Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Về nơi 40 năm trước lần đầu tiên mặc áo lính

Trần Vũ Liệu - CCB 1040

Ngày 27 tháng 5 năm 2012 chúng tôi lên đường về thăm lại cầu Ca, một địa danh in dấu những tháng đầu nhập ngũ và huấn luyện trước khi đi B của các CCB đoàn 1040 đại học Cơ điện . Chiếc xe 7 chỗ inova của anh Quỳ, CSV k4-k8 đưa chúng tôi từ TP Thái Nguyên, theo hướng Phú Bình, đi chừng 40 cây số thì đến cầu Ca.


Ngã 4 thị tứ Cầu Ca
Cầu Ca kia rồi!
Cảnh vật bây giờ so với ngày ấy giờ đã đổi thay nhiều, tuy nhiên hình dạng ngã ba tại khu vực cầu Ca vẫn vậy, vẫn là một thị tứ nhỏ với dăm chục nóc nhà chủ yếu là các hàng quán dịch vụ san sát bên nhau. Chúng tôi hỏi thăm để tìm một quán ăn thì được một anh xe ôm chỉ sang một quán ăn nhỏ, nhìn bề ngoài cũng xuềnh xoàng song vào bên trong lại được một chỗ ngồi mát mẻ với hàng hiên rợp bóng mát và hai ba bộ bàn ghế ăn rộng rãi.  Mọi người ngồi nghỉ ngơi uống nước trong khi Hội trưởng Quỳ đã chạy biến đi đâu mất, và lúc sau về thì đã tuyên bố gặp lại một em năm xưa, người em bán nước năm nao tên Hằng, giờ đã thành bà chủ một đại lý trong phố. Chúng tôi ngồi ăn bữa cơm đạm bạc rau dưa, canh cà pháo với thịt kho, trứng rán mà trong lòng bồi hồi.
Cầu Ca ơi, có ngờ đâu sau 40 năm chúng tôi lại được về bên cầu Ca thân yêu, nơi ghi  dấu của chúng tôi một thời thanh niên trai trẻ với bao hoài bão ước mơ để rồi phải gác lại mà cầm súng lên đường từ đây đi vào chốn đạn bom mà mấy ai nghĩ đến ngày quay lại.
Ăn xong Hội trưởng Lý Quỳ dẫn cả đoàn sang bên quán “em” Hằng để uống nước và giao lưu. Tiếp chúng tôi là một phụ nữ luống tuổi, tóc đã nhuộm đen bao quanh một khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu. Chị đi ra đi vào, vừa bán hàng vừa tiếp chúng tôi với vẻ cảm động ra mặt. Chuyện đời, chuyện nhà, chuyện ngày ấy đan xen nhau không dứt… để đến bây giờ thì chị đã 58 tuổi rồi, góa bụa và các con đã khôn lớn.  Chị nói “Em nhớ các anh bộ đội ngày ấy lắm, nhưng cũng hiếm có anh nào quay lại với cầu Ca chúng em”. Đúng là hiếm có một cuộc gặp mặt như thế này, không phải là là những người họ hàng nhận nhau, cũng không phải là những người bạn xa nhau lâu ngày gặp lại, mà là hơn thế, là những người từ đây ra đi, đã 40 năm rồi lại lần về theo kỷ niệm. 
Chị phân trần là không nhận ra chúng tôi, đúng, chị nhận ra sao được khi mà năm ấy hết lớp này đến lớp nọ đến đóng quân ở đây, họ đến quán chị uống nước, nói dăm ba câu chuyện, rồi ra đi. Có thể có anh yêu vụng nhớ thầm chị, có thể có anh nhớ chị về một nụ cười, một cái liếc trộm đầy ý tứ,… tất cả, tất cả họ đều mang theo bên mình, để rồi 40 năm họ lại mang về đây những kỷ niệm như còn tươi rói ấy. Hội trưởng Lý Quỳ là người nhớ nhất những kỷ niệm xưa ấy. “Hồi ấy tớ với thằng … hay ra đây, đúng chỗ này ngồi uống nước, em có còn nhớ anh …., anh ….không?”. Kỷ niệm đua nhau hiện về làm chủ lẫn khách đều bồi hồi nhớ lại.
Vì thời gian ko còn nhiều, còn phải thực hiện nốt mục tiêu chính là tìm lại nơi đóng quân năm xưa nên đoàn xin phép chia tay. Cả đoàn tập trung chụp ảnh kỷ niệm với “em” chủ quán trước cửa quán rồi lên đường.
Từ cầu Ca, đi vào nơi đóng quân phải đi một quãng đường chừng vài trăm mét, sau đó là rẽ. Tuy nhiên rẽ chỗ nào và rẽ phải hay trái  thì lại nổ ra cuộc tranh luận. Dũng chít cho rằng phải đi xa hơn và rẽ trái, nhưng 3 người là Quỳ, Liệu, Cường thì khẳng định là đi gần thôi và rẽ phải. 
Cuối cùng thì sự thật cũng nghiêng về phe đa số. Và đặc biệt là nhờ trí nhớ của a Cường về gia đình nơi các anh đóng quân. A Cường nhớ chính xác tên bác chủ nhà và đặc biệt là tên cô con gái lớn của bác chủ nhà ấy và, chỉ nhờ vào hỏi dò thông tin về mấy cái tên ấy mà chúng tôi tìm ra nơi đóng quân của đoàn 1040.
Sau một hồi hỏi đường thì con đường đất từ nơi đóng quân ra cầu Ca cũng dần được nhận ra. Vẫn là con đường ấy, hai bên vẫn là ruộng lúa xanh ngút ngát, và đó chính là thôn Phú Thanh, xã Thanh Ninh, Huyện Phú Bình, Bắc Thái (Thái Nguyên).   
Đến đầu thôn thì có sự phân vân về cái sân kho hợp tác xã ngày xưa, khi mà ngày đầu nhập ngũ, trưa ngày 29/5/1972 chúng tôi tập trung tại sân này lúc mà nắng giữa trưa đổ xuống cái sân gạch làm mấy chiến sĩ mới ngã quỵ vì say nắng. Thông tin ban đầu là : nhà văn hóa khang trang gần đường mà chúng tôi vừa đi qua là cái sân kho đấy, nhưng linh tính mách bảo chúng tôi là ko phải. Thẩm tra lại bằng cách tìm người già để hỏi thì đúng thật. Sân kho ngày xưa ấy ko phải là nhà văn hóa bây giờ mà là một trường tiểu học ngay bên cạnh chỗ chúng tôi đang đứng, từ con đường đất đỏ rẽ vào chừng 200m. Theo người dân đó kể lại thì ngày xưa đó chính là cái sân kho hợp tác, là nơi từng là bếp ăn của nhiều đoàn quân huấn luyện tại đây. Vậy thế là đúng rồi. 
Nơi đây là sân kho hợp tác ngày xưa


