kí của Nguyễn trọng Luân - E64 F320A
Chúng tôi trở lại Đồng Dù vào ngày 10/5/1975. Thực ra chỉ
có trung đoàn tôi trở lại đây muộn như thế còn các E 48, E52, E54, Lữ công binh 7 và các đơn vị trực thuộc cùng
sư đoàn bộ đã ở đó ngay từ ngày đầu tiên giải phóng. Vì đi phối thuộc với Sư
đoàn 10 đánh vào Bộ TTM ngụy nên Trung
đoàn tôi đánh tới dinh Độc Lập rồi ở đó tới 6/5 thì kéo về đội hình ở Củ Chi cách
Đô thành 30 km. Chiều 6/5 đến Tân Phú Trung thì dừng lại tổ chức trận tập kích
truy diệt bọn tàn binh chừng trăm tên trong ấp bàu Trâm.
Khi về tới Đồng Dù phải qua ba bốn lần chuyển quân trong 2
ngày trời mới điều chỉnh xong vị trí. Khiếp, căn cứ cũ của sư 25 Tia chớp Nhiệt
đới rộng quá. 8 ki lô mét vuông bằng đúng khu gang thép Thái nguyên thời ấy.
Điện nước trường trạm đủ tận răng. Vườn hoa cây cảnh xanh ngời. Các con đường
trong căn cứ trải nhựa như phố xá. Ở rừng mới về nhìn cái gì cũng lạ cũng
thích cứ như mình đang sống ở nước ngoài vậy. Mãi về sau này càng nghĩ càng thấy
quân mình ấu trĩ vô cùng. Chả cứ gì lính đến mấy ông cán bộ cũng tò te trước
các trang thiết bị quân sự, trước tiện nghi dân sự. Việc làm được đáng “nể“
nhất của lính là phá phách những đồ dùng sang trọng mà không phù hợp với lính,
sau nữa là vất bớt tủ giường sa lông... thậm chí cả quạt điện cũng không được
dùng riêng. Thu gom lại cả hàng đống quạt bàn nộp lên E, những đò lấy được
trong kho quân tiếp vụ cũng ùn ùn nộp E. Chúng tôi bắt đầu làm lấy giường nằm theo gu của lính. Dỡ trần nhà lấy gỗ ván
ép làm giường để rồi tự mình chịu cái nóng Củ Chi hầm hập… Buồn cười thế, chả
cái dại nào giống cái dại nào. Bao lâu nay đói, bây giờ được ăn uống đầy đủ
tôi lên cân vù vù. Chỉ sau hai tháng lên được 6 kí. Lúc này ước mong được ra
quân cháy bỏng ruột gan.
Chuyện trở về Củ Chi không phải là để kể chuyện phá phách
trong căn cứ Đồng Dù. Kể chuyện đó biết bao giờ hết cười hết buồn. Tôi muốn kể
về con người Củ Chi về những ngày tháng sống với đồng bào Nam bộ, về những suy
nghĩ của mình về tuổi trẻ miền Nam mới giải phóng.
Lần đầu tiên trong đời tôi nghe tới
cụm từ ‘Gia binh“. Tất nhiên là tôi hiểu ngay gia binh là gì. Nơi chúng tôi
tiếp quản từng vị trí cấp C, đều là trong gia binh. Đây đó ngổn ngang bát đĩa
áo quần nồi niêu, ngổn ngang tủ giường đồ dùng gia đình. Đêm 10/5/75 tôi dọn
dẹp nơi ở của mình, dọn dẹp thì ít mà ngồi xem sách vở giấy tờ thì nhiều. Lần
đầu tiên tôi đọc những cuốn sách giáo khoa miền Nam. Lần đầu tiên tôi được xem
những bài viết của học sinh trung học ở chế độ VNCH. Cứ ngồi lặng đi đọc các
bài luận của học trò. Cũng vẫn là những bài dậy cho trò lòng yêu nước hiếu đễ và tổ quốc ta tươi đẹp.
Cũng vẫn là những bài máu đỏ da vàng. Ngạc nhiên hơn cả là trong cuốn Mười
Khuôn Mặt Văn chương của Tạ Tỵ thì viết hầu hết về các nhà văn miền Bắc. Ngạc
nhiên nữa là bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu cũng có trong chương trình. Đêm ấy
cứ bâng khuâng, đêm ấy cứ nhìn nét chữ của đứa trò nào đấy con của binh sĩ
VNCH đang ở đâu? nó liệu có được đi học lại không? Nhìn những nồi niêu vung
vãi nhìn những bộ áo quần chưa kịp gói chạy loạn mà lũ chúng tôi bần thần. Hồi
ấy tôi rất kiêng kị dùng một thứ đồ gì trong vô vàn đồ dùng ở khu gia binh.
Đêm, nằm trong căn cứ khuya lắm vẫn nghe tiếng Hon da è è ngoài xa và khi bình
minh ưng ửng là tiếng xe bên ngoài hàng rào rộn rã. Gần bốn mươi năm nay cứ
khi nào nghĩ tới miền Nam là tôi lại hình dung ra tiếng xe máy lúc trời sắp
sáng bên ngoài căn cứ Đồng Dù Củ Chi.
