Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Nghĩa Trang hoa Sứ trắng

Nguyễn Trọng Luân - 29-07-2013 07:07:11 AM
 
        Mười năm sau tôi mới trở lại Phú Quốc. Chuyến bay đi bằng tàu bay to không giống cái ATR 72 chòng chành phát sợ khi hạ xuống sân bay ngay mép biển. Biển ngời ngợi xanh và rừng thì cũng chập chùng xanh, buổi sáng ở đảo trong veo hí hóp lồng ngực kẻ già. Hành trang mang theo ra đảo ngọc này ngoài mớ kiến thức tìm đến nơi ông Nguyễn Trung Trực bị bắt, tìm đến nơi ông Nguyễn Ánh trú ngụ chui lủi trước khi chạy sang Xiêm, là mong tự tay mua vài chai nước mắm ngoài An Thới về nịnh vợ, là xách chai rượu Sim về Hà nội, là kiếm vài con cá ngựa bơi ve vẩy ở làng chài Hàm Ninh, là vào cái suối Tranh nơi cô hoa hậu gì đó tắm tiên tắm thử một cái ...
          Mười năm trước tôi đi Phú Quốc tiêu bằng tiền chùa. Cũng 5 ngày trên đảo, cũng rong ruổi từ nam lên bắc đảo rồi sang đông đảo rồi thăm thú nơi nuôi trai lấy ngọc mà chả nhớ chả thu hoạch được gì. Nhớ nhất ăn bún chan nước mắm nguyên chất và bữa nhậu trên đảo hoang cách bờ An Thới 30 km.
        Từ sân bay về việc đầu tiên là hỏi tài xế đến Nghĩa trang liệt sĩ của đảo. Người tài xế ngạc nhiên, bác có thân nhân ở đó hả? Ừ đông lắm toàn lính cùng thời ấy mà. Tài xế im lặng. Xe lên con dốc đất đỏ và dừng lại dưới gốc cây Hoàng Lan nép bóng dưới tán cây muỗm thật to. Ngọn đồi thật đẹp thật cao và lối lên cũng thật rộng. Tôi đi trong nắng sớm, hoa hai bên vệt bậc xi măng như những cái khuy áo vàng. Những con kì nhông chạy thoăn thoắt, và những con bướm đen rõ to phần phật cánh trên hoa. Tất cả hơn ba ngàn ngôi mộ nép dưới hoa và lá xanh. Lên đỉnh đồi đứng dưới chân tượng đài nhìn xuống cả một ngọn đồi hoa trắng, cả một rừng bia mộ nép dưới những lùm cây hoa Sứ. Chỉ có một loài hoa Sứ trắng thấp thoáng hoa đai vàng. Ôi ngọn đồi bông Sứ trắng của các anh. Ngọn đồi đưa các anh về với nhau dưới rờm rợp ngan ngát hương hoa, hàng đêm các anh lại tụ tập bên nhau để kể cho nhau nghe về những cái chết tức tưởi của mình của đồng đội mình, thì thầm bên nhau nỗi nhớ quê hương cha mẹ vợ con. Ngoài xa sóng biển rì rầm, sóng biển nơi này vỗ vào bờ từ hướng tây, ngọn đồi này không nhìn thấy mặt trời lên mà chỉ nhìn thấy hoàng hôn buông trên biển. Thương đến nao lòng khi nghĩ các anh cứ phải quay mặt nhìn về nơi đất khách, cứ nhìn về vịnh Thái Lan quằn quại đêm ngày.
Họ bảo các anh luôn nhìn về tận Thổ Chu, hòn đảo cuối cùng dân mình đang ở đó, rằng các anh vẫn đau đáu thương những người Việt ở Thổ Chu còn khổ quá, xa vợi quá. Ở đó cư dân rất nghèo một dạ thủy chung với lá cờ đở sao vàng của nước Việt.
      Chưa bao giờ tôi từng gặp một nghĩa trang nào ghi dòng địa chỉ trên mộ chí đặc biệt đến thế. Khi cha mẹ cho con vào bộ đội con có tên, rồi con có đơn vị. Cái tên hòm thư đơn vị QGP thiêng liêng làm sao, nó là niềm tự hào cho cha cho mẹ, ngay cả khi cầm tờ giấy báo tử. KT, KP, KN… Những chữ cái đơn giản vô tình khô khốc bao năm nay thế mà vẫn là tự hào của dòng họ. Còn các anh, những người lính chết tức tưởi trong tù Phú Quốc không có cái chữ ấy. Các anh chỉ có tên theo lô tù theo phân khu trại. Cũng may họ chỉ ghi số mộ số hàng số lô rồi tra vào sổ sách để ra số hiệu trong tù của các anh. Tất cả các anh mang những cái tên chỉ là tên khai trong tù còn tên thật các anh gửi lại đơn vị mình gửi lại mẹ cha quê hương mình gửi lại nơi mình là chiến sĩ QGP. Đến nghĩa trang, tên người nhiều quá không nhớ nổi, chỉ nhớ tên quê. Tỉnh này nhiều quá, tuổi này nhiều quá mà thôi. Ở Nghĩa trang Phú Quốc ta thấy khắp đất nước này đều có con em mình bị tù đầy tra tấn dã man ở đây. Ta thấy những chú học trò mười chín tuổi đã bị kẻ thù đóng đinh xuyên sọ, ta thấy những người lính ngoài bốn mươi tuổi bị giam cầm từ đất liền ra đảo rồi chết khi vợ dại con thơ còn chưa no đủ. Chiến tranh đằng đẵng mấy chục năm để con số hơn bốn mươi ngàn tù binh đã qua hòn đảo này. Chiến tranh có những nơi mà đời lính chiến như tôi đã qua không thể hiểu nổi. Rằng đi qua chiến tranh, sức lực chiến công của mình mới nhỏ bé làm sao khi đến nơi này soi vào các anh. Khi đến nơi tưởng niệm các anh ở An Thới. Nhìn những hiện vật man rợ đã tra tấn đồng đội mình những, nhìn tấm hình của hố chôn tập thể rợn người và những bài thơ các anh viết trong tù những bài văn học, toán học dậy lẫn nhau trong mong manh cái chết. Đọc những bài thơ của các anh viết trong tù ngày ấy khiến những bàn phím anh hùng thời nay cũng phải ngập ngừng. Bó hương cháy rừng rực trên đỉnh đồi, dưới kia thị tấn Dương Đông đang hừng hực công trường. Khu trại tù nay vẫn hoang vu nhưng cây đã mọc trùm xanh vùng cỏ Mĩ xác xơ. An Thới như một thị trấn ven biển lớn ngoài bắc cuộc sống vẫn trùm lên vô tình với quá khứ.
        Tôi rời ngọn đồi các anh tề tựu xếp hàng. Hoa Sứ rụng trắng trên bia mộ. Có con thằn lằn phơi nắng như nằm hít mùi hoa trên mặt bê tông. Gió biển lại thổi rơi những cánh hoa lên mộ. Dưới kia, là những con người chiến đấu thật anh hùng và chết bi hùng. Các anh khi chết chả kịp mơ điều gì vì các anh chống chọi với kẻ thù là đao phủ người trần. Ôi, sao sáng nay tôi lại nhớ đến cái bài hát có cái câu… đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng… Tôi giận tôi quá, sao lại nhớ bài hát ấy vào lúc này, tôi  có lỗi với các anh.

Phú Quốc 26/6/2013 Nguyễn Trọng Luân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]