Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

BẢN THÁNH CA CÓ MÁU.

BẢN THÁNH CA CÓ MÁU.
Tiểu đội dặt những thằng lính nhà quê Phú Thọ. Chỉ có A trưởng Lúa người Hưng Yên và A phó là lính sinh viên người Hà Nội cùng bổ sung một đợt. Lính mới hỏi:
- A trưởng ơi, lính cũ nhà mình đâu hết rồi?
A trưởng Lúa người Hưng Yên bảo:
- Toi hết rồi.
Thằng hỏi miệng chưa kịp khép thì đã cứng lại, khuôn mặt đơ đơ nhìn A trưởng, con người cóc kẹ, tóc tai như rễ tre trông hệt một lão nông vụ rét. Nó lại hỏi:
- A trưởng ơi anh mấy tuổi rồi?
Lúa nhìn nó như lườm. Con mắt Lúa như thương như yêu như buồn cười lại như tức giận.
- Tao hai mươi.
Thằng lính mới lại hỏi lúc A trưởng Lúa lau mấy quả đạn B40 và thổi phù phù bụi đất bám vào liều phóng.
- Anh ơi anh đánh nhau mấy lần rồi? anh có đái ra quần không?
- Đồ cố đỉn. Lúa nói như quát. Rồi mày sẽ được đái ra quần. Đái vào đâu kệ mày, nhưng mày bỏ chạy ra phía sau là tao sẽ lôi cổ mày về phía trước. Đồ thằng mục. Chưa gì đã lo đái. Đêm mai mày sẽ biết thế nào là đái ra quần.
Thằng lính mới tên Thịện im thin thít. Nó nhìn mặt anh Lúa thấy cái gân dưới mang tai giật giật. Người anh Lúa toát ra cái mùi giống như mùi rơm ướt lâu ngày ở sân kho. Anh Lúa bảo, nửa tháng nay tao không tắm, không xúc miệng, vì có nước đâu mà xúc. Xúc òng ọc lại nuốt ngay vào họng. Mắt cứ vằn cà thừ, cục rỉ to như con nhặng bậu khóe mắt. Thằng THiện nghe anh Lúa nói muốn mếu mà không mếu được. Nó buột miệng, chúa ơi! Cực vậy sao hở người? Anh Lúa quay phắt lại. Cái gì? Mày vừa nói cái gì? Chúa nào? Chúa với vua cái gì?
Thằng Thiện lắp bắp:
- Dạ, anh ơi, em cầu khấn đấng bề trên thương cho anh em mình đó anh? Chúng mình đều là con của chúa…. Trong đêm mà Thiện thấy anh Lúa nghiến răng. Mày im đi. Mày đừng nói nữa. Chết đấy. Chết đấy mày ơi. Không có thánh thần hay chúa trời nào đâu. Chỉ có lí tưởng, chỉ có tình yêu tổ quốc chống quân xâm lược thôi, mày hiểu chưa? Mày đã vào Đoàn chưa hả thằng cố đỉn?
Thằng Thiện im rồi. Nó co người nằm trên đống lá khô vun lại rải lên đó tấm áo mưa dầy quịch. Nó co chân như con tôm ôm khẩu Ak vào lòng. Mùa khô trời Tây Nguyên sao li ti, Thiện không thấy lạnh. Thiện đang nhớ nhà. Thiện nhớ lắm, nhớ đêm nay là đêm 23 tháng 12. Đêm mai là Giáng sinh. Nó lại nhớ cái khoảng ruộng lúa nhà nó cách nhà thờ chỉ 2 ruộng 3 sào. Đêm nay và cả đêm mai nữa nó nghe tiếng hát của tốp nữ đồng trinh giá phận nơi nó hát “Đêm thánh vô cùng”.Tiếng hát âm u se sắt. Từ lúc bé ở nhà nó đã thầm hỏi không biết có phải chúa làm ra bài hát này không? Sao mà chúa nhân từ và hiểu rõ lòng con chiên đến thế? Bỗng có con ve đái vào mặt nó. Thiện lấy lá cây chùi chùi lên mặt. Bỗng Thiện thấy bùng lên trong đêm khuya ngập tràn tiếng ve. Tiếng ve ở rừng nghe quặn thắt.
