Chắc chắn những bạn học K5 máy và điện từ 30/51972 về trước; chắc chắn những bạn học K9 điện (1975-1978), các thầy giáo bộ môn Điện từ 1978 về sau đều giống tôi; nhớ thật nhiều Trần Văn Thịnh, quê Vụ Bản, học K5 điện, về học tiếp k9, rồi do học giỏi, phấn đấu tốt, ở lại dạy tại khoa điện trường mình.
Vâng, Trần Văn Thịnh, bạn tôi của những ngày trong lính.
Thịnh hôm nay không còn nữa, bạn mất do bạo bệnh. Nhưng với tôi Thịnh luôn gần gũi. Những ngày này, sắp sang năm Thìn, nếu bạn còn sẽ tròn 60 tuổi… Tôi nhớ Thịnh thật nhiều.
Tôi ở với Thịnh từ tháng 12/1972 đến tháng 10/1974, rồi Thịnh đi nhận nhiệm vụ khác, còn tôi đi xẻ gỗ làm kho cất giữ vũ khí, đạn gạo…
Tôi chỉ thực sự để ý đến Thịnh, khi thằng Nguyễn Văn Chi (K5ME, người Yên Bình, Yên Bái, sau này là giám đốc thủy điện Thác Bà), nó bảo với tôi ”Thằng cha Thịnh nó học giỏi có tiếng ở K5 đấy”. Tôi lặng lẽ ngắm Thịnh. Hắn tầm thước, da trắng, môi lúc nào cũng đỏ như môi con gái, tóc đen nhánh, đặc biệt đôi lông mày thanh tú luôn làm nổi bật đôi mắt sáng, lúc nào cũng như đang cười với ai đó.
Thịnh luôn khiêm tốn, cách nói chuyện của nó luôn có sức thu hút xung quanh, nó luôn có biệt tài giải thích những vấn đề hóc búa, biến thành những điều dễ hiểu như kiểu đang đi chợ mua rau, chọn quả.
Thịnh phấn đấu vào Đảng khá mãnh liệt, nhưng do sức khỏe có hạn, nên anh Qua chính trị viên đại đội chưa giúp được bao nhiêu. Có lần Thịnh tâm sự với tôi, tôi chỉ biết nói với nó: ”Thôi vào đây, toàn dân trường mình cả, bọn lão D, K… họ phấn đấu cũng tốt, họ có hậu thuẫn các cán bộ là người cùng quê nên họ thuận lợi hơn, chúng mình ủng hộ họ rồi đến lượt chúng mình, bây giờ cứ chen nhau, thì lại gây khó cho nhau, không khéo, chả thằng nào được tý gì…” Thịnh nhìn tôi gật gù. Tôi cho là nó đồng ý, nhưng cũng đồ rằng nó cho là mình nhụt chí, khôn vặt chăng. Dẫu vậy, mỗi khi có tâm sự gì chia sẻ, hắn lại rủ rỉ cùng tôi.
Quả tình là Thịnh thông minh. Nhớ cái tết 1974, ngày nào cũng san đất làm kho, làm đường từ sáng tới tối, chán ngắt. Hắn vận động và giao nhiệm vụ mỗi thằng mỗi ngày làm gì không biết, nhưng phải gọt được 1 con cá ngựa bằng gỗ rừng. Vậy mà chỉ sau 1 tuần tiểu đội A5 C2 Cơ điện chúng tôi có 1 bộ bàn cờ cá ngựa. Tết năm đó vui ra trò. Từ A trưởng Phạm Bá Dục, Anh Đỗ Mạnh Hoạch (K4I), Khánh K6I, biệt danh "chuột chết", anh Bùi Văn Hạnh K4M, Nguyễn Tiến Cường K7I-Phố Huế, và tôi mấy ngày nghỉ Tết sung sướng, bám bàn cá ngựa liên tục. Mấy thằng K7 người Hà nội như Vũ Đức, Ngô Học Trí, Nguyễn Ngọc Diệp, ở tiểu đội khác cũng mò sang “đổ ống” đến tận khuya.
Sau vụ đó, chúng tôi tặng biệt danh cho Thịnh là “Thịnh rối”, lấy theo hình tượng nghệ thuật chú người gỗ Buratino. Đầu tiên Thịnh không hiểu, cứ nghĩ là mọi người chê mình rắc rối, nhưng giải thích, nghe ra hắn lại khoái chí, cười liên tục.
