Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Hai Bà Quả Phụ Hoàng Sa

 O Sin ,  06-01-2014
Tin dữ đến với gia đình những người lính hải quân tham chiến ở Hoàng Sa vào đúng 29 Tết. Trận hải chiến chống quân Trung Quốc xâm lược diễn ra vào ngày 19-1-1974, nhằm 27 tháng Chạp.
Lúc đó, hai mẹ con bà Ngô Thị Kim Thanh, vợ đại úy (truy thăng thiếu tá) hạm phó hạm Nhựt Tảo Nguyễn Thành Trí, đang ở Nha Trang. Bà Thanh kể: “Trước khi đi anh nói hai mẹ con ở nhà ngoại chờ, khi về anh ghé thăm”. Hạm Nhựt Tảo nhận lệnh lên đường gấp, bà Huỳnh Thị Sinh cũng đâu ngờ đó là cuộc hành quân cuối cùng của chồng, thiếu tá Ngụy Văn Thà (truy thăng trung tá).

Chiều cuối năm 2013, trên căn hộ tầng 4, bà Ngô Thị Kim Thanh vừa chỉ tấm hình bà đang khóc nấc trong lễ truy điệu chồng, một tay cầm khăn, một tay ôm bụng, vừa nói: “Tôi mang thai được hai tháng rưỡi, cái thai lúc nào cũng như muốn tuột ra”. Năm đó bà Thanh 28 tuổi, họ lấy nhau chưa được 6 năm.
Bà Thanh kể: “Xong tú tài, tôi muốn học sư phạm nhưng mẹ tôi nói, ở nhà lấy chồng”. Tôi xin vào làm nhân viên bán vé ở rạp chiếu bóng Minh Châu, Nha Trang, và ở đó, vào một chiều thứ bảy, tôi gặp anh, chàng học viên trường sĩ quan Hải quân. Tháng 9-1968 họ cưới nhau và sau khi Trí ra trường, Thanh theo chồng vào Sài Gòn. Khi đại úy Nguyễn Thành Trí mất, cô con gái đầu lòng, Nguyễn Thị Thanh Thảo, chỉ mới lên năm. Gần sáu tháng sau, bà hạ sinh một người con trai. Giấy khai sinh ghi: Nguyễn Thanh Triết, tự Hoàng Sa.
Sau khi chồng mất, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa thu xếp để hai bà quả phụ có một việc làm trong ngân hàng Việt Nam Thương tín. Công việc ổn định cho tới ngày 30-4-1975.
Bà Thanh nói: “Chú khỏi hỏi, khổ lắm”. Bà kể: “Hai con còn nhỏ mà tôi cứ bị điều đi tỉnh hoài. Năm 1978, tôi bị đưa ra Nha Trang. Con gửi ông bà nội vì Nha Trang lúc đó còn khổ hơn Sài Gòn, hai đứa bị thủy đậu, má chồng vất vả quá, ba má tôi cũng khuyên quay lại Sài Gòn. Năm 1980, tôi về nhưng không thể xin được việc vì hộ khẩu Sài Gòn đã bị cắt mất”.
Bà Sinh nghỉ việc ngân hàng nhưng có vẻ may mắn hơn trong chế độ mới. Bà nói:”Lúc đầu tôi sợ lắm, tất cả những kỷ vật nhà binh như kiếm, mề đay, của anh tôi đều mang bỏ đi hết. Những tấm hình chụp lễ truy điệu có Tư lệnh Hải quân dự tôi cũng không dám giữ. Ít lâu sau, cảnh sát khu vực thấy hoàn cảnh của tôi, giới thiệu tôi vào làm trong hợp tác xã mua bán. Đôi lần khi hội họp cũng có người đề nghị không cho tôi tiếp tục vì tôi là ‘vợ Ngụy’, may mà ông bí thư nói, ‘đừng dồn người ta vào chân tường”.
Nhưng một nách 3 con (Ngụy Thị Thu Trang sinh 1967, Ngụy Thị Thu Thủy sinh 1969, Ngụy Thị Thu Tuyết sinh 1972), bà Sinh xoay xở để sống qua những năm tháng cơ cực đó thật không mấy dễ dàng. Góa chồng năm 26 tuổi nhưng cũng như bà Thanh, bà Sinh ở vậy nuôi con. Bên cạnh tình yêu là lòng ngưỡng mộ chồng, cả hai người phụ nữ xinh đẹp và quả cảm này đã mặc cho thời xuân sắc đi qua lặng lẽ.
Kể từ khi ba người con gái lần lượt về ở bên nhà chồng, bà quả phụ Ngụy Văn Thà sống một mình trong căn hộ ở chung cư Nguyễn Kim, thuê của nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Do đã ở đây từ năm 1973 nên lẽ ra bà đã được mua “hóa giá”căn hộ này với một khoản tiền tượng trưng. Nhưng năm 2009, vì đã xuống cấp, chung cư Nguyễn Kim bị giải tỏa để xây mới.
Nhà đầu tư đưa ra ba phương án đền bù, bà quả phụ Ngụy Văn Thà chọn phương án nhận 546 triệu đồng và đăng ký mua một căn hộ tái định cư. Từ hai năm nay, lô B, chung cư Nguyễn Kim đã xây xong. Giá căn mới là 1,3 tỷ. Thay vì chỉ còn phải trả 753 triệu, nhà đầu tư yêu cầu người dân ở đây phải hoàn lại số tiền nhà nước “hỗ trợ” để người dân thuê trong thời gian chờ nhà xây xong, lên tới hơn 200 triệu đồng, đưa số tiền phải đóng thêm lên tới 959 triệu (sau khi đã trừ phần đền bù 546 triệu). Các hộ dân ở đây không đồng tình, nhiều người không có khả năng bỏ ra thêm gần một tỷ đồng để quay lại chỗ cũ của mình.
Từ năm 2009, bà quả phụ Ngụy Văn Thà về lại căn nhà mà bố mẹ để lại, nơi 4 gia đình chị em bà đang ở, “chia” phòng với một người em gái độc thân. Bà nói: “Bạn bè anh ấy mỗi khi tới thăm cũng muốn thắp một nén nhang cho ảnh mà nhà không còn chỗ để bày bàn thờ”.
Kể từ khi kết hôn, bà quả phụ Nguyễn Thành Trí về làm dâu trong căn nhà 2B đường Bà Triệu, quận 5. Năm 2000, nhà chồng bán nhà chia cho 8 anh chị em, bà dùng số tiền này mua được một căn hộ chung cư 40 mét vuông. Hai người con của bà chưa lập gia đình cùng sống ở đây với bà.
Kể từ khi báo chí được nhắc trở lại vụ hải chiến Hoàng Sa, thỉnh thoảng lại có người tìm gặp. Không phải ai cũng đủ sự tinh tế để không chạm vào niềm kiêu hãnh của thân nhân một người lính quả cảm. Thanh Thảo, người con gái lớn của thiếu tá Nguyễn Thành Trí, tuy bị bạo bệnh, đang phải xạ trị, nói: “Chúng tôi tự hào về ba nhưng không muốn sống dựa vào tên tuổi của ông”.
Như muốn đẩy những ngày khốn khó về quá khứ, bà quả phụ Nguyễn Thành Trí nói: “Chúng tôi được như vầy đã là hạnh phúc lắm rồi”. Điều duy nhất tôi đọc thấy trong ánh mắt của bà là niềm tin chồng mình đã chết như một người anh hùng.

