Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

MAY MẮN ĐƯỢC LÀ ĐỒNG ĐỘI CỦA CÁC ANH d76


Cao Phương Giang

Cho đến bây giờ, tức là sau gần 45 năm, khi đã “rửa gươm gác kiếm”, tôi vẫn cho rằng, cuộc đời mình thật là may mắn được quen biết, được là đồng đội của các anh lính sinh viên d76. Hơn thế, tôi còn được sống, được trưởng thành như hôm nay, một phần cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các anh. Những ngày chiến đấu gian khổ mặt trận B3, đối với đám lính trẻ chúng tôi, các anh lính sinh viên như thần tượng về nhân cách, về ý chí, về kiến thức, về tình cảm mà chúng tôi luôn cố gắng noi theo để sống sót, để tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ và sống tốt với đồng đội hơn.
Tôi nhập ngũ sau các anh, là lính d90/f304, đi B thuộc Đoàn 3015/B3, được bổ sung về fBB320, là đơn vị của hầu hết sinh viên d76 những năm đánh Mỹ. Tôi xin kể kỷ niệm với một số anh lính sinh viên d76 mà tôi quen biết.
Người đầu tiên của d76 mà tôi biết là anh Nguyễn Trọng Luân, SV Đại học Cơ Điện. Lúc chập chững về đơn vị, lúc anh Luân ra kiềng Nhà Lá đón tân binh thì tôi gặp anh, và như duyên trời đã định, anh em tôi thân thiết từ đó đến bây giờ. Anh Luân là lính chiến đấu c7/d8, còn tôi lính trung đội thông tin của tiểu đoàn nên thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp gặp nhau. Mãi đến dịp đón tết sớm chuẩn bị chiến dịch 1975, lúc ở I-a-súp, anh là a trưởng của c7, các anh ấy bắn được con heo rừng nặng hàng tạ, tôi được anh gọi xuống cho một bữa thịt rừng no nê, nhớ cho đến tận bây giờ. Tôi chỉ được sát cánh chiến đấu với anh duy nhất 1 lần, đó là trận cắt Đèo Cả - Phú Yên 30/3 - 1/4, lúc đó anh là a trưởng trinh sát, tôi là đài trưởng VTĐ 2w, anh em tôi cùng đơn vị vượt đường số 1, đường sắt lên Núi Dục Kinh…qua 3 đêm 2 ngày chiến đấu trong thế bị chia cắt, bị bao vây và và may mắn thoát chết, cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sài Gòn được giải phóng, lúc ở Đồng Dù, anh em chia sẻ cho nhau tất cả những gì mình có. Anh còn bấm cho tôi mấy kiểu ảnh trắng đen, mà bây giờ tôi vẫn giữ được, coi như báu vật vì mấy ai có được những tấm ảnh chụp vào thời khắc lịch sử. Tôi được ra Bắc trước, tôi chính là người mang mấy tập nhật ký, tập thơ của anh gửi về gia đình anh ở Đan Hà – Phú Thọ. Sau đó, mải mê học hành trong và ngoài nước, mãi đến giữa những năm 90 tôi mới gặp lại anh và từ đó chúng tôi quan hệ chặt chẽ đến bây giờ. Câu nói dặn dò thằng em của anh mà tôi tâm niệm từ ngày đầu chập chững vào chiến trường là : “Mày có thể chiến đấu dũng cảm, mày có thể được tặng huân chương, mày có thể tiến bộ, nhưng quan trọng nhất là mày phải sống, phải tìm mọi cơ hội sống sót một cách thông minh nhất có thể”… chắc vì thế, mà tôi sống sót được qua chiến tranh mà vẫn tiến bộ, mặc dù tôi luôn luôn được giao nhiệm vụ nguy hiểm nhất.
Người lính SV thứ hai của d76 mà tôi gặp, buồn thay anh lại là liệt sĩ. Ngày anh hi sinh đúng là ngày tôi được bổ sung về trung đội thông tin, lúc d8/e64 mất chốt Đồi Chuối. Người ta khiêng thi hài liệt sĩ về đặt ngay cửa hầm thông tin, vì anh là lính thông tin VTĐ 2W. Thực ra, lúc đó tôi chỉ biết tên LS là Hà, người khu 4, và là lính sinh viên. Có thể hôm đó thông tin tiểu đoàn hi sinh 2 người nên tôi được bổ sung thay thế? Sau này tôi được biết tên anh là Văn Đình Hà, SV cơ điện, chiến sĩ 2W, quê Nghệ An. Sau khi anh hi sinh, chính tôi là người được giao sử dụng chiếc P-105 méo mó, sứt sẹo và quyển quy ước tên sóng liên lạc thấm máu của anh cho đến hết chiến tranh. Chắc anh luôn phù hộ cho tôi, người thay thế anh, được sống sót qua chiến tranh. Kính lạy hương hồn Liệt sĩ Văn Đình Hà.