Tôi nhớ mãi một lần bị Thịnh “chich” cho 1 phát mà nhớ đến già. Lần đó tôi và Thịnh, Tiến Cường, Mạnh Hoạch, đi cõng hàng. Đến 1 chỗ nghỉ, trên khoảnh đất có cái bếp đang còn nóng hổi -chắc 1 nhóm nào đi gùi hàng trước đó vừa rời khỏi đây. Chúng tôi quyết định nghỉ lại đêm ở đó. Mọi người chia nhau đi chuẩn bị bữa tối. Bất chợt tôi nhìn thấy 1 củ sắn đã luộc, còn nóng nguyên, trắng tinh, chắc nhóm trước họ ăn không hết, bỏ đi sợ phí, nên họ gác lên hòn đá kê bếp. Tôi cầm lên, chia đôi cho anh Hoạch một nửa. Lát sau, Thịnh ở dưới suối lên, hắn nhìn tôi đang ăn, rồi bảo ”Mày ăn miếng sắn họ bỏ đi đấy à"? Tôi nhìn hắn hơi ngạc nhiên, vì nghĩ hoàn toàn là điều bình thường, tránh phí phạm mà, vả lại cũng đói rồi. Thịnh cười, rồi bảo: "Tao không nghĩ Trác Dũng lại như vậy". Tôi hơi choang choáng. Nghĩ thầm, hắn nghĩ mình là gì chứ, Vương Tôn công tử chăng? Nhưng cũng không cự lại, chuyện thường ngày ở lính ấy mà.
Còn nhiều chuyện ở rừng lắm. Kể làm sao hết được bây giờ, Thịnh ơi!
Sau này về học tiếp. Hắn ở khoa Điện, tôi ở bên Máy. Thỉnh thoảng vẫn mò sang nhau ngồi hàn huyên, nhiều hôm cả Vũ Đức cùng tham gia nữa.
Đặc biệt, năm 1977, ở Hội nghị tuyên dương sinh viên học tốt, tôi may mắn được đi dự đại hội đó. Hôm đó, Thịnh là SV duy nhất đạt học sinh Tiên tiến của Khóa 9 Điện, và cũng là người duy nhất được đọc báo cáo điển hình tiên tiến trước toàn thể hội nghị. Báo cáo hấp dẫn, giàu hình ảnh, không màu mè sáo rỗng…. nhiều kinh nghiệm học tập hay mà tôi vẫn ghi nhớ và sau này có ứng dụng cho mình. Tôi ngồi ở dưới lắng nghe, ngắm Thịnh và nhớ những ngày sống thật chân thành cùng nhau. Thịnh là người đã đạt được "được anh em bạn bè ngưỡng mộ".
….
Bây giờ, Thịnh đã sang thế giới khác rồi. Âm dương cách biệt.
Thịnh ơi, tết Nhâm Thìn đang đến, mình nhớ bạn nhiều quá. Viết mấy dòng này, chia sẻ tâm tư của mình. Chợt nhớ, ngày xưa, mình ở với nhau, mày hay đọc mấy câu Kiều:
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Làm sao gặp được mày bây giờ. Cách trở quá, không có khoảng cách đo được nào giữa chúng mình bây giờ.
Bạn ơi, hãy về với tôi trong những giấc mơ nhé.
Ngàn lần tôi yêu bạn.
Tôi nhớ THịnh lớp K5IA . ngày ấy vào trường có thi lại làm 3 đợt . Đợt đầu thi xong ai đỗ thì đi cắt tranh . Đợt thứ 2 ai đỗ thì đi chặt nứa . đợt ba là cho thi vét .
Trả lờiXóaThịnh , Biển , Nghê ngọc Hồi là những người điểm cao của đợt 1 . Hiền lành và rất thư sinh . Sau khi Thịnh mất , nhiều cuộc gặp mặt của K9 vẫn mời Vợ Thịnh cùng dự . Tiếc một người bạn tốt , bạn Thịnh K5IA - 1040 của chúng ta .
Trọng Luân thân mến.
Trả lờiXóaCảm ơn Luân đang cùng mình nhớ lại Thịnh "rối".
Mấy hôm nay tự nhiên nhớ nó nhiều .Lại cảm rằng:
Những người tốt dù họ có ở xa biết mấy cũng vẫn luôn gần gũi mình. Họ luôn trong trái tim bạn ạ.
Mình và Trọng Luân còn những bạn chung, nhớ chúng nó lại thấy hình tượng "anh hùng"...
Chúng mình chia xẻ với bè bạn ở những trang viết này nhiều hơn nữa nhé. Thân ái