Nghiêm Xuân Cường đội 16 –HTX Thắng Lợi –Đ1040
Chúng tôi rời nhà liệt sĩ Kiều lên xe với cảm xúc lâng lâng khó tả. Vậy là mục đích thứ nhất của chuyến đi đã được thực hiện, bây giờ chúng tôi còn một mục đích nữa là: Thăm lại Cầu Ca .
|
Phía trước là cầu Mây nhưng làm bằng bê-tông rồi |
Xe nhằm hướng Phú Bình - Cầu Ca thẳng tiến. Đi qua khu Gang thép Thái Nguyên, các địa danh chứa bao kỷ niệm với dân Cơ Điện: Vó Ngựa, Dốc Hanh… Qua Cầu Mây, hồi đi B qua chỉ là cầu treo giờ đã là cây cầu bê tông vững chắc, xe đi dọc theo con mương đào Phú Bình mà ngày xưa bọn K4 chúng tôi đã đến lao động vét mương hàng tháng trời. Mặc dù đã giữa trưa nhưng ai cũng thấy háo hức, hồ hởi quên cả đói, mêt.
Đây rồi thị trấn Phú Bình, nơi mà ngày còn đóng quân ở Cầu Ca vẫn đi bộ đến lấy gao. Phú Bình khác quá, giờ nhà xây mọc lên san sát, không còn nhận ra nữa. Đã hơn 12 giờ, định ăn trưa ở đó nhưng Dũng chít nhất định đến Cầu Ca hãy ăn, cho có ý nghĩa. Nghe có lý, lại chạy tiếp hơn chục cây số nữa để đến đích.
|
Ngã 4 cầu K trước mặt rồi, bây giờ toàn nhà cao đẹp... |
Cầu Ca đây. Bốn mươi năm mới gặp lại.Thế là thỏa nguyện. Tất cả ào xuống xe, nhìn nhìn, ngắm ngắm, sờ sờ. Tìm lại kỷ niệm ngày xưa còn sót lại. Rồi kéo nhau vào quán cơm nằm bên kia đường đối diện với hiệu ảnh ngày trước. Còn đang gọi món, nhìn lại đã không thấy “bố” Quỳ đâu, chạy ra tìm thì đã thấy bố đang ngồi nói chuyện với bà chủ cửa hàng hoa quả, vẫy gọi rối rít: vào đây, vào đây và giới thiệu luôn: Đây là “em Hằng – Cầu Ca” đấy . Em Hằng bán nước, người mà 40 năm trước lính Cơ Điện ai mà không biết. Gặp lại chúng tôi, nhớ lại chuyện ngày xưa em xúc động và mừng ra mặt. Hồi đó em đang học lớp 10, sau đó vào sư phạm rồi về dạy học, lấy chồng… nay là chủ cửa hàng bán hoa quả, cũng được, chồng chết, tuy đã đầu 5 nhưng trông hãy còn “ngon” ra phết. Bố Quỳ ghi số điện của em rồi, biết đâu một ngày “mát trời” bố lại “lẻn” lên một mình cũng nên.
|
Em Hằng xinh nhất cầu K năm đó làm anh Quỳ nhớ mãi |
Bữa trưa đạm bạc ở Cầu Ca sao mà ngon thế, có canh mướp với mồng tơi, cà muối xổi, thịt kho dừa… cứ như ở nhà nên bố nào cũng chén đẫy. Cơm nước xong, theo chương trình cả bọn vào thăm lại xóm nhỏ nơi đóng quân cũ. Đi được mấy trăm mét nhìn bên phải thấy con đường đất giữa ruộng lúa hai bên, như linh cảm tôi chỉ tay: đúng đường này rồi. Để chắc ăn, dừng lại hỏi đại: nhà anh Cẩn sau nhà có quả đồi… Vậy mà trúng phóc, có nhà ông Cẩn xóm Phú Thanh xã Thanh Ninh. Thế là rẽ, xe tiến vào trong xóm. Nặn óc cố ghép lại với hình ảnh ngày xưa mà không được vì nay khác quá. Hai bên đường đầu xóm mới xây toàn nhà 2-3 tầng. Xe dừng trước sân kho ngày xưa, nơi mà C2-D69 chúng tôi có nhiều kỷ niệm nhất, nơi tập kết đầu tiên khi đặt chân tới Thanh Ninh, nơi thường xuyên tập hợp đại đội, nơi có bếp ăn mà ngày nào cũng ngồi đó ăn cơm … nay đã là trường tiểu học của xóm. Tìm hỏi chuyện với một người già, nói về mục đích chuyến thăm của đoàn, kể về những chuyện 40 năm trước, thế là dân làng xúm lại, mỗi người một câu rôm rả. Chuyên hiếm mà.
