Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Chút Bùi Cảm

(Bùi Cảm, SV K6I, lính 1040, về học K10I)
  Trác Dũng
CCB1040: Bài này của Trác Dũng đoàn 1040 đã đăng trên blog K10 từ ngày 16-6-2011 tức là từ ngày chưa có blog CCB của chúng ta. Nay nhân có bạn nhắc đến các đồng đội đã mất mà không phải trong chiến đấu, như Bùi Cảm nên CCB1040 tìm lại bài viết cũ của Trác Dũng nhưng là mới của blog CCB chúng ta. Những cảm xúc như vẫn còn rất mới chứ không phải đã hơn nửa năm rồi, CCB1040 đọc lại cả bài vẫn còn thấy thích....   Bài cũ được đăng ở địa chỉ sau:

http://hoik10.blogspot.com/2011/06/hoi-ky-ve-mot-nguoi-ban-khuat.html

                                                                                                                                          
Mỗi tháng 4 về  lại có cảm giác nôn nao, nhớ những ngày đón chờ hàng giờ tin chiến thắng. Để rồi, tràn trề niềm hy vọng được về với Mẹ.
Mỗi tháng 5 về, lại thương Mẹ, bởi đã có những ngày tháng năm xưa con xin phép Mẹ, cùng bạn bè lên đường làm nghĩa vụ của người trai với Tổ quốc.

