Nguyễn trọng Luân
Quê tôi cũng ở bên sông. Con sông Hồng bên lở bên bồi như bao dòng sông khác. Lớn lên nghe tiếng ầm ào mùa nước, nghe tiếng bồi băng xoàm xoạp trong cơn lũ rợn người. Nghe tiếng gọi đò đêm khuya năn nỉ day dứt. Nghe tiếng đàn trâu phì phọp lúc hoàng hôn, tiếng trẻ con nô đùa vùng vẫy, tiếng đập chiếu bôm bốp dội đi dội lại đôi bờ. Những con đò gác đầu nằm nghiêng lên bãi cát. Những mùa đông vắng người con đa đa gật gù đi mon men cạnh những chiếc thuyền nan lười biếng. Những chiều tôi dứng trên đê nhìn sang dãy núi xám mờ bên kia sông thấy những tàn lửa lập loà trên núi cứ tự hình dung ra một ngôi nhà cheo leo trên cao và những đứa trẻ cũng chân đất như tôi ngồi nướng sắn ...
Tôi đi học, vẫn chân đất đến trường. Ngày vào đại học, tôi đi xa nhà mang theo đôi dép cao su mà mẹ phải bán hai gánh sắn mới mua nổi. Rồi quê tôi bị bom Mỹ thả vào ga tàu hoả, vào ngôi trường mái lá bên sông.
Rồi tôi đi bộ đội. Tôi không được ghé thăm nhà, tôi đi thẳng vào chiến trường năm 1972. Ngôi làng nghèo bên sông ấy và hình bóng cha mẹ cứ chập chờn hiện về ở Trường Sơn treo đung đưa trên võng.
Một đêm cuối năm 1972 chúng tôi qua sông Mã. Cái cầu treo phía nam Hàm Rồng ập ình trong bóng đèn đỏ lòm từ cây đèn bão của người gác cầu. Cả tiểu đoàn vội vã qua sông trong mưa phùn rét buốt. Tôi cứ nhớ mãi lần đầu tiên nghe con gái Thanh hoá nói trong đêm với nhau: Bộ đội ở mô mà hiền chúng mày nhỉ? Rồi chúng tôi bì bõm trong đêm, con sông Mã oai hùng trong thơ ca, trong trí tưởng tượng của chúng tôi bỗng nhỏ nhoi hiền lành như những người con gái dẫn đường ở cây cầu phao đêm ấy.
Hai tuần sau, áp Tết Nguyên đán chúng tôi tới sông Gianh. Đêm ấy khuya rồi, chừng 12 giờ đêm chúng tôi xuống ca nô ở Quảng Thuận. Rét lắm. Mặt sông trắng như sữa bởi sương mù. Tôi không định hướng được bởi không trăng không sao lại mù sương. Bỗng nghe hò. Xin đừng ai bảo là tôi viết văn nhé. Tôi ám ảnh mãi đến bây giờ vì câu hò trong màn đêm sương dưới sông Gianh năm ấy...
“ ờ ...ơ hò Chừ Sông Gianh thì mãi chỉ mừ sông Gianh
Chừ... anh đi đánh giặc ...ờ ờ ơ dù có xa ...ờ ơ mãi chỉ là anh của ơ ớ mình ...”
Chen chúc nhau trên ca nô chật cứng và ai cũng mỏi mệt nhão người mà nghe con thuyền nào trôi giữa sông có tiếng hò rất ấm trong một đêm rất lạnh. Bên tôi, chật ních những người ra trận dựa vào nhau mệt mỏi không có lời hưởng ứng. Chiếc ca nô cứ ngược dòng rồi rẽ sang sông Son óc ách. Nhưng tôi biết tất cả đều không ngủ và ai cũng lắng nghe tiếng hò trên sông đêm ấy. Đêm sông Gianh với tôi là một đêm thổn thức.
Mờ sáng, cả đoàn quân bước lên bờ một con sông. Bờ bãi là lau sậy, con đường đất loe loét bùn bọc chiều dài một triền ngô non. Con đường lê bùn vào tận làng Cự Nẫm. Ngôi làng nghe cái tên thật lạ lẫm với người học trò miền bắc như tôi. Ở lại Cự Nẫm mấy ngày áp từ 22 tháng chạp tới 26 tết mới ra đi.
