Nghiêm Xuân Cường
1
Trong mỗi người, ai chẳng có những mốc thời gian, những kỉ niệm… không thể nào quên mà nó đi theo ta suốt cuộc đời. Hôm nay, giở lai cuốn nhật kí cũ, đọc lại những trang của ngày này năm ấy mà tôi không khỏi bồi hồi, dường như tất cả vẫn đang hiển hiện trước mắt. Nhân dịp kỉ niệm 39 năm ngày lên đường tôi muốn chia sẻ cùng các chiến hữu và các bạn những trang nhật kí đó của tôi, để cùng hồi tưởng, nhớ lại.
Ngày 16/8/1972. 2h chiều báo động trung đội, nhét vội mấy thứ vào ba lô, khoác ra tập trung, linh cảm như mách bảo có sự việc chi đây? Đúng vậy, B trưởng phổ biến ngày mai đại đội sẽ đi B, còn ngay bây giờ tiểu đội tôi đi tiền trạm trước. Tuy đã chuẩn bị tinh thần cách đây hàng tháng nhưng sao vẫn thấy bàng hoàng, đột ngột. Tranh thủ tôi chay vội về nhà ở. Anh chị Cẩn, cháu Nhang ra đồng, nhà chỉ có bà mẹ, tôi ào vào nắm tay bà: chào mẹ, chúng con đi, con gửi lời chào anh chị và cháu. Dù đã chia tay biết bao đợt quân nhưng tay bà vẫn run run, nghẹn ngào chúc chúng tôi lên đường may mắn - cảm động quá. Trời mưa nặng hạt, qua màn mưa tôi cố nhìn lần cuối những ngôi nhà, sân kho, con đường... Chào nhé Thanh-Ninh, chào nhé Cầu-Ca. Chắc đây là lần cuối. Sau một chặng đường hành quân mệt nhọc, chúng tôi tới cầu Mây - Phú Bình. Nghỉ đợi mai đón quân.
Ngày 16/8/1972. 2h chiều báo động trung đội, nhét vội mấy thứ vào ba lô, khoác ra tập trung, linh cảm như mách bảo có sự việc chi đây? Đúng vậy, B trưởng phổ biến ngày mai đại đội sẽ đi B, còn ngay bây giờ tiểu đội tôi đi tiền trạm trước. Tuy đã chuẩn bị tinh thần cách đây hàng tháng nhưng sao vẫn thấy bàng hoàng, đột ngột. Tranh thủ tôi chay vội về nhà ở. Anh chị Cẩn, cháu Nhang ra đồng, nhà chỉ có bà mẹ, tôi ào vào nắm tay bà: chào mẹ, chúng con đi, con gửi lời chào anh chị và cháu. Dù đã chia tay biết bao đợt quân nhưng tay bà vẫn run run, nghẹn ngào chúc chúng tôi lên đường may mắn - cảm động quá. Trời mưa nặng hạt, qua màn mưa tôi cố nhìn lần cuối những ngôi nhà, sân kho, con đường... Chào nhé Thanh-Ninh, chào nhé Cầu-Ca. Chắc đây là lần cuối. Sau một chặng đường hành quân mệt nhọc, chúng tôi tới cầu Mây - Phú Bình. Nghỉ đợi mai đón quân.
Ngày 17/8/1972. Cả đại đội chính thức lên đường, chiều đại đội đến. Nghe nói tối qua có cuộc chia tay với địa phương, chi đoàn vui lắm, không được dự, tiếc thật!
Ngày 19/8/72. Hôm qua, ngày 18/8 /1972, 4h30 còi báo thức, chúng tôi tập trung sơ tán ra rừng phát quân trang. Ồ! lạ quá, cho đến lúc này tôi vẫn không ngờ rằng mình đã đi B, trước kia tôi vẫn chưa hình dung nổi. Phát quân trang, trang bị, tất cả đều mới tinh, đầy đủ, lại có cả huy hiệu sao vàng trên nền xanh, đỏ gắn lên mũ cối – như thật. 12h cả D (tiểu đoàn) tập trung làm lễ xuất quân, thế là từ giờ chúng tôi đã trở thành những giải phóng quân rồi. Đoàn chúng tôi là 1 đơn vị Đ 1040. Chúng tôi hành quân ra ga Lương Sơn. Tầu chạy, lúc này tôi mới thực sự thấy mình bắt đầu đi xa. Những cảnh vật dần lùi về sau, những cánh tay thò qua cửa tầu vẫy chào mọi người. Chào quê hương ở lại – chúng con đi.