Cảnh vật giờ đã thay đổi nhiều, chỉ còn lại khoảnh sân trong ký ức, còn thì xung quanh sân đã là các phòng học và sân chơi của các cháu nhỏ của một ngôi trường tiểu học. Còn đâu cái cảnh những trưa hè nắng gắt, dưới cái nóng hầm hập bên các chảo cơm, chảo canh các chị nuôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại chia cơm cho các chú tân binh ăn sau những buổi tập luyện vất vả năm nào.
Sau một hồi cố lục lọi lại trí nhớ về cái sân kho ngày xưa, chúng tôi cũng chụp ảnh ghi lại hình ảnh cái sân ấy rồi lại lên đường đến thăm gia đình bác chủ nhà ngày xưa.
Con đường đất đỏ đi qua đồng lúa, rẽ phải vào một con đường nhỏ bằng bê tông mới lên dốc vào một sườn đồi thì đến. Đó là một ngôi nhà trên lưng chừng một ngọn đồi thấp bằng gạch cũ ba gian mà phong cảnh đã nhuốm màu thời gian với  mái ngói bằng gạch ta cũ kỹ.  Căn nhà với các cửa đóng kín trong khung cảnh làng quê yên tĩnh bỗng trở nên ồn ào với một nhóm khách ko mời mà đến . 
Có tiếng í ới bên trong, một lúc thì các cánh cửa được mở ra. Bên trong có hai ông bà già đang ngồi. A Quỳ nói to : “ Kính thưa gia đình, chúng tôi là anh em CCB đại học cơ điện, , nay về thăm lại nơi đóng quân năm xưa tại đây. Có phải đây là nhà bác Cẩn không ạ !” Cũng chưa kịp nghe câu trả lời thì a Cường đã rối rít nhận ra cái phản gỗ cũ mà ngày xưa anh thường nằm trên đó, tại vị trí đó. A Quỳ cũng đã nhận ra cái nền nhà ngày ấy tiểu đội các anh nằm lăn lê bò toài, hồi đó ngoài trời nóng bức anh em lính toàn lăn ra nền nhà ngủ, mát lắm. Thế là tay bắt mặt mừng. Thế là kỷ niệm xưa ùa về. Chị chủ nhà ngày ấy nay đã thành bà cụ già trên bẩy mươi, móm mém nhưng mừng vui khôn xiết, ấp úng không nói thành lời. Còn anh chủ nhà ngày ấy thì giờ đã thành ông lão 77 tuổi, vừa rồi không may dính tai biến não nên phải nằm liệt trên chiếc giường bên cạnh. Bác tuy không nói được song vẫn nghển cổ nhìn không chớp mắt sang các chú lính ngày xưa và hình như cũng cố gắng nhớ lại những gương mặt thân quen mà mình đã bao bọc nuôi nấng ngày nào.
Cũng may là ngôi nhà qua bao nhiêu thời gian vẫn giữ được dáng vẻ xưa. Vẫn ngôi nhà chính ở giữa và hai gian phụ hai bên, ở giưa là cái sân gạch. Cảm động nhất là anh Cường và anh Quỳ với các hồi ức không thể nào quên. Anh Cường nhớ như in chỗ cây trám sau nhà mà ngày đó anh và cô bạn gái ngày ấy đã ra đứng dưới gốc cây tâm sự mỗi lần cô lên thăm anh.
Ngồi một lúc thì cô con gái bác chủ nhà được anh chồng đèo đến. Cháu Nhang ngày xưa (hồi đó mới 15 tuổi, còn bé lắm, không như tuổi 15 bây giờ) giờ đã thành một bà nông dân 55 tuổi, dáng vẻ dầu dãi nắng mưa. Còn ít lắm những nét thân quen của cô bé Nhang ngày nào nhưng giọng nói, dáng đi thì vẫn như thuở ấy. “Bà” Nhang cứ níu lấy chúng tôi, vồ vập lấy từng người như gặp lại người thân sau bao năm xa cách. “Ôi chao ơi, em thật không ngờ lại gặp các anh, quý hóa quá các anh ơi” “Các anh bây giờ ở đâu, cuộc sống, gia đình ra sao mà các anh trông khỏe mạnh thế” “ở Hà Nội cả à, thích thế…” và rồi bất chợt chỉ mặt anh Cường rú lên “ôi trời, em nhận ra anh này rồi, bây giờ em mới nhận ra cái anh này, cái anh này có cái mái tóc xoăn xoăn, ối giời…” cứ thế, cứ thế những kỷ niệm tuôn trào và “bà” Nhang cũng dường như trẻ lại với những hồi ức năm xưa.  Tôi hỏi đùa “thế có cháu nào trên dưới 40 tuổi không có bố ở quanh đây không ?” Nhang cười to, liếc mắt về phía anh chồng đang ngồi hiền lành gần đó “Không có anh ạ…, à có đấy, nhưng không phải của các anh mà là của… một người ở đây” Phá ra cười. Chà, thế đấy, đúng là quân cơ điện có khác, nhiều khi chỉ mạnh mồm thôi chứ chả có ai hồi đó dám mà để lại “hậu quả” ở đây.  