Chiều chiều, ra bờ sông nhìn khói bếp len lỏi vườn cây, những đứa trẻ nướng khoai bên bờ sông nôn nao nhớ nhà. Cứ tự hỏi đã có biết bao người lính miền bắc đã qua dòng sông này? Mình là người thứ bao nhiêu và còn bao nhiêu người qua đây nữa.
Những ngày tiếp theo là chuỗi gày hành quân trên Trường Sơn. Chúng tôi qua sông Sê Bang Hiêng, rồi sông Bạc. Những con sông ở Trường Sơn nhỏ thôi nhưng lởm chởm đá, kì bí hiểm trở. Có con sông chảy từ đông sang tây và lại có những con sông chảy từ phía tây về hướng tổ quốc mình. Có điều vượt sông bao giờ cũng lúc còn đêm. Chỉ nghe óc ách, và ầm ào của hàng trăm người lính lội dưới dòng. Vượt qua sông sợ nhất là có pháo sáng. Lúc ấy mặt sông trắng xoá ra chúng tôi đã sang bờ bên kia cắm đầu chạy, còn đội hình đang ở giữa sông thì dìm cả người xuống nước.
Tôi từng gặp một dòng sông đẹp mê man trên dường hành quân. Đó là con sông Xê Công ngay gần trạm 78. Chiều ấy chiều thật vàng, bãi khách là một khu rừng lá vàng trên bờ sông. Những con thuyền từ phía Miên bơi sang đổi thuốc lá. Lần đầu tiên đổi cái mui soa được gói thuốc con gà. Chúng tôi nằm trên võng nghe tiếng con gái vọng dưới sông và tiếng cười của họ rơi lanh lảnh trên mặt nước. Hôm sau chúng tôi đi theo hướng mặt trời nhằm về Kon Tum.
... Chúng tôi vượt sông Pô Kô đi về hướng Gia lai. Lại một chiều trú quân ven sông. Cán bộ nhận quân cấm không cho lính ra bờ sông. Mắc võng trong rừng le nong ngột ngạt ong ong trên đầu tiếng máy bay L19. Tắt nắng, máy bay cũng chuồn từ lúc nào, chúng tôi ra tảng đá nhìn sang sông trong nhập nhoạng tối có một con thuyền độc mộc trôi xuôi, một người đàn ông đóng khố chèo thuyền như chui vào cổ tích. Con thuyền len lỏi qua tưng vạt đá, nó nhấp nhô lặng lẽ. Nửa đêm chúng tôi qua sông. Khúc sông cạn đầy ghềnh đá mà hiền lành. Người cán bộ nhận quân nói, mùa khô nó hiền thế thôi chứ mùa mưa thì khủng khiếp lắm. Tháng 6 năm ngoái đơn vị mình lật cánh từ Kon Tum về Gia Lai đưa cả thương binh nằm trên bè kéo qua, dây đứt bè chìm dưới thác mất cả thương binh, buồn quá. Chúng tôi im lặng không dám hỏi lại và người cán bộ cũng im lặng cho đến sáng. Con sông Pô Kô huyền thoại với lũ học trò lâu nay bây giờ lại càng thêm huyền thoại. Chúng tôi để lại sau lưng tiếng nước chảy với dòng sông tựa hồ những con thác trườn trên rừng đá lởm chởm để đi về phía súng nổ. Thân xác các anh thương binh giạt vào đâu trong cái con sông đầy ghềnh đá ấy?
Ba năm trời trong cánh rừng phía tây Plây-cu. Qua mùa mưa lại sang mùa khô hết tác chiến lại tăng gia, hết lên nương lại giữ chốt, nhiều khi nhớ nhà là lại thấy con sông quê mình hiện lên, lại thấy hình ảnh bố mình cõng cái thuyền nan đêm đêm đi kiếm cá. Nhiều đêm lẫn trong tiếng pháo kích từ Thanh An, Hàm Rồng nghe lanh canh tiếng gõ thuyền của bố trong đầu, lại có lúc bắt gặp một thiếu nữ Tây Nguyên ra suối gùi nước bần thần nhớ những đứa bạn gái quê mình chân trần cong lưng giặt ở bến sông.
