Quê tôi là một làng quê nhỏ, yên bình ở ven nội thành Hà nội xưa: làng Hoàng Mai. Cái tên nhắc đến rượu Mơ, đậu Mơ… từ thuở xa xưa đến bây giờ vẫn lưu trong tâm trí bao người. Anh Dũng tôi sinh năm 1952 học trên tôi một lớp, dáng người dỏng cao, trắng trẻo đặc biệt có mái tóc đen nhánh và xoăn tít. Anh là học sinh cấp III chuyên toán của thành phố cùng thời với Ngô Việt Trung ở Phổ thông 3 sơ tán tận Chương Mỹ. Xin nói thêm là Anh có nụ cười rất duyên nên có nhiều bạn gái để ý từ rất sớm.
Năm 1969 anh vào học lớp toán kinh tế đầu tiên của trường ĐH Kinh –Tài. Sang năm 1970 khi tôi vừa thi đại học xong thì được tin anh sẽ nhập ngũ. Bác tôi buồn lắm bởi Ông rất yêu và tin vào tương lai của Anh. Tháng 9-1970 cả họ chúng tôi vào sân ĐH Kinh – Tài tiễn Anh lên đường làm nghĩa vụ của người trai thời chiến. Tháng 10 thì tôi nhập học ĐH Cơ Điện Bắc Thái và chỉ biết anh đóng ở Hà Bắc thôi.
Tôi và anh Dũng có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu lắm, nào đi bơi ao Tám sào, leo lên đống Ông giữa làng hay leo trèo cây đa, cây muỗn ngoài chùa… dĩ nhiên có cả chuyện ăm trộm ỏi hay nhãn… của hàng xóm nữa chứ. Nhưng anh em tôi cũng là lao đông nhỏ cừ khôi của làng rau Hoàng Mai, nhà anh có vườn rộng khoảng 2 sào, nhà tôi chỉ có hơn 200m2 thôi. Vừa học chúng tôi biết làm luống, gieo hạt, trồng rau. Chuyện tưới rau thì đơn giản chứ hái bó rau mới khó bởi phải biết làm hàng và khéo miệng bán hàng lúc 4-5 g sáng lại còn khó hơn.
Năm 1972 tôi nhập ngũ, tháng 7 vào Quảng Trị chiến đấu thì cũng chỉ biết anh đã đi B từ đầu năm 1972. Ngày 4-11-1973 tôi về nhà với quyết định chuyển ngành về Trường Cơ Điện học lại. Về đến cửa thấy trong nhà khá đông người ồn ào (ngày xưa nhà tôi, nhà anh cùng một nhà của Ông, Bà tôi để lại ngay quán Ba giữa làng). Vào nhà tôi mới biết là chính quyền và cả họ làm lễ truy điệu cho anh Dũng tôi. Anh hy sinh ngày 25-5 tại Quảng trị khi đó là B trưởng DKZ, bị bom khi đang hỗ trợ bộ binh bên bờ sông Mỹ Chánh... Tôi lặng người đi khi mọi người òa khóc và ôm tôi hỏi han, tôi chỉ kịp để ba lô xuống rồi đứng nghiêm chào, mặc niệm vĩnh biệt Anh.
Sau này hỏi qua bạn bè của anh tôi mới biết Anh ở sư đoàn 325, qua 6 tháng huấn luyện đầu được đi học lớp A trưởng. Ở Hà Bắc huấn luyện quân mới mãi đến tháng 2-72 mới cung đơn vị vào chiến đấu giải phóng Quảng trị. Mãi năm 2009 tôi đi Quảng Trị với anh em bên sư 325 như Chu Đình Khiết, Lương Quốc Dũng… mới hỏi mọi người về cuộc chiến của 325 tháng 5-72 thì anh không ở E95 mà có thể ở E18.