Đêm mùa khô ở Tây Nguyên chỉ khi yên tĩnh lắm thì ve mới kêu. Cũng trong màn yên tĩnh của thinh không Thiện mới lại nghe thấy "Đêm thánh vô cùng." Tiếng hát từ trong tâm trí xa xa vọng lại. Vọng về cả màu sắc quê nghèo cả mùi hương bạn gái và mùi bữa ăn neo đơn toàn xã Thiện. Lúc ấy cũng có tiếng đạn đại bác của địch vu vú bay qua. Thiện co người, tiếng thánh ca lịm đi nhòa nước mắt nó.
“…than ôi, chúa thương người đến vô cùng. …ai ham sống lạc thú nhớ rằng chúa đang đền bù…”
Thằng Thiện khóc thật. Nó quệt má đầm nước mắt vào báng súng. Bố bầm ơi. Bố bầm xin chúa cho con về bằng yên với nhà ta. Chúa đền bù cho những chết chóc mất mát do bom đạn thằng giặc Mỹ với nhà mình được không bố bầm ơi.
Một quả pháo vút qua từ phía Pơ lây cu nổ oành phía sau cánh rừng. Tiếng ve bỗng ngừng bặt. Thằng Thiện bừng tỉnh. Tiếng thánh ca “Đêm thánh vô cùng“ tan vào lá rừng thẫm đen. Thiện bỗng thấy mắt mình ráo hoảnh. Nhưng cũng đúng vào lúc ấy Thiện nghe thật rõ, nghe thánh thót tiếng ca của tốp nữ đồng trinh giáo xứ Thượng Vũ quê mình. Chưa bao giờ Thiện thấy hay đến thế.
Thiện sắp sang tuổi 18. Làng nghèo như nước lã khiến anh em nhà Thiện chỉ học đến cấp 2 là bỏ hết. Bố mẹ chỉ cầu cho con trai mình hiền lành không làm điều ác nên đặt tên là Thiện. Lớp học sơ tán trong gò cọ ơi ới tiếng gọi nhau tiếng gõ thước kẻ vào bảng gỗ và tiếng nô đùa cả tiếng chó sủa rinh rom mỗi lúc tan trường lũ học trò trêu chó dọc đường. Mùa hè năm ấy tàu bay Mĩ lại ném bom ngoài bến đò sang ga Ẻn. Đường xuống huyện cũng bị thả bom khiến cô bạn gái học lớp 9 của Thiện phải lội tắt cánh rừng vầu sang làng bên xuống trường. Nô el năm trước. Thiện đi tắt vườn chè đón cô gái trong tốp ca nhà thờ. Thiện đi đằng sau bẻ cành chó đẻ hắc mù. Gái ơi, anh sẽ đi khám tuyển bộ đội Gái ạ. Cô bạn vẫn không quay lại. Nói, anh đi bộ đội rồi mỗi kì giáng sinh em hát “Đêm thánh vô cùng” sẽ có ai nhìn em, có ai để đón em về trong đêm lạnh? Thiện vò cái lá hắng hắc ném vào đêm khẽ khẽ
- Chúa sẽ đền bù mà em .
Cô gái đi vội lên phía trước. Nhà thờ chỉ có vài dãy nến tiểu. Mặt người nhập nhòe, ngay cả ảnh chúa cũng mờ mờ ảo ảo. Không ai nhìn rõ ai chỉ có tiếng thở của mọi con chiên thì nồng nàn vào nhau, chỉ có nước mắt rưng rưng hòa vào tiếng ca xuyên vào sương lạnh. Tiếng ca của đêm thánh yên bình trong lòng chúa.
Năm ấy Thiện nhập ngũ. Ngày Thiện lên đường Gái đang bận ôn thi tốt nghiệp cấp 3. Gái nhắn người chị họ ở gần nhà Thiện. Tờ giấy học trò gấp 8 lần nhét trong vỏ bao thuốc lá Trường Sơn viết rằng:
…” anh ơi chúa bảo rằng:
Tinh tú trên trời, sông núi trên đời
Với thánh thần mau kết lời
Cao sao hóa công đã khéo an bài
Sai con hiến thân để cứu nhân loại”
Thiện ơi anh là hoá thân đi cứu nhân loại đó anh à. Hẹn ngày về chúng mình xin chúa rủ lòng thương em nắm tay anh đi hầu chúa…”
Thế là Thiện đi.
