Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

CHIẾN SĨ THU DUNG ĐOÀN 1040

Lại Duy Quỳ - K4 - Đ1040

       Đường hành quân vào Nam chiến đấu đoàn 1040 của chúng tôi đi hết những đoạn đường trên miền Bắc thì bắt đầu hành quân đi tiếp từ trạm 5 (hết Quảng bình) rẽ sang biên giới Việt Lào (tức là đi đường Tây Trường Sơn). Trong bộ phim "Nhật ký chiến trường" đã chiếu nhiều trên vô tuyến ai ai cũng nhìn thấy cảnh các chiến sĩ đi B đều để lại những đồ vật nặng nề như: áo rét, chăn bông, giày cao cổ, ... vì quá nặng nên xả bớt trọng lương cho nhẹ.

         Đoàn 1040 ban ngày đi hành quân vào Nam đêm thì trú quân trong rừng núi Trương Sơn hùng vĩ. Mắc tăng võng là nhà để ngủ, nghỉ tạm dừng chân qua đêm rồi ngày mai đi tiếp. Mỗi ngày đi bộ khoảng 20km chủ yếu là đi bộ trong rừng rậm, trèo đèo lội suối, bơi qua các con sông nước chảy xiết. Nào là dốc Ba Thang, dốc Lò Xo, dốc Cổng Trời…qua những núi đá tai mèo, lúc chui qua rừng rậm, phải bơi qua sông Xê Pôn, sông Xê Măng Hiêng, sông Xê Măng Háng, sông Chanh… nước chảy xiết với cái phao là một cái bao nilông cho tất cả balô, gạo ăn, đạn dược, rồi buộc lại làm phao bơi qua sông. Tôi còn nhớ rõ cứ mỗi lần bơi qua sông các chiến sĩ “trần như nhộng”, theo mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng Châu cởi hết quần áo ra bơi cho thuận lợi. Từ nhng chặng đường vất vả, trèo đèo, lội suối, leo dốc đá tai mèo, bơi qua sông như vậy mới nảy sinh ra mệt mỏi, ốm đau, bệnh tật. Mỗi khi tiểu đội có một chiến sĩ ốm đau thì cả tiểu đội phải chia sẻ phân phát mang vác của đồng đội. Có nhiều chiến sĩ trên đường hành quân phải đeo hai balô cả phía trước, phía sau người. Nào thì dìu nhau đi, cõng nhau đi hoặc phải dùng cáng khiêng khi đồng đội bị ốm nặng. Hầu hết mọi chiến sĩ trên đường hành quân không phải đi bằng chân mà phải đi bằng đầu, bằng ý chí cách mạng, đi giải phóng miền Nam. Tôi là một trong nhiều chiến sĩ của đoàn 1040 trên đường hành quân phải tụt hậu không thể đi tiếp được nữa vì căn bệnh sốt rét, sốt xuất huyết phải vào trạm xá, bệnh viện chữa bệnh gọi tắt là “chiến sĩ Thu Dung”.
2 chiến sỹ Đ1040
      Sau khi chữa bệnh, sức khỏe được bình phục tôi được về C3 tức đại đội ba tiểu đoàn một trung đoàn 575 của quân khu Bộ quân khu năm (trung đoàn thông tin B1 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng ). Có một lần tôi đi xuống Tiền phương làm tác chiến chuẩn bị cho trận đánh tại Núi Chuông - Thịnh Đức bỗng nhiên gặp Mè Tiến Lộc học cùng trường cùng khóa 4 trường đại học Cơ Điện, cùng một tiểu đội đoàn 1040. Lộc nhìn tôi sửng sốt kêu lên đây là thằng Quỳ, thằng Lại Duy Quỳ! Tao có mơ không đấy mày vẫn còn sống à. Hai đứa chúng tôi ôm chầm lấy nhau đến nỗi nghẹt thở không thể nói lên lời. Lộc kể chuyện về tôi, một chiến sĩ Thu Dung. Mày được cáng vào bênh viện D12, binh trạm 32 của đường dây 559, được bác sĩ bệnh viện trưởng D12 cho biết tôi là bệnh nhân đặc biệt. Vì tám quân nhân trước điều trị tại bệnh viện D12 này sau khi sốt rét đã biến chứng sang sốt xuất huyết toàn thân đen tím. Trong tám bệnh nhân thì sáu ca đã ra đi. Còn hai bệnh  nhân sống sót được cứu sống. Tôi là bệnh nhân thứ chín và là bệnh nhân nặng nhất trong chín ca nhập bệnh viện D12 này. Sau khi được bác sĩ cho biết, tôi ở trạng thái bệnh nặng như vậy, các chiến sĩ đoàn 1040 và trực tiếp là Nguyễn Bình Trọng, Mè Tiến Lộc, Nghiêm Xuân Cường, Nguyễn Đình Mẫn, Phạm Bá Dục, Mai Văn Toa, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Nhật Lệ, Vân Hải Dương, Khôi Lạng Sơn, Giang Loe Hà Bắc,… và các chiến sĩ cùng trường đại học Cơ Điện đoàn 1040 tạm biệt tôi tràn đầy nước mắt, tưởng như không có ngày gặp lại. Vì trứơc đó là bạn cùng khóa 4 trường đai học Cơ điện đoàn 1040 đã phải từ biệt liệt sĩ Ngô Văn Quyền đã hi sinh do bệnh sốt rét ác tính tại binh trạm 36 đường dây 559. Trực tiếp có Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Bá Dục, Mai Văn Toa, Hồ Lê Thanh, Trần Vũ Liệu, Trác Dũng…đã chôn cất Ngô Văn Quyền. Ngô Văn Quyền là liệt sĩ đầu tiên của đoàn đã vĩnh biệt chúng ta trên đường mòn Hồ Chí Minh.
        Trong thời gian tôi nằm điều trị tại bệnh viện D12 đã được các bác sĩ chăm sóc tận tình cứu chữa. Y tá Phạm Thị Mùi quê ở Đại Từ, Thái Nguyên, kể lại cho tôi nghe: Những ngày đầu mới nhập viện anh bị bệnh nặng lắm. Bác sĩ Hùng bệnh viện trưởng D12 quê thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây (nay là Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) ở gần quê Đông anh Hà Nội của anh, quan tâm đặc biệt đến anh lắm, nhất là biết anh là sinh viên của trường đại học Cơ Điện đã học hết năm thứ tư (sắp tốt nghiệp kỹ sư rồi). Bệnh viện trửơng của chúng em đã đưa quá trình  điều trị bệnh của anh thành một luận án điều trị. Bác sĩ Hùng trực tiếp điều trị chữa bệnh cho tôi dùng các liều thuốc đặc trị tốt nhất nhưng vẫn lắc đầu, hình như không thể cứu vãn được nữa. Có lần đã đưa tôi ra nằm ở nhà xác (nhà của bệnh nhân đã chết) để điều trị vì bệnh dễ lây lan, bọn y tá chúng em sợ lắm anh ạ. Cứ mỗi lần chúng em tiêm thuốc, cho anh uống thuốc đều phải đứng bên ngoài gọi to, thấy anh động đậy bọn y tá chúng em mới dám tới gần. Vì anh là bệnh nhân thứ chín, ca nặng nhất mà. Y tá Mùi giọng kể đều đều, bỗng nhiên hét to lên sung sướng khi nghe thấy tiếng gọi của tôi xin uống nước và đòi ăn. Em và y tá Thanh ôm chầm lấy tôi và biết chắc chắn tôi đã được cứu sống rồi. Từ cõi chết đã trở về với cuộc sống, sự sống hồi sinh một con người là chiến sĩ Thu Dung đoàn 1040.
Kỷ niệm 40 năm ngày đi B .
Ngày 30 tháng 05 năm 2012