Còn những ngày này, ngày của tháng 6 - Tháng 6 của lắng đọng. Nhớ và nghĩ về Mẹ.
Người Mẹ Hà nội của tôi hay nói với các anh em chúng tôi: Ngay ngắn - tử tế - hẳn hoi…
Và rồi lại nói: Ai làm ơn cho mình dù nhỏ đừng bao giờ quên.
Ở ”Nhà K6, K10” mình đây, nhớ Mẹ và rồi Nhớ Bùi Cảm quá chừng….
 Đâu đó, vào những năm 2000. Một lần, trong một chiều đông rét mướt, Hồ Khắc Tiệm (K9–K10) ở miền Nam ra Bắc chơi. Bạn Cát Tường (K7-K9) đi công tác Hà nội “câu” Tiệm  về Hạ Long, thế là những người Cơ Điện lại có dịp tụ tập vui vẻ, bù khú. Trong lúc bia bọt, chúng tôi nhớ đến những bạn của thời Thái Nguyên trai trẻ. Tôi hỏi thăm Bùi Cảm, giọng Tiệm trùng xuống rũ rượi:
- Cảm mất mấy năm rồi. Khi đó nó đang là hiệu trưởng trường trung cấp nghề giao thông của Khánh hòa. Nó bị tai nạn.
Nói rồi Tiệm khóc nấc lên, cả hội tôi cũng não hết cả người. Tiệm nức nở nói tiếp:
- Vợ nó đang là chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, gia đình đang êm ấm. Hay tin này Ông già nó ốm liệt giường luôn…(Tôi nhớ ba Cảm là Bác Bùi Dư - là tôi nghe nói vậy thôi, cũng chưa lần nào vinh hạnh gặp bác).
Chiều buông nhanh trên thị xã Hòn Gai, vùng than đầy bụi. Phố xá, không khí nhuốm màu xám xịt. Tiệm rền rĩ:
- Nó về làm hiệu trưởng được hơn năm, ăn nên làm ra lắm, sẵn có kinh phí, nó quyết định nâng cấp  con đường nối quốc lộ vào cổng trường. Do mở rộng đường, nên vướng 1 con miếu chi chi gì đó, nó quyết định dỡ bỏ căn miếu. Có người can, nói là thời “Ổng Thiệu” chính quyền cũ cũng định phá bỏ căn miếu, nhưng đi coi bói, thầy bói nói căn miếu đó “thiêng” nên rồi lại thôi... Chuyện đến tai Cảm, nó nói mở đường này là làm việc có ích, làm đẹp thêm cho trường, cho con em học hành có chi mà ngại…. Ấy thế mà chỉ sau 6 tháng, nó bị …
Hôm hay tin Cảm mất, Tao chạy vội từ Tuy Hòa (Phú Yên) vào Nha Trang thắp hương cho nó. Vợ nó cho hay, thời gian đó, trường nó nhiều công việc quan trọng, có dễ hàng tuần  thường nó về khuya 1, 2 giờ sáng. Bữa anh bị tai nạn, nhà không có biết, cứ tưởng anh bận như mọi khi. Ai dè, sáng ra hay tin, anh bị tai nạn, ở bùng binh gần nhà đây, rồi được bà con đưa vô bệnh viện tỉnh cứu chữa nhưng không qua được…
Tiếng Tiệm khản đặc. Chúng tôi cầm cốc trong yên lặng, bia chiều đó đắng ngắt!
Tôi cùng Cảm vào khóa 6 năm 1970, Cảm ở lớp Điện K6I, còn tôi ở K6Ma. Khác nhau là vậy, nhưng Cảm, Minh, và hình như Hải Thành nữa, thu hút sự chú ý của tôi. Bởi 3 bạn đó có biệt danh “ học sinh trường Trỗi”. Khỏi phải nói, ngày ấy biệt danh này với “xã hội  Hà nội” có sự phân cách như thế nào.
Nhưng thật tình, các bạn ấy thật hiền, chịu khó học hành, ham chơi bóng ban, nhiệt tình trong mọi sinh hoạt tập thể. Có khác chăng là mỗi bạn có bộ quần áo kiểu bộ đội, nhưng khác màu, nó bàng bạc …
Riêng Cảm luôn đi đầu trong các buổi quần tụ, hắn luôn mặc quần dài sắn ngang cẳng chân, cởi trần, thỉnh thoảng đế chửi bậy vài câu Đù má gọi là “cho thơm mồm”! Đôi mắt bạn, thi thoảng tôi bắt gặp cảm giác hơi buồn buồn.
Cảm to con hơn tôi, mỗi lần ra sân bóng đá, bạn hay đứng trung vệ. Bóng đến chân, không bao giờ bạn đá rắn, bao giờ cũng uyển chuyển, vặn vẹo, uốn lượn… như làm xiếc. Nhìn Cảm chơi bóng, thấy như nghệ sỹ múa, chứ không tỏ ra  ăn thua.
Rồi ngày 30/5 /1972, tôi thấy Cảm cũng có mặt trong đám chúng tôi, những người đi nghĩa vụ quân sự. Lại nữa, cuối tháng 12/1972, tôi thấp thoáng thấy Cảm trong hàng quân những người lính vượt Trường Sơn  “an toàn” (nghĩa là không bị ốm nặng phải gửi lại các trạm giao liên trên đường hành quân). Đây là điều khá đặc biệt, bởi   theo cách nghĩ của đa phần anh em chúng tôi, Cảm hoàn toàn không cần phải đi bộ đội và đi B, vì các bạn ở trường Trỗi đa phần bố mẹ đều đang công tác hoặc chiến đấu lâu năm ở các chiến trường  gian khổ, khốc liệt… nên các bạn phải được ưu tiên học hành chu đáo.
Những ngày sau đó, chúng tôi “bị” phân vào tiểu đoàn mở đường khu 5. Cuộc sống vô cùng bí bách. Ngày này qua ngày khác, chúng tôi mở đường xuyên rừng từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới được nghỉ. Cơm thì mỗi ngày 1 lạng gạo, còn lại là sắn khô, sang hơn thì được sắn tươi. Cánh lính sinh viên tỏ ra chán chường ra mặt, bởi khát vọng đi chiến trường là phải được trực tiếp chiến đấu... thế mà, hàng ngày cứ cuốc đất, kéo trang tạo mặt đường, mồ hôi đầm đìa …Râm ran, trong câu chuyện cánh SV với nhau, đã có ý bất mãn. Thậm chí, có lần, tham gia hội diễn  văn nghệ tiểu đoàn, Đại đội Cơ Điện, đã dựng 1 vở kịch nói, nói thẳng  ra mặt tâm tư của anh em sinh viên : là được xuống chiến đấu, chính trị viên đại đội lại phải làm công tác tư tưởng hàng tuần lễ sau đó.
