Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

TRỞ VỀ CỦ CHI

Luân CCB K5

( Tiếp theo
- bài viết không dành cho người không thích đọc dài )
***************
.....Hai tuần sau chúng tôi lại kéo quân về Đồng Dù. Lại bắt đầu ngày thao trường tối hội họp bình xét. Nhóm đi tập duyệt binh, nhóm quay trở lại Tây Nguyên tìm hài cốt qui tập đồng đội, có cả nhóm đi về lại Tây Nguyên để đóng phim những hai tháng trời, chúng nó cứ hùng hục đánh trận giả đến là vất vả để có những thước phim quý hóa sau này. Lại có cả bọn bỗng chốc quên đi những chiến công oanh liệt chói lọi của người chiến thắng, cứ quần đùi cởi trần đi tăng gia ......nuôi lợn gà ngan vịt ... trồng rau.
Lính thì bận kiểu lính cán bộ bận kiểu cán bộ . Căn cứ Đồng Dù ngoài Sư đoàn tôi còn thêm cả E7 công Binh , cả D xe cơ giới quân đoàn và một E pháo binh, 1 e pháo phòng không quân đoàn nữa. ...nhiều lắm. Lính tráng như tôi chỉ biết được vài đơn vị ấy là nghe bọn đồng hương gọi hỏi nhau mà biết thôi. Căn cứ đông nghịt người và đêm đêm đèn điện sáng như phố phường. Lần đầu tiên trong đời được thấy nơi ở của mình oai đến thế viết thư về nhà kể mẹ ơi giải phóng rồi chúng con sướng lắm. Khu gia binh giờ phá hết những dãy bếp những mảnh vườn chỉ để trụi thùi lụi những ngôi nhà ở đập thông tường nối với nhau dài dằng dặc . Tháng 6/75 đội Văn nghệ Sư Đoàn được thành lập. Tôi cũng được gọi lên đội và ở đó tập tành gấp rút trong nửa tháng để rồi đi biểu diễn với bà con trong huyện Củ Chi. Lúc này nhạc cụ lấy được của đoàn quân nhạc trong Đồng Dù nhiều lắm. Chả có trình độ mà chơi những loại nhạc cụ cao siêu, lính chỉ lấy ghi ta, trống và chũm chọe lùng bùng lèng phèng suốt ngày. Mới giải phóng, có đủ ăn lại yên hàn không lo bom pháo, hơn nữa đội Văn nghệ được cưng lắm. Diễn viên toàn lính cũ dưới đơn vị hồi trên Tây Nguyên . Qua chiến dịch đã hi sinh mất vài đứa, lại gọi bổ sung dưới đơn vị lên. Thú thật tôi tự hào lắm vì được lên đội Văn Nghệ Sư đoàn. Chả biết đơn vị khác thế nào chứ ở Sư đoàn tôi hát hay đàn giỏi mà chiến đấu tụt tạt thì đùng hòng lên đội Văn Nghệ. Các thủ trưởng bảo không thể thấy một thằng lính hèn nhát lại ra hát động viện cho bộ đội được.
Một tối chúng tôi đi diễn dưới ngã ba Tân Qui. Đang lúc hợp ca hát bài "Bác cùng chúng cháu hành quân" nghe cái bịch trên sàn gỗ sân khấu. Bà con la ré lên chúng tôi nằm bẹp ngay xuống sàn. Quả lựu đạn không nổ. Lí do thật đơn giản lựu đạn chưa rút chốt. Đêm ấy cuộc diễn vẫn không dừng lại. Du kích dàn hàng ngang đứng kín sân khấu còn các má thì bảo các con không sợ các má có chết cũng bao bọc được các con . Tới tiết mục của tôi , tôi hát bài " Mẹ vẫn đào hầm" mà nước mắt cứ đầm đìa. Các mạ thấy chúng tôi khóc cũng khóc. Quanh tôi , cả dưới bãi cỏ kia chỉ thấy toàn cụ già , trẻ nhỏ và du kích . Thanh niên đâu không thấy ? Chúng tôi hát trên mảnh đất mà chỉ hơn một tháng trước là khu dày đặc những lính CH những bom và pháo, xa vài năm trước dày đặc những là lính Mỹ , chúng tôi hát trên một vùng du kích nhiều bao nhiêu thì ác ôn của địch cũng nhiều bấy nhiêu. Chúng tôi hát trên vùng đất trắng bạc đất và lá cây khô rang mà giặc Mỹ đã càn quét bằng đủ quân binh chủng có tới vài chục ngàn quân hàng tháng liền, đốt sạch phá sạch. Hồi ấy tôi có cảm tưởng chỉ cần một đốm lửa là có thể đốt cháy cả Củ Chi . Củ Chi hoang mạc đến độ úa vàng. Thế mà người Củ Chi vẫn sống kiên cường nhân ái với nhau, vẫn chiến đấu quả cảm với kẻ thù và vẫn yêu tiếng hát . Người Củ Chi thật kiên cường và sống thật mãnh liệt , sống vô cùng nhân hậu.