Lạ quá! Từ lúc đặt chân tới Phú Thanh lòng tôi cứ bồi hồi sao ấy, cứ hồi hộp như người con đi xa lâu ngày về thăm quê. Trên đường tới thăm nhà mẹ Cẩn chủ nhà nơi A Quỳ với tôi cùng tiểu đội trú ngụ gần 3 tháng trời, chân bước mà lòng muốn chạy. Hỏi đúng nhà anh Cẩn, gọi cửa, một bà già ra mở đón khách, hơi ngờ ngợ nhưng đúng chị Cẩn rồi, tôi vẫn nhớ mà, không nhầm được. Ôi! thời gian sao mà nghiệt ngã vây, mà cũng phải thôi 40 năm rồi, nay chị đã 76 tuổi còn gì. Chúng tôi vào nhà.Câu đầu tiên là hỏi thăm mẹ Cẩn, người mẹ đã khắc sâu vào kí ức tôi hình ảnh mẹ già cầm tay tôi lắc lắc, nước mắt lăn dài trên gò má khắc khổ trong giờ chia tay tôi đi B (tôi đã kể về mẹ trong trong trang nhật kí ngày ấy – ngày đi B . đăng tháng 8- 2011)
Rất tiếc mẹ đã mất từ mấy năm trước. Còn anh Cẩn giờ đã là ông lão gần 80 đang bệnh tật do tai biến, nằm trên gường không nói được, mắt lòa. Nghe nói có bộ đội sinh viên cũ đến chơi cũng cố ngồi dậy nhưng không được, chỉ ngóc ngóc đầu lên. Tôi nắm tay anh, không nói được nhưng biết anh mừng, cảm động lắm và mếu máo khóc dù chưa chắc anh có nhận biết được ai. Chúng tôi xin phép thắp hương cho mẹ Cẩn rồi ngồi xuống phản nói chuyện với chị Cẩn, tuy không còn nhớ được ai nhưng chị vui mừng ra mặt, nói liên hồi, rôm rả vẫn bằng cử chỉ nhanh nhẹn ngày nào. Anh Quỳ và tôi cố hình dung chỗ nằm của mình ngày xưa trong ngôi nhà này.
|
Em Nhang sờ nắn anh Cường như tìm lại... |
Nhắc tới “bé” Nhang (con gái đầu của anh chị) chị sai ngay thằng cháu đích tôn chạy sang gọi bác Nhang. Lúc sau vợ chồng Nhang đến, ào tới nắm tay chúng tôi: Em chào các anh, gia đình em cảm động lắm, vui lắm, mừng lắm, các anh đến chơi thật quý hóa, lần đầu có bộ đội cũ đến thăm … Cứ thế em làm một tràng dài. Vẫn cái tính nhanh nhẩu, liến thoắng ngày nào. Ngày đó cô bé mới 15 tuổi, xinh đep, tinh nghịch hay trêu chú Cường vậy mà nay đã sắp thành bà. Tôi ra sân ngắm nhìn ngôi nhà, 40 năm rồi mà chẳng khác là bao. Nhìn lên quả đồi sau nhà có cây trám trắng đã chứng kiến mỗi khi bạn gái tôi ở trường đến thăm lại cùng ngồi tâm sự. Những kỉ niệm 40 năm trước ùa về…
Chuyện trò hơn 1 tiếng mà không dứt ra được. Chị Cẩn và vợ chồng “bé” Nhang cố giữ chúng tôi lại ăn cơm. Nhưng đành phải về thôi, chia tay thôi. Chị dặn chúng tôi sớm lên thăm lại, ở chơi cả ngày. Đến lúc bắt đầu nhận ra, nhớ ra nhau thì lại phải về. Thật là một cuộc gặp mặt đầy cảm xúc, nhiều ý nghĩa.
|
Và em Nhang muốn ôm cả 2 anh K4 váo mình... |
|
Chụp ảnh kỉ niệm cùng gia đình bà Cẩn, em Nhang và chồng. |
|
Em tiễn chân Anh ra cổng và dặn lại lời mời ... |
Tạm biệt Cầu Ca, tạm biệt xóm Phú Thanh – Thanh Ninh. Chúng tôi lên xe để còn đến thăm Đại Hóa –Tân Yên nơi D54 của Thọ mom đóng quân nữa. Thế là toại nguyện. Kết thúc chuyến đi thành công mỹ mãn. Mong còn có nhiều chuyến đi, nhiều các chiến hữu tham gia hơn nữa.
Lý Quì có ôm em Nhang k . Bao nhiêu kỷ niệm cũ ập về Đi đâu phải giữ chặt bác Quì đấy nhé
Trả lờiXóaLàm sao để bố cháu post bài vào đây được nhỉ. Bố cháu mới viết 2 bài dài (cháu Cường - con bố Quỳ)
Trả lờiXóaThứ nhất cháu Cường phải để bố cháu tự làm lấy mọi việc
Trả lờiXóathứ hai nếu bài có dưới 5000 ký tự thì cháu đưa vào commen còn nếu dài hơn cháu gõ xong gửi thư điện tử,thế thôi Qng già lười đâu rồi
Nhớ lại cảnh cô Nhang luống cuống cầm tay và định ôm a Cường mà xúc động quá .ngày xưa các a có gì không mà sao lại nhớ nhau đến thế ,may mà có chông cô Nhang cùng sang ở đó .Còn a Quỳ nữa hôm nào định lẻn đi cầu K thì rủ thằng fm đi cùng nhé.
Chắc cái này phải nhờ chú dũng còn cháu sẽ giúp bố cháu tập cách viết nhận xét:D( cháu khánh- con bố Quỳ)
Trả lờiXóaTrêu đùa thế này thì chỉ có chết bác Quỳ thôi, đến tai bác gái thì bác Quỳ nhà ta còn đâu sức mà đi chơi với chúng ta được.
Trả lờiXóaxem các bài viết của các chú viết về những ngày xa xưa mà cháu nghĩ chỉ có thời gian đó, hoàn cảnh đó mới có cảm xúc như vậy còn thời này của bọn cháu thì không thể có những giây phút như thế này được nhưng bọn cháu có thể cảm nhận và hãnh diện vì ông cha ta đã có những ngày tháng sống chết có nhau,có những tình thương yêu , tình đồng chí, tình đồng đội, tình bạn.....
Trả lờiXóaLính mà , nói thật mà cứ như đùa . Nhưng TVL đừng lo , sống với nhau mấy chục năm nên bà xã ô.Quỳ đã quá hiểu " mặt hàng " rồi .
Trả lờiXóaCòn ô.Thọ nếu có " bám càng " Lý Quỳ thì thế nào cũng phải có câu " Kính bác ..." Vui lòng nhé - Trưởng trước , phó sau mà .