Nguyễn Trọng Luân CCB K5
Đây không phải là chuyện tôi kể. Đây là chuyện người khác kể tôi nghe. Nghe rồi thấy nên chép lại. Họ già rồi. Nói đúng ra là họ có tuổi cả rồi. Thời trẻ họ cũng từng là người lính. Người đàn ông lính chống Mỹ. Người đàn bà là TNXP Trường Sơn. Ngày ấy họ chưa biết nhau. Ấy là chuyện biết tường tận về họ tên quê huơng bản quán. Chứ bộ đội đi chiến đấu trong Nam thì ai mà chả biết TNXP là ai làm gì, sướng khổ ra sao. Chiến tranh tạnh ráo lâu rồi. Người đàn ông có vợ có con. Anh là người nhà quê, học ở Hà Nội, hồi ra quân về học lại là thần tượng của khối cô gái Hà thành. Duyên nợ làm sao anh sa ngay vào chĩnh gạo, lấy cái cô rõ là xinh mà bà mẹ lại có sạp hàng trên chợ Bắc Qua. Tá túc nhà vợ vài năm rồi cũng có cái gian tập thể bây giờ. Vài năm sau vợ chán cái anh chồng lúc nào cũng áo lính cũ, đội mũ cối, động một tí là ngày xưa là đồng đội. Cứ dán mắt vào ti vi xem phim tài liệu chiến tranh, vểnh tai nghe nhắn tìm đồng đội. Chị vợ ra đi để lại cho anh cái ba lô mà lúc nào anh cũng giữ như mả tổ. Chị ta cũng không đòi hỏi chia đôi căn nhà tập thể 28 mét vuông có bao lồng như chuồng cu. Chị ta mang theo đứa con gái năm ấy cũng đã váy ngắn hơn quần đùi cầu thủ cầu lông.
Người đàn bà tóc thì vẫn dày, loe hoe sợi bạc. Chỉ có nỗi buồn lông mày thì rụng phân nửa nên trông khuôn mặt nó ngô ngô nghê nghê. Đi TNXP về được chuyển ngành sang công ty công viên. Khi xưa ở Trường Sơn quen với cây xanh thì bây giờ cây xanh là miếng cơm manh áo. Sốt rét thâm cả môi cả mắt. Chục năm sau nó nhang nhảng được cái nước da thì lại quá lứa nhỡ thì. Chị Ở vậy. Chỉ được cái mau miệng và hay hát. Mà chị hát cũng khá hay, nhất là những bài ca về Trường Sơn thời đánh Mỹ.
Hai người gặp nhau ở hội nghị CCB phường. Quen nhau, anh thích nghe chị hát những bài hát ngày xưa. Chị thích anh đi họp vẫn đội mũ cối. Anh kể cái đận hành quân qua binh trạm 32 gặp bom từ trường chị reo lên: đấy đấy binh trạm em đấy, chỗ em đấy... Gặp nhau rồi nhớ cái thời xẻ dọc Trường Sơn quá. Mà cũng kể từ lúc gặp anh, chị mới lại hay nhớ cái cảnh các chị bịt mặt tưới hoa dọn dẹp rác rưởi trong công viên lúc nào cũng gặp trai gái già có trẻ có tình tứ lằng nhằng góc hồ lùm cây.
Rồi họ thân nhau lúc nào chả biết. Mấy anh chị già rung động trái tim cũng khác trái tim lũ trẻ, nó đập nhẹ nhưng dồn dập. Liếc nhau qua kính lão hình ảnh của nhau cứ nhập nhoè như nhìn người tình dưới làn pháo sáng.
Chị rất ít khi đến nhà anh và ngược lại anh cũng thế. Nhưng nhớ nhau thì nhớ lắm. Thời buổi bây giờ tuy cả hai anh chị vào loại lạc lõng, nói như vậy không phải họ tụt hậu quá, bằng chứng là họ sài điện thoại di động nhoay nhoáy. Anh nhắn tin cho chị và rồi chị trả lời không thiếu một câu. Mỗi sáng nhắn cho nhau ông đi bộ ở hồ nào, mấy vòng rồi? Bà có mua salopát chưa? Ra 30 Láng hạ là có đấy! Dào ôi! Đau lưng là áp thấp nhiệt đới đấy ông ạ ...
Ngày này qua ngày khác. Ông bà nhắn tin cho nhau sang chuyện tình cảm. Nhớ lắm ông ạ. Bà ơi giá mà bây giờ tôi với bà cùng đi trở lại Trường Sơn bà nhỉ. Bà ơi họ bảo động Thiên Đường là ở cái đoạn đường 12 cắt với đường 20 đấy. Bà lại nhắn cho ông: tháng sau ông có đi lên nghĩa trang Tây Tựu không? Đèo tôi với ...
Nhưng bà chả đợi được đến tháng sau. Ông đột ngột ra đi vì cảm nặng mà không ai hay biết. Người ta đưa ông lên Phùng Hưng. Bà biết. Người vợ cũ trở về cũng chẳng thèm lục lọi đồ đoàn của ông vì ông có cái gì mà lục. Cái hộp huân chương thì bà biết thừa rồi nó mốc meo vài cái kỉ niệm chương, vài cái huy chương xanh đỏ. Có cái điện thoại trông nhoáng qua là biết loại hai trăm rưởi ngoài hàng đồ cũ. Bà ta để nguyên rồi đặt cả cái hộp huân chương lên bàn thờ thắp thẻ hương vòng rồi khoá cửa.
Cái điện thoại ấy vẫn còn pin cho dù trái tim ông CCB đã thôi đập. Bà TNXP biết thế, ông đã mất nhưng bà vẫn nhắn tin cho ông. Chưa bao giờ bà nhắn những cái tin dài thế, thấm đẫm yêu thương đến thế. Một ngày, hai ngày tin bà vẫn nhắn cho ông và bà vẫn nghĩ rằng ông nhận được. Ngày thứ ba, bà soạn tin rồi bấm gửi đi. Một lát sau màn hình hiện lên dòng chữ: “bạn không thể gửi được tin nhắn tới thuê bao này“. Bà phản xạ rất thông thường bằng cách bấm lại số máy của ông, “tò tí te ..tò tí te ...’
Bà TNXP bỏ máy xuống, rồi khóc...
Khuya 9/7 NTL
Câu chuyên giản dị mà xúc động quá Luân ơi.giờ còn biết bao người lính già chúng ta như vậy.nhưng đã sắp hết pin thật rồi ư...
Trả lờiXóa