Đường lên Apachải xa hơn 280km với đường
rừng núi quanh co. Để phòng có người đau ốm dọc đường, BCH BP Điện Biên
đã cử hẳn một cháu bác sĩ đi theo đoàn kiêm dẫn đường. Được cháu dẫn
đường động viên là đường dễ đi vì cháu vừa đi về nên cả đoàn cũng yên
tâm.
Đoàn đi đến địa phận Mường Chà, huyện
Mường Nhé thì vào thăm đồn biên phòng Nậm Kè, ăn trưa và nghỉ ngơi, sau
đó lại tiếp tục hành quân, đến khoảng 3g chiều thì đến đồn BP Apachải.
Các đồn biên phòng ở tỉnh ĐB được phân bổ
dọc theo chiều dài biên giới, mỗi đồn có khoảng từ 30 đến 40 cán bộ
chiến sĩ, phụ trách chừng 15 đến 30 km đường biên giới. Trừ một vài anh ở
cấp chỉ huy trạc tuổi trung niên (40 – 50) còn lại đều là các anh em
lính trẻ hầu hết là từ dưới xuôi lên như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương
vv.
Từ chuyến đi đến các đồn Thanh Luông, Nậm
Kè, Apachải rồi khi về ghé thăm Xipaphìn, Mường Mươn…đi đến đâu đoàn
chúng tôi cũng được đón tiếp thân tình chu đáo. Bao giờ cũng là đại diện
chỉ huy đồn ra tận cửa xe đón, tay bắt mặt mừng, sau đó là vào phòng
khách ngồi uống nước, giới thiệu đôi bên, đồn trưởng giới thiệu về đồng
đội, nhiệm vụ, quân số…bên ta là A Ngôn thay mặt đoàn giới thiệu về
đoàn. Sau đó là chỉ chỗ nghỉ ngơi, ăn trưa hoặc tối…rất tận tình. Toàn
là các chàng trai mười tám đôi mươi, khỏe mạnh, phục vụ ăn uống và dọn
dẹp, không thấy có bóng một nữ quân nhân nào mà vẫn đâu vào đấy.
Họ gọi chúng tôi bằng cô bác và xưng là
các con, cháu, thân mật như người nhà. Có lẽ cũng hiếm khi có đoàn như
chúng tôi đến với họ. Quả đúng vậy, các đoàn đi du lịch cũng hiếm khi
lên đây, mà nếu có lên đây thì cũng chỉ đi qua họ, có quan hệ gì với
biên phòng đâu mà đến, mà được đến.
Chỉ có chúng tôi, là người nhà của Anh
Ngôn, một thời đã từng là cấp trên của họ mới được đến với họ, được đón
tiếp tử tế. Vinh dự lắm chứ, nghe họ nói “các bác các cô đường xa lên
đây thăm và động viên chúng cháu” mà chúng tôi cảm động. Được các chỉ
huy đồn giới thiệu và đi thăm quan đơn vị, thấy cơ ngơi của các đồn biên
phòng, thấy cuộc sống của các chỉ huy chiến sĩ biên phòng mà chúng tôi
thấy ấm lòng. Anh em ở đây tuy xa hậu phương nhưng tự túc tăng gia được
lợn gà rau cỏ, tiêu pha ít, lại được phụ cấp khu vực cao nên cũng có thể
dành dụm được cho cuộc sống bản thân và gia đình. (Đồn trưởng đồn
Apachải có thu nhập khoảng 30 triệu)
Cũng cảm thông với cảnh thiếu vắng bóng
phụ nữ trong cuộc sống quân ngũ của các chiến sĩ. Em Sơn, em gái của phu
nhân trưởng đoàn họ Hồ, mặc dù cũng đã xấp xỉ ngũ tuần nhưng vẫn là em
gái trẻ nhất đoàn và luôn được các anh, các bạn BP quan tâm giao lưu và
chăm sóc.
Lại nói về anh Ngôn, CSV k4, tuy không
phải là trưởng đoàn nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đã từng là
cán bộ cấp cao trong Bộ quốc phòng, phụ trách khâu điều phối các dự án
xây dựng hạ tầng của quân đội, nay tuy đã về hưu song những công trình
hạng mục do anh phụ trách thẩm định phê duyệt thời đó đến nay vẫn đang
có hiệu quả và phát huy tác dụng, và đó cũng là những dấu ấn mà anh để
lại cho các thế hệ sau để họ biếtvà nhớ tới anh.
