Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Thư gửi vào Nam

       Anh Tuấn thân mến !
       Chắc anh bất ngờ khi nhận được thư của tôi, tôi xin tự giới thiệu: tôi tên là T trong đoàn cán bộ HP vào viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh miền Tây Nam Bộ hồi tháng 7 vừa rồi. Chỉ có ít phút được tâm sự với anh nhưng tôi thấy ở anh một chỗ dựa tinh thần cho tôi những ngày đó. Viết thư cho anh nhưng thực ra là viết cho tôi, tâm sự với anh để tôi nguôi ngoai đi nỗi nhớ thương hàng ngàn liệt sĩ ở những nghĩa trang trong khu vực vô danh, để củng cố niềm tin trong tôi, trong cuộc sống hiện tại.
      Anh Tuấn ạ! Chắc anh không để ý tại sao khi tâm sự với anh tôi cứ hỏi về tình cảm của bà con trong này với Đ. với CM, tình hình tham nhũng, tiêu cực của cán bộ đảng viên, vv... Không phải tôi đi nghiên cứu về vấn đề đó, mà trong chuyến đi này tôi đã chứng khiến một sự thay đổi làm tôi suy nghĩ tê tái cả người. Trước khi đến Bạc Liêu quê anh đoàn chúng tôi đã qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh... Khi viếng các nghĩa trang thấy những khu vực mộ các liệt sĩ chưa rõ tên cứ trùng trùng, điệp điệp, thẳng tắp khuất đi ở phía chân trời. Các anh ấy cũng tầm tuổi tôi và anh, ngày ấy ở tuổi 18 đôi mươi hành quân trùng trùng, điệp điệp đi vào giải phóng MN, mỗi người có một cái tên, nay nằm đây ko biết tên tuổi quê hương lòng tôi cứ quặn lại, nhưng thấy nghĩa trang nào cũng được xây dựng đàng hoàng, phần mộ các liệt sĩ có hương, thể hiện sự quan tâm săn sóc của nhân dân trong đó với các liệt sĩ. Sự nhiệt tình, trân trọng của các anh, các chị ở các sở LĐTBXH khi nghe đoàn vào viếng các nghĩa trang và tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ, tôi cũng thấy yên lòng hơn, như mình đi xa được trở về nhà. Nhưng thật bất ngờ hôm đòan chúng tôi đến Trà Vinh, khi đoàn đến vào lúc 2h chiều trời mưa to, mặc dù đã gửi công văn, đã gọi điện liên hệ trước và khi đến đã giới thiệu đoàn từ HP vào viếng mộ các liệt sĩ con em quê HP vào chiến đấu hy sinh ở tỉnh nhà, vẫn kkhông nhận được sự chào hỏi, không mời ngồi, kkông mời nước. Mấy anh em lớn tuổi chúng tôi bỏ ra ngoài đầu hiên nhà ngồi và thấy bất ngờ về tình cảm của mấy chị cán bộ của sở LĐTBXH tỉnh. Mặc dù sau đó có một chị trưởng phòng chính sách cứ nhắc đi nhắc lại, xin lỗi về sự sơ xuất, mà sao tôi vẫn không nguôi đi được. Có phải tôi khắt khe quá kkông anh? Đêm về nước mắt tôi cứ trào ra, suy nghĩ liên miên, anh đừng nghĩ rằng tôi muốn nói đên cá nhân tôi, lúc đó tôi nghĩ đến các liệt sĩ, nghĩ đến sự khác biệt đó, sự khác biệt mà trong đoàn chỉ có tôi mới thấy rõ nhất, bởi vì tôi đã chứng kiến cảnh tượng hồ hởi phấn hởi của nhân dân khi vào giải phóng SG trưa ngày 30/4/75, trong tai tôi vẫn như còn văng vẳng tiếng gọi đến khản cổ của mấy cháu gái, mấy chị, mấy má: các chú ơi! Các anh ơi! Các con ơi! Giải phóng rồi, ăn với chị, với má miếng cơm, uống với chị, với má miếng nước, sướng quá rồi, giải phóng rồi... Một điều có một không hai trên thế giới là hình ảnh những người lính ngụy vứt súng cởi bỏ quân phục xông vào chúng tôi ôm và kêu: "các anh ơi sống rồi, các anh ơi" ...
       Còn hôm nay sau 32 năm quay lại chiến trường, cũng mấy chị mặc bộ bà ba hoa như vậy, nhưng không một lời chào hỏi, không một ánh mắt thân tình! Tại sao như vậy anh? Mặc dù vẫn biết và tự nhủ đó không phải tất cả nhưng tôi vẫn thấy buồn mãi. Chỉ đến khi gặp anh, sự nhiệt tình của anh, sự trân trọng với quá khứ của anh và các anh các chị trong Sở tôi mới nguôi ngoai đi được. Qua tâm sự với anh, biết anh tham gia quân GP từ năm 16 tuổi nay đã 55 tuổi, làm phó giám đốc Sở được mấy năm, năm rồi mới xây được cái nhà hết 60 triệu... mà chủ yếu nhờ tiền chị nuôi 8 công tôm. Anh nói dân trong này vẫn tin vào Đ nhiều lắm, không có chuyện mấy ông cán bộ bự có nhiều biệt thự, có tiền mấy chục tỷ đồng, nhưng nhiều khi nghe vụ này vụ nọ dân có hỏi: "các anh có biết thằng Thiệu nó đổ là vì cái gì ko? Vì nó tham nhũng". Anh bảo trước tình hình hiện nay thấy cũng khó trả lời.
      Chia tay anh, đoàn tôi lại lên đường, lúc chia tay trời mưa to, vẫn thấy anh đầu trần đi chiếc xe TQ cà tàng ra tiễn mà lòng tôi thấy ấm áp quá. Chúng tôi lại tiếp tục đi, ngày đi đêm nghỉ, không nơi nào dừng lại để đủ thời gian giặt bộ quần áo, anh em cứ nói đùa là như đi chiến dịch. Càng đi sâu vào miền Tây, kênh rạch chằng chịt, tôi cứ suy diễn, tưởng tượng ra những trận đánh ác liệt của các anh dưới tầm phi pháo địch, càng thấm thía những con số liệt sĩ, tỷ lệ các liệt sĩ không có tên và không lấy được xác. Theo các anh các chị cho biết, có đến 60-70% là không có tên, tỷ lệ liệt sĩ là 70%, thương binh là 30% trong số thương vong, bình quân mỗi tỉnh có trên 20.000 liệt sĩ có tỉnh cao như Bến Tre có đến 36.000 liệt sĩ. Thật là một sự hy sinh quá lớn lao, mỗi khi cầm danh sách các liệt sĩ dài mà chỉ có một thông tin là: bộ đội miền Bắc, tôi cứ thấy cay cay trong mũi, càng thương hơn những bà mẹ vò võ ngồi tựa cửa chờ tin con trong chiến tranh, đến khi chiến tranh kết thúc biết con không về thì suốt ngày lầm rầm bên bàn thờ mong con về báo mộng để biết phần mộ đang ở đâu, mà đến mà thắp cho con một nén hương. Rồi do đường xá xa xôi, kinh tế khó khăn, không làm được, đến khi nhắm mắt vẫn chưa yên lòng.
      Hôm đoàn đến Cà Mau làm việc với anh Năm Rứa phó giám đốc sở LĐTBXH tỉnh, khi nói về tình trạng không xác định được tên, địa chỉ của các liệt sĩ anh ấy bức xúc nói: chiến trường trong này địch cày đi xới lại, nhiều khi chúng dùng xe ủi, ủi bằng những khu mộ anh em mình đã quy tập được, nhưng nhất là khi mình thực hiện chính sách quy tập sau chiến tranh, vì không có kinh nghiệm và cả thiếu tinh thần trách nhiệm nữa, anh chửi đổng: "lộn mẹ nó hết trọi"! Tôi thấy quý anh ấy là người cương trực, tâm huyết với quá khứ.
       Thôi tâm sự với anh mấy dòng, cũng khó có điều kiện gặp lại nhau, chúc anh và gia đình luôn khỏe!

