(Thân tặng các bạn sinh viên CĐ nhập ngũ và những người phụ nữ yêu quý của họ)
Trần Thanh Tuân
Mỗi khi đến dịp Lễ, Tết hân hoan treo cờ và nhìn những đóa Hồng
đỏ tươi, lòng tôi cũng bùi ngùi nhớ về người bạn năm xưa đi mãi chưa về.
Màu đỏ tươi của cờ và hoa lại có thêm ý nghĩa là màu của nỗi đau và nhớ
trong tôi.
Người bạn ấy bất tử, luôn hiện về trên màu cờ Tổ quốc và màu hoa đồng bào.
***
Tôi chơi với D. ngay từ năm đầu khi vào trường. Không biết sao đời
mình lại dính vào thằng này. Ghét nó lắm mà không dứt ra được. Ban ngày
nó lang thang quán xá, chuyên học về đêm, tính tình ngang ngang cành
bứa. Mà lạ, ai ở lớp cũng thương nó. Bí thư chi đoàn, lớp trưởng ai cũng
bao che. Trước khi nó đi bộ đội, hai anh cán bộ lớp vật nài, D. ơi! Mai
ăn mặc chỉnh tề để kết nạp mày vào Đoàn. Nó bảo kết nạp để đi bộ đội à?
không cần đâu anh.
Thế là nó lại ngân nga hát: Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về… Nó hát ngọt kém Quang Hưng tí thôi.
Nó xung phong đi bộ đội khi chỉ còn vài tuần nữa tốt nghiệp. Ngồi vắt
vẻo trên bậc cửa sổ, nó ôm cây đàn và khe khẽ hát Tình ca của Hoàng
Việt, lúc sau tần ngần nó hát Đôi mắt huyền. Nó ngước mắt nhìn bầu trời
xa xôi, cổ vươn lên: ”chờ anh em nhé, em gắng chờ đợi anh. Dù biết
bao khó khăn, em vẫn mong anh về. Bao giờ anh đánh tan quân giặc sói
lang, anh đây sẽ về với em yêu và xóm làng“.
Giọng nó trong, tròn ngân nga đoạn này cảm động lắm.
Hát đến đây mắt nó ươn ướt, không hát nữa, nó đi lại chỗ tôi rủ mai
về Hà nội. Mày vừa lên mà? Không, không về nhà. Thế đi đâu? Đi dự sinh
nhật bạn gái.
Trời đất ơi! Có thấy nó nói chuyện bạn gái bao giờ đâu, mà nay lại có
vụ này. Sau một lúc thì nhận ra, nó muốn tạm biệt em để ra chiến
trường. Tối, nó kéo tôi ra quả đồi nằm thẳng cẳng, nhìn trời cao thăm
thẳm, ngắm mấy ngôi sao bay đuổi nhau, rồi nhẩn nha kể chuyện tình cảm
của mình. Nó quen một em là M.N.H. nhà ở phố Quan thánh, học Piano, đang
là sinh viên năm thứ hai hệ đàn dây, Trường ĐH Âm nhạc. Mai là sinh
nhật của M.N.H. Nghe giọng kể thì thấy nó phân vân lắm, chưa thổ lộ gì.
Gần một tiếng nằm im, rồi nó bảo trưa mai về, từ ga đến thẳng khu tập
thể sinh viên Trường âm nhạc ở Ô Chợ dừa. Tôi bảo mày tính sao mà lại
bảo tao đi, thằng Q. đi với mày hay hơn, tao hay phá đám lắm. Nó cười:
Q. nó ngầu quá, im ỉm cả buổi thì tụi nó chịu sao nổi.
***
Nhảy tàu ở Cửa Nam, nó bảo tôi đi ra phía Lăng Bác kiếm vài bông hoa.
Lượn lờ quanh Lăng thấy khó xơi, hai thằng rẽ vào Vườn hoa đường Hùng
Vương, vờ tìm đồ rơi, nhanh như cắt chôm được ba bông Hồng đỏ tươi, chúm
chím nở, dấu ngay vào nách áo, hớn hở đi về đích.
Gần đến cổng Tập thể SV trường nhạc, D. rủ vào quán nước chè, hỏi mày
đói không? Đói. Cố chịu, tí nữa tha hồ ăn. Nó ra vòi nước vuốt bộ bờm
cho ươn ướt ngay ngắn, mặt sáng ra đôi chút. Tôi bắt chước rồi sắn tay
áo lên lưng lửng như chuẩn bị đấm nhau. Chùi tay vào đít quần, nó bảo
trông được đấy!