Mùa xuân 1975. Mùa tháng ba hoa cà phê trắng muốt rừng, hoa dã quì vàng miên man trên đồi chúng tôi cùng đại quân ào ào đánh Ban Mê Thuột, rồi giải phóng cả dải Trị Thiên đến Tây Nguyên. Đã mấy năm ở rừng bây giờ được tiến vào phố xá, tiến vào những địa danh mà những cái tên từ lâu ao ước. Chúng tôi qua Plây-cu, Buôn Hồ, Cheo Reo rồi đuổi địch đang thất thần chạy nhào ra bể. Bàn chân chúng tôi tơ tướp vì hàng chục ngày đêm không ngủ. Chỉ có con mắt thì tỉnh táo và ngập tràn hi vọng chiến thắng. Chúng tôi gặp nhau trên đường đánh địch, chúng tôi chỉ kịp gọi tên nhau trong khi mỗi người đều hối hả theo đội hình đuổi giặc của mình.
Tháng ba năm ấy tôi lại gặp sông.
Ngày 23/3/75. Trận đánh xe tăng bên bờ sông Ba ở thị trấn Củng Sơn diễn ra từ sáng đến trưa. Tiểu đoàn 8 của tôi dồn một đội hình xe tăng lên một ngọn đồi mà phía sau là sông. Trong cái phút không còn gì để mất, xe tăng địch cụm nòng tập trung về chúng tôi. Sáng hôm ấy C6, C5 đã hi sinh bốn chục người. Hơn ba chục xe tăng bị bắn cháy và bắt sống bên bờ sông Ba.
Đêm ấy, cách trận địa đánh xe tăng chỉ chừng 3 cây số hơn mười ngàn dân di tản cùng với hơn một ngàn lính cụm lại cánh rừng bờ sông chờ vượt sông chạy về phía Tuy Hoà. Sáng 24/3 trong nỗ lực ngăn dân lành không vượt sông tiểu đoàn chúng tôi phải dùng hoả lực tấn công vào quân địch. Cuộc chiến đấu diễn ra ngay trên bờ sông lẫn cả dân thường, xe cộ và bạt ngàn vật dụng của người li hương. Hàng ngàn người chen lấn nhau qua sông trên cây cầu ngầm. Hàng trăm người ngã xuống sông trong tuyệt vọng. Con sông Ba tiếng khóc tiếng la, tiếng kêu gào át cả tiếng súng. Chiều đến, trận đánh đã tàn.
Chúng tôi đã sang sông, bố trí đội hình trong một cánh rừng cách bờ sông 2 km. Tôi và hai đồng đội quay lại bờ sông Ba. Màn đêm buông ai oán trên mặt nước. Trong những vạt rừng ven bờ, trên bãi cát, nương rẫy tiếng khóc tiếng gào tiếng gọi cha gọi mẹ tiếng nỉ non côn trùng như ở một thế giới xa lắc tôi chưa hề biết. Những nấm mồ vùi bằng cát lúc chiều những nấm mồ đắp bằng cành cây lúc chập tối và những nén nhang lập loè rợn người. Cả chiều dài đoạn sông Ba hàng ngàn hàng vạn đốm lửa rưng rưng đêm. Chúng tôi nấp trong bụi cây ven sông, tôi bỗng thấy miệng mình mằn mặn, nước mắt tôi đã chảy từ lúc nào. Sông Ba với tôi là kỉ niệm vừa vui vừa buồn. Mãi mãi ám ảnh về một dòng sông kí ức, xin đừng bao giờ lặp lại trong tôi.
Cuối dòng sông này là con sông Đà Rằng. Tôi lại cùng đơn vị đánh trận 31/3 và 1/4 để giải phóng Phú Yên. Ngày 3/4/75 chúng tôi đi bên bờ sông Đà Rằng. Dòng sông rộng mênh mông ùa ra bể. Những thân xác con người khốn khổ vật vờ từ trên sông Ba trôi về đây, rồi trôi hoà vào bể. Chúng tôi đi ngược kí ức để rồi tiến đến những trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam. Chúng tôi đi trong náo nức mà thương những mảnh đời bất hạnh của dân lành. Cuộc chiến tranh nào cũng thế, chỉ có người dân là thất bại.
