Gần nhà tôi có cái chợ cóc. Tên chợ cóc nghe xấu. Nhưng hàng chợ cóc
dân dã gần với tôi hơn nên tôi thích. Người chợ cóc cũng cóc cáy,
không trơn lông đỏ da như chợ “kẻ“. Chợ cóc có mươi năm nay ở cái góc rặng dừa Hoàng Cầu. Dần dà thành phố phát triển, “cóc” này nằm trên
chót đường Trần Quang Diệu. Sớm bửng mù tinh đã thấy sọt lớn sọt bé rau, thùng lớn thùng bé cá, lợn cả con trắng phau chưa pha chặt, hoa
đóng vào sọt dính cả bùn mới nhổ trong vườn … Họ lặng lẽ xếp đặt, họ
lặng lẽ bày hàng, vừa bày vừa nhặt những thứ lá, những con cua con cá thải
loại vứt ra một chỗ. Mờ sáng đi thể dục, liếc nhìn những cái xe máy
chở hàng phía sau vợ ngồi gục cắng xe đằng trước ngủ. Cái đầu ngật ngật
mỗi khi xe vào lỗ ổ gà mà ái ngại. Nhìn cái đầu tóc dài xòa ngoẹo lên
cái túi hành hoa mà đã thấy mùi hành cay cay. Sương giăng mờ ngoài hồ,
người hàng phố áo chùm mũ nai nịt tất tai ve vẩy đi bộ vừa đi vừa thở
ra khói vừa ngó những khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của dân chợ cóc. Dân
chợ cóc không bao giờ để ý nhìn người kẻ chợ, hay xuýt xoa với tấm quần manh áo thời thượng của người kẻ phố. Họ quen quá rồi mấy cô mấy
bà sexy áo quần và mặc cả mớ rau con tép còn sexy hơn. Họ thây kệ. Họ
nhã nhặn và cam chịu nhời nhẽ của kẻ có tiền hàng phố. Tôi cũng lang
thang trên đoạn chợ này hàng ngày nên tôi biết đâu là hàng của của dân
chợ Hà Nội pha lẫn vào, còn đâu là hàng quê ở vườn mới tới.
Mà khổ
lắm cơ, chỉ cách 300 mét là chợ Thái Hà. Ở đấy dặt những cô những bà
nạ dòng môi son má phấn ngồi chềnh ễnh bán hàng. Đố dám ai cự lại một
nhời chê bai ôi thối hàng của họ. Chê à, đi chỗ khác mà mua, đừng có
ám bà. Bà đập cho không còn cái răng nào mà nhai c… . Bảo bà cân điêu à? Tổ sư cái cân nó sai mà mày cũng tin à? Đi chỗ khác mà mua rẻ, híc đồ
nhà quê, hãm ! Một lần vợ bảo anh ra mua mấy lạng thịt bò non về nhúng
dấm. Tôi chọn con bé má môi xinh như người mẫu sà vào. Nó cười nó nói
hay hơn MC, chợt nghĩ sao mày lại đi bán thịt hở cháu, phí cả một
đời? Nó cân nứa cân thịt đánh nhoáy. Tối hôm ấy vợ cằn nhằn thịt sạn
thế, dai như đỉa mà cũng mua. Mình ắng lặng. Ức quá, hôm sau đúng lúc
chiều tan tầm đông người mình ghé lại nói rõ hùng hồn: em bán thịt gì
mà sạn thế? hở? Nó ngẩng lên nhìn mình phơi phơi, cái môi trái tim
nhẩu ra thành hình quả mít tố nữ: sạn? có mặt ông sạn! Sạn cái lạn
càn cạn… Từ ấy cái cổng chợ Thái Hà với tôi giống như lối vào An Lạc
Viên.