Chuyện gì rồi cũng qua. Một hôm đang nghỉ giải lao giữa công trường, bỗng Bùi Cảm xuất hiện. Hắn đứng hẳn lên 1 chỏm đất cao, ném cho mỗi đứa chúng tôi 1 điếu thuốc lá Điện biên. Khói bốc xanh um cả 1 góc rừng. Hồ Thanh lấy thêm 1 điếu mời Đại đội trưởng Hoàng Xuân Thu. Anh Thu hỏi: - Ai thế?. Thanh trả lời: - Bạn bọn em, cùng vào. Bây giờ nó ở Cục, hình như ông già nó là Ông Bùi Dư. Anh Thu kêu lên:
-    Cha, Thủ trưởng Dư thì tớ biết. Cụ vào đây từ năm 60 cơ đấy. Cụ thuộc đoàn quân đầu tiên mở rừng vào khu 5, cùng thời với cụ Võ Bẩm  mở đường 559, đường Hồ Chí Minh đấy… Mà cũng từ dạo đó đến giờ, cụ đã ra Bắc lần nàò đâu…
Đêm đó, Cảm nghỉ lại đơn vị tôi. Mấy thằng K6 nằm quây lại nói chuyện, có thêm cả Lê Hồng Ngoan (K4M, quê Thanh Hóa).
Tôi nhắc lại câu chuyện của Đại đội trưởng. Cảm nói:
-    Thật thế đấy chúng mày ạ, Ông già gan lắm, cụ cứ đi miết, từ lúc tao 6 tuổi đến nay mới được gặp lại Ổng, mà lại gặp ở trong này đấy chứ. Tao còn may hơn má và các em tao nhiều. Tao xung phong đi, may mà đoàn mình lại về  khu 5, chứ rẽ qua B2, B3 thì không biết khi nao gặp được.
Rồi Hồ Nam chen vào:
- Trên cứ này, họ đồn nhờ có mày là con ông Bùi Dư, nên cả tiểu đoàn sinh viên 1040 này không phải xuống chiến đấu phải không? Có chuyện này không?
Cảm hơi lúng túng, rồi nói:
- Tao biết tụi mày muốn xuống thử sức, trực tiếp chiến đấu. Cách đây 2 tuần, tao có nghe Ba tao nói lại, Ông Hai Mạnh (Đại tướng Chu Huy Mân) nói với ba tao là ổng ra lệnh giữ tiểu đoàn sinh viên lại trên cứ, làm nhiệm vụ mở đường, vì muốn thắng thì phải mở chiến dịch cỡ sư đoàn trở lên, muốn vậy khâu hậu cần phải đi trước vài bước, mới đủ gạo, đạn cho bộ đội. Vả lại, tụi nó có học, sắp giải phóng rồi, hòa bình cần có trình độ văn hóa, nhiều việc cần đến tụi nó… cho tụi nó xuống, hy sinh nhiều uổng lắm.
Tất cả tụi tôi không ai nói gì. Trăng giữa kỳ rực rỡ, rót qua kẽ lá rừng vàng óng xuống võng từng đứa. Trăng sáng quá, tôi nhìn thấy nét rầu rầu trên vẻ mặt Nguyễn tất Nhân(K6A). Thế là cái ý tưởng xuống chiến đấu chắc là đi tong.
Ngoan bỗng nói:
-  Còn thuốc lá không? Châm đi, tao đọc thơ Nguyễn Bính cho nghe.
Cảm la lên:
- Nguyễn Bính là ai vậy, lâu nay tao chỉ được nghe thơ Tố Hữu thôi.
Ngoan nói:
- Thế mới chiêu đãi mày, Anh bạn trường Trỗi ạ! Tao đọc xong, hay thì phải thưởng Điện Biên đấy nhé?
Chắc là không còn nhiều, nên Cảm lấy ra 2 điếu thuốc lá. Chúng tôi truyền tay nhau hút chung. Thằng nào cũng rít thật sâu khói thuốc, lim dim thưởng thức. Hương Điện Biên thơm dịu ngọt, sâu lắng, trong từng tiếng ngâm bài Hoa và Rượu …Hết bài, Ngoan im lặng, tất cả cũng yên lặng, cái yên lặng tuyệt đối! Hình như cái chất lãng tử của từng thằng bị nhà thơ Nguyễn Bính lôi tuột ra giữa rừng vắng, trăng thanh mênh mông, lại càng xao xuyến hơn…
Ơi, Mới đấy mà đã gần 40 năm rồi đấy.
Nhiều khi rỗi rãi, nhớ lại những ngày đã qua, thường tự hỏi: Nếu ngày ấy, không có tác động của Bác Chu Huy Mân, của Bác Bùi Dư, có thể, lứa sinh viên nhập ngũ tháng 5/1972 đã tham gia chiến đấu ở sư đoàn 3 Sao Vàng Bình Định, như dự kiến ban đầu thì rất có thể nhiều bạn đã trở thành những tay súng cự phách, thành anh hùng trong chiến trận (Tất nhiên, chiến trận đâu nói trước điều gì, mũi tên hòn đạn vô tình, cũng có nhiều  bạn sẽ mãi mãi nằm lại, dâng hiến máu xương tuổi trẻ trọn đời cho đất nước quê hương)…
Nhưng cũng phải tự hào mà nói. Nhờ  ý kiến sáng suốt của các Bác mà  những người lính SV ở lại khu căn cứ năm đó, Tiểu đoàn 1040, đã được ở bên nhau, đoàn kết, phát huy được hết sức sáng tạo lập được rất nhiều thành tích tốt đẹp, rất ấn tượng, trên khu căn cứ địa khu 5…
Bùi Cảm ơi, Bạn bây giờ ở xa rồi. Bọn mình, những người K6, K10, Lính đoàn 1040, vẫn nhớ về Bạn những điều tốt đẹp.
Năm kia, 2009, nhân kỷ niệm 30 năm ra trường, mỗi người k10, nhất là K10I vẫn nhắc đến Cảm, Sau chiến tranh, Cảm về học tiếp ở K10I, lại cần cù, khiêm tốn, ít ồn ào hơn, chịu thương, chịu khó học hơn…
 Chắc chả bao lâu nữa, chúng mình lại được gặp nhau thôi. Hẳn là, chúng mình sẽ ở một nơi mà chan hòa ánh trăng , không bận bịu, vương vấn gì. Cả hội, lại ngồi thưởng thức thơ, mà khi đó chúng mình sẽ mời đích danh Nhà thơ Nguyễn Bính, để ông đọc và giảng thơ cho nghe...
 Bạn chuẩn bị nhé!
 Bọn mình sẽ đến.