Mùa mưa miền Nam lại đến. Những trận mưa gõ trên mái nhà tôn ầm ầm, mưa rất to và nhanh. Ngồi trong nhà nhìn ra sân, bong bóng phập phồng trôi ào ạt rồi ùa xuống những giao thông hào cũ . Trong Đồng Dù đâu cũng thấy vườn hoa cây cảnh thật là đẹp . Có một thứ hoa vàng gọi là hoa đai vàng mùa mưa lá xanh mướt . Những vòm hoa giấy rực đỏ đến sáng cả con đường vào từng doanh trại cũ . Mưa chỉ vào buổi chiều tựa hồ đó là trận tắm rửa cho một ngày bụi bặm. Chúng tôi thích những trận mưa như thế , chúng tôi gọi là mưa miền Nam.
Ở Đồng Dù có nhiều cổng ra vào. Cổng chính ra gặp ngay lộ 8 đi Bình Dương và đối diện với con lộ 15 đi tắt xuống Tân Phú Trung về hướng Sài gòn. Một cổng phía ngoài Phú Hòa Đông và một cổng nhỏ đi ra rừng cao su Tân An Hội bây giờ. Nhưng có hai cổng nữa mà ít ai dám đi qua là hai cửa mở quân ta đánh vào hôm 29/4. Cửa mở của E9 phía tay từ ấp Bắc Hà vào. Ngay trong tháng 6 ta đã rào lấp lại còn cổng cửa mở e48 thì vẫn để nguyên mà chả ai dám đi qua. Mấy chiếc xe tăng cháy nằm đấy, bao nhiêu là mũ cối quân trang của bộ đội bê bết máu ướt nhèm ở đấy. Mìn của địch vẫn dày đặc lại thêm vọng gác của E7 công binh ở những lô cốt đầu cầu nên chúng tôi không bao giờ ra ngoài bằng lối đó. Thế mà lính ta vẫn ra ngoài căn cứ được. Bắt đầu là mấy thằng công binh 17 , chúng nó dò gỡ mìn theo lối gần nhất ra ấp Bắc Hà. Các hàng rào thép gai dược chống lên một lỗ to bằng cái thúng. Ra vào đều phải ngụy trang để cán bộ không phát hiện ra. Cửa bên trong giáp với đơn vị chúng nó lăn một cái thùng phuy bẩn ép vào lỗ thủng chỉ cần lăn cái thùng ra một tí là chui vào lối ấy bò theo cỏ tranh mà ra ngoài ấp Bắc Hà. ở đó có cái nhà thờ Bắc Hà và những cô gái đồng trinh nói giọng Bắc. Lối đi ấy hình tròn đường kính bằng cái thùng phuy, quân ta ra vào bò như một đàn thằn lắn. Bao nhiêu cuộc tình , bao nhiêu sự làm quen và gắn bó cho lính và đồng bào Củ Chi bắt đầu từ đó. Năm 1993 tôi và Nguyễn Công Thành bạn tôi trở về Củ Chi. Sau một hồi trình bày với anh em vệ binh Sư đoàn 9 ( phải đưa cả thẻ nhà báo của Thành ) mới được họ cho vào. Đến cái chỗ có lối chui ra ngoài bây giờ là một vườn keo rất đẹp Thành bảo tôi, Chỉ có cái lỗ chui như của chuột mà tao cõng được cả một cái lu đựng nước ra tặng bà già người yêu ngoài ấp Bắc Hà... Nó cười xa xăm nhìn ra chóp nhà thờ Bắc Hà ló trên ngọn keo xanh mướt mát. Hồi ấy vợ nó là một cô bé ngoài Bắc Hà mới 16 tuổi bán nước mía ngoài đường Tám. Chúng nó yêu nhau rồi bây giờ thành ông nội bà nội ở Sài gòn. Đồng Dù điểm kết thúc cuối cùng cuộc chiến của tôi nhưng lại là điểm bắt đầu nhiều cuộc hạnh phúc trăm năm của bao người lính bạn tôi. Củ Chi như một ân tình bất ngờ mà thượng đế ban xuống đầu những chú lính 320A ngày ấy .
