Từ Sơn La, qua Thuận Châu, xe leo lên
đèo Pha Đin “Dốc Pha Đin anh hò chị hát, Đèo Lũng Lô chị gánh anh thồ”
Câu thơ Tố Hữu năm nào văng vẳng bên tai. Con đèo dài gần 30km này chắc
không giống với những gì mà năm xưa chúng ta tưởng tượng.
Đèo
và dốc bây giờ cũng khó mà phân biệt, đều là những con đường lên rồi
xuống, uốn lượn quanh co ven các sườn núi cây cối rậm rạp thưa thớt bóng
người. Nghỉ chân trên đỉnh đèo mà tầm mắt cũng chả vươn xa được bao
nhiêu vì cây cối che hết cả.
Qua đèo Pha Đin, chúng tôi rẽ vào Mường
Phăng, thăm sở chỉ huy chiến dịch ĐBP năm xưa, gắn liền với tên tuổi của
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà nơi đây giờ đã trở thành một điểm tham quan
trong cụm di tích lịch sử ĐBP. Từ điểm đỗ ô tô phải đi bộ chừng 1km mới
đến nơi.
Sở Chỉ huy Quân sự chiến dịch ĐBP đóng dọc theo một con suối nhỏ chạy
quanh dưới chân núi Pú Đồn, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn,
bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện. Nằm ẩn mình dưới tán
rừng cổ thụ, thường được gọi với cái tên “Rừng Đại tướng”, từ căn hầm
chỉ huy đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá là có thể quan
sát toàn bộ thành phố ĐBP, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước
kia của quân Pháp …nhưng chúng tôi không thể leo lên được. Thời đó , Đại
tướng làm việc và nghỉ ngơi trong hầm trú ẩn được đào xuyên vào lòng
núi để tránh bom và đạn đại pháo. Đường hầm dài 69 m, cao 1,9 m, rộng 2
m, thông từ lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến lán của Thiếu tướng
Hoàng Văn Thái.
Rời Mường Phăng, xe tiếp tục lăn bánh
chừng hơn 30km thì đến TP Điện Biên vào lúc 3 giờ chiều. Chúng tôi tranh
thủ đi xem thành Bản Phủ, nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, đồi A1, hầm
chỉ huy của tướng Đờ Cát.
Thung lũng Mường Thanh bằng phẳng với mầu xanh ngút tầm mắt của các
ruộng lúa non. Mầu xanh của hòa bình, mầu xanh của sự no đủ, trù phú cho
con người nơi đây.Thật không thể tưởng tượng được, hơn nửa thế kỉ
trước, nơi đây lại là một chiến trường cực kì ác liệt đến vậy.
Thành Bản Phủ nằm cách thành phố ĐB 9km về phía tây, là một di tích cổ
còn sót lại một đoạn cổng thành đồ sộ nằm án ngữ ngay lối vào. Bên trong
là gian thờ tướng quân Hoàng Công Chất, một vị tướng nghĩa quân quê
Thái Bình khoảng 200 năm trước, có công lao dẹp giặc Phẻ từ phương Bắc
tràn xuống, sau khi dẹp xong giặc thì xây dựng tòa thành này vào những
năm 1758 – 1762. Mọi người vào đền thắp hương rồi ra chụp ảnh kỷ niệm
bên gốc đa cổ thụ 200 năm
Quay trở lại thành phố, chúng tôi vào
ngay Nghĩa trang liệt sĩ ĐB (hay còn gọi là nghĩa trang liệt sĩ đồi A1)
nằm ở trung tâm TP Điện Biên, ngay cạnh đồi A1, chỉ cách một con đường
nhựa. Nơi đây yên nghỉ các chiến sĩ tham gia chiến dịch ĐBP năm xưa.
Phía trước Nghĩa trang có 2 bức tường lớn, ghi tên các liệt sĩ hi sinh ở
Điện Biên. Bên trong, mộ các bác, các anh nằm theo hàng lối ngay ngắn
bên những lối đi được lát đá hoa cương. Được xây dựng từ năm 1958, tháng
10 năm ngoái, NT đã được tu sửa lớn để phục vụ cho lễ kỷ niệm năm nay.
Nơi đây có 644 ngôi mộ là những cán bộ,
chiến sỹ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ,
nhưng nhìn các bia mộ trắng trơn, ai cũng rất buồn : tất cả là các ngôi
mộ đều là vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ như :
Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Tôi cũng được biết ở
Điện Biên còn 2 nghĩa trang nữa mang phần mộ của hàng ngàn liệt sĩ vô
danh, đã hy sinh trong chiến dịch này. Họ không có tên tuổi cũng chẳng
có ngày hy sinh. Họ nằm đó như biểu tượng của một thời oanh liệt.
Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, là cứ
điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồi A1
nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc và Đông
Nam. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi cứ điểm này.
Sáng ngày 7/5/1954 quân ta đã chiếm được nó.
Trên đỉnh Tây Bắc của đồi A1 có một đài
kỷ niệm. Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18
tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích
quân đội ta. Một di tích đáng xem nữa là cái hố hình phễu to bằng cái
“ao đình” cạn. Đó là dấu tích vụ nổ khối bộc phá gần nghìn cân vào sáng
ngày 7/5 của quân ta tiêu diệt một đại đội giặc Pháp, phá hủy cả hầm, cả
lô cốt cố thủ của giặc.
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, ngọn đồi
đã phủ kín cây xanh. Cây lá trên đồi sum suê, trĩu quả, là hình ảnh về
sức sống kì diệu của mảnh đất huyền thoại năm xưa. Đến thăm đồi Al,
chúng tôi đã đến với qủa đồi ghi dấu chiến công góp phần làm nên chiến
thắng vang dội chấn động địa cầu mà giờ đây đã trở thành bất tử.
Có ai nói : nếu chưa đến hầm của tướng Đờ
Cát, xem như bạn chưa lên đến Điện Biên. Từ xa đã nhìn thấy cái mái vòm
che bằng khung kính thép sáng loáng mà bạn Bằng CSV k10 của chúng ta đã
vinh dự được tham gia thiết kế và thi công, đó là món quà đầy tình
nghĩa mà Hà Nội tặng tỉnh Điện Biên.
Điểm cuối cùng ở ĐB mà chúng tôi đi thăm
đó là tượng đài chiến thắng ĐB. Đã từng nghe nhiều giai thoại về cụm
tượng đài này, về chuyến chuyên chở tượng đài từ Nam Định lên ĐB bằng xe
siêu trường siêu trọng của Tế, về chuyện chất lượng đồng đúc không bảo
đảm vv. Nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác tự hào và vui sướng khi được
đứng chụp ảnh dưới chân tượng đài và cho rằng vị trí đặt tượng cũng như
tầm vóc của bức tượng là xứng tầm với chiến thắng lịch sử ĐBP.
Tượng đài chiến thắng ĐBP, công trình
trọng điểm chào mừng 50 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được đặt trên
đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố, cao khoảng 50m so với cánh
đồng Mường Thanh. Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 anh
bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ
quyết chiến quyết thắng. Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng
thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn, là tượng
đài lớn nhất VN hiện nay. Chúng tôi cũng nhìn thấy những vết nứt đã mốc
rêu xanh chạy loằng ngoằng trên thân tượng, đó là do chất liệu đồng
không được nguyên chất mà pha cả đồng phế liệu. Liên quan đến sai phạm
này mà tháng 7 năm 2007, 5 cán bộ tham gia trong quá trình xây dựng đã
bị tạm giam và điều tra.
Và thật là thú vị khi đứng trên ngọn đồi
mà hơn nửa thế kỉ trước là cứ điểm then chốt của thực dân Pháp ở ĐBP. Từ
ngọn đồi này, ta nhìn được thênh thang bao quát hết thành phố, những
dãy nhà, những con đường, dòng sông, ngọn núi bao quanh lòng chảo Điện
Biên.
Buổi tối, chúng tôi được BCH biên phòng
tỉnh mời về nghỉ ngơi và ăn uống, giao lưu tại khu nghỉ dưỡng của bộ đội
biên phòng, thuộc khu vực quản lý của đồn biên phòng Thanh Luông, cách
Thành phố ĐB chừng 15km. Ở đây chúng tôi được thả mình thư giãn trong bể
bơi nước khoáng nóng xua tan cái mệt mỏi, bụi bặm của chuyến đi dài,
được uống rượu giao lưu vui vẻ với các chiến sĩ biên phòng của đồn và
rồi được đắm chìm trong giấc ngủ say, yên tĩnh giữa đại ngàn tối đen nơi
vùng cao biên giới.
Ngày hôm sau vào lúc 5 giờ sáng, khi mà
trời còn nhọ mặt người, xe của chúng tôi đã lại nổ máy và cả đoàn lại
lên đường nhằm hướng Apachải thẳng tiến. (còn tiếp)
TVL
Bài viết của lính giàu chất lính, rất hay!
Trả lờiXóa