Tôi đã từng đi với anh 2 chuyến, một
chuyến vào Nam đến tận Đà Nẵng, một chuyến lên Cao Bằng và lần này cũng
vậy, ở cái dải biên cương Tây Bắc này, cũng chỉ sau một vài cú phôn là
anh có ngay các bạn bè, người quen, đệ tử ở các cấp lãnh đạo nhận lời
giúp đỡ hoặc tạo điều kiện cho anh. Với phong cách điềm tĩnh, anh Ngôn
dẫn đoàn đến thăm họ như tư cách của một thủ trưởng dẫn đoàn hậu phương
đi thăm nom, động viên anh em chiến sĩ cấp dưới đang làm nhiệm vụ vậy.
Chính phong cách tiếp xúc và giao lưu với các sĩ quan chỉ huy đồn một
cách thân tình, giản dị của anh đã mang lại một không khí giao lưu giữa
đoàn và các chiến sĩ một cách chan hòa không có khoảng cách, và làm cho
mọi người trong đoàn trở nên cởi mở và dễ chịu.
Những bữa cơm thân mật mà chủ khách ngồi
xen kẽ, những cái cụng ly và bắt tay xiết chặt, những lời có cánh oang
oang mùi men rượu …cứ nối tiếp nhau từ đồn này sang đồn nọ và làm nên
một chuyến đi thành công mỹ mãn. Chả thế mà trưởng đoàn họ Hồ trên đường
về đã không dưới 5 lần cảm ơn anh Ngôn, “người dẫn đường vĩ đại”, linh
hồn của chuyến đi.
Còn về chuyến leo dốc lên cột mốc không
số thì không thể không tả lại. Thực là một chuyến đi bộ quá sức, mà đúng
như Thọ mom đã từng thốt lên, đó là đi bằng “đầu” tức là đi với lòng
quyết tâm cao, vượt lên sức lực, cố hết sức mà đi đến bằng được cái đích
nhắm tới của mình. Chứ nếu đi bằng sức lực của đôi chân thì ko thể, vì
kiệt sức rồi.
Cũng chỉ bởi sức ép của mục tiêu là phải
lên được cột mốc, mà chúng tôi phải chấp nhận yếu tố thời gian quá ngắn
cho chuyến đi, tức là phải đi và về trong buổi chiều và tối ngày hôm
đấy.Chứ nếu đi sớm hơn, từ trưa hoặc từ buổi sáng, mệt đâu nghỉ đấy thì
đỡ hơn. Do đi gấp gáp như vậy cho nên vất vả. Không bút nào mà tả xiết
cho cái mệt, cái mỏi, cái đau của các loại cơ bắp của một cái cơ thể đã
già cỗi hơn 60 tuổi này, cái cơ thể đã nhão nhoét hàng ngày chỉ đi ra đi
vào quanh quẩn ở cái xó nhà mà bây giờ phải leo một lúc liền đến 5 cái
dốc đường rừng với độ dài khoảng 4,5km.
Thử thách đầu tiên là một cái dốc, bắt
đầu là từ một cái taluy đi lên, dốc đứng ngay lập tức, dốc đá, quanh co
khó đi. Thế là bắt đầu thở, thở dốc, toát mồ hôi. Lên đến đỉnh dốc thì
ai cũng cảm thấy kiệt sức, rã rời và không muốn đi tiếp nữa. Hỏi cháu bộ
đội đi kèm thì được câu trả lời tỉnh khô “còn 4 cái dốc như thế này
nữa, bác ạ”. Do vậy mà chính tại đây, 2 chiến sĩ đã “đào ngũ”, một là
anh Cấp, CSV k6 đã 74 tuổi và anh Họa, CSV k6 ở Nam Định. Cũng phải
thôi, thứ nhất là vì tự thấy khong thể đi được nữa, thứ nữa là vì chỉ
huy đồn biên phòng rất lo cho sức khỏe các bác nên đã “mật báo” cho các
chiến sĩ đi cùng là nếu bác nào tỏ ra đuối sức không đi được thì động
viên các bác quay lại, không đi nữa.