5 nhận xét:

  1. Hành động của những quân nhân VNCH trong hải chiến Hoàng sa cần phải được tôn vinh như những hành động anh hùng của người chiến sĩ bảo vệ tổ quốc

    Trang chủChính trị - Xã hộiHải chiến Hoàng Sa
    Cỡ chữ : A- A A+
    Chia sẻ:
    Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: ‘Cần tôn vinh những quân nhân VNCH chống ngoại xâm’
    07/01/2014 09:45
    Quay lên
    Tin tức
    90
    Bình luận

    Chia sẻ

    Chia sẻChia sẻ
    Tôi Viết
    (TNO) Chia sẻ cảm nhận về sự hy sinh của những người lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tháng 1.1974, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, cho rằng cần thiết phải tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính VNCH chống ngoại xâm.

    TRích : Chuyên đề: 40 năm hải chiến Hoàng Sa

    Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: ‘Cần tôn vinh những quân nhân VNCH chống ngoại xâm’
    Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu 4 - Ảnh: M.H

    Tướng Thước cho biết Bác Hồ đã nói “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, đó là tư tưởng xuyên suốt. Sau 30 năm thống nhất đất nước, những người sau năm 1975 di tản đa phần đã từng trở về, vì họ hiểu thế nào là ý nghĩa của Tổ quốc.

    Theo ông, lên án chế độ VNCH là chuyện khác, nhưng tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính VNCH chống ngoại xâm là cần thiết, hai điều này hoàn toàn khác nhau.

    Tướng Thước cho rằng, hành động của người lính VNCH bảo vệ chủ quyền, đưa người ra chiến đấu giữ Hoàng Sa tháng 1.1974, không để một thế lực nước ngoài nào vào xâm lược mảnh đất của Tổ quốc là hành động yêu nước, hành động chính nghĩa và cần được nhân dân ghi nhận.

    “Tổ quốc chúng ta có đất, có biển, có trời. Việt Nam giải phóng Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, và rút quân về, đó là hành động chính nghĩa. Nhưng bất kỳ thế lực nào lấy danh nghĩa giúp chúng ta, chiếm đất, đảo của chúng ta và không trả lại đó là hành động phi nghĩa”, trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi ủng hộ quan điểm của Tướng Thước .Sự hy sinh của Họ cần được tôn vinh bởi đó là sự hy sinh cho chủ quyền Quốc gia.Nó khác với các hoàn cảnh thông thường .

    Trả lờiXóa
  3. Tôi không muốn nói nhiều chỉ muốn góp với nhau một bức ảnh minh họa ở trong bài. Bây giờ nói thì dễ nhưng cách đây chỉ 3 năm, khi giương cao danh sách những người anh hùng của cả 2 phía Việt Nam, thì không hề dễ dàng chút nào. Lúc đó nơm nớp bị bắt lên xe buýt để đưa về trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà như chơi!

    Trả lờiXóa
  4. Dũng chít nói đúng nhưng tại sao lại cứ nơm nớp bị bắt lên xe lại cứ phải là xe buýt là thế nào ?

    Trả lờiXóa
  5. Xe buýt là do CA trưng mượn của Tổng cty vận tải Hà nội để chỏ chứ không phải là xe buýt chở ,quả thật là ngày ấy Tôi cũng muốn đi biểu tình chống trung quốc gây hấn với Việt Nam lắm chứ,Nhưng chính quyền cấm thì Ta phải chịu thôi.

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]