Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

KÝ ỨC NGƯỜI LÍNH SINH VIÊN VÀ GIÁO VIÊN

MAI VIỆT ANH

       Chỉ còn khoảng một tuần nữa là tôi sẽ bước vào học năm thứ 4 Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, nhưng nhận được “Lệnh Tổng động viên”, tôi vẫn vui vẻ lên đường nhập ngũ để làm tròn nghĩa vụ của “Trai thời chiến”.
        Cuộc đời “Lính Sinh viên” chỉ vẻn vẹn gần 4 năm nhưng đã để lại cho tôi và đồng đội nhiều kỷ niệm sâu sắc của tuổi thanh xuân không bao giờ phai mờ.
       Đầu tiên là cuộc hành quân bộ suốt từ Thái Nguyên đến Tây Nguyên kéo dài 3 tháng. Khi đó tôi nặng 42 kg nhưng thường xuyên phải mang vác 45 kg gồm tất cả gia tài người lính (quân trang, vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men ...) trèo đèo, lội suối vượt Trường Sơn qua Lào và Căm Pu Chia đến mặt trận Tây Nguyên (B3).Nhiều lúc tôi đói và mệt, tưởng như không thể bước thêm một bước nào nữa. Dọc đường hành quân bộ có nhiều đồng đội đã phải vĩnh viễn nằm lại do bom đạn, do sốt rét ác tính, do cây đổ, do rắn độc cắn...
       Đến Tây Nguyên, tôi được biên chế vào đại đội hỏa lực 12 ly 7 của Đại đội 16, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A thường xuyên làm nhiệm vụ bắn mở “cửa mở” cho bộ binh tấn công đồn giặc. Khi chiếm được cứ điểm thì chúng tôi lại dựng súng 12 ly 7 lên đánh trả máy bay giặc đến ném bom hủy căn cứ. Trận đánh đầu tiên của đời Lính Sinh viên là trận đánh cứ điểm Chư Nghé ngày 22/9/1973 tiêu diệt gọn tiểu đoàn 80 của địch và bắt sống hơn 200 tù binh.
Mùa xuân năm 1975, đã đi vào lịch sử của đất nước ta bằng những chiến công oanh liệt. Đơn vị chúng tôi mở màn các trận đánh bằng trận Cẩm Ga ngày 8/3/1975, rồi sau đó là Trư Sê, Thuần Mẫn, Cheo Reo, Phú Bổn...
       Ngày 01/4/1975 đơn vị tôi tiến đánh và giải phóng thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, bắt sống Trung tướng ngụy quân Hoàng Xuân Cẩm. Đơn vị tiếp tục hành quân tiến về Sài Gòn, đội quân đi trùng trùng, điệp điệp hát vang vang điệp khúc của bài hát “Tiến về Sài Gòn” của Lưu Hữu Phước được biến lời thành: “Sài Gòn ơi ta đã phồng chân, ta đã phồng chân”.
       Khi nhận được mệnh lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!", khí thế của quân ta lên cao hừng hực, ai cũng náo nức muốn mình là người đầu tiên cắm lá cờ Tổ quốc thân yêu trên sào huyệt cuối cùng của kẻ thù.
       Đồng Dù, Củ Chi cách Sài Gòn 30 km, nguyên là căn cứ quân sự của Sư doàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” của Mỹ. Đây là "Cánh cửa thép phía Tây - Bắc Sài Gòn của Mỹ ngụy" do Chuẩn tướng Lý Tòng Bá chỉ huy. Căn cứ nằm án ngữ đường từ Bình Dương về Sài Gòn, rộng hơn 7 km vuông, có trên 3.500 quân lính, có 15 khấu pháo lớn và 20 xe tăng M41, M48. Đồng Dù được vây quanh bởi hàng chục lớp rào dây thép gai đủ các loại với chiều sâu hàng 300 m. Tiếp theo chúng đắp một con đê cao gần 2 m bao quanh căn cứ, phía trong là các ụ súng đại liên, 12 ly 8...
       Khi trinh sát mục tiêu, chúng tôi được nghe người dân Củ Chi nói: "Các ông không đánh thắng đâu, vì bọn chúng mạnh lắm".
       Chúng tôi xác định đây là môt trong những trận đánh cuối cùng nên ai cũng mặc cho mình bộ quân phục mới nhất, đẹp nhất để nếu có hy sinh cũng là ở trên tư thế của người chiến thắng. Trong mỗi túi ngực áo của chúng tôi đều có một gói nilon nhỏ ghi rõ họ tên, quê quán, đơn vị để tiện khi sử dụng đến.