 HP tháng 8/2007                                                                                   
Bùi Tiến

5 nhận xét:

  1. Tới năm 2007 mà còn viết được như lá thư thế này cũng hơi bị hiếm rồi ông Tiến ạ! Bây giờ thì càng khó hơn. Cuộc vận động viết của blog CCB chắc không có kết quả cao rồi. Mọi người bây giờ lười lắm và quan trọng hơn là hình như người ta có một nỗi sợ vô hình nào đấy chứ không vô tư như ngày xưa nữa. Viết bôn-sệt thì chẳng ai muốn đọc, muốn nghe nữa mà viết thực tế thì lại sợ nhiều thứ!
    Khó quá!

    Trả lờiXóa
  2. Đúng tâm sự tôi rồi ông Tiến ơi.Đi mấy nghĩa trang ở Quảng trị,quảng ngãi rồi Nghệ an tôi thấy có đến hơn 80% là vô danh nay gọi lại là chưa xác định tên mà đau lòng lắm.Còn nhân tình thế thái giờ đay cũng chẳng biết nói sao cả,cố làm được gì cho đồng đội là cố thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Anh Bùi Tiến ơi !
    Đấy mới là thư gửi vào Nam , còn thư gửi lên Bắc hay Tây Nam cũng đã có người đồng đội chúng ta viết và gửi rồi đấy !

    Trả lờiXóa
  4. Tiều Phu ơi!cảm ơn bạn đã quan tâm !ngày xưa thì viết được ,nhiều lúc cũng rất xúc động ,nhưng sao nó cứ trai dần ra ,chưa đến lỗi vô cảm ,mà sao buồn quá !vào đây tìm gặp nhau ,tìm về kí ức ,tìm sự đồng cảm mà cũng khó quá ! buồn thế !

    Trả lờiXóa
  5. Thực ra cũng không có gì khó nếu mọi người tôn trọng nhau, dù khác nhiều thứ nhưng cùng cái gốc Cơ điện! Vì nếu 1 chiều nào đó thì chỉ có một lượng tham gia theo đúng chiều đó thôi nên tôi muốn có nhiều chiều hơn sẽ có đông vui hơn! Ở tầm cao hơn mặt bàng xã hội chung nên tôi hy vọng sân chơi này sẽ vượt qua khó khăn để ngày càng thêm đông CCB sinh viên tham gia!

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]