Những ngày tháng 6,tháng 7 năm 1975 Khi ở đội Văn Nghệ Sư đoàn chúng tôi được ăn ở trong Tổng Hành Dinh của Lý Tòng Bá . Một điều rất dễ nhận thấy là ở đây rất nhiều hoa Sứ và các lư hương khổng lồ bằng đá, rất nhiều những tấm bia xây rất đẹp có biểu tượng tia chớp giống y như tia chớp ở các bảng điện trạm điện bây giờ. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá có hồi làm Sư đoàn trưởng sư đoàn 23 trên Cao Nguyên . Ông ta có một cô vợ người Tây Nguyên. Và vì thế trong tổng Hành Dinh của Bá, ông ta giành riêng một vùng làm nhà sàn và cây cối Tây nguyên. Hồi ấy những đàn sóc , tắc kè và cả cầy hương cũng nuôi trong khoảnh vườn thật là đẹp ấy . Kề khu vườn có cái máng cỏ chúa sinh ra đời mà đèn nến khung cảnh huyền diệu ấy là khu ở của đại đội lính trinh sát mà Bá rất cưng chiều. Chúng tôi ở trong khu nhà cũ của đại đội trinh sát đó. Hàng ngày ngắm nhà Cao nguyên của tướng Bá mà cũng thấy nhớ Tây Nguyên thật. Chiều chiều chúng tôi ra ngồi chân cột cờ ba vòng tam cấp rất cao nhìn về phía tây bắc . Ngọn núi Bà Đen phía Tây Ninh xanh sám tít xa . Những lúc ấy tôi cứ nghĩ tới ngọn Ba Vì ngoài Bắc khi tôi ngồi trên tàu hỏa về quê mỗi kì nghỉ hè. Chúng tôi ngồi đó mơ ngày về, mơ rằng cuộc đời sẽ thật lương thiện và ấm êm .
Đồng Dù sau hai tháng biết bao nhiêu đổi thay. Quân đi quân về liên tục. Khách viếng thăm cũng nhiều vô kể . Hết đoàn Văn công này Nghệ thuật kia vào biểu diễn cho chúng tôi xem . Bao nhiêu tán dương bao nhiêu là khen tặng ngập tràn hân hoan và địa chỉ trao nhau. Tất cả mọi thứ đó tan nhanh lắm. Chả ai người ta nhớ đến những người lính nhỏ nhoi như mình mãi được . Chả người lính nào mà lại chiếm được phần lớn con tim của những người ngoài cuộc đang rạo rực ban phát xúc động cho lính .
Xúc động của lính chỉ người lính có. Tình yêu và trận trọng đời đánh nhau chỉ có lính với nhau mới thật sự chân thành.
Dẫu yêu thương người lính đến mấy cũng không thể có suy nghĩ của lính. Chỉ còn chúng tôi hát cho nhau nghe, diễn lại những trận đánh mình đã qua. Diễn : thực ra chỉ làm nguyên si những gì mình đã làm trong chiến đấu vậy mà ngồi xem với nhau cũng khóc . Khán giả khóc. Diễn viên khóc , lính khóc cán bộ khóc. Nhìn lại hóa ra khán giả, diễn viên nhạc công cũng đều là lính. Thì ra trên đời chả ai nói thay được cho mình chỉ mình nói cho mình thôi , chỉ mình mới biết mình trung thực đến ngần nào thôi với đời mà trước hết là phải trung thực với chính mình .