Trả tiền xong, nó cho chị chủ quán hai bông hoa, chỉ gữi lại một bông đẹp nhất.
Trời tối, nên cũng đỡ ngại, loanh quanh một lúc thì D. chỉ vào một
gian nhà lá có bảy, tám đứa con gái đang bày biện bánh kẹo ra dãy bàn kê
giữa hai hàng giường tầng. Đây rồi! Hai thằng thong thả đi vào, mình
hơi run run vì chưa bao giờ đến chỗ đông con gái như vậy.
Bạn nó và mấy đứa con gái hồ hởi vui vẻ đón chúng tôi. Dăm phút sau
thấy thêm ba bốn thanh niên ăn mặc chải chuốt đẹp như chuẩn bị đóng phim
cũng tới chúc mừng sinh nhật.
Bắt đầu vào tiệc, là màn chào hỏi, giới thiệu. Mấy thằng trường nhạc
mặt cứ vênh vênh, nói chuyện thì cứ èo ẹo và ngón tay vờ xoè xoè ra
khoe khoe. Thấy mình bụi bậm gân guốc khác chúng nó và bắt đầu ngứa mắt,
tôi vờ ra ngoài hút thuốc. Cái H.thấy vậy ra theo hỏi sao anh lại ra
đây? Mình bảo ra hút thuốc, nó bảo trong đó cứ hút vô tư. Mình không
vào, nó lại truy hỏi tại sao, mình đành nói thật, mình mà ngồi đấy tí
nữa là có chuyện. H.hỏi chuyện gì, mình bảo chuyện phá đám. Phá đám làm
sao? Chắc sẽ đấm nhau với mấy anh bạn trường nhạc của em. Nó cười, thế thì còn gì bằng! Anh vào đi, nó kéo tay tôi đi vào.
Mấy đứa con gái đang hát, mấy thằng trường nhạc bật ngón tay tanh
tách, đàn, hát phụ họa theo, mặt hất hất lên trông ghét lắm. Đến lúc
phải góp vui, chúng nó hỏi SV trường CĐ học gì. Tôi mang chuyện thày
Phồn kể cho cả bọn nghe, cho chúng nó biết, không có máy và điện thì
trái đất này hoang vu lắm. Máy và điện làm thay đổi bộ mặt trái đất, làm
biến đổi hình thái xã hội, soi sáng cuộc đời lại còn làm cho con người
đẹp ra nữa. Bọn con gái thì tròn mắt nghe thích thú, mấy đứa con trai
thì khinh khỉnh, ngơ ngơ.
Hát nhiều thì lại nói chuyện. Có một thằng vờ hỏi bạn tên gì? học
nghề gì? mình trả lời, học Cơ điện, nó ”ờ” lên một tiếng to to, rồi
tiếp: Thế mà từ nãy chúng tôi lại cứ tưởng bạn cùng học Trường Nhạc!
Tiếc thật. Lại chép miệng: tiếc thật!
Tự nhiên, miệng mình nó bật ra: Thú thật, bọn mình cũng mê đàn, mê
hát lắm nhưng…rất tiếc là không có năng khiếu mua vui cho người khác!
Nói xong thì cũng giật mình, Dg nắm khẽ tay mình. Bọn thanh niên kia ngẩn ra một lúc, mặt sầm xuống. Chuẩn bị đấm nhau thật.
Không khí đặc quánh lại.
Tự nhiên thấy cái H.cười như kịch, nó lại vui vui hát khe khẽ. Bọn
con gái khen hai anh Cơ điện trông khỏe mạnh, ấn tượng, không ẻo lả như
con trai ở đây.
Mấy đứa con trai kia tức lắm, với nhiều lý do rút dần, rút dần.
Còn trơ hai thằng CĐ, tôi xin lỗi đã làm mất vui tối nay. Cái
H.thì vui vẻ bảo, phải cám ơn anh mới đúng, đuổi được mấy ông ấy đi là
thích đấy, em có mời mấy ông ấy đâu? Cả hội lại vui vẻ như thường.