Chúng tôi ngồi hàn huyên với gia đình một lúc lâu. Anh Cường và anh Quỳ gửi hai bác chủ nhà một khoản tiền nhỏ giúp bác giai chữa bệnh, cho em Nhang địa chỉ và số điện thoại để tiện liên hệ sau này. Rồi cũng đến lúc phải chia tay mặc dù vợ chồng Nhang cố giữ lại “ở đến mai hãy về”. Nhang thay mặt bố mẹ luýnh quýnh tiễn chúng tôi ra tận ngoài đường với những cái bắt tay siết chặt, những lời chúc các anh như ngày nào các anh đi vào chiến trường. “Các anh đi mạnh giỏi, có dịp nào lại về thăm gia đình em nhé”. Anh Cường thoáng chút bịn rịn khi nhớ lại ngày ấy khi các anh lên đường, vợ chồng bác chủ nhà tiễn ra đầu nhà và khóc như đưa tiễn người thân ra trận mà không nghĩ có ngày gặp lại.
Chia tay gia đình người chủ nhà năm xưa, nơi chúng tôi đóng quân thuở ban đầu nhập ngũ, chúng tôi lên xe bồi hồi xúc động nhưng lòng thanh thản. Riêng tôi, mặc dù không tìm ra được ngôi nhà nơi tiểu đội tôi ở, song tôi cũng tự an ủi rằng ngôi nhà nào cũng như nhà bác Cẩn em Nhang vậy, cũng là những ngôi nhà ấm cúng tình người trong chiến tranh, ở đó có những con người bình dị, quê mùa chất phác song lại có tấm lòng che chở bao dung cho mọi lứa thanh niên như chúng tôi trong quãng đầu đời dấn thân vào khói lửa của cuộc chiến. Đã 40 năm trôi qua, nhưng những địa danh, những ngôi nhà với những con người thân thương ấy sẽ còn mãi mãi ghi sâu trong tâm trí chúng tôi, những người lính sinh viên cơ điện của đoàn 1040 năm nào.

