Tặng lính C1 công binh đoàn 1040
những người tham gia lấp ngầm nước lẻ-trà gùi,Quảng Nam
Cái rét bám vào daRúc sâu từng thớ thịt
Khắp người nổi da gà
Răng gõ đàn loạn nhịp
Trên ngầm sâu nước xiết
Bộ đội đứng thành dây
Đá to nhỏ chuhền tay
Quyết lấp ngầm nước lẻ
Đá con cùng đá mẹ
Đá trắng rủ đá xanh
Từ thùng xe lăn nhanh
ùm ùm lao xuống nước
Đá theo nhau lũ lượt
từng khiêng tiếp từng khiêng
Trên "ki" đá nằm im
Chân người đưa xuống bến
Giữa dòng sông thủy chiến
Nước và người đánh nhau
Sông cướp đá trôi mau
Người đan phên chặn lại
Lũ réo sôi quằn quại
Sóng trào bọt ngầu lên
người kéo ghì đầu phên
Mắm môi tay nắm chặt
Đá đâu rồi tới tấp
Tay bật máu lưng đau
Xe lùi ben ,chút mau
Đá xuống dòng hối hả
trời mùa ĐÔNG buốt giá
Đốt lửa hai đầu bờ
tê cóng chạy lên hơ
ấm rồi nhao xuống nước
Ngầm vươn dần phía trước
Ngầm nổi dần chiều cao
xe trút đá ào ào
Cho hai đầu hàn khẩu
Mặc mưa rơi rét thấu
Lưng cơm sắn cầm hơi
Ngầm ta lấp xong xuôi
Đón mùa khô thắng lớn
Ngã 3 sông Trà gùi-nước lẻ 12/1972
Một bài thơ rất hay về sự dũng cảm của lính công binh .nó chân thực và rung động lòng người .Có điều không biết tác giả là ai,và thời gian đó có nhứng chiến binh cơ Điện nào tham gia không.
Trả lờiXóaLính C1 là lính Sư phạm là chính. D69 có 4 C: C1 - sư phạm VB, C2 - Cơ Điện, C3: Cơ Điện bổ sung + các trường Y, Trung cấp... C4: Sư phạm bổ sung + các trường khác, công nhân Gang thép...
XóaVào trong B1 có bổ sung thêm một số lính cũ.
Tác giả chắc là một CCB C1, bài được đăng tự động qua hộp thư nên không biết tác giả thực sự vì người đăng giấu tên....
Tôi rất thích khổ thơ cuối cùng:
Trả lờiXóaMặc mưa rơi rét thấu
Lưng cơm sắn cầm hơi
Ngầm ta lấp xong xuôi
Đon mùa khô thắng lớn
Lấp ngầm sông Nước lẻ -Trà gùi có nhiều lính đoàn 1040:ngân hàng ,Y khoa ,sư pham...và tôi chắc chắn có dân CƠ ĐIỆN đấy là: NGUYỄN VĂN TẾ
Chào tác giả
Trả lờiXóaTôi chắc chắn bạn là lính C1, ĐH sư phạm cùng 1040 với chúng tôi của những năm 72-75.
Đọc bài này , không thể không đọc thêm vài ba lần, vì nó thực quá. Đọc mà vẫn nhớ cái rét tái tê những ngày đông, tức là những ngày mưa dầm - mùa mưa , mưa tầm tã ngày qua ngày khác , cả nửa tháng trời không hửng lấy nửa buổi. lính vẫn phải bám tuyến, bám ngầm. Tối về quần áo hong trên đống lửa, mùi ám khói hôi như bà con dân tộc kàtu.Mình còn nhớ , mưa dài ngày đến nỗi, khi bất chợt 1 người nhìn thấy sườn núi bên kia , le lói 1 tia nắng, cả lũ reo lên, như gặp đc người con gái đẹp.
Bên c2 không có công trình làm ngầm lớn như các bạn, nhưng cũng chứng kiến quân mình làm ngầm sông Tranh, các rọ đá trôi băng băng, lính ngâm lâu trong nước da tái xám, môi thâm xì, lẩy bẩy chia nhau từng hơi thuốc "rê' dân tộc...
Thôi không kể khổ nữa nhé, vì mọi thứ đều qua rồi, cái quan trọng là chúng mình đã đi qua, đi qua trông tư thế của những người lính hiểu rõ công việc của mình. Không những thế, còn viết lại được những hình ảnh "đẹp" của mình và bạn bè mình, Điều mà chỉ có được ở những anh lính có học, yêu mình, yêu bạn mình,mới tìm thấy vẻ đẹp - tạm gọi là vẻ đẹp anh hùng nhé, ghi lại đc ... chắc hẳn Tác giả ngày ấy phấn đấu cũng "ác" lắm
đây.
