Nguyễn Trọng Luân - 3002
Năm ngoái tôi hăm hở ra phường để xin bộ tài liệu về khai xét cấp danh hiệu “chất dộc da cam” . Ủy ban phường ngay sau nhà tôi, thế mà vào đến đây cũng thấy oai oai, ngại ngại. Căn phòng ghi chữ phòng TBXH (tất nhiên là thiên hạ đều biết TBXH là thương binh xã hội). Có hai cái bàn, quạt máy quay, máy lạnh chạy. Mùa hè cứ tạt vào ngồi lúc cho mát, ai hỏi nói vài câu hỏi vô thưởng vô phạt rồi đi ra. Bên ngoài nóng lắm. Hoa phượng đỏ như lửa bờ hồ Hoàng Cầu làm cho không khí càng nóng nực thêm lên. Tiếp tôi là hai cô gái trẻ. Một cô béo ị dễ đến 65 kí, mặc cái áo voan tím mỏng quá trời, cười phơ phơ đang phát lương hưu. Chợt nghĩ có anh bạn bảo nhìn con gái bây giờ ăn mặc phát ốm lên. Ốm là phải, ai bảo cứ nhìn chúng nó mà tưởng tượng cái này cái kia lại chả ốm! Cô bàn bên cạnh xinh hơn, chân dài hơn, lông mi cong hơn và ăn mặc thì khỏi chê. Cái áo phông chẽn có dòng chữ “Xin đừng quên em” bằng tiếng Anh (ấy là tôi nghe nói thế chứ có biết chữ Anh nào dâu)
Ông bạn CCB cùng phường bảo tôi ra gặp cái con bé Hương xinh xinh ấy. Tôi đoán là cô ta, gọi rất thân tình: Hương ơi cho chú xin bộ chất độc da cam. Cô bé nhanh nhảu lẳng đánh xoẹt cho một tập tài liệu không ngẩng lên nhưng nói ngọt như chanh muối: Chú phải có bệnh đấy nhé, phải rơi vào 19 loại bệnh trong đó, mà phải có bệnh án cơ. Mang đây cháu làm cho. Rồi ngẩng lên cười. Xinh thật. Mang về, tối ngồi đọc. Vợ hỏi nghỉ hưu rồi còn công văn công veo gì thế? Tôi nhát gừng đâu mà công văn. Vợ bảo chả công văn mà mộc chiện đỏ toe toét thế kia à? Này, tôi nói cho mà nghe: đọc để xin cái chất độc da cam mỗi tháng hơn triệu nữa cộng với mấy triệu hưu không tốt quá hay sao. Vợ tôi sáng mắt lên. Tốt quá tốt quá, bằng lương hưu công nhân bậc ba bọn em đấy. Mà anh bị da cam đích thị rồi, đêm gãi cành cạch, da đen nhẻm xin tiêu chuẩn da cam là phải là phải. Tức anh ách. Tôi mà da cam thì... thì cô đã ngoẻo rồi. Vợ lườm đánh xuỵt .
Tối ấy vợ tôi có vẻ vui hơn mọi tối. Chắc nàng nghĩ chỉ nội tháng sau là khoản lương hưu hai vợ chồng sẽ được tăng lên nhờ cái anh Da Cam.
Nào phô-tô hộ khẩu, nào chứng nhận huy chương, nào xác nhận thời gian chiến trường, xác nhận ở chiến trường nào? Bệnh án ư, giấy vào ra viện ư? Phải mất cả tuần chạy ngược xuôi mới xong. Này nhé, mình chiến đấu ở địa bàn Tây nguyên, có giấy xác nhận thời gian ở sư đoàn do cấp trung đoàn cấp, giấy đăng kí kết hôn hộ khẩu giành giành. Chỉ có mỗi anh bệnh án. Soi đi soi lại 19 loại bệnh cấn phải mắc thì chỉ thấy có mỗi loại bệnh: Rối loạn thần kinh ngoại biên là khả dĩ lo được. Chạy vào viện nơi mà năm 2008 đã nằm hai tháng. Mất chầu bia hơi buổi trưa thì mới sao chụp được cái bệnh án và cũng chữa lại là thần kinh ngoại biên. Mừng húm, về bảo với vợ trưa nay ra Mạnh Hoạch liên hoan một phát. Vợ còn sướng hơn mình, đi ngay. Buổi chiều gặp anh bạn CCB Phú Yên đang đi bộ ngoài hồ. Hắn bảo làm xong da cam chưa? Mình bảo chưa, khó ghê ông ạ. Hắn bảo chi ra triệu rưỡi con Hương nó làm cho. Này nhé mỗi tháng được triệu chín, coi như bỏ tháng đầu. Sống 15, 20 năm nữa lãi to quá còn gì? Tớ xong rồi. Nhìn ông bạn CCB Phú Yên mà thèm, hắn cuốc bộ hít thở thong thả ven hồ như thiên thần.