                                                                                                                         Hà nội, tháng 6-2011

3 nhận xét:

  1. Chắc Cụ Bùi Dư không có ý riêng tư gì vì thời đó đâu có như bây giờ.Cụ Chu Huy Mân quả là người nhìn xa trông rộng và có lòng nhân ái bao la.Vậy mà trời nỡ hại con trai Cụ trong vụ máy bay rơi cùng Lê thanh Hưng năm 1998 ở Lào sao.Bùi Cảm mất sớm thật đáng tiếc,chẳng phải vì phá miếu mở đường đâu .Không may thôi,vì những người tốt và làm điều thiện tháõe được trợ giúp chứ.

    Trả lờiXóa
  2. Hoàng Việt Quânlúc 07:29 10 tháng 1, 2012

    Trác Dũng ạ! Bố D Tho nói... nhanh chân thế!
    Có dạo mình nằm viện C17 ở Giằng, có nghe Trung Tá Hoàng Tiến Trưởng Phòng Chính Trị Cục Hậu Cần Hành Lang QK5 (Cục của tụi mình)người Quảng Bình nói : một tiểu đoàn phấn đấu đánh 4 trận mà không được rồi 3 trận vẫn không xong.

    Trả lờiXóa
  3. Ê, Thọ mom ,nghe nói rất nhiều kỷ niệm với Bùi Cảm , Lương công Thu, Tiến trọc... lắm nhé. Viết đi Bạn ơi, Tôi thấy bạn cũng chất chứa nhiều máu lửa lắm.Vả lại, dạo này bạn viết cũng "ngon" hơn nhiều rồi.
    HVQ ơi, " một tiểu đoàn phấn đấu đánh 4 trận mà không được rồi 3 trận vẫn không xong."-là thế nào vậy?, bạn xin lệnh Cử tụi thằng Luân, Tiến, thắng ST... cho chúng nó giải quyết hộ, có nghề lắm đấy nhé. Nghe chúng nó viết về chiến tranh mình sợ "vãi đái " ra, mình vốn nhát. Nhất là chuyện Ma thì thôi rồi...
    He he....eeeeeeeeeeeeeeee.
    Chào nhé

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]