Chúng tôi lao vào ổn định chỗ ở, ổn định tư tưởng được mươi
ngày thì có lệnh hành quân di chuyển. Lại tất cả trang bị vũ khí và cơ sở vật
chất chuyển đi. Nơi chúng tôi đến là xã Phú Hòa Đông. Thì ra để đề phòng Mỹ sẽ
có thể đánh quay trở lại nên các căn cứ cũ đều phải cách li bố trí thế trận của
mình. Chúng tôi đóng ở nhà dân làm lán
lợp mái tôn trong rẫy hoặc ngoài đồng. Mới gần một tháng thôi mà nay quay về với
cuộc sống cũ mà sao đã thấy khổ, thấy chán
nản thế. Quen với gian khổ thì lâu nhưng quen với an nhàn sung sướng thì nhanh
thế. Bốn năm nay mang tiếng đi chiến đấu ở miền Nam đã bao giờ tôi ở cùng với
dân Nam bộ một ngày. Bây giờ, tận mắt tôi thấy cuộc sống của họ. Người Củ
Chi chịu đựng gian khổ đến phi thường. Cố hình dung với đời cũng không thể hiểu nổi làm sao mà họ vượt
qua được những ngày Mỹ càn quét với đủ quân binh chủng với hàng chục hàng
trăm ngàn lính. Suốt một dải Phú Hòa
Đông Nhuận Đức, Phú Mĩ Hưng, An Nhơn Tây
không thấy một ngôi nhà cho ra cái nhà.
Chỉ thấy cỏ hoang lau lách và lục bình
loang tím. Mươi ngày nay bà con đang lục
tục kéo về làng cũ. Chúng tôi mắc võng ngoài vườn một gia đình nông dân hai vợ chồng chừng bốn mươi tuổi. Trong căn
nhà tuyênh toang ấy có một cái giường độc nhất cho người vợ ốm nặng còn người
cha và hai đứa con mắc võng vào những cây cột chôn xuống đất. Tôi mắc võng vào
hai cây trứng gà nằm nhìn những con ong bu lên những trái cây rơi dập vỡ vàng
ươm dưới đất. Nghe tiếng rên của người đàn bà ốm não nề. Sao giống người dân
quê mình đến vậy? Rồi tôi hỏi trẻ con ở đây không có trạm xá à? Lũ trẻ không
hiểu trạm xá là gì, tôi giải thích mãi chúng à à .. nhà thương. Lấy đâu tiền
đi nhà thương hả ông Giải phóng? Chiều mưa. Tôi vẫn nằm võng ngoài vườn. Nước
tom tom trên mái tăng. Ngó mấy con gà gầy xơ xác trú mưa dưới gầm võng buồn
ghê. Nhớ nhà muốn bay về ngay miền Bắc. Chợt có tiếng rên rẩm. Thằng Hai kêu
mấy ông vô nhà nằm, nằm ngoải mắc ốm quá. Thì ra người đàn bà ốm đau đang
thương chúng tôi ngoài mưa. Mưa cứ ầm ầm, tiếng người đàn bà chìm vào sấm chớp.
Hôm sau, đến giờ nghỉ
trưa tôi chạy bộ ngược lên phía đằng bờ sông Sài gòn. Tìm bạn tôi là y tá C24
vốn trước khi đi bộ đội là sinh viên năm 4 y khoa. Tôi bảo Sỹ. Mày có thuốc bổ không mày xuống
tiêm cho bà chủ nhà tao mũi, nhà ấy không hề có viên thuốc nào. Sỹ cũng gói kim
tiêm rồi giữa trưa nắng chạy theo tôi. Tôi cũng không ngờ gia đình nhà chủ tôi
lại xúc động đến thế. Sỹ tiêm cho chị ấy ống B12 rồi kéo tôi ra. Tao về đây.
Nó ngoái vào, chị ơi chị cố ăn cho chóng khỏe, em về. Ra đường nó bảo tôi, bà ấy chả sống được
đâu, gan cổ chướng đấy. Rồi nó đi như chạy sợ về muộn đơn vị lại cho là mò
vào nhà dân tụt tạt. Cũng hôm ấy tôi thấy người đàn bà bệnh tật ấy ngồi dậy mà
nói, cả đời tôi bây giờ tôi mới được chích mũi thuốc, thấy người khỏe liền.
Trưa ấy nắng lắm. Tôi nằm võng nghe trái trứng gà chín nũm rơi bình bịch. Mấy
đứa trẻ ngồi gốc cây ngó tôi thật lạ. Chiều tối nghe hai vợ chồng nói chuyện với
nhau, người vợ bảo hổng biết ông giải
phóng chích thuốc chi mà tui thấy khỏe lẹ vậy ông à. Lại nhớ lời thằng Sỹ nói
hồi trưa chả sống
được đâu. Thấy buồn quá. Bao người
dân hi sinh hết cho cách mạng không tính
đếm cả thân xác mình đến lúc sắp chết vẫn không hề biết viên thuốc mũi tiêm,
bao nhiêu thuốc men gom được đều ủng hộ hết cho quân giải phóng ngoài cứ cách mạng....
Tôi có may mắn là 2 lần đến Củ chi.Lần đầu là đi với Luân ,B tiến dịp vào dự hội k9 tháng 8-2013. sau đó mấy ngày tôi lại đi củ chi với họ hàng bên Vợ ..Ai đã đến Củ chi mới hiểu cái ác liệt của vùng ven Đô.thời xa xưa ấy.Bởi vậy mới hiểutại sao chúng Ta lại chiến thăng vì lòng Dân luôn theo Đảng.Buồn ơi lòng Người bây giờ chẳng biết gửi vào đâu
Trả lờiXóa