Sáng hôm sau mang bộ hồ sơ mới đến cho cô Hương. Không quên kèm tờ 500 ngàn mới kính coong. Làm giúp chú nhé, xong đến đoạn lên quận chú lại một tờ nữa. Hương cười, lông mi ca-rem nhướn cong lên (Khiếp, xinh thế) chú yên tâm, cháu làm cho phường mình mấy phát rồi đấy. Cười và quăng tập hồ sơ của mình lên một chồng cao toàn da cam là da cam.
Tháng trời trôi qua, im thin thít. Sáng sáng vẫn gặp cả cô béo và cô Hương chân dài ăn lòng lợn tiết canh ngoài chợ Thái Hà. Nó nhìn mình lướt vèo qua đầu không quen biết. Đôi lần định hỏi Hương ơi, cái da cam của chú thế nào nhưng lại nghĩ đang lòng lợn nhảy sang anh Da Cam không lô-gíc lắm lại thôi.
Hai tháng, ba tháng im như thóc mình không chịu được nữa lên quận Đống Đa hỏi. Phòng Thương Binh quận ở trong ngõ Thổ Quan, gặp mấy tay thanh niên nó hỏi Bác cần gì? Mình bảo đi hỏi về chất độc da cam. Nó bảo về phường gặp cô Hương. Bỗng nó gọi lại: Này bác có con không? Có chứ, hai thằng con trai. Nó hỏi: có lớn không? Có chứ, nó lớn rồi. Không! Tôi hỏi con trai bác nó lớn là có to cao được không? Có chứ, nó cao hơn tôi. Ờ thế nó có học hành gì được không? Ồ, có chứ, hai em nó đều tốt nghiệp đại học, một thằng tốt nghiệp Học Viện Cảnh Sát, một thằng tốt nghiệp Học viện báo chí tuyên truyền. Đến đây thì mấy nhà chức trách TBXH quận cười phá lên, thôi bác ơi bác về đi nhà bác thì da cam da quýt nỗi gì. Này nhé cái thứ thần kinh ngoại biên của bác xưa như Diễm rồi, lên giám định là đứt. Giá mà bác không đẻ được thì là ăn chắc triệu chín rồi, hoặc con bác nó khùng khèo lồi mắt ngoẹo đầu thì mới được nhé. Thôi về đi bác già ơi. Chúng nó cười ha ha.
Tôi về. Đoạn đường từ Khâm Thiên về nhà xa lắc lơ. Cảnh sát đứng ở Ô Chợ Dừa vẫy lại vì cái tội vượt đèn đỏ. May có tay cảnh sát vẫn thường uống bia nhà Hoàn béo đầu ô nhận ra mình nên cho đi.
Nghĩ ngợi. Ồ đúng rồi, cái tay CCB Phú Yên nó không có con. Ngoài 60 xin đứa con nuôi mới 5 tuổi. Nó da cam là phải. Đằng này mình đẻ tì tì hai thằng con trai khôn như rận, lại chả bị thứ bệnh nào rơi vào 19 bệnh cần phải mắc thì sao mà ra màu da cam được.
Ngậm ngùi nói với vợ hồi đêm khuya. Thôi mình không bị da cam là phúc rồi em ạ, chả tội gì mà đâm đầu vào mấy cái thứ bệnh qui định kia. Vợ bảo ừ phải, chỉ cần bố mày gầy gầy đen đen thế này thôi đừng da cam nữa, em sợ lắm. Dưng mà em tiếc 500 ngàn quá. Tôi thở dài.
Sáng sáng lại vẫn thấy cô béo và cô Hương chân dài lòng lợn tiết canh. Hai đứa nó cứ phây phây, nó tợp chén rượu hệt như mấy cậu Tắc xi Mai Linh cà vạt xanh ngồi bên cạnh.
