Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

TRẬN ĐÁNH PHÒNG KHÔNG HY HỮU TRONG CHIẾN TRANH VN

Họa sỹ Việt cộng V/S họa sỹ Mỹ (1)


Trong cuốn ‘Những hòn cuội nhặt dọc đường’ tập 2, được tặng bởi tác giả- bạn lính bậc đàn anh-họa sỹ lớn Lê Trí Dũng, nhà cháu rất tâm đắc với những định nghĩa - kiến giải – nhận xét về họa sỹ minh họa.
Họa sỹ LTD đã viết ở trang 46 & 47:


- ‘..Vẽ minh họa phục vụ quần chúng cũng không phải là dễ, làm sao để dễ xem, dễ hiểu nhưng phải đẹp, hiện đại và phải có phong cách riêng, cái chính là phải bám cốt truyện. Một minh họa hay góp phần làm hay thêm tác phẩm văn chương và đôi khi nó được bạn đọc cắt tỉa lồng vào khung treo chơi như một tác phẩm hội họa công phu...’.
Để bình luận về những phát kiến của một người, không gì hay bằng để chính kẻ thù của người đó, nói về phát kiến ấy.
Mà bình bởi họa sỹ, tốt nhất hãy để họ thể hiện bằng tác phẩm của mình.
Nhà cháu xin đưa tác phẩm của họa sỹ Mỹ - đối thủ một thời của họa sỹ Lê Trí Dũng trong chiến tranh Việt Nam để minh họa.
------------- ------------
TRẬN ĐÁNH PHÒNG KHÔNG HY HỮU TRONG CHIẾN TRANH VN
Ngày nay, ai đi qua Bảo tàng Không quân ở đường Trường Chinh, đều ngó thấy một con F 4 còn khá nguyên vẹn, nằm phơi mình bên sát hàng rào. (hình 2)
Ngắm nhìn chiếc chiến đấu cơ phản lực ‘con ma’ này, không có nhiều người biết đến một câu chuyện khá là hy hữu trong chiến tranh Việt Nam.
Đây là chiếc máy bay tiêm-cường kích đa năng của Hải quân Mỹ.
Ký hiệu định danh là F-4B, tên lóng là ‘Con Ma’. Có số hiệu là 153001 / NH 201 , thuộc phi đoàn VF-114 'Aardvarks' trên tầu sân bay USS Kitty Hawk (Kít-ti-hốc) CVA-63.
Tổ bay cuối cùng trên chiếc F-4B này gồm 2 người. MộtPhi công thứ nhất là đại úy cơ trưởng Charles Everett (Ev) Southwick quê ở Fairbanks, Alaska ngồi ghế trước. Và phi công thứ hai là trung úy sỹ quan hoa tiêu Jack Rollins ngồi ở ghế sau.
Bản thân đại úy cơ trưởng Charles Everett (Ev) Southwick cũng có 1 số phận chớ trêu.
Ấy là vào ngày 24/04/1967, chỉ trước chuyến bay cuối cùng của chiếc Con Ma 153001 / NH 201 có đúng 20 ngày, khi ấy, đại úy cơ trưởng Charles Everett (Ev) Southwick cầm lái con F-4B có số hiệu là 153000 / NH-210 (chênh với con nằm bên hàng rào đường Trường Chinh, đúng 1 số. Hị hị) , cũng thuộc phi đoàn VF-114 'Aardvarks' trên tầu sân bay USS Kitty Hawk (Kít-ti-hốc) CVA-63; với sỹ quan hoa tiêu James "Jim" W. Laing ngồi ở ghế sau.
Ngày 24/04/1967 ấy, chiếc F-4B có số hiệu là 153000 / NH-210 do tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và James "Jim" W. Laing điều khiển, có nhiệm vụ bay tiêm kích, đánh nhau với MIG 17 trên đỉnh không vực sân bay Kép. Sau một hồi quần vòng kịch chiến với không quân Bắc Việt Nam, chiếc F-4B của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và James "Jim" W. Laing đã bắn rơi được 1 chiếc MIG 17 của ta.
Nhưng liền ngay sau đó, chiếc F-4B này của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và James "Jim" W. Laing, đã bị hỏa lực phòng không mặt đất của ta bắn trúng vào bình nhiên liệu.
Chiếc F-4B này cố bay thoát, nhưng do hết nhiên liệu và không được tiếp liệu kịp thời, tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và James "Jim" W. Laing đã phải nhẩy dù, bỏ máy bay và được cứu thoát.
Sau đó, James "Jim" W. Laing trong 1 phi vụ khác vào ngày 21/05/1967, cũng đã bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh.
Còn Charles Everett (Ev) Southwick thì bị bắt vào ngày 14/05/1967 như câu chuyện đang kể.