***
Đã qua ba tháng sau Giải phóng. Đã có một đợt quân mới nhập ngũ tháng 4/75 bổ sung về đơn vị , đã có một số anh em có văn hóa lớp 10 đi học Sĩ quan ngoài Bắc . Đồng Dù vẫn nhộn nhịp một cuốc sống lấp lánh chiến công . Nhưng tôi biết đã bao nhiêu là nước mắt của đồng đội tôi sau nhiều năm bây giờ mới nhận thư gia đình. Nhiều oái oăm tình cảm bắt đầu xuất hiện trong lính . Mấy anh lính già nhập ngũ từ 67, 68 khóc vì vợ đã phụ mình. Nhiều anh khóc vì được tin mẹ cha đã mất . Còn tôi , tôi chả có gì mất. Tôi lại đang sống nhàn nhã hơn anh em, chỉ viết lách và múa hát. Mỗi lần về lại A trinh sát của mình cứ thấy như mình có lỗi bởi thấy anh em đen cháy lại sau nhiều ngày bám địa bàn ngoài dân, thấy chúng nó thở dài mong ngày ra quân mà vẫn mịt mù .
Một tối chúng tôi diễn cho đồng bào Tân An Hội . Đây là thị trấn Củ Chi nên khán giả rất đông , rất nhiều học sinh đại học và trung học xem . Đêm ấy , chúng tôi không thành công . Mấy hôm sau tôi ra thị trấn, họ nhận ra tôi và cũng hôm ấy tôi được mấy thanh niên Thị trấn mời về nhà. Họ chỉ cho tôi xem bộ nhạc cụ trong nhà , nào là ghi ta điện , dàn trống hiện đại . Thấy tôi bần thần đăm chiêu một cậu bảo tôi, anh hát đi. Hát gì bây giờ ? chả nhẽ lại Bác cùng chúng cháu hành quân , lại Đêm trường sơn .. . mà hát nhạc vàng thì không dám vả lại cũng không biết nhiều. Thời đi học đại học chúng tôi hay hát những bài hát Nga và châu Âu, thế là hát. Tôi hát trở về Su ri en tô rồi hát Pa lô ma. Từ lúc ấy họ nhìn tôi rất khác. Bộ đội mà cũng biết hát những bài này à? Tôi bảo các bạn chơi bài Sóng sông Đa nuýp đi ! họ tròn mắt . Thì ra bấy lâu nay thanh niên miền Nam cho rằng lính miền Bắc đâu có hát được những bài hát châu Âu ấy. Còn tôi. Bấy lâu nay tôi cứ tưởng họ cũng chỉ biết hát nhạc vàng rên rỉ mà thôi.
Chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên rồi chợt hiểu ra con người hai miền vẫn chỉ là một, âm nhạc không chia biên giới, chỉ có điều họ và tôi đã sống trong hai hoàn cảnh khác nhau mà thôi . ..
Tôi quen với Thái và Tùng ở ấp Đông- Tân An Hội từ ấy . Chúng tôi cứ tìm thời cơ để ra Củ Chi bù khú với nhau . Rồi chúng tôi quên mất chuyện tôi là lính còn Thái và Tùng đang là học trò chưa hết tú tài . Hồi ấy chưa biết uống bia ( lade) hay rượu . Thế mà lần nào tụ tập với nhau cũng phê . Tùng mới cỡ 15 tuổi mà đã bảo tôi , chừng nào anh về Bắc em chạy honda theo xe các anh ra Bắc chơi . Tôi cười , coi sự chú này nói là không tưởng . Rồi tôi về Bắc , ngày rời Đồng Dù Thái và Tùng không biết . Tôi có thư cho Tùng năm 76 , 77 và cũng nhận được thư em . Rồi cuối năm 77 không thấy thư từ gì nữa . tháng 3/78 tôi nhận được lá thư có tấm ảnh Tùng là bộ đội đi K rồi biệt đến bây giờ. Còn Thái đã đi định cư ở Mỹ từ những năm 80. Đã nhiều lần qua thị trấn Củ Chi toàn ngồi trên xe , toàn là du hí vội vã rồi vội vã quay về Sài Gòn nhậu nhẹt. Củ Chi thật gần mà thật xa. Mình đã thành kẻ vô tình từ bao giờ vậy ? Viết đến đây bỗng tự thấy mình xấu hổ.