Thiện luyện tập thao trường miệt mài. Xạ kích thiện bắn hết bài 1 bài 2 bài 3. Rồi chiến thuật bài đánh xe cơ giới, bài đánh thành phố. Sau kì dã ngoại 15 ngày trên rừng vòng cung Yên Thế trở về Thiện nhận được thư nhà. Giữa trận B52 đánh vào Hà Nội. Bom rơi vào bệnh viện Bạch Mai đúng kì Gái bị ruột thừa nằm viện. Thế là cô Gái vừa nhập trường đại học đã kịp lên thiên đàng hầu chúa. Đêm mùa đông Bắc Thái Thiện khóc một mình ngoài bụi chuối trong ca gác gần sáng. Ngày mai Thiện lên đường đi chiến đấu. Vậy là không được về thăm quê trước lúc lên đường. Trong mung lung sương lạnh ngước lên thấy khuôn mặt chúa hiền từ, lúc gần lúc xa, lúc hiền lúc dữ. Rồi bỗng chúa biến mất. Chỉ còn lại khuôn mặt Gái đầm đìa máu và tà áo trắng phập phồng trong gió cuốn, trong bản thánh ca, trong một đêm chuẩn bị vác súng lên đường.
****
Trong hành trang của người lính tên Thiện có bức ảnh chúa bé bằng bàn tay. Những đồng đội cùng hành quân có tờ chứng nhận chiến sĩ 5 giỏi. Có chứng nhận đoàn viên 4 tốt. Có người còn được cảm tình đảng. Chỉ duy nhất Thiện là không phải là đoàn viên thanh niên lao động. Thiện cũng bắn 27 điểm và chưa bao giờ bị phê bình điều gì. Nhưng Thiện không phải là cảm tình gì cả. Thiện chỉ có chúa. Chúa của Thiện bé cũng chỉ bằng những tấm giấy chứng nhận khác của đồng đội. Nhưng Thiện như người đứng ngoài mọi sự tiến lên của tiểu đội trung đội đại đội. Không biết tự lúc nào Thiện thấy mình cô đơn. Thiện nghĩ chỉ có chúa mới hiểu mới thương anh. Thiện có chúa, có linh hồn Gái mang theo là đủ. Nỗi cô đơn của Hiện thật ngọt ngào.
Có một đêm hành quân trên Trường Sơn, Thiện mang vác đỡ cho đồng đội bị tụt tạt ốm đau. Thiện xung phong đi lấy gạo cho những người bị ốm. Lúc giải lao trên đèo Thiện đứng hát vài làn điệu chèo cho anh em nghe cho vui để lấy lại sức. Những ngày trên Trường Sơn Thiện hay hát chèo. Hát điệu “Con gà rừng”.
…’ Con gà rừng/ con gà rừng/ nó mới đâụ trên nương / nó mới đậu trên nương / Kêu le te
Lính cười. Thiện cũng cười. Thiện hát tiếp :
“.. Cớ sao mi lại khóc / cớ sao mi lại khóc/ mà để cho lòng không vui / ta không vui..”
Lính ồ lên! Sao lại không vui? Thiện cười bảo, quê tôi họ đánh bẫy gà rừng nhiều lắm. Cứ ở đâu có tiếng gáy gà rừng là họ mang bẫy đến giăng. Gà khóc đấy.
Lính bảo, thôi ngày mai mày hát bài khác vui hơn đi. Mày có bài nào mà hát để bề trên phù hộ cho mình sống qua hòn tên mũi đạn mà về với cha với mẹ không?. Mày hát đi nhé. Thiện nhé.
Hôm ấy qua sông Sê Pôn. Họ bảo đây là đất Lào, con sông này chảy ngược đời từ đông sang tây đấy nhé. Máy bay ném bom chặn ngầm vượt suốt cả buổi chiều. Rừng cháy cứ hừng hực. Đơn vị không hành quân được, phải đợi đến khuya. Lúc vượt sông thì trăng đã lên. Mặt sông sáng như mặt gương. Hơi nước tỏa trên sông dưới ánh trăng như bồng lai. Dưới sông lính thở hí hóp. Qua sông đi một thôi dài lính ta gục ngủ ngay trên ba lô khi có lệnh giải lao. Bỗng có ai đó cất tiếng.
