Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

MỘT GÓC ĐỜI LÍNH SINH VIÊN

 

Nhân kỷ niệm 27/7 tôi xin kể một góc về đời lĩnh sinh viên.
Ở trường tôi học đại học hồi đó có hai dạng nhập ngũ vào bộ đội.
Dạng thứ nhất: Là những sinh viên đã tốt nghiệp đại học có bằng kĩ sư họ được điều sang quân đội. Sau thời gian huấn luyện ngắn ngày họ được phong quân hàm, Những người này về sau đều thành đạt trong cuộc sống.
Dạng thứ hai: Là những sinh viên đang học được gọi đi nhập ngũ đúng nghĩa là đi lính. Những người lính này được chia làm hai thời kỳ.
Thời kỳ chống Mỹ, hồi đó chiến tranh ác liệt lắm nhiều người đã ra đi không trở lại hoặc trở về trường với tấm bằng thương binh hoặc sốt rét…
Thời kỳ chống Tầu: Rất may ở giai đoạn này chúng tôi không có ai hi sinh mà chỉ có một người là thương binh cụt chân. Và tôi đã đi lính ở giai đoạn này.
Sau khi nhập ngũ , Bọn tôi được huấn luyện tân binh ở C9 , D3, E197. Đại đội tôi đa số chiến sĩ mới là sinh viên đại học y và đại học cơ điện nên những tháng huấn luyện chúng tôi sống khá vui vẻ. Sau khi huấn luyện xong chúng tôi được bổ sung về các đại đội hỏa lực như súng 12 ly 7, DKZ và Tôi được điều về C 17 là đại đội súng cối 82 ly.
Khi chiến tranh xảy ra ngày 17/2 /1979  Trung đoàn 197 được điều lên chặn địch ở phía Nam thị xã lạng Sơn, Các tiểu đoàn bộ binh được đưa lên tuyến đầu đánh giặc và tới 21/3 / 1979 Khi Trung Quốc rút khỏi thị xã lạng Sơn thì trung đoàn đã có những tổn thất.Nhiều người lính đã ngã xuống trong đó có một anh Tiểu đoàn phó và một anh đại đội trưởng. 
Đến bây giờ tôi cũng không hiểu làm sao hồi đó lính biên giới đói và rét lắm. Cơm ăn chủ yếu là hạt bo bo hay bột mỳ luộc. Mùa đông chỉ có một tấm chăn mỏng , ngay cả tôi có khi hai tháng mới giặt quần áo một lần bởi vì không còn đồ để thay. Hồi đó ông lê Đức Thọ trưởng ban tổ chức trung ương đảng lên thăm mặt trận chúng tôi về có làm bài thơ nói về ăn uống của bộ đội: Nước chấm đại dương, Bát canh toàn quốc. Và ông đã cho thêm chúng tôi mỗi người nửa bộ quần áo có nghĩa là được quần thôi áo hoặc được áo thôi quần.
Chiến tranh mở rộng, Đám lính sinh viên bọn tôi được chia ra bổ sung cho các đơn vị. Các sinh viên trường y được điều về làm công tác y tế ở các đơn vị. Còn bọn tôi được chia thành các nhóm bổ sung lên chốt biên giới, Nhóm sang trinh sát pháo binh, Nhóm về trung đoàn hậu cần chuyên đi mở đường và năm thằng bọn tôi được điều về đơn vị sửa chữa vũ khí và xe máy quân sự. Sau này đơn vị chúng tôi thường tham gia phục vụ các chiến dịch đánh lớn trên biên giới.
Thời gian trôi đi. Tháng 10/ 1983 tôi đang là giáo viên tại trường quân sự quân khu 1 thì được quân đội cho phục viên về địa phương.  Lúc đó , ở nhà bố mẹ tôi đã già và đã nghỉ hưu Nên xin việc cho tôi rất là khó khăn. Được sự tư vấn của phòng chính trị , tôi về trường đại học mong nhờ vả. Tôi gặp anh T Là cán bộ phòng tổ chức khá thân với tôi và anh nói thẳng luôn: Làm đếch gì có ưu tiên. Khi nộp hồ sơ cho cơ quan quân sự địa phương sau khi nghe tôi nhờ vả anh đại úy tiếp tôi nhẹ nhàng giải thích: Chỉ ưu tiên cho thương binh liệt sĩ và anh an ủi tôi: Em ở biên giới 5 năm về còn lành lặn thế này là hơn khối người. Hồi đó cuộc chiến ở Campuchia và biên giới phía Bắc diễn ra ác liệt , Bộ đội ta hy sinh nhiều lắm.
