Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Điện Biên xa xôi (1)

Hôm nay đã là thứ sáu, đã là 5 ngày sau khi kết thúc chuyến đi Điện Biên – Apachải mà ấn tượng về chuyến đi vẫn còn vương vấn trong đầu. Đối với k6, với những chuyến đi “lịch sử” thì có nhiều, nhưng chuyến đi này cũng xứng tầm để mà viết, mà suy tư về những gì đã nghe đã thấy, những gì đã làm dậy sóng tâm hồn.


Nhật ký hành trình của chuyến đi, những sự kiện ái ố hỷ nộ xẩy ra mà cả đoàn đã nếm trải dọc đường, xen kẽ những hình ảnh đẹp đến mê hồn của đất trời Tây Bắc …thì đã có những phóng viên chiến trường như Thọ mom, Hồ Nam mô tả cặn kẽ, ở đây tôi chỉ ghi lại những gì mắt thấy tai nghe, một số những cảm xúc của chuyến đi, những cảm xúc xô bồ, không theo trình tự nào, chợt đến chợt đi ùa đến mà tôi đã cảm nhận, thu bắt được.
20140409_082243
Thoát khỏi những con đường bụi bặm giữa phố phường đông đúc từ Xuân Mai, Kỳ Sơn rồi Cao Phong, Tân Lập, con đường số 6 ngoằn nghoèo xuyên qua những triền núi đá qua Mai Châu rồi đến Mộc Châu. Cao nguyên Mộc châu với những vườn đào, mơ lá xanh xum xuê, mờ ảo trong sương sớm, nhìn mát cả mắt. Xe đi nhanh, qua Mộc Châu mới có gần 10g. Chúng tôi ăn trưa tại nhà hàng Phong Phú ở Hát Lót, cách Sơn La khoảng 20km, ở đó mà lần đầu tiên tôi và một số người nữa thấy một con mãng xà to đến thế ngâm rượu. Hỏi chủ nhà mới biết con rắn hổ mang chúa này nặng đến 16 kg, dài chừng 4,5m, được ngâm trong một bình thủy tinh chứa cỡ 20 lít rượu. Bình rượu này không bán lẻ, giá trị của nó chắc không dưới cả trăm triệu. Chúng tôi ăn trưa với rau cải và món thịt cầy nấu chao, một đặc sản ẩm thực đầu tiên của núi rừng Tây Bắc mà không phải ai cũng có thể ăn được.
20140409_122206
Đến Sơn la thì đã quá trưa. Đây rồi, miền đất thủ phủ của vùng cao tây Bắc, miền đất của những ký ức về một thời trai trẻ, nông nổi của Bình tàu, của điệu xòe hoa, nhẩy sạp của các cô gái Thái váy áo sặc sỡ…Nhưng chúng tôi không có nhiều thời gian để vui chơi và cảm nhận, mục tiêu Apachải đè nặng lên tâm trí chúng tôi. Chúng tôi tranh thủ đi thăm nhà tù Sơn la, nơi mà từ bé đến giờ đã nghe nói tới nhiều mà bây giờ mới được mục sở thị. Nhà tù Sơn La với những mảng tường đá cũ nham nhở hiện ra trên một đỉnh đồi lọt thỏm trong lòng thành phố, cạnh bảo tàng Sơn La. Cây đào Tô Hiệu đã không còn, thay vào đó là cây mới vì cây cũ đã không thể còn chống chọi lại được với thời gian.
20140409_142506
Nhà tù có diện tích nhỏ, chừng 3000m2 các buồng giam cũng nhỏ nhoi nhưng lại giam giữ những con người có chí lớn. Chúng tôi được nghe kể về tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản, về ý chí kiên cường và cái chết vì bệnh lao phổi của bác Tô Hiệu, về chuyến vượt ngục thành công của 4 người tù cộng sản và cả về cái chết của một người dân tộc dẫn đường cho nhóm tù vượt ngục đã bị giặc Pháp bắt lại và hành hình. Anh đã được truy tặng Anh hùng quân đội.
20140409_143104
Từ nhà tù Sơn La chúng tôi lên xe đi ngay Nhà Máy thủy điện Sơn La, một điểm đến không thể bỏ qua. Nằm cách Tp Sơn La chừng hơn 40km, chắn ngang con sông Đà hùng vĩ, Nhà máy TĐ Sơn La là niềm tự hào to lớn của ngành điện, công nghiệp lắp máy và đặc biệt là của các đơn vị thi công xây dựng con đập này.
Theo lời Sơn, GĐ hành chính của NM và cũng là CSVk14 cơ điện thì con đập này được xây dựng hoàn toàn bằng sức lực, công nghệ và trí tuệ của người Việt Nam, chịu được động đất mạnh cấp 9, với sức chứa đến 9 tỷ m3 nước mà mỗi năm chỉ trượt dịch về phía hạ lưu 2,5cm (giới hạn dịch chuyển cho phép là 5- 7cm).
Tổng công suất 2400MW (Sông Đà 1900 MW, Thác Bà 120 MW, Lai Châu sắp tới cũng là 1900 MW). Sản lượng điện cấp lên lưới quốc gia hàng năm là 10 tỷ kW. Sơn cũng thông báo với giọng tự hào, là có gần 100 kỹ sư cơ điện các khóa đang làm việc ở đây, gắn bó và đoàn kết.
20140409_161530
Hội câu cá có Hồ Nam và Cường méo đã tròn mắt ngạc nhiên và trầm trồ khi nhìn xuống phía dưới chân đập có hàng đàn cá, ko biết là loại cá gì, chỉ thấy lưng có mầu đen trũi, chúng bơi quanh quẩn bên cạnh các hàng cột bê tông, nhìn từ xa, ước tính mỗi con cũng phải đến 5 – 6kg. Giá mà được câu cá nhỉ…, nhưng quy định là cấm câu cá, kể cả cán bộ nhân viên nhà máy, vì đây là một trong 4 công trình trọng điểm cấp quốc gia, có mức bảo vệ nghiêm ngặt.

Chúng tôi vào trong gian máy chính, nhìn từ trên xuống, 6 tổ máy sơn mầu da cam xếp thẳng hàng nằm giữa một gian nhà rộng cao ráo sạch sẽ. Chỉ có một vài kỹ sư ngồi trực trước các bàn điều khiển trong một không gian im ắng và tiếng rì rầm của các tuốc bin đang hoạt động để tạo ra dòng điện. Cảm giác choáng ngợp và tự hào trào dâng trong tâm trí mỗi người.
Sau đó Sơn lại dẫn mọi người đi ô tô vòng lên bờ đập. Mọi người tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm tại khu vực này, ai cũng muốn chụp ảnh thật nhiều vì cảnh ở đây quá đẹp và hùng vĩ. Đồng hồ đã điểm 5g chiều, đoàn lên xe, chia tay Sơn và các em các cháu cơ điện, chia tay Thủy điện Sơn La để quay về Thành phố Sơn La, kết thúc một ngày thăm quan đầy ý nghĩa, bổ ích và thú vị. Đêm đầu tiên của cuộc hành trình, đoàn được bố trí nghỉ tại nhà khách của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La.

Rời Sơn La sau một giấc ngủ say đêm hôm trước bởi rượu và các món nhậu tại nhà hàng bản Pó trong một làng văn hóa du lịch của Thành phố Sơn La, đoàn chúng tôi lên đường tới Điện Biên.
(còn tiếp)
TVL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]