Bài thơ 5 chữ truyền thống, thuộc dạng khó làm, nhưng bạn làm được khá dài, vừa đủ, truyền tải được , khắc họa được ít nhất 1 năm , mà thuộc năm vất vả nhất trông thời gian chúng mình ở B. Cách gieo vần khá nhuyễn, giữ được nhịp , đọc không bị khiên cưỡng vì chất "phấn đấu vào Đảng", hô khẩu hiệu một chiều như thường gặp. Đặc biệt, còn nhớ mỗi tháng hồi đó phải làm 1 bài báo tường... dù là tác phẩm báo tường hay cảm tác của bạn thì tác phẩm này cũng ở tầm cao nghệ thuật, có gần, có xa, có viễn cảnh huy hoàng thắng lợi của cuộc chiến, trong đó có phần góp công của những anh lính công binh C1.
Bạn ơi, hơn 40 năm trôi qua rồi, bạn vẫn còn lưu giữ được kí ức này, bài thơ này, chỉ riêng điều này xin Bạn hay nhận ở tôi sự kính trọng.
Tôi viết đến đây, lại thấy âm hưởng bài hát " cầu phao bắc qua sông, ta nối mạch máu giao thông, mặc cho chúng nó bắn phá điên cuồng đêm đêm...'
Bài thơ của bạn giàu chất nhạc lắm, Ai ơi, Cảm xúc thêm tý nữa, phổ nhạc cho bài thơ này, để , biết đâu, chúng mình có bài hát của riêng anh em 1040 chúng mình, để sau này mỗi khi gặp nhau, lại hát, và hát về sông Tranh, Trà gùi, nước Lẻ, nước Mỹ, sông Tang, sông Rin, Thò lò...
Bất chợt, bột phát 1 ý nghĩ lạ lùng về tìm tên tác giả bài thơ này. Chắc chắn là Vũ Văn Châu, lính C1, trước ở sinh khóa 4, nay giảng dạy học ở Học viện HCM. Bởi vài ba năm gần đây, thi thoảng gặp nhau, Châu cũng nhiều vương vấn những tháng năm tươi đẹp ấy lắm, cũng hẹn hò sáng tác...
Nếu cảm nhận của tôi mà đúng, thì Chào Vũ Văn Châu, anh em các C của 1040 chào đón Châu và hân hạnh thưởng thức những tác phẩm trong sáng của Châu.
Lạy trời tôi đúng, còn không âu cũng là anh em mình cả, Chỉ có những người lính 1040 tháng 5/ 1972 mới viết được đúng và hay thế này.
Trân trọng. trác Dũng, lính C2
Tôi chân thành Cảm ơn tác giả bài thơ, cảm ơn các bạn, nhất là bạn Trác Dũng cho tôi nhớ lại thời kỳ đó.Chiến đấu với địch nó gian khổ là vậy nhưng chúng ta đều được sự công bằng ở tình cảm của con người.Bẵng đi thời gian dài hơn 40 năm chiến đấu với cơm, áo, gạo, tiền,...( Mà những thứ này biết bao giờ đủ với Con Người)Nay do tuổi tác chúng ta mới giật mình sống cho chính chúng ta, đồng đội và người khác.
Trả lờiXóaNhững năm tháng làm công binh mở đường, xẻ gỗ,....rất đáng trân trọng lưu giữ trong tôi, và tôi nhớ :Hồi đó tôi có biết đ/c Phạm Văn Thành, Sinh viên văn Sư phạm Việt Bắc(Đơn vị có 2 đ/c Thành SV Sư Phạm VB). Anh Phạm Thành có làm nhiều thơ và có một số bài đăng tạp chí Văn nghệ giải phóng tôi còn nhớ có bài : NGHỈ TRƯA
Trưa ta tạm dừng tay
Giữ choòng và quai búa
..............
Dẫu mai về thị thành
Nằm giường nhung trải mượt
Vẫn không sao quên được
........
Ngày ta đi mở đường
.............
Bài thơ hay, đủ ý tứ, dài vừa nhưng tôi chỉ nhớ có vậy
Nếu bạn nào nhớ bổ sung thêm hoặc các bạn bên SPVB hoặc Tác giả thì càng hay.
Xin chúc cho Các Cựu chiến binh chúng ta: Mạnh khỏe, vui tươi, gặp nhiều may mắn.
Đoàn Văn Tỵ C2