Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Bốn mươi năm, mùa hè đỏ lửa 1972

J.Pimlott, nhà sử học Mỹ, tác giả cuốn Việt Nam, những trận đánh quyết định đã mô tả cuộc tấn công của Bắc VN vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 khá sinh động. Nó được bắt đầu vào buổi trưa ngày 30.3.1972, trước ngày lễ Phục sinh. Căn cứ hỏa lực của Nam VN ở phía Nam Khu Phi quân sự bị pháo kích dồn dập, chủ yếu là pháo 130 mm, do Liên Xô cung cấp, đặt ở phía Bắc giới tuyến, ngoài tầm pháo 105 mm và 150 mm của Nam VN. Đồng thời, 3 sư đoàn quân Bắc VN với 30 ngàn quân, có 200 xe tăng yểm hộ đã tràn qua Khu Phi quân sự, đè bẹp các tiền đồn của sư đoàn 3 VNCH thiếu kinh nghiệm, khiến sư đoàn này hốt hoảng rút lui khoảng 10 dặm về Đông Hà. Tình hình được cứu vãn bằng cách phá cầu Đông Hà – nhờ sự khôn ngoan của các cố vấn Mỹ mặc dù không có lệnh.

Ngày Lễ Phục sinh 2.4, các căn cứ của quân Nam VN lại bị oanh tạc dữ dội bằng đạn pháo và rốc két, tạo ra một lỗ hổng lớn và các sư đoàn Bắc VN tràn qua lỗ hổng đó, chiếm cầu Cam Lộ, buộc quân Nam VN lùi tiếp về phía Đông, tạo nên một tuyến phòng ngự hình vòng cung từ Cửa Việt qua thị xã Đông Hà, đến sông Thạch Hãn gần thị xã Quảng Trị.
Tổng thống Thiệu ra lệnh cách chức Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn I VNCH, bắt giữ tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh Sư đoàn 3 và trao toàn quyền chỉ huy Quân đoàn I cho Trung tướng Ngô Quang Trưởng – một viên tướng được coi là tài năng nhất của Nam VN. Tướng Trưởng lập một phòng tuyến mới khoảng 25 dặm về phía Bắc Huế, trên sông Mỹ Chánh, chặn đứng nỗi kinh hoàng bằng cách dọa bắn bỏ tất cả những kẻ đào ngũ và cướp bóc. Thiếu lực lượng để phát huy lợi thế, quân Bắc VN đành để cho quân Nam VN củng cố phòng tuyến.
Chiến sự ác liệt làm dòng người tỵ nạn dày đặc gây tắc nghẽn các ngã đường dẫn về Huế. Nhờ lực lượng Hải quân đánh bộ VNCH, Sư đoàn 1 tinh nhuệ và Trung đoàn 20 xe tăng, bất chấp sự hoảng loạn của Sư đoàn 3 VNCH, tuyến phòng ngự của Nam VN vẫn được giữ vững. Thêm vào đó, Nixon cho phép sử dụng không quân oanh tạc dữ dội, 4 tàu sân bay tăng cường cho Hạm đội 7 ở ngoài khơi. Các chiến hạm của Hạm đội 7 đã bắn trên 160 ngàn tấn bom đạn vào các mục tiêu trên bộ, trong khi khoảng 700 máy bay tiêm kích bom và 170 máy bay B-52 thường xuyên oanh tạc. Cơ hội chiến thắng cho Bắc VN thật không dễ dàng.
Bộ Tư lệnh chiến dịch Quảng Trị của Bắc VN gồm những tên tuổi nổi tiếng như: Tư lệnh Lê Trọng Tấn, Chính ủy Lê Quang Đạo. Ngoài ra còn có Cao Văn Khánh, Lê Tự Đồng, Hoàng Minh Thi, Giáp Văn Cương… Còn Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng là đại diện của Quân ủy Trung ương bên cạnh Bộ Tư lệnh chiến dịch.
Không may cho Nam VN, tướng Võ Nguyên Giáp được trao toàn quyền chỉ huy cuộc tấn công, không chỉ chiến dịch Quảng Trị mà còn cả chiến dịch Tây Nguyên và An Lộc nữa – theo Pimlott.
Sự thực không hẳn như vậy. Vào thời gian mà quân Bắc VN bị chặn lại ở phòng tuyến sông Mỹ Chánh, ý kiến của Tổng hành dinh ở Hà Nội và Bộ Tư lệnh chiến dịch có khác nhau. Tổng hành dinh chỉ đạo phải đánh vu hồi để tránh tổn thất do vượt sông đánh chính diện. Bộ Tư lệnh chiến dịch thì đề nghị trong lúc đối phương còn hoang mang, chưa kịp tăng viện, cho dùng sức mạnh vượt sông Thạch Hãn, qua cầu Quảng Trị, phát triển vào Nam Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Bộ Tư lệnh chiến dịch cử tướng Hoàng Nghĩa Khánh, bấy giờ là Tham mưu phó tác chiến ra Hà Nội báo cáo Quân ủy Trung ương. Tướng Khánh kể lại, tới Hà Nôi, lập tức ông đến thẳng nhà riêng Tổng tư lệnh báo cáo. Mới được 5 phút, đang báo cáo dở thì trực ban tác chiến gọi điện thoại tới nói: “anh Ba gọi anh sang nhà riêng để báo cáo ngay”. Tổng tư lệnh bảo: “thôi cậu sang báo cáo trước với anh Ba rồi quay lại báo cáo với tôi sau”. Lạ thật!