       Tối ngày 28/4/1975, chúng tôi hành quân tiếp cận chiếm lĩnh trận địa, đơn vị pháo binh không kịp đào hầm cứ để pháo nằm ngay trên mặt đất sẵn sàng chiến đấu. Đây là trận chiến ác liệt nhất, vì bọn địch quyết tâm phòng thủ bảo vệ cho Sài Gòn - thủ đô của Việt Nam Cộng hòa.
       Trận đánh Đồng Dù bắt đầu lúc rạng sáng ngày 29/4/1975, pháo binh ta bắn dồn dập vào căn cứ địch, chúng tôi cũng bắn 12 ly 7 xối xả để mở “cửa mở” cho bộ binh xông lên. Bọn địch lợi dụng địa thế trong trong căn cứ điên cuồng nhả đạn chống trả. Quân ta hy sinh rất nhiều vì các mũi tiến công của bộ binh ta đều phơi mình trên đất trống, dễ bị địch phát hiện, còn bọn chúng thì nằm trong công sự bắn ra. Quân ta bắn thấp một chút thì đạn găm vào đê đất, bắn cao một chút thì đạn vọt lên trời. Máy bay A37 và trực thăng vũ trang của địch cũng bắn mãnh liệt nhằm ngăn chặn đường tiến công của quân ta và củng cố tinh thần cho bọn địch trong công sự
       Xe tăng của ta tiến đến giúp mở cửa mở nhưng không thể tiến lên được vì phía trước còn có nhiều thương binh, liệt sỹ nằm la liệt ở đó, không thể để xe tăng cán lên các đồng đội của ta. Trong lúc ta còn chần chừ, bọn địch đã bắn cháy một xe tăng ta. Bộ binh lại phải xông lên khênh thương binh và xác các liệt sỹ rẽ ra 2 bên để mở đường cho xe tăng ta tiến lên tiêu diệt địch.
       Khẩu đội 12 ly 7 của tiểu đội tôi bắn liên tục đến nóng đỏ cả nòng súng, tích cực bắn yểm trợ cho bộ binh đem bộc phá lên đánh phá các hết lớp hàng rào thép gai này đến hàng rào khác. Quân ta có thêm viện binh nên càng hăng hái tiến lên áp đảo tiêu diệt nhiều tên địch.
       "Cánh cửa thép phía Tây - Bắc Sài Gòn" của địch bị mở toang, quân ta đánh chiếm khu trung tâm, thu hàng nghìn loại vũ khí, tiêu diệt được 600 tên địch và bắt sống được trên 2.000 tù binh, trong đó có Chuần tướng Lý Tòng Bá sư đoàn trưởng sư đoàn 25 của địch.
       Chính ủy Trung đoàn 48 Đình Hữu Tấn đã thu giữ tấm thẻ căn cước của Chuẩn tướng Lý Tòng Bá để minh chứng cho một chiến thắng vô cùng oanh liệt của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A.
       Sau khi giải phóng Đồng Dù, căn cứ quân sự to lớn của địch, đơn vị chúng tôi tiếp tục hành quân tiến về giải phóng Sài Gòn.
       Lúc tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, thì chúng tôi còn cách dinh Độc Lập khoảng 10 km.Chúng tôi nhận lệnh quay trở lại Đồng Dù để bảo vệ cứ điểm và sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
       Đất nước ta đã thống nhất, nhân dân ta đã có cuộc sống tốt đẹp trong độc lập tự do, 39 năm đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm về ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 vẫn in sâu trong tâm khảm những người lính chúng tôi. Đây cũng là nén tâm nhang tưởng nhớ đến những đồng đội của tôi đã ngã xuống ngay trên cửa ngõ Sài Gòn, khi mà thời gian đến thắng lợi cuối cùng chỉ tính bằng giờ.
       Chúng tôi tự hào vì lúc Tổ quốc đang trong "tình thế nước sôi lửa bỏng" đã là những người "Lính sinh viên" vui vẻ, hăng hái lên đường tham gia Chống Mỹ cứu nước, đã được đóng góp một phần mồ hôi và xương máu của tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam thân yêu.
       Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lính thời chiến, Bộ Quốc phòng lại chuyển tôi về Bộ Giáo dục, tôi học tiếp năm thứ 4 Khoa Toán trường Đại học sư phạm Việt Bắc. Kiến thức đã vương vãi nhiều sau những năm rời nhà trường đi chiến đấu, nhưng tôi đã cố gắng học tập, vượt qua khó khăn để hoàn thành chương trình Đại học.
       Năm học 1977 - 1978, tôi được phân công về trường cấp 3 thị xã Cao Bằng (trường THPT thành phố Cao Bằng ngày nay) trực tiếp giảng dạy môn toán. Với bản chất Anh Bộ đội Cụ Hồ, tôi đã cố gắng học tập theo gương thế hệ giáo viên lớp trước, nhiệt tình giảng dạy kiến thức văn hóa và đạo đức cho đàn em học sinh thân yêu.
       Được sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu và các đồng nghiệp, tôi đã từng bước trưởng thành đảm nhận các công việc: Tổ trưởng bộ môn toán, phụ trách Văn nghệ của trường, phụ trách lao động của trường, Bí thư Đoàn trường, Phó Bí thư Chi bộ nhà trường, Phó Hiệu trưởng và trong chiều dài lịch sử hơn nửa thế kỷ có 15 đồng chí Hiệu trưởng trường THPT thành phố Cao Bằng thì tôi được đứng vào vị trí thứ 11.
       Nhớ lại những năm tôi công tác tại trường, lúc đó trường có nhiều khó khăn, thiếu thốn. Học sinh thì đông, giáo viên đứng lớp thì thiếu, lớp học cũng thiếu, phải học thay ca. Thầy giáo và học sinh phải thường xuyên tham gia lao động xây dựng trường lớp. Có những lần thầy Trịnh Xuân Lục, thầy Trần Nguyên Tỏa và tôi phải thức thâu đêm mưa rét, mua bánh chưng đến xưởng gỗ bồi dưỡng cho công nhân để được mua gỗ về kịp thời xây dựng trường theo đúng kế hoạch. Tôi không quên những lần thầy và trò cơm nắm, cơm đùm đi lao động đào mương Khuổi Lái, mương thủy điện Suối Củn, đi trồng cây ...rất vất vả, có khi phải đổ cả máu, nhưng tình cảm thấy trò trải qua lao động mang lại những ấn tượng tốt đẹp, mà nhiều năm sau các em vẫn còn nhắc đến như những kỷ niệm đáng nhớ của thời học sinh.
       Tôi thầm nghĩ, trong 40 năm công tác liên tục, thì 4 năm trong quân ngũ làm chiến sỹ giải phóng Miền Nam và 13 năm công tác tại trường THPT thành phố Cao Bằng đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm rất sâu sắc.
       Mỗi mùa Khai giảng, mỗi dịp kỷ niệm 20/11 là mỗi lần tôi nhớ đến nhà trường, nhớ đến những lớp học sinh của trường trước đây, ngày nay đã trưởng thành, tỏa đi 4 phương trời, đóng góp công sức và trí tuệ để xây dựng đất nước Việt Nam vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh".
       Xin cảm ơn nhà trường, cảm ơn các thế hệ học sinh đã giành những tình cảm tốt đẹp cho chúng tôi.
       Chúc trường PTTH thành phố Cao Bằng phát huy truyền thống tốt đẹp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "Trăm năm trồng người".
      Chúc các đồng chí giáo viên và toàn thể học sinh trường THPT thành phố cao Bằng luôn mạnh khỏe, tiến bộ và trưởng thành.
       Dưới đây là tấm ảnh tôi chụp tại Sài Gòn ngày 02/5/1975 với Ngôi sao Quân giải phóng Miền Nam trên mũ để gửi về gia đình báo tin mình vẫn còn sống sau cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt.

3 nhận xét:

  1. Bạn có thể tự hào ,và mọi người tự hào về bạn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn linh sp. Năm mới 2016, chúc bạn và gia đình mạnh khỏe, may mắn và có nhiều niềm vui.Mình muốn biết rõ hơn về bạn

      Xóa
    2. Cảm ơn linh sp. Năm mới 2016, chúc bạn và gia đình mạnh khỏe, may mắn và có nhiều niềm vui.Mình muốn biết rõ hơn về bạn

      Xóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]