mới đây đã được gia đình đưa hài cốt về quê. Trong cuốn nhật kí đã nhàu nát vì nước mưa, vì thời gian của tôi có ghi lại ở trận đánh ấy. Bây giờ đọc lại cũng phải cố luận ra mới đọc được. Vì viết trong đêm tối, vừa lúc tan trận, chữ xấu, vội vàng, lại còn run vì vừa mới ra khỏi trận đánh. Hơn nữa cuốn nhật kí được viết từ cuốn sổ lấy trong cái xe tăng mà địch bỏ lại để chạy trốn bên bờ sông Ba. Cuốn sổ nhỏ như cái thẻ thương binh nên chữ rất nhỏ. Nhân kỉ niệm này tôi đưa lên trang của lính để các bạn lính cùng nhớ một thời gian khổ ác liệt của mình. Tôi mong người ngoài lính chắc cũng thông cảm.

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Một kỷ niệm buồn: tác phong tiểu tư sản

      Những này cuối trong quân ngũ của tôi, những ngày tháng 9/75 cách đây 36 năm là những ngày tôi đứng ngồi không yên! Sau mấy tháng ăn chơi ở SG, chúng tôi được chuyển về đóng ở thành Công Binh, thị xã Thủ Dầu Một. sau GP đơn vị đánh giá tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ sở chỉ huy QĐ, được bình bầu là Dũng sĩ Quyết thắng, được tiến hành làm các thủ tục kết nạp Đảng trước khi về trường cũ học! 

CHUYỆN LÍNH TRƯỚC KHI VỀ HỌC

Thọ mom - 5039

      Ăn Tết Quý Mão 1973 xong, E88 hành quân từ Hương Khê ra Vinh rồi lên tầu ra Bắc. Đến ga Thường Tín, chúng tôi xuống tàu đã thấy mấy chú lính Hà Tây B1-C10 đứng đón, đó là mấy cậu bị nguỵ bắt khi chúng chiếm chốt hôm 3-9-1972 ở dưới cầu sắt mới trao trả sau hiệp định Pa-ri. Chỉ kịp hỏi nhau được mấy câu có lệnh lên xe, đoàn xe Zix to lớn mới cóng đưa chúng tôi về Xuân Mai. Đây là căn cứ của sư 308 và E88, chúng tôi xuống rồi hành quân về xã Quảng Bị huyện Chương Mỹ, vào nhà dân đóng quân. Thời gian này chúng tôi học chính trị và tập chiến thuật là chính.

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Cuộc điện thoại nghe trong nước mắt

Nguyễn trọng Luân

     Sáng nay, lúc 10 giờ 30 tôi nhận được cuộc điện thoại của một người bạn cũ cùng đại đội đang sinh sống tại thị xã Phú Thọ.
-         “ Anh ơi, chúng em đang đi vào quê thằng Thiện ở Quảng Nạp, Thanh Ba đây. Tối qua hài cốt của nó đã được mang về rồi. Chúng em hơn chục đứa cùng tiểu đoàn sống sót vào thắp hương cho nó. Em gọi cho anh để anh mừng …”

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Ai biết Hoàng Kim Tới ở đâu không ?

K5X
          Ngày tôi vào trường nặng có 39 kí. Chỉ một năm sau lên 47 kí. Nhà quê ăn đói hơn ở trường nên chắc nó lên nhanh như vậy. Cùng tổ có Hoàng Kim Tơí. Đẹp trai, đá bóng giỏi và ga lăng nữa. Tới coi tôi là đàn em. Tôi nằm chung giường với Tới suốt mùa đông năm 1970. Thân nhau đi về nhà nhau chơi, cùng đi Gang Thép tắm, cùng mượn xe lên tán gái Sư Phạm, Y Khoa. Đi với Tới nhiều nên học được vô khối bài. Chuyện gì hắn cũng kể với mình. Chuyện bạn bè, nhà cửa, gia cảnh, nhưng chỉ mỗi chuyện chơi trò sung sướng thì chưa bao giờ hắn kể. Chắc coi mình là trẻ con không chấp. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ nhà Tới ở cổng Chốt TP Vinh. Trong chiến tranh phá hoại của Mĩ nhà Tới về ở Quốc Oai. Anh trai thì lái xe trong Vinh, chú em đi bộ đội đặc công ... Sau chiến tranh tôi đi qua nhà Tới ở Tam Hiệp gần cầu Phùng hỏi thì ông bà Hoàng Kim Khay đều đã mất cả .