D. cứ bánh kẹo ăn, cứ em đưa là ăn, ăn thật thà. Tôi cũng thế. Cái
gam này là lạ. Vừa ăn vừa nghe biểu diễn văn nghệ trực tiếp, diễn viên
tinh khôi. Khoái quá!
Tôi bảo mình rất thích bài Đôi mắt huyền, chúng nó hát ngay, hát hay và say sưa. Chỉ mình tôi biết là ai nghe bài này say đắm nhất.
Khuya, chúng tôi phải về.
Thong thả đi, H.mân mê bông Hồng đỏ tươi ngoặc vào tay D. chỉ vào ngôi sao to đang nhấp nháy trên trời… Hai đứa chẳng nói gì.
Trên đường ra ga, nó đưa tôi mẩu giấy nhỏ bảo mày chạy nhanh đưa cho
H.tao đợi ngoài ga. Tôi chạy như bay quay lại,trước khi đưa cho H. tôi
tò mò liếc nhanh tờ giấy: ”Quên đi em. Gió và thời gian sẽ giúp ta. Chào em!”
Vài ngày sau nó nhập ngũ ra chiến trường, địch đã áp sát biên giới.
Từ ấy đến giờ không thấy nó về .
Lá thư cuối gia đình nhận, biết nó mới được phong hàm vượt cấp, hiện ở một tổ trinh sát nơi tuyến đầu.
Hơn ba mươi năm rồi, tôi vẫn mong ngày đón nó về.
***
Mỗi khi nhìn màu đỏ lá Quốc kỳ bay tôi lại rưng rưng nhớ về nó.
Dịp 22/12 năm rồi, đi nghe hòa nhạc tôi cứ nôn nao khi nghe tiết mục
biểu diễn của một nữ nghệ sỹ Piano đứng tuổi mặc áo đầm đen chơi một
khúc biến tấu. Đoạn đầu êm ái nhẹ nhàng, lâng lâng tình tứ đầy sức xuân,
vui chứa chan. Đoạn giữa tưng bừng như trẩy hội, đoạn cuối lại như rối
tung rối mù, gào thét dữ dội, rồi rời rạc, thẫn thờ .
Lúc kết thúc chị ấy rũ người, gục xuống cây đàn. Một nốt đàn câm!
Không gian như nén lại. Cả thính phòng lặng điếng.
Chúng tôi ào lên, tôi tặng chị bó Hồng tươi trong tiếng vỗ tay không
ngớt, chị khẽ nở một nụ cười Ladôcông, khuôn mặt phờ phạc, thất thần.
Tôi hỏi mấy em ban nhạc cô ấy là ai, chúng bảo: Má H. Phó giám đốc nhạc viện. Má không có gia đình, Má nhận chúng em là con.
Trên đường về, gió thổi nhè nhẹ, ở đâu vẳng lại tiếng hát… chờ anh em nhé, em gắng chờ đợi anh… tôi không cầm được nước mắt, D.ơi! mày ở đâu?.
Sgòn 15/10/2013.
cảm động Tuân ạ
Trả lờiXóaCó lẽ Cơ Điện chúng ta có thêm một Liệt sỹ chống Tầu mà đến nay chúng ta vẫn không biết chăng ?Tuân ơi hãy làm rõ chuyên này nhé.Đó chiến tranh đã làm đứt biết bao mối tình .Làm bao chàng trai không về và cũng làm bao cô gái không có hạnh phúc.Nhưng tôi lại cho rằng Họ vẫn có hạnh phúc bởi người nọ mãi mãi sống trong người kia.
Trả lờiXóaBao nhiêu lần nhấp chuột định còm mà cảm động nước mắt cứ tràn ra. muốn gặp anh để hỏi nhiều thứ.
Trả lờiXóa" Người bạn ấy bất tử, luôn hiện về trên màu cờ Tổ quốc và màu hoa đồng bào."
Trả lờiXóaCâu văn lạ này làm rung động trái tim những người lính chúng tôi.
Hay!
Chỉ mỗi một chi tiết nhỏ ở đầu đã thấy chất menly của dân CĐiện.
Trả lờiXóaTrai tráng trước trách nhiệm Tổ quốc, Tình yêu, Số phận
Nữ giới thời loạn khổ đau chẳng kém.
Bản tình ca sâu lắng ngèn ngẹn mà cứ nhẹ nhàng làm sao.
Viết như thế này là khó, phải thấm lắm mới chắt chui ra được.
Hay quá!