Thứ Tư, 4 tháng 5, 2022

THƠ VỀ NGƯỜI LÍNH & LỜI BÌNH HOA GIẤY

 

THƠ VỀ NGƯỜI LÍNH & LỜI BÌNH
HOA GIẤY
Nguyễn Trọng
Em đến Củ Chi đưa hài cốt anh về
Mấy mươi năm sau em mới gặp anh
nơi sông Sài gòn nắng lóa
Anh của em thời học trò nón lá
Tiễn anh đi em đứng khóc ở sân trường
Mang lá thư em anh đi về phương nam
Em mang hình anh đến miền tuyết trắng
Ngày Giải phóng Sài gòn ôm nhau òa khóc
Ở xứ người em thao thức ngóng tin anh
Vẫn còn đây thư anh đến muộn màng
Anh bảo hành quân đánh đường mười bốn
Anh kể Sông Ba mùa này nước đục
kể những con đường bầm đỏ cánh pơ lang
Người em yêu ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn
Nhật kí anh ghi yêu rung rinh hoa Giấy
Anh ước sẽ mang về giống hoa màu máu
Để tặng em ngày đất nước sum vầy
Em đến đây rồi lặng lẽ An Nhơn Tây
Hoa vẫn đỏ trên mộ người chết trẻ
Sông Sài Gòn Củ Chi nắng lóa
Em nép vào lùm hoa Giấy gọi anh ơi!
2014
Lời bình
Trong kí ức con người nói chung, những rung động của mối tình đầu bao giờ cũng thiêng liêng, diễm lệ! Và thường thì những rung động đầu đời ấy sẽ trở thành một thứ “kỉ vật tâm hồn” thuộc dạng “sống để dạ, chết mang xuống mồ” của những kẻ trong cuộc bởi nó rất khó chia sẻ, nhất là sau này, khi họ xây dựng gia đình với những người khác!
Có câu “Cơi trầu chạm ngõ là cơi trầu bỏ đi”, suy ra một cách “nhẫn tâm” thì “Mối tình đầu cũng thường là mối tình… bỏ đi”! Bỏ đi vì nhiều lí do khách quan hoặc chủ quan nào đó bất khả kháng! Thế nên đa số những mối tình đầu thường không đi tới được “trận chung kết”! Cần nhắc lại, tình huống này đã được “thơ hóa” khá tinh tế trong bài thơ “Những phút xao lòng” của Thuận Hữu!
Trong bài thơ “Hoa giấy” của Nguyễn Trọng thì mối tình đầu bị lỡ dở vì nguyên nhân khách quan, đó là… chiến tranh!
Khởi đầu bài thơ là một tình huống khá điển hình của thời ấy:
Anh của em thời học trò nón lá
Tiễn anh đi em đứng khóc ở sân trường
Nghĩa là ở đây, mối tình đầu cũng đồng thời là mối tình của “tuổi ô mai”! Đẹp và trong trẻo biết bao! Có thể nói những giọt nước mắt thổn thức rơi ở “sân trường” là một phần thưởng vô giá cho chàng trai “xếp bút nghiên” lên đường chinh chiến! Đó là những giọt nước mắt mà người khóc thì chân thành, kẻ được khóc thì có quyền kiêu hãnh!
Khổ thơ thứ hai:
Mang lá thư em anh đi về phương nam
Em mang hình anh đến miền tuyết trắng
Ngày Giải phóng Sài gòn ôm nhau òa khóc
Ở xứ người em thao thức ngóng tin anh
đã phác họa bức chân dung cũng khá điển hình của thời đại chống Mĩ cứu nước, đó là thời đại có những cuộc hành trình “ngược hướng”: kẻ vào Nam trận mạc, người đi du học ở nước bạn. Kẻ vào Nam thì tâm nguyện “Ra đi giữ trọn lời thề/Đánh tan giặc Mĩ mới về quê hương”! Người đi du học thì chuẩn bị cho một tương lai xây dựng đất nước ta ngày càng “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”! Nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài cứ xoắn lấy nhau và… kết tinh trong một… mối tình đầu!
Khổ thơ thứ tư:
Người em yêu ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn
Nhật kí anh ghi yêu rung rinh hoa Giấy
Anh ước sẽ mang về giống hoa màu máu
Để tặng em ngày đất nước sum vầy
thật da diết! Cụm từ “Người em yêu” trong câu thơ đầu nghe giản dị nhưng chất chứa biết bao yêu thương, nhung nhớ! Đời người nói chung thường phải chấp nhận những mất mát, nhưng theo tôi, mất mát người yêu luôn là một tổn thất không thể bù đắp, nó thường để lại một vết thương tâm hồn rất khó lành, nhất là nếu sau này chẳng may vớ phải một người “bạn đời” bất như ý!
Ba câu thơ tiếp theo khá hay:
Nhật kí anh ghi yêu rung rinh hoa Giấy
Anh ước sẽ mang về giống hoa màu máu
Để tặng em ngày đất nước sum vầy
Hay bởi hình ảnh “rung rinh hoa Giấy” trong trang nhật kí của người lính là một hình ảnh lạ, ít gặp trong thơ ca! Hình ảnh ấy đã gây ấn tượng mạnh khi được tô đậm thành một biểu tượng “giống hoa màu máu”! Tả thực đấy, mà cũng rất tượng trưng! Nó trở thành một hình tượng mang tính khái quát: Mọi cái đẹp đều phải trả giá bằng máu! Và, tất nhiên, cái đẹp của tình yêu cũng không là ngoại lệ!
Khổ thơ cuối:
Em đến đây rồi lặng lẽ An Nhơn Tây
Hoa vẫn đỏ trên mộ người chết trẻ
Sông Sài Gòn Củ Chi nắng lóa
Em nép vào lùm hoa Giấy gọi anh ơi!
giống như bức tượng đài tinh thần về một “tình yêu chung thủy”!
“Em đến đây rồi… Hoa vẫn đỏ… Em nép vào lùm hoa Giấy gọi anh ơi” là những chi tiết thật nhưng sao vẫn cảm thấy chút bảng lảng hư vô thăm thẳm? Không thấy nước mắt chảy mà sao vẫn nghẹn ngào! Có một cái gì đó vừa như chết lặng trong tâm hồn của nhân vật trữ tình “em”, lại vừa như đang tái sinh một khát vọng mà bom đạn chiến tranh không thể hủy diệt! Phải chăng, đó là một “tình yêu tuyệt đối” dành cho người lính! Vì vậy, nó không chỉ là tình yêu mà còn là lòng biết ơn và một lời thề quyết sống cho xứng đáng với người đã khuất!
Thạch Bàn, 29.4.2020

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]