Mới đây nhất tôi gặp Hương chân dài là sáng 27/7 vừa qua. Hương mặc bộ áo dài vàng có kim tuyến lóng lánh ngồi ăn vội tiết canh. Tôi đánh bạo hỏi Hương hôm nay có hội nghị hả cháu. Nó cười tươi, cháu đi hội nghị Thương Binh Liệt sĩ phường chú ạ. Tôi nhìn rõ mấy vệt tiết canh trên mép còn không đỏ bằng cặp môi của nó.
30/7/12 NTL
Hoan hô Trọng Luân! Vậy mà tôi cũng đang định đi làm "chất độc da cam" đây, chỉ chờ kinh nghiệm của Thọ mom xong rồi làm theo. Ai ngờ, đúng là "trâu chậm...."
Trả lờiXóaHơ Hơ Hơ...
Trả lờiXóaThật đúng là một trong những câu chuyện “những người thích đùa ở VN”. Tưởng bác Luân đã được tư vấn từ TDũng rồi, thế mà vẫn bị con béo và con chân dài nó “tà lưa”. Nhà mình cũng ở Hoàng Cầu và cũng định bắt chươc Thọ mom….Suýt nữa thì mất 500, hôm nào phải lấy 500 đó đi khao Luân đen mới được.
Trả lờiXóahe he! có lí quá Liệu ơi
Trả lờiXóaLuân ơi ,tay "lính thông tin' nó hỏi Thọ về : Phạm Đức Thắng người Thái nguyên là sinh viên K5 nhập ngũ 8-1970 thuộc đơn vị C15-E134 .OOnh có biết bây giờ Thắng thế nào không trả lời hộ trong mục "Lính tây nguyên" cho hắn với nhé.Cảm ơn.
Trả lờiXóaCảm ơn Bác Luân.
Trả lờiXóaVào năm 2008, có người đã làm được khuyên, tôi cũng đi làm. Việc đầu tiên tôi lên thẳng sở LĐTB HP, vì cậy có người học cùng trường làm sếp, vào thẳng sở, đang lớ ngớ hỏi han thì một cháu quen trước cùng làm một cơ quan, mời vào phòng và nói cháu đang làm về vấn đề này, cháu sẽ giúp chú. Sau hồi hỏi han, dăm ba câu chuyện phải trái, cháu đưa tôi toàn bộ hồ sơ về để chú làm, Ưu tiên,đáng lẽ chú phải ra phường lấy .
Tôi về nghiên cứu, thấy khó nhất là mắc 01 trong 19 loại bệnh ( Nghe cứ như 19 diều Đảng viên không được làm ấy), suy xét chán: nghĩ chỉ có chạy bệnh án, mà dễ nhất có lẽ là TK gì đấy (Gần cuối danh sách).
Sau khi nghiên cứu, Tôi nằm bò xuống nền nhà ghi chép, xong cho vào túi hồ sơ, tạm thở phào, mai lên phường.
Khi tôi lên phường, gặp cô chuyên về TBXH phường (cũng tên là Hương khoảng ngót 40, cũng xinh, trắng) hướng dẫn: anh về phô tô công chứng bệnh án và các giấy tờ liên quan chuyển cho em em sẽ làm cho anh. Tôi về lo chạy khắp nơi không gặp mối, vất vả tí mất tiền oan,...
Sau 2 tuần chạy thất bại, không hiểu sao tôi quay lại phường, gặp Hương, cô ấy bảo anh đưa bệnh án cho em, nhưng em nói trước là anh phải chờ các cấp họ làm đấy. Và giọng buồn cô ấy kể vừa đi viếng 01 đám hiếu về, Người quá cố là 01 thương binh loại 2, có vợ, có 02 con đều mắc bệnh đao, đang làm hồ sơ xin chất độc da cam mà cô ấy đã gửi đi vài tuần, có lẽ nay mai thì có quyết định ....
Tai tôi không còn nghe gì nữa, chỉ biết lúc cô này ngưng lời, tôi chào xin phép ra về và nói dối rằng sẽ gặp em sau.
Suốt đường về nhà, tôi Cầu mong cho hương hồn anh thương binh thanh thản.
Đời lính đã vất vả rồi, đời thường nó éo le quá.
Câu chuyện này là của tôi, và cũng từ đó, bộ hồ sơ dở dang của tôi vẫn còn nằm ở phường, nếu không có Bác Luân nhắc lại, tôi cũng cố quên rồi.