5 nhận xét:

  1. Đúng là người được sống lầm thứ 2 nên bác Quỳ bây giờ cái gì cũng gấp đôi mọi người và đặc biết là gặp bất cứ cô nào hay bà nào thì trước khi chia tay phải ôm vài lần.
    Có việc quan trong hơn là L sỹ Quyền ở k4 mà sao bây giờ vẫn chưa có ai thông tin về quê quán để CCb Cơ Điện tổ chức tìm và thăm viếng cho L Sỹ Quyền cùng gia đình,Đây là lỗi lớn của chúng ta đấy

    Trả lờiXóa
  2. Sếp Quỳ thật là may mắn! Nhất là trong chiến trường lại được toàn các em chăm sóc tận tình kỹ lưỡng. Có lẽ vì tình thương yêu các em gái bao la không bờ bến nên bác Quỳ đã phải ở lại trần gian để truyền tình yêu to lớn ấy cho các em! Vì vậy đi đến đâu, gặp bất cứ ai, miễn là "coi như là" em thì đều được yêu thương hết sức!
    Hoan hô bài hồi ức của Hội trưởng!

    Trả lờiXóa
  3. Hoan hô tinh thần 1040 của hội trưởng Lý Quỳ! Đề nghị mọi người, các cựu lính sinh viên hãy viết nhiều hơn hay hơn nữa vì niềm vui tinh thần của chúng ta.
    Các bạn hãy cứ mạnh dạn viết, cứ nhìn gương của hội trưởng mà theo!

    Trả lờiXóa
  4. Vậy có thơ rằng :
    Hoan hô bác Lý Văn Qùy.
    Ngày xưa suýt chết bây giờ sống khoe (khỏe).
    Bây giờ vẫn uống vẫn "ôm"
    Mặc dù tuổi tác đã ngoài sáu mươi
    Bức ảnh trên hình như chụp ở cầu Ca thì phải ?

    Trả lờiXóa
  5. Hội trưởng CCB ĐH Cơ Điện rất cám ơn những lời nhận xét của đồng đội. Xin cảm ơn Đào Viết Dũng đoàn 1040 đã đăng bài của Quỳ.Mọi người cố gắng viết nhiều về các kỷ niệm của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước để các bài viết của mọi người sẽ tạo thành 1 tập san của CCB ĐH Cơ Điện.

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]