Gần đến ga Phổ Yên. Trên cánh đồng một toán thanh nữ đang làm cỏ lúa, tiếng chào "đi nhé" từ trên tầu ồn ã. Một cô gái như nhận ra người thân, quẳng cào cỏ, lội lên bờ chạy đuổi theo đoàn tầu đang dần vào ga. Không đỗ lại, tầu vẫn chạy, tôi ngoái lại dõi theo. Khi cô chạy đến ga thì tầu đã đi một quãng, cô ôm choàng lấy một cô gái khác, rồi cả hai cùng từ từ khịu xuống, chắc do quá mệt và tuyệt vọng. Tai tôi như vẳng nghe tiếng gọi: Anh ơi! Hình ảnh đó làm sao quên được. Còn mình nữa, biết có gặp người thân trước khi đi mãi không???
Khoảng 12h đêm về đến ga Yên Viên. Xuống tầu, hành quân về ga Hà Nội. Qua cầu treo sông Đuống, đoàn quân làm cây cầu chao lắc dữ dội (do đi đều bước), dưới cầu nước sông Đuống đục ngầu chảy xiết, quá sợ!
Đến cầu phao sông Hồng, báo động máy bay. Ngồi đợi báo yên thì gặp Tường Long - thật bất ngờ, Long đang từ trường về nhà (Long học cùng tôi 3 năm cấp 3, lên ĐH Cơ Điện lại học cùng lớp) chỉ kịp bắt tay hỏi mấy câu, Long vội vàng đi chào hỏi các chiến sỹ khác cùng khóa. Khi báo yên, tiếp tục qua cầu, về ga Hàng-Cỏ cũng chẳng thấy Long đâu. Đã kịp hỏi han, nhắn nhe gửi gắm gì về nhà đâu mà đã biến –tệ thật.
Gần 2 giờ sáng vào sân ga, chuẩn bị lên tầu tai tôi như nghe thấy tiếng gọi: Anh Cường ơi! Tiếng, như tiếng cái Uyên (em gái tôi) vọng tới. Tôi chạy ra thì đúng rồi, cả bố, mẹ, Uyên. Thoáng ngạc nhiên thì Uyên vội nói: anh Long về nhà báo nên mọi người mới biết mà ra đây. Mẹ ôm lấy tôi nói nhỏ: con về nhà đi, mai chú đưa lên trung đoàn chú, không sợ mang tiếng đào ngũ đâu, chú dặn thế. Nhưng tôi vẫn quyết: thôi Mợ cứ để con đi cùng đơn vi, cả nhà cứ yên tâm con sẽ về mà. Biết tính tôi, mẹ không nói nữa chỉ căn dặn tôi đủ điều, nhưng tuyệt nhiên không hề khóc! Bình thường rất dễ khóc và xúc động nhưng khi cần thiết mẹ lại tỉnh táo, rắn rỏi lạ thường, còn bố chỉ đứng nhìn tôi, cái Uyên thì níu áo tôi thút thít mà chẳng nói được gì. Tầu chuyển bánh tôi vôi dúi vào tay cái Uyên gói giấy nhỏ bảo về nhà mới được mở ra. Chắc khi mở thấy đó là 2 ảnh chân dung 3x4 cùng 1 cái phim mà tôi mới chụp ở Cầu Ca hẳn cả nhà hiểu ý tôi, sẽ khóc ghê lắm! Ôi thương bố mẹ quá! Dù sao trước khi đi được gặp cả nhà cũng thấy nhẹ người .
Qua gác chắn Khâm Thiên mọi người quẳng thư xuống ghê quá, tin rằng những lá thư đó sẽ đến người thân .
Qua công viên Thống Nhất, kia là quán Gió. Dưới ánh điện phòng không lờ mờ tôi nhận ra cây si già, dưới gốc là cái bàn mà mỗi khi vào quán nhất thiết phải ngồi chỗ đó uông cà phê đá. Kia nữa là cây nhãn um tùm mà hồi ôn thi tốt nghiệp PT tôi hay ngồi ôn bài…
Đến Ngã Tư Vọng, không còn đèn nữa, trời tối hẳn mắt tôi nhòe đi. Thôi nhé! Chào Hà Nội, chào Bố Mẹ, chào tất cả người thân! Con đi, chưa chắc có ngày về.
Đoàn tầu đưa chúng tôi về ga Thường Tín. Đến 6 h về đến nơi nghỉ. Sau hơn 1 ngày đêm liền hành quân mệt mỏi vô cùng. Tranh thủ ngủ một chút rồi đi lĩnh lương thực, thực phẩm. Đêm nay sẽ đi tầu tiếp – vô Nam.
……
gửi Nghiêm cường .
Trả lờiXóabạn đã từng ghi chép như thế , những trang ghi chép của bạn bây giờ thành tài sản chung của bọn lính CĐ chúng mình . Mong bạn đừng giữ kín nữa nó sẽ giống như tấm áo đẹp mà cất đáy hòm thôi . mang ra cho anh em cùng ngẫm nghĩ mà nhớ Cường nhé.