Trong tiểu đoàn bộ còn có một số lính sinh viên d76: anh Đoàn Tiến, thông tin HTĐ; anh Nguyễn Mạnh Tiêu, anh Ngô Thịnh ở Trinh sát…các anh rất quí tôi, luôn hướng dẫn tận tình lúc đi trận, giúp đỡ lúc ốm đau, nhường cơm sẻ áo…và được các anh coi như em út. Sau này tôi có gặp lại anh Tiêu, anh Thịnh khi các anh đã thành đạt trên Thái Nguyên. Riêng anh Đoàn Tiến, tôi chỉ nghe anh ấy công tác ở Giấy Bãi Bằng, nhưng chưa có dịp gặp lại.
Đại đội 7 tôi quen biết anh Khuất Duy Hoan, lúc đó là lính hỏa lực cối 60. Chắc vài lần đi văn nghệ nên tôi biết anh từ hồi ở kiềng gần bản Ngoi-lê. Sau giải phóng tôi có mấy lần gặp lại anh. Năm 1983, lúc đó tôi là giáo viên - đoàn trưởng đưa học viên Trường SQTT đi thực tập cuối khóa ở f320 đóng ở Đại Từ. Anh Hoan lúc đó là Tham mưu phó Sư đoàn là người trực tiếp phụ trách, phân công, nhận xét thực tập cho học viên. Năm 1998, khi tôi đang học HVQP thì anh Hoan về học bổ túc chỉ huy tham mưu cao cấp…Mãi đến 2012, khi tôi vào Play-cu giảng dạy cho cán bộ kỹ thuật thuộc Bộ Tư lệnh TTLL, khi sang quân đoàn 3 liên hệ công tác, gặp lại anh Hoan khi đó là Tư lệnh phó Quân đoàn, là người trực tiếp cho lớp tập huấn thông tin mượn nhà khách quân đoàn, bảo đảm xe cộ trong suốt thời gian tập huấn. Vì là cán bộ của quân đoàn lâu nhất d76? Anh giúp chúng tôi tìm được nhiều tung tích liệt sĩ hi sinh thời chống Mỹ. Cảm ơn tấm lòng thơm thảo của anh. Bây giờ thì anh em tôi vẫn gặp nhau luôn luôn.
Về anh Đinh Ngọc Sỹ. Bây giờ anh Sỹ vẫn đùa, may mà tao với mày không biết nhau từ hồi trong Tây Nguyên. He he, nếu quen anh lúc đó thì có nghĩa là tôi sẽ bị thương nặng hoặc ít ra là sốt rét ác tính, đến mức phải đưa về bệnh xá trung đoàn. Nhưng số phận lại cho anh em gặp nhau nhiều sau cuộc chiến. Năm 7/1975, từ Đồng Dù, tôi cùng anh Đinh Ngọc Sỹ trong Đoàn ra Bắc đi học đầu tiên. Hai anh em chia tay nhau nhau tại Binh trạm Thường Tín, anh về học Đại học Quân Y, tôi lên trường Sĩ quan Thông tin. Mãi đến khoảng 1997, qua anh Luân, tôi biết anh công tác ở Học viện Quân Y – Viện 103 với học vị Tiến sĩ. Lúc đó tôi cũng tự nhủ, sẽ noi gương anh trong học tập, và tôi cũng đã cố gắng theo nghiệp học hành và giảng dạy trong quân đội. Khi làm NCS ở Học viện Quốc phòng, thật ngẫu nhiên, tôi nối được liên lạc lại với anh thông qua phu nhân của anh, lúc đó chị là Chủ nhiệm quân y Học viện và từ đó anh em tôi giữ được liên lạc với nhau thường xuyên.
Hồi chiến tranh, mặc dù tôi không biết anh hùng LLVT Nguyễn Vi Hợi, nhưng vì cùng anh tham gia trận Cheo Reo, rồi anh trở thành “anh hùng đường 7”, nổi tiếng nên tôi biết tên anh và thường lấy anh ra làm ví dụ sống cho các bài giảng Nghệ thuật Chiến dịch của tôi. Gần đây, tôi mới biết anh là a trưởng của d76. Hiện anh nghỉ hưu cùng một phường, cùng Hội CCB với tôi nên chúng tôi có nhiều cơ hội ôn lại kỷ niệm hào hùng về trận đánh vô cùng ác liệt nhưng có hiệu xuất chiến đấu cao nhất quân sử Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ khi có mạng xã hội FB, tôi được kết bạn với nhiều CCB đã từng là cựu chiến sĩ – lính SV của d76, đoàn 3002 B3. Thật vinh dự và may mắn.
Các anh lính SV d76 là những người lính vào chiến trường B3 gian khổ nhất, tham gia các trận đánh, các chiến dịch nổi tiếng nhất… đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các anh chiến đấu gan dạ, dũng cảm với sự thông minh, trí tuệ; với lòng vị tha đối với đồng đội và nhân văn đối với kẻ thù – bởi các anh là lính có trí thức. Sau này về với đời thường, các anh vẫn là những là những người thành đạt, luôn hướng tới tương lai nhưng luôn đau đáu về các liệt sĩ, đồng đội, về quá khứ đáng kiêu hãnh một lớp trẻ có học ra mặt trận thời đánh Mỹ.
Thật may mắn và vinh dự, tôi được là đồng đội nhỏ bé của các anh.
C.P.G – CCB d8/d64/fBB320
Ảnh 1: Tấm hình anh Luân chụp cho trong căn cứ Đồng Dù 5/1975
Ảnh 2: Gặp gỡ các anh d76 một ngày nóng như đổ lửa: Luân, Sĩ, Hợi, Hoan và Giang.
LikeShow more reactions
Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]