Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

TRI ÂN ANH HÙNG - LIỆT SỸ

     Những người lính trong trận chiến tại Quảng trị 1972 đã nghe, đã nhìn, đã chứng kiến những con người, những hành động anh hùng  diễn ra thầm lặng và nghĩ rằng đó là điều rất bình thường. Nhiều người trong số họ đã nằm lại trên mảnh đất này và đã chôn sâu những điều mình đã thấy. Với số mệnh hay là sự may mắn tôi còn có mặt ở đây để nói lại, viết lại sự kiện về người anh hùng đó từ  ký ức. 
NGƯỜI LÍNH Ở CHỐT BÃI MÍT – TÍCH TƯỜNG
                                                                                                     NGUYỄN HỮU LUÂN
      Bến vượt Tích tường mở đầu cho đợt tham chiến thứ 2 của tiểu đội tôi  tại mặt trận Quảng trị ( các nhiệm vụ phối thuộc thực hiện ở cứ trung đoàn, tôi không  cho là tham chiến). Không có những trận đánh lớn như chiến dịch bảo vệ thành cổ nhưng những trận chiến tại các chốt vẫn diễn ra dai dẳng ngày đêm trên toàn tuyến phòng thủ dọc theo sông Thạch hãn.
     Tiểu đội đóng quân gần bến vượt, trên cánh đồng ven sông với những bụi cây mọc lúp súp. Những chiếc hầm chữ  A được nối với nhau bằng đoạn  chiến hào sâu ngang ngực đủ để  che chắn đạn pháo –  dấu máy bay trinh sát và thuận tiện khi chiến đấu. Ở  hầm lâu rồi cũng thấy quen, nó ấm cúng  như ngôi nhà. Tươm hơn nếu hầm nào mà lính kiếm được chiếc chiếu ni lông trải ra thì  vừa chống được ẩm,  nhìn  vào thấy sạch sẽ, tinh tươm như ở nhà vậy .
     Mấy hôm nay mưa rơi rả rích. Những cơn mưa báo cho chúng tôi đợt gió mùi đông Bắc đang tràn về. Lính chiến chỉ có hai bộ quân phục ka ki, rét thì tự khắc phục vậy. Cắt cái tăng rách làm 4 mảnh để lính khoác chống mưa, mới chỉ che được nửa người. Qua sông vài chuyến ai nấy rét run, hai tay cóng co quắp, răng gõ vào nhau lập cập. Rét quá, đêm ở sông về,  rít hơi thuốc lào để xua cái lạnh  đã ngấm vào tận trong ruột. Bắn một hơi dài thuốc lào Độc lập, say đã đời luôn, thấy mình bay lơ lửng đâu đó chứ không phải đang trong hầm. Chẳng còn nghe thấy tiếng bom – pháo và mùi khét của chiến tranh nữa.
Đối diện với bom- pháo như cơm bữa cũng thấy quen rồi, còn mưa rét làm cho trận chiến thêm vị gian khó. Một cậu lính của tiểu đội bị ốm- Sốt nằm liệt ở hầm. Thế cũng chưa là gì so với lính trên chốt bên sông, bất kể là bị thương hay đau ốm thì đến đêm mới chuyển ra cứ được.
     Chiều nay trời đã hửng, mặt trời lấp ló sau đám mây và những tia nắng chiều cũng làm cho không khí ấm áp trở lại. Không như mọi ngày, không thấy bóng dáng chiếc VO10 lượn trinh sát trên sông lúc chiều muộn.
Trời chưa tối, tôi kêu lính tiểu đội đi kiểm tra bến và chuẩn bị xuồng sẵn sàng vượt sông tối nay. Để xuống được sông phải qua một điểm chốt bộ binh đặt sát bờ, nơi con đường mòn nhỏ dẫn ra sông che lấp bởi cỏ gianh cao ngang người. Sau trận tập kích của địch vào Nham biều, việc phòng thủ được tăng cường. Dọc bờ Bắc đối diện làng Tích tường đã chăng dây thép gai và cài mìn chống địch đột kích. Lính được thông báo, chỉ đi lại trong khu vực của mình để tránh dẫm phải mìn.
     Từ cứ tiểu đội, tôi ra thẳng bên vượt. Che người trong đám cỏ gianh ngắm nhìn dòng sông và phía bờ đối diện. Bên kia có doi cát nhô ra đẩy dòng nước xô sang nơi tôi đứng. Mùa này nước sông xanh, chảy chầm chậm, thỉnh thoảng gợn sóng lăn tăn khi gió thổi. Doi cát kéo dài theo dòng chảy từ thôn Thượng phước xuống Nham biều, phía bờ Nam từ làng Như lệ rồi đến Tích tường. Những tên làng đầy gợi cảm – “ Nếu không có chiến tranh, cuộc sống nơi đây thanh bình biết bao”- tôi thầm nghĩ. Cuộc chiến đã tàn phá nhiều ngôi nhà, dân làng đã di tản hết không còn ai ở lại. Doi cát bên sông với hàng mít mọc tự nhiên, những cây mít cổ thụ vươn cao giờ chỉ trơ cành, có cây còn bật cả gốc trìa ra bộ rễ sù sì bởi bom pháo địch.
     Bãi mít do một đơn vị khác chốt giữ, nghe nói được bổ xung từ chiến trường C sang. Từ bên này nhìn sang tôi thấy mờ mờ những cửa hầm nhỏ hướng ra phía sông nhưng không thấy bóng dáng người lính nào.