- Thiện ơi ! hát bài gì đi mày ơi.
Sương lành lạnh, trăng đã tàn, đêm cũng gần hết. Đoàn quân nhợt nhạt, lá rừng cũng như những con mắt ngái ngủ, lúc tinh thần bết bát thì thằng Thiện hát. Giời ơi! Có ai đó kêu lên. Nó hát thánh ca.
…“ Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng canh khuya giáng sinh…nhớ rằng chúa đang đền bù”…cả cánh rừng biêng biêng như rừng nằm nghiêng và gió cũng thổi nghiêng nghiêng. Bỗng có tiếng giận dữ:
- Đền bù cái gì? Ai đền bù? Không giành được độc lập tự do thì ai sẽ đền bù cho ta đây?
Mọi người bật tỉnh ngủ. Thì ra đó là chính trị viện. Ông ấy giân dữ đi vội vượt lên đến chỗ Thiện. Nắm lấy vai Thiện chính trị viện quát. Chúa hả? Chúa ở ngay trong lồng ngực mình đây này. Nói rồi ông đập đập mạnh vào ngực người lính trẻ. Cậu phải cố mà phấn đấu vào Đoàn Thanh Niên Lao Động và chiến đấu thật giỏi nghe chưa?
Thiện ngây người. Nói như một cái máy. Dạ vâng ạ! Khi chính trị viên đi rồi, anh thoáng thấy chúa hiền từ gật đầu. Cố lên con. Chúa trên cao nhìn thấy con. Cố mà bằng anh bằng em. Con phải là nhân sinh hoàn hảo trong thiên chức phụng sự cộng đồng phụng sự bề trên con à…Vâng ạ, cộng đồng của con là những người lính đang chiến đấu để giữ gìn quê hương con đấy ạ. Chúa mỉm cười…đêm Trường sơn đen sóng sánh đến vô cùng.
* * *
Có một đêm trước giáng sinh. Đại đội của Thiện tấn công vào chốt địch vừa mới ra lấn chiếm vài ngày. Bọn địch hình như cũng chán nản vì đêm giáng sinh mà cấp trên vẫn bắt đi luồn sâu lấn chiếm. Lúc tiểu đội Thiện bò vào sát tới hầm cảnh giới vẫn nghe thấy địch rì rầm và mùi thuốc lá Ruby thơm phức. Trong tiếng nổ xé trời và lửa bùng lên. Tiếng la hét và tiếng gọi mẹ gọi cha não nùng. Trời cao nguyên sáng nhóa lên rồi lại ỉm đi thì thũm mùi sương, mùi cỏ dại và mùi máu.
Thiện nhặt mấy cái dây số lính theo hướng dẫn của anh Lúa. Bỗng Thiện sờ trên ngực một người lính tử trận có cái dây thánh giá trắng bạc nhỏ xíu dính máu. Thiện nắm gọn nó trong tay lạnh như một cây kem. Đêm cao nguyên màu xanh đen, gió cao nguyên ươn ướt ở mí mắt.
Có lệnh trên: đưa hết không được xót thương binh tử sĩ và rút nhanh khỏi trận địa trước khi trời sáng. Thiện vác hai khẩu súng Ar15 thu được của quân ngụy vội vã xuống chân đồi bỗng nghe có tiếng gọi thều thào. Ông ơi làm ơn.. Thiện buông 2 khẩu súng chĩa Ak về phía có tiếng rên. Trong chớp pháo sáng nhập nhoạng tên lính ngụy bị thấu ngực đầm đìa máu anh ta khe khẽ nói. Tôi sắp chết.. cầu chúa, ông cầu …giúp tôi đi. Thiện hiểu ngay ra là người lính này cũng là con chiên Công giáo như mình. Thiện rút cây thánh giá vừa lấy được ra đặt lên mũi người lính. Trong đêm mà Thiện cũng thấy rõ mắt người lính sắp chết ấy sáng lên và môi anh chề ra như nửa nụ cười. Thiện nói rất khẽ nhưng thật rõ. Chúa nhìn thấy anh rồi, chúa sẽ đón anh về. Một loạt đạn pháo rú qua, chớp xé lên. Hai người lính nhìn nhau, tay Thiện vô tình quệt cây thánh giá lên ngực người lính. Máu dinh dính như pha sương lành lạnh. Cây thánh giá dính cả máu.