Quay trở lại ngày 14/05/1967.
Khi ấy, chiếc F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201 của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và Jack Rollins, nhận nhiệm vụ cường kích, đeo rốc-két ZUNI, làm nhiệm vụ chế áp cao xạ phòng không, để yểm trợ cho cường kích A-4 Xì-cai-hốc, cũng thuộc tầu sân bay USS Kitty Hawk (Kít-ti-hốc) CVA-63, lao vào đánh cầu Hàm Rồng.
Để cho tốp cho cường kích A-4 Xì-cai-hốc đeo bom, ném đúng mục tiêu cầu Hàm Rồng, tốp cường kích chế áp cao xạ phòng không F-4B, trong đó có chiếc đeo số hiệu 153001 / NH 201 của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và Jack Rollins, đã xà thấp để lao rốc-két vào trận địa phòng không của ta.
Không may (hay may thay), do bay quá thấp, chiếc F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201 của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và Jack Rollins, đã bị chính mảnh nổ văng của chính loạt rốc-két ZUNI do máy bay bắn ra, văng trúng động cơ.
Chiếc máy bay mất điều khiển, cứ theo đà lao, lừ đừ bay thấp xuống.
Đại úy cơ trưởng Charles Everett (Ev) Southwick và trung úy sỹ quan hoa tiêu Jack Rollins lập tức nhấn nút bung dù.
Cả hai phi công lập tức bị bắt làm tù binh và cùng được trao trả vào ngày 04/03/1973.
Còn chiếc máy bay, cứ lừ đừ lao xuống và cuối cùng, trượt bụng bên bãi cát sông Mã anh hùng (hix). Còn nguyên vẹn hình hài, không rách rời chắp vá.
Trải qua bao nắng mưa giãi dầu, cùng thói làm ăn cẩu thả của ta, chiếc F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201 thoạt đầu được trưng bày trong bảo tàng Phòng Không, cũng ở đường Trường Chinh, và bây giờ, ‘nó’ được di dời đến Bảo tàng Không quân ở đường Trường Chinh, nằm phơi mình bên sát hàng rào. Thân tàn ma dại.
Kỷ niệm tròn 37 năm ngày bị chính rốc két của mình bắn rơi, năm 2014, tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và Jack Rollins đã về thăm chiến trường xưa là cầu Hàm Rồng –Thanh Hóa và người bạn đã từng gắn bó với mình, chiếc F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201 giờ đây được trưng ven hàng rào.
Và cảm kích trước câu chuyện hy hữu trong chiến tranh Việt Nam của chiếc F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201, họa sỹ Robert Bailey đã tái hiện lại sự kiện này bằng 1 bức tranh, như được đăng ở hình 1.
Trong hình 1, chiếc ở tiền cảnh là con F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201 của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và Jack Rollins; bên trái chiếc này, trên đỉnh cầu Hàm Rồng, là 1 chiếc cường kích A-4 Xì-cai-hốc đeo bom, đang ném bom mục tiêu cầu Hàm Rồng; 2 chiếc khác, phía bên phải tấm hình, là 2 chiếc F-4B - ‘Con Ma’ khác, trong cùng biên đội với con F-4B, số hiệu 153001 / NH 201, nhận nhiệm vụ cường kích, đeo rốc-két ZUNI, làm nhiệm vụ chế áp cao xạ phòng không
Hiện nay, bức tranh này chỉ còn đúng 100 bản sao gốc, trong đó có 5 bản có chữ ký tươi của tác giả, là còn được bán trên thương trường. Gía gốc là 175 US/ tranh, chưa kèm chi phí vận chuyển.



------------ -------
Chính bức tranh sơn dầu này, là 1 lời bình luận đáng giá cho kiến giải của họa sỹ Lê Trí Dũng: ‘‘..Vẽ minh họa phục vụ quần chúng cũng không phải là dễ, làm sao để dễ xem, dễ hiểu nhưng phải đẹp, hiện đại và phải có phong cách riêng, cái chính là phải bám cốt truyện....’
Bài sau: TRẬN HẢI CHIẾN LỊCH SỬ TRONG CHIẾN TRANH VN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]