Năm 1997 nhờ bác sỹ Cảnh người QT về địa phương báo là có ngôi mộ liệt sỹ Nguyễn Doãn Dũng quê ở Hoàng Mai được an táng ở nghĩa trang xã… nằm ở bờ Nam sông Mỹ Chánh. Thế là các Anh tôi vào xin bốc được di cốt anh Dũng về quê hương ngay. Mấy năm trước cứ đi tìm ở các nghĩa trang liệt sỹ bờ Bắc sông Mỹ Chánh nên không tài nào thấy được. Bác sỹ Cảnh ở quân y mặt trận khi xưa rất có tâm huyết mách bảo các thông tin về liệt sỹ ở QT. Hiện Cụ đang sống với con trai tại khu đô thị Định Công - Hoàng Mai – Hà Nội, năm 2010 tôi được gặp lại Cụ khi đi điều dương người có công ở Sầm sơn –Thanh hóa.
Đã 40 năm xa cách người Anh họ thân thiết, năm nào sau khi đi thăm các đồng đội liệt sỹ thời Phổ thông, Đại học xong tôi mới vào thăm Cụ mẹ đẻ của anh đã 91 tuổi, cùng các Bác và các cháu rồi thắp nén hương thơm tưởng nhớ Anh.
Ngồi viết những dòng này vừa để ghi nhớ một người Anh, một liệt sỹ cuả F325 vừa mong có các bạn đồng môn đại học Kinh Tài, cùng đồng đội F325 mà biết, có kỷ niệm hay thông tin gì về anh Nguyễn Doãn Dũng của tôi hãy cho gia đình chúng tôi biết thêm. Xin thay mặt cả Họ cảm ơn các bạn chiến đâu của Anh về các thông tin quý báu đó.
Tiếc quá, mình chẳng có người anh họ nào để mà có được cảm giác như Thọ!
Trả lờiXóaChiến tranh đã cướp đi những người giỏi giang, thông minh nhất, khi nhận ra điều đó thì cũng đã hơi muộn, dù sao đoàn 1040 vẫn còn là may lắm!
Không biết đẹp trai và thông minh như thế mà ra đi có biết mùi đời chưa?
Không ngờ Mõ ta lại để ý chuyện này.Thú thật là ông anh của Thọ có dính líu tới một cô thôn nữ nơi đóng quân.Không rõ có để lại gì không nhưng có chuyện đấy.Và Thọ đăng lên nhằm tìm người biết chuyện cho thông tin giúp mà.
Trả lờiXóaTrong một lần về thăm nơi đóng quân cũ, một đồng đội của tôi tâm sự: sao ngày ấy mình trong sáng và cao thượng thế. Người yêu đến thăm mình mấy lần chỉ trong vòng hơn 2 tháng luyện quân. Quả đồi thấp sau nhà ông chủ có rừng cây bạch đàn cực đẹp, bên dưới là những bãi cỏ xanh mướt thật êm dịu cho 2 đứa ngồi bên nhau âu yếm. Cô gái thỏ thẻ, em thương anh lắm, chẳng lẽ ra đi không biết mùi con gái, nhỡ sau này chẳng về nữa thì sao? Cứ như thế mấy lần, em định hiến dâng cho anh thật... Nhưng đồng đội tôi cao thượng quá, đạo đức quá theo đúng nghĩa ngày xưa, thế là 2 người yêu nhau chẳng có... gì cả!
Trả lờiXóaGiá mà có... gì thì biết đâu đã có một câu chuyện rất hay.
Không biết ông anh họ của Thọ mom có chuyện gần giống thế không nhỉ?
Bác Chít đừng có nâng cao quan điểm , lập trường người quân nhân cách mệnh quá , ai cũng là người đâu phải gỗ đá nên khi tình yêu tới là bản năng con người là hiến dâng , qui luật tự nhiên là phải : hôn hít , sờ soạng , và tiến tới ... trao cho nhau tất cả . Chẳng qua chẳng làm ăn gì được ( vì lần đầu không bao giờ chàng trai nào đến Z được cả ) nên đừng nói giọng đạo đức giả nghe buồn cười quá !
Trả lờiXóa