Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Món ăn chính của lính ở Trường Sơn - Quảng Nam

Hồi tưởng của Lê Phóng - CCB 1040

      Miếng ăn, chuyện nhỏ tý ấy mà. Bình thường thì miếng ăn đã là miếng nhục, hay "ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn". Trong chiến tranh, bên cạnh cái vĩ đại là sự hy sinh, sự chết chóc. Nhiều sự hy sinh chết chóc thì miếng ăn càng bé bỏng, không đáng phải kể - biết vậy song không kể thì ấm ức.

       Thử hỏi, một đời người được bao nhiêu ngày?  Già rồi, khi có miếng ăn ngon thì chẳng ăn được, và có ăn thì ăn cũng chẳng ngon miệng. Thế mà lúc trai trẻ, bấy nhiêu ngày ở rừng làm thằng lính công binh: lúc kéo phà, lúc mở đường, hết chiến dịch này đến chiến dich khác... Mồ hôi đổ suốt ngày từ sáng đến tối, thể xác khổ như... chó. Còn ăn uống thì sao? Không có gì nhiều để mà kể, vài cái gạch đầu dòng là hết: nghĩa là chỉ có vài món thôi, song vài món quanh đi quẩn lại ấy, đâu có phải chỉ có một ngày ba lần, rồi đổi món khác, mà một tháng 90 lần, một năm 1000 lần, vài năm ở rừng vài nghìn lần, vài nghìn bữa như thế! Thời trai trẻ, cái quỹ thời gian quý giá nhất của đời người, phải ăn để mà sống mà sống không phải chỉ đi ra đi vào, mà là làm, làm cật lực -thì vài món quanh đi quẩn lại, trong vài nghìn bữa ấy lại là chuyện đáng kẻ, chuyện không phải nhỏ mọn nữa rồi...
      Những món ấy là gì vậy -xin kể ngay đây ạ:
1- Số một, giữ vị trí không loại nào có thể thay thế được - nó hiện hữu và chiếm một khối lượng lớn trong dạ dầy của lính sau mỗi bữa ăn, không phải một ngày mà nhiều ngày, không phải môt tháng mà nhiều tháng, nó không trắng trẻo thơm tho mà nó hôi xì, đen đủi -nó được lính băm ra, không có chỗ phơi, nó được sấy trên những giàn nứa giữa rừng, giữa những tiếng mưa rơi, và tất nhiên là ám khói, người lính ghét nó, nhưng chiến trường B1 Quảng Nam biết ơn nó, vì nó nuôi sống hàng binh đoàn -tên món này là SẮN.   Có một bữa ăn, nhớ, rất nhớ -Đoàn 1040, cái "vốn quý của đất nước" sau hơn 100 ngày hành quân, dừng chân điểm cuối ở một tán rừng già, cây cao vút thuộc một nơi nào đó ở phía tây Quảng Nam. Từ đấy họ được xé lẻ đi các đơn vị quân gải phóng. Một nhóm nguyên là sinh viên khoa địa lý và vật lý đươc tăng cường cho C6 E230. Sau hai tiếng hành quân về đơn vị mới, ở đấy những tay lính cũ có thâm niên trẻ nhất là lính 68 và cựu binh nhất có lẽ là đại trưởng Khương lính 64 với cái bụng to bởi lá lách số 4 dấu tich của nhưng trận sốt rét rừng - có nghĩa là họ đã ở đây trước chúng tôi cả một vài nghìn ngày, họ đón tiếp chúng tôi thân tình, nhưng chỉ là với những cái bắt tay xiết chặt: "các đ/c ngỉ đi, đến rồi, đơn vị đây rồi".
        Nhìn quanh chỉ thấy rừng, kệ, mắc vội võng, ngả lưng cái đã. Mới nghỉ đã có tiếng ai (thật là chu đáo): "các tiểu đội cho người xuống lấy cơm". Cơm được mang lên từ dưới cái khe bên suối. Thì ra bếp đại đội ở đấy. Thức ăn và cơm được đựng trong những cái xoong tự gò hình trụ... bụng đang đói lại có cơm, hay quá, thoải mái quá -không phải sơn hào hải vị hay những sản vật của núi rừng thì việc đón tiếp những người lính toàn sinh viên các trường đại học, vốn quý của đất nước vượt hàng nghìn cây số với bao gian khổ mới đến được đơn vị ta đây, cũng phải tươm tất một chút ở cái bữa đầu tiên, âu cũng là lẽ rất thường -Ấy vậy mà... cái gì thế này... khi nhìn vào xoong chẳng ai dám hó hé... đây gọi là cơm á? Chẳng ai gọi cái thứ này là cơm cả, chắc là có sự đùa cợt nào rồi, lính với nhau mà đùa thế này thì ác thật. Hãy xem: nó nâu nâu đen đen, nó lỏn nhỏn miếng to miêng nhỏ, và cái mùi của nó, đúng là sắn rồi, song không phải là "sắn thơm trong lòng ". Một cái mùi xộc lên vừa của sắn, vỏ sắn, vừa của khói, vừa của sắn và khói... khó tả... Choáng, hơi bị choáng... thế còn thức ăn, thức ăn mâm này đâu? Một xoong gò hình trụ được chuyển tới. Gì thế này? Canh, canh gì?  Xem nào: lá, gân lá, hơi quen quen màu xanh xỉn, đúng rồi cũng sắn, canh lá sắn -cái màu canh xanh xỉn cũng như màu lá, ngó qua không cần húp cũng đã biết chất lượng rồi... Nhưng cũng vẫn không thể ngờ được, còn hơn cả tưởng tượng, đưa món canh lá sắn lên miệng -nhẽo nhèo -thì ra do nó được ngâm hơi bị lâu dưới suối, cho hết độc tố, cho chua, cho tiết dịch vị, cho trôi đi cái món cơm kia vào dạ dầy nên nó có mùi, mùi gì? Giống lắm... xin miễn cho được nói cái mùi ấy... vì nó bất lịch sự, vì đang bữa ăn, vì dù sao hôm nay cũng đang là khách, lại là khách có học... Cánh lính mới, ai cũng giống ai, chót nuốt rồi và im lặng... Bỗng nhiên, một tiếng nói -thôi chết rồi, lại thằng Cường, thằng Cường "Toác"năm thứ 3 khoa lý, thăng này "ngu" lắm, nó chẳng bao giờ chịu ý tứ: "Mẹ kiếp, canh gì thế này, bỏ miếng lá sắn vào mồm..." Nó gào lên; "chẳng khác đ... gì phải ăn cục phân cả"... Im lặng... cả cánh rừng im lặng, nghe cả thấy tiếng thở dài của gió... Rồi bỗng nhiên òa lên một trận cười của lính, cả lính cũ, cả lính mới, tất cả đều cười, cả rừng nữa, cũng cười...nghiêng ngả - tiếng cười xóa đi khoảng cách xóa đi những gian khổ hiện tại. Tôi thấy sống mũi cay cay, khi nhìn lính cũ: bụng báng, môi thâm, da tái, vừa đánh địch vừa giữ đường, mở đường, và cũng cả ngàn bữa cơm như thế trước chúng tôi... Họ là những anh hùng, trong tôi họ đều là những anh hùng...
      Bữa cơm-sắn đầu tiên với C6-E23, trung đoàn công binh, nơi tôi tới chiến trường Quảng Nam đơn vị quân giải phóng đầu tiên là như thế đấy. Sau này gạo có và dần tăng lên: hai lạng gạo "bọc thép" một ngày, rồi 3,4 lạng một ngày, nhưng suốt thời gian ở rừng, sắn vẫn là chủ yếu, là số một. Bên cạnh lá sắn còn môn dóc môn thục, loại cây mọc dọc suối thành bãi ở khe cạn ăn được cả dọc lẫn củ nấu nhuyễn có chút chất bột. Nghe lính cũ kể lại: những năm bộ đội đói, sắn không có ăn họ còn chia nhau từng vạt rừng để có kế hoạch khai thác ăn trừ bữa hàng tháng trời loại cây này. Với lính mới chúng tôi nó cũng là món canh thường trực. Ngoài ra còn có rau tầu bay, lá to ăn có nhiều mùi hắc, còn có lá tai voi nữa mùi vị loại này lâu ngày quá quên rồi, nhưng có điều tôi rất nhớ là bọn chúng đều ...chẳng ra gì
      Sau này, có hai lần gặp mặt trong ngày đại lễ của cục hậu cần quân khu 5 và buổi tổ chức 30 năm ngày đi B của đoàn 1040 do CCB ĐHSP tổ chức trên bàn ăn đều trân trọng một đĩa sắn - sắn luộc... Tôi hiểu rằng ai đã trải qua những ngày tháng gian khổ ấy, món sắn sẽ ám ảnh và đi theo họ hết cuộc đời vì vậy dù là "miếng nhục" nhưng tôi vẫn phải kể...
                                                                                                                        Lạng Sơn ngày 6-4-2012