Đến đây, tôi lại nhớ chiến dịch Biên Giới năm 1950, có Hồ Chí Minh trực tiếp ra trận, ở ngay bên cạnh Tổng tư lệnh. Trận đánh Đông Khê ngay từ giờ đầu đã gặp trục trặc. Lúc ấy, Hồ Chí Minh bình thản để Tổng tư lệnh chỉ huy trận đánh và rốt cuộc, chiến dịch Biên Giới đã giành toàn thắng.
Trở lại chuyện tướng Khánh sang báo cáo với anh Ba (Lê Duẩn) về ý định phát triển tiến công của chiến dịch mà đối phương chưa tăng viện, đánh chiếm La Vang và thị xã Quảng Trị. Lê Duẩn đặt tay xuống bản đồ, trùm lên cả khu vực La Vang, thị xã Quảng Trị đến cầu Mỹ Chánh và nói ngay: “ Tôi đồng ý, đánh ngay! Cậu về báo cáo với anh Văn sáng mai họp Quân ủy”. Ông lại chỉ thị cho bí thư, hãy “gọi điện cho đồng chí Sáu Thọ là tôi đã nghe đồng chí Khánh ở mặt trận ra báo cáo rồi. Tôi đồng ý với các đồng chí trong đó. Sáng mai mời anh Thọ sang họp Quân ủy Trung ương rồi sẽ đi Pa ri”. Như vậy, vấn đề đã được quyết định rồi.
Sáng ngày 27.4.1972 Quân ủy Trung ương họp có Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh…Vào cuộc họp, Lê Duẩn nói ngay, “tối qua, tôi đã nghe anh Khánh báo cáo ý kiến anh anh Dũng, anh Tấn trong đó, bây giờ để anh Tấn báo cáo lại để các anh nghe”. Mới báo cáo được 20 phút, Lê Duẩn lại cắt ngang: “Tối qua tôi và anh Văn đã nghe rồi, tôi đồng ý, cứ thế mà làm”. Sáu Thọ đứng dậy, đi đi lại lại và nói, tôi qua tôi cũng đã nghe anh Ba nói, tôi cũng nhất trí với ý kiến anh Ba, đồng ý để các anh trong đó cho đánh ngay…Lê Duẩn quay lại hỏi, ai có ý kiến gì khác không? Võ Nguyên Giáp nói cũng đã nghe và đồng ý với ý kiến anh Ba. Tổng tư lệnh gửi điện vào mặt trận: “Gửi anh Dũng, Tấn, Đạo: Hội nghị Quân ủy, anh Ba và các đồng chí khác đồng ý kế hoạch của các anh. Cứ thế triển khai ngay”.
Ngày 1.5, quân Bắc VN đã chiếm được thị xã Quảng Trị, trên Quốc lộ 1, lúc này đông đặc binh lính, thường dân và trang bị bỏ lại.
Ngày 3.5, quân Bắc VN đã tiến đến bờ bắc sông Mỹ Chánh, nhưng bắt buộc phải dừng lại do sự phản kích quyết liệt của quân Nam VN. Quân Bắc VN rút dần về La Vang và thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến đấu phòng thủ giữ thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm cực kỳ gay go ác liệt của quân Bắc VN bắt đầu.
Có những lúc tình hình chiến trường cực kỳ căng thẳng, giữa đêm, 2 giờ sáng, Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn trong lán chỉ huy dưới trời mưa tầm tã nghe điện thoại của Tổng tư lệnh từ Hà Nội gọi vào. Hai vành tai của Lê Trọng Tấn bị dị ứng cao su ống nghe, viêm loét có mủ. Tổng tư lệnh trong đêm đó nhiều lần điện đàm với Lê Trọng Tấn, yêu cầu báo cáo mọi việc. Cứ điện đàm như vậy ba bốn lần trong đêm, hết lần này sang lần khác…
(CÒN NỮA)

1 nhận xét:

  1. Có những tin rất thú vị mong được đọc tiếp.với tôi người lính sinh viên tham gia chiến đấu tại thị xã Quảng trị những ngày tháng 8-9/1972 thì quý lắm thay.

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]