Mỗi lần trở về Củ Chi là " rạo rực nhớ tà áo trắng sân trường" . Cái câu nói này với tôi, tôi chỉ thấy ở Củ Chi. Bởi lần đầu tiên vào tháng cuối 9/1975 tôi được dự khai giảng của trường Trung Học Củ Chi. ( Buổi khai giảng hôm ấy lần đầu tiên tôi nhìn thấy thứ trưởng bộ Giáo Dục Võ Thuần Nho đến Củ Chi dự và ông ấy đánh trống khai trường)
Suốt buổi hôm ấy tôi nhìn các bạn học sinh kém tôi chừng bốn năm tuổi mặc áo dài trắng phơi phới sân trường. Sau này cảnh ấy thật nhiều nhưng không còn xúc động với tôi như lúc còn ở Củ Chi nữa. Lúc ấy tôi cứ nghĩ, trong biển người trong sáng kia cái xấu làm sao len lỏi vào được (!) . Hôm ấy tiếng trống khai trường ở Củ Chi âm âm. Nó âm âm đọng mãi trong tâm hồn tôi tới bây giờ.
Trở lại Củ Chi mỗi lần là lại ngửi thấy mùi bánh tráng và nhìn khói bếp trong xóm lên hơi . Dẫu đi từ Bắc vô Nam cứ đến Củ Chi lại mua dưa leo để ăn . Lại muốn mang về Bắc lọ bột tôm vàng óng chấm sắn luộc vào đêm mùa đông.
Trở lại Củ Chi là lại đứng trên cầu An Hạ nhìn cánh đồng lúa thăm thẳm để bừng lên lửa khói của trận đánh xe tăng trưa 29/4 và cái đồn Cảnh sát đầu cầu vắt oài ượt những xác lính trong trận mưa chiều hôm ấy. Sao mà Củ Chi nhiều hoa lục bình đến thế ? đến bây giờ vẫn nhiều, cứ tím cả cánh cào cào làm xôn xao cả nắng hè .
Trở lại Củ Chi để đi giữa màu hoa. Sao mà Củ Chi nhiều hoa giấy đến thế ? con đường xuyên Á gọi là đường Hoa Giấy đi thôi Củ Chi ơi. Tôi đi trong miên man hoa giấy mà nhớ bạn tôi gục xuống hôm nào. Ngày ấy hoa giấy cũng rực rỡ như hôm nay .
Trở về Củ Chi để thấy mình đã lớn, đã sống tốt với đời. Những người tôi gặp hôm nay chả ai biết đến tôi. Tôi ghé vào cổng Đồng Dù, phía sau cổng gác xanh ngát như ngày xưa, người lính gác nhìn tôi vô cảm như thấy một lão nông thất thường tính nết thấy lạ thì há mồm nhìn ngắm. Tôi chợt nhớ cái khẩu pháo 175 nằm ngay cổng tan hoang ngày 29/4 đã xa. Tôi tin các bạn tôi ngã xuống ở Đồng Dù vẫn nhớ tôi. Dụi mắt nhìn dòng chữ Doanh trại Quân Đội Nhân Dân Việt Nam thấy chập chờn các bạn lính e48, e9 và cả đứa bạn chăn trâu của tôi ở D16 đang cười .
Trở về Củ Chi để hi vọng gặp những đứa trẻ đã nghe chúng tôi hát ngày xưa, hi vọng gặp các bạn Thái Tùng ở ấp đông Tân An Hội lại ngồi hát như mùa hè năm 1975 rợp hoa và cờ đỏ.
Trở về Củ Chi là trở về với đơn vị của mình bởi tất cả đồng đội vẫn đủ biên chế đội hình trên nghĩa trang An Nhơn Tây. Củ Chi ơi ! Tôi trở về đây. Trở về Củ Chi là tôi về với tuổi trẻ đời mình
Hà nội 2013 NTL
ảnh 1: Nguyễn Trọng Luân và Đinh Ngoc Sỹ ở căn cứ Đồng Dù 15/5/1975 .