Tôi trở về sau chiến tranh. Mùa đông năm 1975, đi trên bờ sông Hồng quê hương, mái trường cũ bom Mỹ tàn phá nay dựng lại vẫn còn xác xơ. Xóm làng tôi và con người bừng bừng vui nhưng thân thể thì gầy yếu qua mười ngàn ngày đêm chiến tranh. Chiều mùa đông tôi lại nghe tiếng gọi đò như từ xưa cũ, lại nghe thấy bãi mía khua những mũi mác lên trời lao xao kho khốc, lại gặp con đa đa run run đi trên bãi cát lạnh lùng. Bố tôi vẫn con lưng cõng thuyền nan đi kiếm cá nuôi cả nhà qua cơn giáp hạt. Mới có bốn năm xa nhà tôi đã gặp bao nhiêu những dòng sông, đã uống nước của những dòng sông ấy, đã vui, buồn với những dòng sông ấy. Chiến tranh cứ in bóng dáng của nó lên những con sông, còn những con sông thì vẫn vô tư trôi chảy. Không có con sông nào muốn in bóng của chiến tranh lên nó cả. Ngàn đời sông cứ bên lở bên bồi, cứ ngân ngấn phù sa cho bờ bãi, cứ reo vui với mùa màng thanh bình xanh mê mải.
Tôi đã ngấn lệ vì bài này của Luân, tôi không được như Luân tham gia và chứng kiến những giờ phút hãi hùng của chiến tranh. Tôi dùng từ "hãi hùng' vì chắc chắn trong chúng ta không có ai- những kẻ đầy lòng trắc ẩn, vị tha và lãng mạn không hề muốn được chứng kiến và tham gia vào những sự kiện đau lòng và khốn khổ như thế!- Nỗi đau đớn của Đồng Bào, nỗi đau đớn của đồng loại. Tôi thông cảm, thậm chí cảm phục tấm lòng trắc ản của Luân- Cám ơn bạn!Bạn đã cho chúng tôi được sống lại những ngày khốc liệt ấy!.Chỉ có điều Luân ơi! Bạn đừng trách tôi nhé!Tôi chỉ thấy nỗi Đau...Đau nhiều mà không thể giải thích, nhiều hơn là niềm tự hào.Tôi tự hào về bạn, nhưng tôi cũng mong bạn tha thứ cho tôi về một tâm hồn đa cảm đang đi tìm và giải thích suốt cả cuộc đời...= Cuộc sống?!.
Trả lờiXóaTriệu Binh thân mến ơi , Tôi không biết là bạn đang ở đâu lúc này , nhưng lúc này cũng lại đang là tháng ba . Ngày ấy ,bọn mình đang cuốn hút vào trận chiến . Mình không muốn rằng trong câu chuyện kể của mình có nhiều súng nổ bởi chúng mình đâu muốn thế pk . Bình không biết đó thôi , có nhiều chuyện kí mình viết mà cứ ám ảnh cái ngày đưa các bạn gửi vào binh trạm trường sơn rồi hối hả ra đi . Nỗi nhớ các bạn đến nỗi khi chiến dịch mùa xuân TN gặp đơn vị nào cũng hỏi tin về Bình , Tiến , Đoàn , Hà . Một hôm thằng Tiêu nó reo lên nó bao: Thằng Tr. Bình ở trên B3 . Cả lũ cơ điện ai cũng vui , nhất là Ngô Thịnh nó cứ tưng tưng là : đấy tao bảo chúng nó chết làm sao được .
XóaBây giờ B đọc trong mắt thằng Tiêu thằng Ngô Thịnh , thằng Dương thằng Bùi Tiến mà xem , nó yêu Bình đến thế nào ./
Bình ơi !bọn mình đã may mắn rồi !chiến tranh kết thục còn lành lặn về ,nay cuộc sống cũng không đến lỗi gì !ngay với máy thằng Luân .THịnh ,Tiêu vv thì ngày ở chiến trường bọn mình cũng may hơn chúng nó ,không phải giáp mặt với bom đạn nhiều ,và không phải chứng kiến nhiều sự hy sinh của đồng đội ...Thôi bằng lòng với hiện tại đi cho nó khỏe ,già rùi ,nhớ lại những kỷ niệm để chia sẻ với nhau cho vui thôi !
Trả lờiXóagiá những lục có tâm sự thê này mình lại được bên nhau như ngày xưa mà tâm sự thì cũng đỡ hơn !
Hôm nọ gả chồng cho con gái quên mất đ/c A trưởng Sơn.Tiến không nhắc tôi. Ân hận quá!.
XóaCám ơn các chiến hữu đã có mặt!.