Ở chợ cóc, mua cái gì không ưng, thiếu vài lạng mai
ra bảo nó. Nó xin lỗi vâng cháu xin bà, cháu đổi, bà thương cháu như
con bà đừng mắng cháu mất khách. Thế thì ai nỡ… Phố tôi ngoại trừ
những nhà đông Ô-sin hay ra chợ nhớn Thái Hà còn thì ai cũng có mối quen. Có cả số điện thoại để nhỡ mưa gió gọi nó mang vào. Mà hàng đến nhà
không thiếu một cọng hành. Có hôm mang rau vào nó còn bảo Cô ơi lấy ớt
cho chú này không có cô lại bị mắng. Nằm trên gác nghe thấy chợt nhận
ra con bé nhà quê đã biết tính nêt từng người trong nhà tôi rồi ư. Một
hôm vợ tôi về buồn thiu thiu bảo thương quá thương quá anh ạ. Tôi vội:
cái gì cáí gì? Vợ bảo: thằng chồng con bé bán cá ấy… mà con vợ nó
hay bán rô ron cho nhà mình ấy... Thì sao thì sao nào? Vợ tôi nói như
gió thoảng cà hai đứa va vào ô tô, vợ nó chết rồi chồng bất tỉnh nằm
trong viện Hà Đông. Hôm nay chợ vắng quá. Cả chợ đi đám tang còn lèo
tèo mấy hàng rau người của Thái Hà mang vào chả ai mua. Mấy đứa đi về
khóc quá anh ạ. Ôi kẻ chợ! Mà đây là kẻ nhà quê ra chợ nên mới thương
nhau đến thế. Cái thương của kẻ cùng chân bùn tay lấm, đầu hôm sớm mai
bỏ con ở nhà chạy chợ giật gấu đút mồm nuôi con những mong khấm khá …
Một
trưa, tôi ghé hàng bia cỏ ven đường dốc Vệ sinh xuống. Có người đàn
ông và cốc bia còn non nửa cười cười thân thiện với mình. Lấy làm lạ
nhưng nín thinh. Đề phòng là chính. Nó khà cái, chú Luân đi đâu về
đấy? Ô sao ông biết tên tôi? Nó cười tươi, chú là chồng cô Thư mấy
năm nay toàn mua thịt nhà cháu. Ôi thế hả? Mày ở Chương Mỹ hả? Vâng ạ
cháu ở Văn Võ. Cô bảo chú làm giám đốc nghỉ hưu rồi mà ăn uống khó
tính lắm phải không? Chú uống với cháu cốc bia. Thôi thôi, mày kiếm
được mấy mà mời, chú mời. Nó kể nó đi bộ đội lên Lạng Sơn ba năm rồi về. Về rồi đi xin làm công nhân xây dựng. Vợ con nheo nhóc quá. Thương
vợ về quê, không nhẽ ôm nhau đói. Ba sào ruộng làm đánh phẹt cái xong
vợ chồng đi bán thịt thuê, rồi bây giờ cứ chiều tối chồng mua lợn mổ
xong ba giờ sáng hai vợ chồng leo lên con Dream, vợ đàng trước lợn đàng
sau ra Thủ đô. Trong khi chờ vợ bán hết chỗ thịt nhà quê ấy thì chồng
nằm chéo khoeo trên yên xe nấp sau cây bằng lăng mà ngáy khò khò. Đứng
trưa, chả ăn uống gì lại vù vù đưa vợ vượt bốn chục km về bắt lợn mổ
cho ngày mai. NÓ bảo cháu có hai ba chục nhà quen như nhà chú. Nhà nào
cũng mỗi ngày ăn cả cân chỉ nhõn nhà chú ngày có ba lạng, chả trách
chú gầy. Hì hì dưng mà chú gầy mà …vẫn khỏe ..hì hì
Mùng 2/12 vùa rồi. Chủ nhật tốt ngày, tôi nhớ rõ thế bởi hôm ấy nhiều
cuộc hội họp tình nghĩa lăm. Tôi lại ngồi quán bia cỏ ấy. Trời se
lạnh. Một đám người thanh lịch đi ngoài đường ngó vào cười rất tươi.
Ôi trời này mà chú đi uống bia à? Đi uống rượu với cháu đi? Tưởng ai
hóa ra vợ chồng bán thịt đi với ba đứa bán cá và một đứa bán rau. Không
thể nhận ra những công dân chợ cóc nữa. Thằng chồng com lê đen, vợ nó
váy dạ trên gối khoác ngoài măng tô, còn mấy đứa bán rau áo len thụng
quần legin màu khói. Tóc nhuộm màu lửa, mặt tươi như hoa. Chúng nó
nắm tay nhau cười rinh rích ngược lên đầu Ô chợ Dừa. Chủ quán bia gọi
với theo: đám nào thế? Thằng chồng cô bán thịt ngoái lại: Con cái
Quế bán gà đấy chị ạ, ăn ở trên Mạnh Hoạch, em đi đây! Đằng sau rồng
rắn hai chục người nữa toàn váy áo như người kẻ chợ thứ thiệt đi đứng
đoan trang cười nói rộn ràng. Chợ cóc hôm nay họp sớm tan sớm để họ đi
đám cưới. Ra là cô dâu bán gà còn chú rể bảo vệ một cơ quan trên con
phố cụt Trần Quang Diệu. Cả chợ đi bộ lên phòng cưới cách nửa cây số.
Rất nhiều phong bì mừng cưới năm chục một trăm của những bà những chị
hay đi chợ cóc nơi này nhờ gửi.
Tôi bâng khuâng nhìn theo
họ. Họ thật đẹp và vô tư. Cái vai diễn của đời cất biến đâu hết cả.
Họ nguyên si là những người biết yêu thương nhau, yêu thật sự và đằm
thắm!
Cuối năm rồi lại rét mướt thế này không biết các chợ cóc viên đang nháo nhác thế nào.Cái khổ mỗi người có khác nhau nhưng phải bỏ Quê ra ngồi lê kiếm tiền thế này thì ắt là khổ cực rồi.Nhưng chưa chắc đã khổ bằng những người nhiều tiền quá mà nhìn nó mất giá rồi ,cổ phiếu rớt giá,rồi nhà đất đóng băng lo trả lãi ngân hàng.Khổ hơn nữa là những kẻ Dân càng khổ thì họ lại có nhiều tiền hơn mà không biết tiêu gì hoặc cất đi đâu bởi hết chỗ chứa rồi.Ha ha ha...Hu hu hu...Hì hì hì...
Trả lờiXóa