Sau trận tập kích ấy đơn vị Thiện lao vào đánh chiến dịch mùa xuân. Con đường mà địch rút chạy hãi hùng ra tận biển là cả một thời gian dài những là máu và nước mắt. Trên đường tiến đánh quân địch ra đến cửa biển đã bao nhiêu lần Thiên nhặt được những tấm ảnh thánh thường treo trong các nhà thờ uy nghiêm. Những tấm ảnh con chiên quanh chúa hài đồng thật trong sáng và hi vọng. Suốt đường chiến dịch hễ im tiếng súng là Thiện như thấy trong trí nhớ lại vang lên tiếng thánh ca. Trận đánh chặn địch ở cầu cây Me anh là dũng sĩ ưu tú. Hiện bắn cháy xe tăng và tiêu diệt vài tên lính địch. Chiến công ấy không thể bù đắp nổi tội lỗi mà anh đã vi phạm kỉ luật chiến trường. Kỉ luật Chiến lợi phẩm. Họ nói Hiện đã lấy một dây số lính đeo một cây thánh giá “. Đơn vị đã biết Thiện lấy cây thánh giá của địch. Họ bảo đó là cái dây bằng bạc. Cái cây thánh giá ấy có hình chúa Giê su là bằng vàng. Chao ôi lòng kính chúa đâu phải phân biệt ở chỗ vàng hay bạc. Chúa nhân từ cho Thiện trở về bằng an với quê nghèo với vài vết thương vừa đủ xếp hạng thương tật là tốt lắm rồi. Thiện không còn chiến công. Với Thiện tiếng thánh ca mà người ban gái cùng quê đã chết hát cho Hiện nghe ngày nào mới là bất diệt.
Ông Thiện trở về làng vào mùa đông xác xơ. Làng xóm đói kém cứ nhốc lên gò mà kiếm mây nâu hay tổ ong rừng đem ra chợ đắp đổi dành sắn rổ khoai. Ngày ra đi trẻ trai còn ngày về thì gày ngẳng ngheo sốt rét. Từ ga tàu hỏa đi đò qua sông về làng gặp người làng mà chả ai nhận ra anh bộ đội dặt dẹo ở xóm mình. Thiện quên vội những ngày huy hoàng ở đơn vị để lao vào cứu đói cho gia đình. Anh hòa vào đội quân sơn tràng liên miên lên rừng xuống dộc. Đời người chả ai giống ai, sướng khổ chả thể nói trước. Thiện lấy vợ. Vợ anh là con nhà nghèo nhất xóm. Cái duyên cái số nói trói buộc người ta với nhau. Lấy rồi mới thấy thương vợ, thương thân. Nghèo quá bỗng dưng như người có lỗi ở làng. Căn nhà lá ở cuối xóm cheo heo lối đi trên cỏ ít khi có người lui tới. Một ngày kia có mấy ông già tìm về. Họ ôm lấy ông Thiện. Mấy ông già khóc với nhau. Dân làng đồn ầm lên là ông Thiện có mạnh thường quân về giúp đỡ. Một thời gian sau nhà ông Thiện bỗng rộn rã hẳn lên. Mạnh thường quân chính là một người lính cùng đơn vị ông Hiện khi xưa mà ông Thiện từng cứu sống trong một trận đánh ác liệt ở Tây Nguyên. Trong một bữa liên hoan ông ấy kể với họ hàng nhà Thiện rằng, nếu không được ông Thiện cõng suốt đêm về phía sau thì ông ấy đã chết từ lâu rồi. Thiện ngồi im lặng lẽ trong suốt bữa liên hoan. Hồi lâu ông nhìn lên cây thánh giá nhỏ xíu gắn trên cái cột gỗ. Cái thánh giá thật là cô đơn vì căn nhà ông Hiện không hề có đồ đạc gì đáng tiền. Ông nói với đồng đội mình.