Đường lên cột mốc là một quãng đường đi
qua rừng già, quanh co, lúc lên lúc xuống, nhiều chỗ rất khó đi vì không
có tay vịn, ko có gì để nắm giữ. Lúc ở nhà, tôi cứ mường tượng là đường
lên mốc chỉ đi qua những đồi cỏ tranh, những vạt rừng thưa và dốc cũng
vừa phải, nào ngờ lại như thế này.Tôi kiếm được một cây gậy mà ai đó đã
vứt lại, tạm chống để đi, vừa đi vừa nhớ đến cảnh hành quân năm xưa, đi
mãi trong rừng âm u, đến khi thấy phía trước có le lói ánh sáng thì bắt
đầu phấn chấn vì sắp lên đến đỉnh, hết dốc rồi, nhưng đi mãi mà chẳng
thấy đỉnh đâu mà dốc vẫn còn dài dài…nhưng hồi ấy mình còn trẻ, còn
nhiệt huyết, còn bây giờ thì …thở. Lỗ tai, lỗ mũi, lỗ mồm thi nhau,
tranh đua nhau mà thở, lắm lúc tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc bằng cách
ngã ra cho thân mình rơi tự do, lăn bô lô xuống dưới dốc cho sướng cái
thân.
Rồi thì cũng phải đến nơi, thử thách cuối
cùng là một cái dốc đứng không thể dốc hơn. Lấy hết sức tàn leo lên rồi
thì cũng vỡ òa ra vì sung sướng. Đây rồi, cái đích đến đây rồi, đó là
cái cột mốc bằng đá hoa cương có ba mặt, ba cạnh bằng nhau chằn chặn,
nằm ở chính giữa một mặt bằng phẳng hình vuông cũng lát đá hoa cương, đó
là cột mốc không số của 3 nước Việt Nam, Lào và TQ, nằm ở cực tây của
Tổ quốc Việt Nam. Cảm giác lâng lâng khó tả cùng với không khí mát lạnh
trên đỉnh cao 1800m làm chúng tôi vô cùng sảng khoái và tự hào. Không tự
hào sao được khi mà mình đã thuộc một số ít, rất ít người VN lên được
với cột mốc này, và đó cũng không phải chỉ là một cột mốc ba biên giới
mà còn là đỉnh cực tây của Tổ quốc.
Nghỉ ngơi một lúc rồi lễ chào cột mốc
được tiến hành một cách nghiêm trang và sau đó là chụp ảnh lưu niệm. Ai
cũng muốn có được những tấm hình lịch sử để cho mình, người thân, con
cháu mình mãi mãi tự hào đã có được những giây phút thiêng liêng này.
Rồi cũng đến lúc phải đi về vì đã đến 6g
chiều, trời đã gần tối, chúng tôi phải về nhanh nếu không muốn phải đi
đêm trong rừng. Đi xuống cũng là một thử thách, tuy không bằng lúc lên,
nhưng đôi chân đã run, chệnh choạng với những bước đi xuống. Sau một cú
trượt ngã trên đám lá khô, chân đau buốt, tôi vẫn phải tập tễnh đuổi
theo anh em. Dưới ánh đèn pin loang loáng và bầu trời trăng suông mờ
nhạt, chúng tôi đi lầm lũi, loạng choạng trong rừng già và cố bám nhau
mà đi vì sợ bị lạc trong rừng.
Khó khăn nhất và cũng là cuối cùng chính
là khi đi xuống đoạn đốc đầu tiên của chuyến đi, mặc dù chúng tôi đã
được nghỉ trước đó ít phút để kiểm đếm lại đội hình. Dốc đứng và trơn
trượt, không có gì để bám víu, tôi đã phải bám vào vai một cháu đi kèm.
Có những đoạn tôi và Thọ mom đã phải dùng cả bộ mông để tỳ, để tựa trên
những mặt đường dốc đứng, để khỏi bị rơi xuống dưới. Chỉ đến khi xuống
được tới đường ô tô chúng tôi mới thực sự thở phào và bước đi một cách
tự tin hơn. Đi bộ trên đường đất bằng phẳng chừng nửa cây số thì gặp ô
tô đón và chúng tôi về tới đồn lúc 8g30 tối trong sự đón chào của các
thành viên ở nhà.
Tôi đã viết nhiều, kể nhiều về chuyến đi
này, và vẫn còn nhiều những sự kiện, những cung bậc cảm xúc nữa muốn kể,
muốn viết…nhưng cũng đã đến lúc phải dừng vì thời gian có hạn và bạn
đọc chắc cũng đã bội thực rồi. Chốt lại về chuyến đi là : thành công và
tuyệt vời. Để có được điều đó phải kể đến công sức của những người như
đoàn trưởng họ Hồ, của A Ngôn, Thọ mom và của tất cả các thành viên
trong đoàn từ già đến trẻ trên hành trình gần 1000km, đã gắn bó, chia sẻ
giúp đỡ nhau tạo nên một khối thống nhất, đồng tâm nhất trí vượt qua
mọi khó khăn thử thách để tạo nên một chuyến đi để đời : Điện Biên –
Apachải.
Tháng 4 – 2014, TVL
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]