ảnh 2 : Nguyễn Trọng chụp với anh Phạm Hoài Thủy trong Tổng Hành dinh Lý Tòng Bá tháng 6/1975
ảnh 3 : Nguyễn Trọng quay trở lại CỦ Chi ngồi trước cổng Đồng Dù năm 2013 .



 
 
 
 
 
24 bình luận
4 lượt chia sẻ
 
24 bình luận
Có cái thùng phi để..chui rào, hihi..lính mà !
1
đọc bài này là lần ba rồi mà vẫn xúc động !
2
Nhớ mãi cái đêm đội tuyên văn sư đoàn biểu diễn ở ấp Tân Quy, Luân nhỉ xem hoạt cảnh chèo DƯỚI CHÂN NHẠN THÁP nhìn xuống sân thấy các má sụt sùi khóc. Thì ra lâu lắm rồi người Bắc di cư vào đây mới được xem lại điệu chèo quê hương. Kết thúc buổi diễn các mẹ quyên một mũ tiền chế độ ngụy mang lên sân khấu tặng các con. Chúng mình hơi bị ngơ ngác rồi chỉ dám nhận tình cảm của các mẹ thôi, gửi lại tiền, các mẹ lại khóc...Luân nhớ không.
5

Hoan Khuất
nhớ chứ đêm ấy thật nhiều cảm súc . Nhớ nồi cháo vịt của các má đêm khuya . Lại còn một mũ tiền lẻ ủng hộ. Nhưng đội ko dám lấy.
4
    • Trả lời
    • 12 giờ
    • Đã chỉnh sửa
con đường chui qua mười máy lơp rào ấy tôi có biết và mấy thàng linhs trẻ ở đại đội tôi cũng luồn lách đi chơi. Có lần tôi đã đứng tàn ngần trước cửa mà không dám bò ra vì vẫn chờn chợn. ngày ấy tôi đã ngoài 30 tuổi ,vợ con rồi nên ít dám phiêu lưu.đơn vị tôi đóng ngay cạnh cỗng chính,nên lúc rỗi rãi tôi và mấy thăng bạn ra ngó ngiêng ra đường nhìn người,xe qua lại...Ở đồng dù đến ngày 25/12/1975 thì đươc ra quân, chỉ đươc ra khỏi cổng đúng 2 lần.Một lần ra đến chợ, môt lần xuống đến chợ cầu muối.khi ra Bắc mang đươc đúng một con bup bê lam quà cho các con.Đến giờ mong lắm mà chưa có điều kiện về thăm lại.Đoc bài viết của anh Trọng Luân tôi rất xúc động ,nhớ lại rõ nét nhưng ngày sống ở Đồng Dù.Cảm ơn anh Luân nhé
5
Nguyễn văn
Phong Nguyenvan
con kết bạn với anh
Nguyễn Trọng
để đọc những bài viết của anh hồi mới giải phóng ở Cuchi mình.
Cường Minh
, út An
Nguyen Le Thuy Trang
3
Tư liệu rất quí anh ạ
1
Đọc lại vẫn cảm động vì hình dung hết những gì đã xảy ra ở ngay chính quê mình sau ngày giải phóng.
1
Đọc bài vào những ngày này những kỷ niệm hơn 1 năm sống ở Đồng dù lại ùa về như mới ngày nào. Cám ơn đồng đội, xin được chia sẻ
1
Giá mà lớp trẻ Củ Chi ngày nay đọc những dòng trên đây của anh Trọng nhỉ? Nhìn ảnh anh và Sỹ, tôi nghĩ rất chi là buồn cười, may mà thằng bạn Đinh Ngọc Sỹ của tôi không chết, để đến năm 1993, khi anh quay lại Củ Chi, lúc đó…
Xem thêm
1
  • Trả lời
  • 8 giờ
  • Đã chỉnh sửa
Bài rất cảm động , cảnh và người như hiện ra trước mắt người đọc ,nhắc lại quá khứ để quý hiện tại và có trách nhiệm với tương lai
1
Những hoài niệm không thể nào quên!
1
11/13























    • Trả lời
    • 12 giờ
    • Đã chỉnh sửa


  • 0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
    Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
    Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
    Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
    Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]