3 nhận xét:

  1. Hồi bọn tôi vào chiến trường(sau Phóng vài tháng thôi!), cũng "cơm", rau toàn sắn như thế!.Nói đúng là Sắn "cõng" cơm.Thế mà vẫn yêu đời "phết".
    Tả lại cho Phóng mùi canh rau lá Tai voi nhé!. Tôi vẫn còn nhớ lắm! Vì tôi đã suýt bị bội thực vì nồi canh lá Tai voi này đấy!- Nó có mùi vị na ná rau mồng tơi, na ná thôi nhưng hành quân trong chiến trường mà có nồi canh rau Tai voi là Đặc sản rồi.
    Trong chiến trường Khu năm, đặc biệt là Tây Nguyên nhìn thấy Sắn là thấy ớn, nhưng nó vẫn xứng đáng được tôn vinh trong cuộc kháng chiến gian khổ của chúng ta đúng không!.

    Trả lờiXóa
  2. Khổ quá thương cho mấy lính 1040 quá ,Thọ ở Quảng trị 1072 chỉ bị cơm sống không nuốt nổi thôi chứ chẳng đói ,thèm bao giờ.dĩ nhiên là cũng no cảt bom với đạn nữa đến nỗi tí thì vỡ mõm đấy.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết của bạn từ 2012 thế mà hôm nay mình mới đc đọc. Khi đọc trong mình sống lại những kỉ niệm về ngày đó. Mình nhớ cả trung đoàn công binh 230 còn mổ cả con bò để đón lính mới. Thế mà đã hơn 40 năm rùi

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]