TVL





6 nhận xét:

  1. hay . Thế chứ . Chả có ai tự đánh mất tự quên đi những ngày ấy cả Liệu và các bạn nhỉ . Cơ điện đã về được đến Cầu Ca dù ít nhưng xúc động thì vẫn đủ như đông người

    Trả lờiXóa
  2. Chuyến đi Cầu Ca và đến thăm gia đình chủ nhà cũ thật xúc động và có nhiều ý nghĩa mà đến giờ tôi vẫn thấy bồi hồi . Cám ơn TVL đã nói ra hộ những gì mà tôi chưa nói được .Chúng ta được như ngày nay là bởi đã có những tháng ngày ,những kỷ niệm như thế .
    Kỷ niệm không còn gì ,khi thời gian bôi xóa
    Nhưng vẫn là tất cả ,khi lòng ta còn ghi

    Trả lờiXóa
  3. Cường k7 ngày 31/5/2012lúc 21:26 31 tháng 5, 2012

    Không có ảnh của gia đình và các CCB ?

    Trả lờiXóa
  4. Cường ơi hãy chờ bài của a Nghiêm Cường mới đăng amh cho đúng ý nghĩa chứ .Đừng quá sốt ruột như vậy nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Em Hằng - Cầu Ca đấy ,còn "Ngon" đấy chứ . Hội trưởng Quỳ ngồi cạnh ,nghi lắm...

    Trả lờiXóa
  6. Xem lại cái ảnh sân kho ngày trước thì nơi đầu tiên lính Cơ Điện đặt chân đến là xóm Hòa Bình chứ không phải Phú Thanh. Sau đó chắc C2 (C Cơ Điện) đóng quân trên 2 xóm này....

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]