    
   BÃI  TÍCH TƯỜNG – Nơi trận chiến  ác liệt bên sông Thạch hãn  cuối 1972 – 1973                                             (  Chụp từ bờ Bắc 2011  )
    Tiểu đoàn 6 bộ binh đang chốt giữ bên bờ Bắc , được lệnh chiếm giữ một số điểm chốt bờ nam liên kết với chốt “ bãi mít “ để tăng cường khả năng phòng thủ. Trận chiến  vẫn ác liệt ngày đêm trên dải đất ven sông này.
      Chiều đang xuống trên sông, không gian khá yên ắng. Không nghe thấy tiếng ù-ù quấy rối của máy bay trinh sát, thỉng thoảng mới vọng lại tiếng pháo nổ cầm canh phía xa. Đưa mắt nhìn, quan sát làng Tích tường ở xa đến khi quay lại đoạn bên vượt tôi giật mình khi thấy giữa sông một khối di động tiến về phiá tôi đang đứng. Nhìn kỹ, một cái đầu đội mũ tai bèo đang lại gần.  - Quân ta - nhưng sao lại bơi qua sông lúc này ? ”. Vừa nghĩ  tôi vừa chuyển súng sang tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Chiều chưa tối nên đã nhìn rõ hơn người đang bơi trên sông, một lính  vai trần đang bơi hướng đến bến vượt. Lùi lại theo con đường mòn nằm lọt giữa đám cỏ tranh, tôi chăm chú theo dõi chờ đợi.
  -   “ Đứng lại, giơ tay lên” tôi quát khi người lính vừa đặt chân lên đầu con đường mòn. “ Em là lính F X12 đây, chúng em chốt ở bên kia sông ” – người lính đáp. Hai tay không có súng giơ cao lên khỏi đầu, rồi đứng nép vào bụi cỏ gianh ngay rìa sông.
Những giọt nước vẫn đang chảy dài, nhỏ từ trên vai, ngực  trên làn da đen sạm  của  một người cao, rắn chắc.  Tôi nhìn vào khuôn mặt có phần hốc hác với đôi mắt thiếu ngủ, phờ phạc. Người lính trong lúc nhìn tôi vẫn đảo mắt xung quanh như muốn ghi lạị đoạn đường mòn dẫn lên  điểm chốt chiến đấu phía trên.
-  “ Em vượt sông để xin tiếp tế lương thực cho đơn vị, em sẽ trình bày với các anh.
Tôi kêu lính của tiểu đội ra báo với chốt bộ binh rồi dẫn cậu ta xuống đoạn hào tránh pháo.
-       “ Em là lính chốt ở bãi mít, thuộc đơn vị X12 “ vừa nói cậu vừa chìa ra một băng vải có ghi phiên hiệu đơn vị cho tôi xem, rồi lại nói tiếp. “  Chúng em bị đói vì không nhận được tiếp tế. Đại đôi của em chiến đấu nhiều ngày, hy sinh và bị thương nên quân số hao hụt, hiện chỉ còn 3 lính và 1 chỉ huy mới được đề bạt .    Chúng em vẫn cố thủ ở chốt này, nhưng mấy ngày nay không giao chiến. Ban ngày tất cả phải trực chiến, đêm xuống 3 lính chúng em phải thay nhau trực để có thời gian nghỉ. Đêm qua, khi đi kiểm tra thấy có ca bỏ trực, chỉ huy đã quát chúng em .  Em đề nghị chỉ huy phải cùng chúng em trực đêm thì anh ta đã quát nạt, đe dọa rằng ai bỏ trực sẽ bị bắn.
     Chúng em muốn qua sông  nhờ các anh giúp đỡ nhưng không dám đi đêm vì không biết           đường và sợ dẫm phải mìn. Trưa nay bọn em bàn nhau, cử em vượt sông để xin tiếp tế         mới trụ lại chốt được. Chúng em cần lương thực và vật dụng cần thiết”. Người lính nói với        đôi mắt hoe đỏ.

     Lắng nghe với đôi chút hoài nghi – Sao lại  như thế ? – tôi nghĩ. Đành rằng các chốt bờ Nam phải quyết tử chiến đấu nhưng đêm xuống đều có bộ phận qua sông tiếp vận cho chốt, - có thể  đã bị đứt liên lạc với cứ chăng ? .

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]