- Chúa rồi sẽ đền bù cho ta….chúa đang đền bù đấy đồng đội ơi
***
Nhớ lại
Có một đêm theo người làng đi lên Mâu A Ngòi Hóp mua sắn về cứu đói cả nhà. Hồi ấy cả vùng Phú Thọ đói kém. Đói lắm. Hết chiến tranh, người lính về nhà sao mà khổ thế. Chả nhẽ cứ ở mãi trong bộ đội lại còn có cơm mà ăn. Ngồi nhung nhúc trên sàn tàu toàn là những trai tráng vừa qua chiến tranh nay lại lao vào cuộc mưu sinh cơm cháo. Có ai đó gọi Thiện ơi Thiện ơi. Lách qua đám đông lại chỗ nhau thì Thiện nhận ra đó là Tạ Hữu lính cùng đại đội người Lâm Thao. Hai thằng ôm nhau. Mày cũng đi mua sắn đấy à. Thiện ôm Tạ Hữu, nắm vào chỗ vết thương ở trận Củng Sơn mà Thiện băng bó cho Hữu. Hỏi, còn đau không? Tạ Hữu bảo, không đau nhưng cầm cuốc không vững nữa mày ạ. Rồi Tạ Hữu bảo đêm ấy ở Củng Sơn mày băng cho tao rồi còn huơ huơ cái thánh giá xin chúa cho tao bình yên. Hi hì, tao chả biết chúa là cái gì nhưng cũng thấy yên tâm vì có đồng đội bên mình. Nhớ chúng nó quá mày ơi, chả biết chúng nó có còn sống mà về không? Nghe nói bên tây nam ác liệt lắm.
Tiếng còi tàu khàn khàn trong đêm khuya cất lên, những thân người dặt dẹo bám víu vào nhau trong hành trình đói kém sau chiến tranh loáng thoáng dưới ánh sáng yếu ớt những ngọn đèn trên con tàu chạy dọc sông Hồng.
Hôm nay. Gíáng sinh 2018. Tròn 200 năm ngày ra đời bài thánh ca ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG ra đời. Có một người thương binh già ở vùng trung du ngồi nhìn ra bờ sông Thao trong đêm Giáng sinh. Ông ngồi đó nhớ những người bạn ông hi sinh vào đêm giáng sinh trên đường 19 ở phía tây Pơ lây cu. Ông nhớ những người bạn ông hi sinh tháng 3 dọc bờ sông Ba trên con đường từ rừng ra biển. Ông sẽ đợi vào lúc 12 giờ đêm ngày 24/12/2018. Ông đợi đồng đội và đợi cô Gái bạn ông ngày xửa xưa về hát thánh ca. Vào đúng giờ chúa ra đời, trong bao nhiêu là kỉ niệm về đêm giáng sinh người lính già khóc một trinh nữ tên Gái. Cô bạn cùng giáo xứ với ông chết trong trận bom B52 ở Hà Nội vào Giáng sinh 1972.
Nước mắt người cựu chiến binh nhòa theo tiếng ca …
” than ôi chúa thương người đến quên mình, ai ham sống trong lạc phú, nhớ rằng chúa đang đền bù”. (*)
Trong đêm ông thẫn thờ nhìn ra bờ sông Thao. Nước mùa này đang cạn. Phía bên sông có tiếng còi tàu trong sương mờ hệt như một đêm mấy chục năm trước ông lên đường ra trận.
Trung Hòa Cầu Giấy
Đêm Giáng sinh 24/12/2018
NTL
( *) "Đêm Thánh vô cùng" hoặc "Đêm yên lặng"
(tiếng Đức: "Stille Nacht";
tiếng Anh: "Silent Night")
- phần lời gốc do linh mục Josef Mohr viết bằng tiếng Đức
- phần giai điệu do nghệ sĩ organ Franz Xaver Gruber sáng tác năm 1818. Hoàn thành vào đúng ngày 24/12/1818 cả hai đều là người Áo.
Ca khúc này đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào tháng 3 năm 2011
ảnh minh họa là của anh Thảnh trung đoàn 64 f320

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]