Khi ra quân tôi được quân đội trợ cấp cho mấy tháng phụ cấp va ít gạo và những hôm chia tay đồng đội , bọn tôi tổ chức đánh chén vài bữa hình như cũng gần hết số tiền này. Thế là sau hơn 5 năm đi lính Tôi được trở về nhà với hai bàn tay trắng, Không tiền bạc, Không sổ gạo, Không tem phiếu và không có việc làm. Mọi người tuy không nói ra nhưng tôi biết tôi đang là gánh nặng cho gia đình. Thế là tôi đi làm. Ai thuê cái gì cũng làm. Ban ngày tôi đi bốc vác hoa quả ở Càng phà đen, Ban đêm tôi đi làm thợ hàn ở lĩnh Nam. Cuộc sống khá vất vả cứ thế nặng ne trôi qua. Khi đó những bạn học cùng khóa đại học và lớp phổ thông mới tôi cũng đã yên bề. Có người được thăng quan, có người được đề bạt, Có người được cử đi học ở nước ngoài… Và họ đã có chồng có vợ.
Đám lính sinh viên lúc đó vẫn còn lông bông thất nghiệp nhiều. Họ nghèo lắm , đến bạn gái cũng chẳng dám quen. Mà cái nghèo cũng bán vaof họ dai lắm, Nhiều người 35, 36 tuổi mới tích góp được ít tiền để lo cưới vợ .
Tháng 8/1984 Nhờ bà chị họ , tôi xin được biên chế đi làm tại cơ quan quản lý xây dựng
Thế là 17 tuổi tôi thi đỗ đại học và đúng 10 năm sau đi làm , tôi được hưởng tháng lương đầu tiên. 
Quá trình khởi nghiệp của tôi quá là long đong và hèn kém . Nhưng cả họ , cả làng vẫn đến chia vui với tôi. Xong niềm vui ngắn chẳng tày gang. Do làm trái nghề ở đơn vị mới về chuyên môn tôi lại như anh lính trẻ thế là tôi lại phải vừa làm vừa học. Tôi học ngoại ngữ tiếng Nga, tiếng Anh. Học chuyên môn ,học nghiên cứu sinh. Học tại chức ban đêm, Học chính quy ban ngày, Học miễn phí môn cử, Học đóng phí môn thiếu… Và cứ thế với đồng lương Còm Việc học của tôi diễn ra khá vất vả và đến năm 1991 Tôi mới dừng lại để tập trung đi cầy. Sau này tôi cũng đi học nhưng sung sướng hơn nhiều
Tháng 8/2018 Kỷ niệm 40 năm nhập ngũ đám lính sinh viên chúng tôi đã rủ nhau thawm lại chiến trường xưa, đó là Làng Lai, làng Hang , Cầu khánh khê, Cao lộc, Hàng rơi, Thất Khê , Đông khê, Cao điểm 700, Khâu đồn …Là những mảnh đất chiến trường mà thời trai trẻ chúng tôi đã cầm súng chiến đấu với quân thù.
Khi đến gặp nhau ai cũng mang theo người vài thứ bệnh.Gặp nhau tranh nhau nói , tranh nhau kể , nhiều khi nghe xong lại cười ra nước mắt. Có khá nhiều người đã thành đạt họ là giám đốc, là Thượng tá, Đại tá và to nhất là một bạn Trung tướng.
Và có một mảng đen trong đám lính sinh viên hiện ra. Có nhiều người sau thời gian đi lính không trở về trường để học tiếp, Có nhiều lý do nhưng có một lý do là sau khi họ đi lính gia đình không còn tiền để nuôi họ học tiếp đại học nữa và họ phải rẽ ngang đi làm kiếm sống. Và có người đã thất bại trong cuộc sống.
Có người về già cũng xây được nếp nhà che mưa che nắng nhưng đồ đạc rồng tuếch . Có người được chính quyền địa phương tặng danh hiệu Hộ nghèo để khi đói được nhận quà cứu trợ… Buồn. 
Ngẫm lại, Tôi ở Hà Nội mặt trời chiếu sáng choang, thế mà cả đời có Hóng được tý quyền lợi nào đâu.
Bạn tôi Nhà quê , Ở nơi xa ấy Trời lúc nào cũng tối thui làm sao mà vơ mà vét được cái gì. Bạn nghèo là phải.
Trong ngày lễ Tri ân,  Đền ơn đáp nghĩa trong đầu tôi luôn rừng rực tự hào về những năm tháng tuổi trẻ đã chiến đấu vì tổ quốc. Chợt buồn, Và buồn đến nhanh lắm , nó cuốn trôi đi cái niềm tự hào vô bổ kia , mặc cho lúc này trên tivi những đầy tớ , công bộc đang ra rả nói về đền ơn đáp nghĩa.
Chuyện hôm qua , hôm nay mới kể về người lính sinh viên.
Hùng Đầu Bạc, Duc Long Nguyen và 34 others
17 Comments
Thích
Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]