Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Ba người bạn lính (phần 1)

      Buồn, nhưng cứ phải nói ra, cứ phải viết lại, nếu không cho đến lúc già quá rồi vẫn không hết cắn cứa trong lòng.  Đã là bạn của nhau mà không có cách gì, ít ra là gặp lại nhau mà hỏi han xem bạn mình đã sống ra sao trong ngần ấy năm trời sau cuộc chiến tranh mất còn. Ấy là tôi nói với bạn của tôi. Bạn lính. 

      ***

     Giống như những người lính trở về từ chiến trường chống Mỹ. Tôi cũng nằm trong số những cựu chiến binh hay xúc động vặt. Mỗi chuyến đi công tác, đi du lịch, hay vì lí do gì đấy mà qua miền Trung, miền Nam, tới đâu là lũ trẻ chỉ ào đi kiếm chỗ nhậu, chỗ vui, đàn bà thì tìm mua đặc sản còn mình cứ lang thang mơ mẩn tìm về trận địa cũ, tên người tên làng cũ.
      Có chiều trên đường vào Tây nguyên, nhìn hoa Cúc quỳ vàng ruộm ven đường, nhờ chú lái xe dừng lại, bẻ cành hoa rừng hắc mù cầm lên xe nước mắt cứ ứa ra, lũ trẻ cười ồ lên vì anh già lẩm cẩm. Trách làm sao được họ. Buồn vui là quyền của mỗi người. Họ vui mà mình buồn cũng là có lỗi cho cả đoàn. Vì thế, già rồi, có buồn ra chỗ khác mà suy tư. Ở đây còn ối chuyện khác phải bàn. Chuyện chứng khoán, sàn này sàn nọ, cổ phiếu cuả thằng nào mấy chấm. Dự án thằng nào được cấp vốn thằng nào chưa được cấp…
       Mấy người bạn tôi mà tôi kể dưới đây không biết bây giờ có hiểu chứng khoán là gì không? Mà nếu có hiểu thì có làm được gì không? Chắc khó lắm. Ba khoán ngày xưa đã khó, đến khoán mười đã vất vả trầy vẩy thì những người lính như các anh làm chuyện chứng khoán cũng tội nghiệp lắm.

        ***

Ngưòi thứ nhất
        Anh ấy tên KIM BẰNG. Một cái tên nghe cũng nghệ sỹ. Mà quả thật anh ấy nhiều tài. Nguyên là thợ bậc 4 máy nổ nhà máy điện vùng cao nhập ngũ cùng chúng tôi một ngày. Ấy là vào những ngày ác liệt của năm 72. Tiểu đoàn tôi gồm sinh viên, giáo viên và cán bộ vùng gang thép. Chỉ sau mười ngày tập trung, tiểu đoàn tổ chức văn nghệ liên kết thi đua với địa phương. Đêm ấy anh Kim Bằng hát hay thế. Anh như nghê sỹ thật ấy chứ. Về sau, khi có lần hát trong hội diễn sư đoàn ở Tây  nguyên tôi vẫn thấy anh hút hồn tôi bằng cái âm hưởng của người dân tộc vùng cao phía Bắc, mà đã là chất dân tộc thì nó ngấm sâu và lâu lắm. Lạ, anh ấy 30 tuổi mà trông vẫn trẻ, lại là người xung phong nhập ngũ chứ không giống như tôi, tôi đi theo tiêu chuẩn gia đình chưa có ai nhập ngũ. Anh thì lớn tuổi, có người em đã đi B. Anh cười: Ai chả phải đi, đến chúng mày sắp tốt nghiệp Đại học còn đi nữa là tao.
      Ba tháng huấn luyện xong. Đêm chuẩn bị bắn đạn thật ở núi Hanh, Phú Bình, tôi và anh cùng đi gác trận địa. Đêm ấy mắc võng trên rừng bạch đàn gần anh. Tháng 11 heo may nhè nhẹ. Trời nhiều sao và sâu hun hút. Các nhà văn cứ bảo trời cao vút, nhưng chắc chưa có ông nào nằm ngửa giữa rừng nhìn trời vào ban đêm như cánh lính thời trận mạc chúng tôi. Theo lính thì trời sâu hun hút chứ chẳng anh nào nói là trời cao vút cả. Đêm ấy anh Bằng bảo với tôi thế.
      Bốn cái võng cứ chùng xuống căng lên theo nhịp những chuyện đông chuyện tây, theo lập loè tàn thuốc. Ai cũng kể về quê, về mẹ cha, về lớp cũ. Anh Bằng nằm yên. Anh gợi chuyện mọi người còn anh thì không tham gia. Cứ im lặng, cứ thở dài. Khuya lắm, tự dưng anh ấy hát. Kì lạ không? Anh ấy hát "Trước ngày hội bắn".  Không ai lên tiếng. Rừng lặng im. Trời cũng lặng im, lành lạnh. Rồi anh ấy khóc. Sợ lắm. Hồi ấy anh ấy già hơn cả. Người già khóc sợ lắm. Nó cứ lờ lợ, đùng đục cả tâm hồn. Chúng tôi im, chúng tôi không dám hỏi gì nữa.

       Hai tháng sau. Chúng tôi hành quân đến sông Bạc. Đêm ấy trăng sáng như ngọc đổ. Tiểu đoàn trú quân ở bãi khách gần sông. Cánh lính cơ quan cũng tỏ ra nghệ sỹ, tụ tập nhau ra bờ sông nằm trên đá nhìn trời, nhớ về miền Bắc bất chấp kỉ luật của binh trạm. Và, đêm trăng bên bờ sông Bạc ấy chúng tôi nghe anh kể chuyện về mình.
       Sinh ở Nam Hà, hoc trung cấp cơ điện rồi về làm thợ máy nổ ở nhà máy. Đẹp trai, hát hay, vẽ tài. Anh luôn là tâm điểm chú ý của các cô gái thợ trong nhà máy xứ Thái này. Nhưng anh phải lòng cô gái người dân tộc, cháu ông Giám đốc. Cô y tá mắt dài như lá bạch đàn, hát cũng hay mà múa cũng cừ. Gặp nhau, trai tài gái sắc, thế là nên vợ nên chồng. Có con rồi, họ vẫn là cặp song ca chính của nhà máy. Ai mà chả thầm ghen, thầm ước được như vợ chồng Kim Bằng. Cứ mỗi lần xem vợ chồng Kim Bằng song ca "Trước ngày hội bắn" lũ thanh niên trẻ nuốt nước bọt, cổ họng chạy lên chạy xuống. Nghề của anh trực máy nổ, nên hay đi ca 3. Một đêm vừa đi làm, trời sắp đổ  mưa to. Nhờ người trực chạy quay về lấy áo mưa. Gọi mãi, đẩy mạnh cửa vào Bằng gặp ngay cảnh tượng hãi hùng. Một chàng thanh niên bò trên giường vợ mình nhẩy xuống. Anh Bằng nhận ra chàng y sĩ nhà máy và kịp tống vào quai hàm kẻ tình địch đòn trời giáng. Thằng ấy không đổ, chạy mất. Đêm ấy anh Bằng sụp đổ. Những ngày sau càng sụp đổ hơn, vì vợ anh không những không sợ mà còn thách thức anh, nếu anh bỏ cô ta anh sẽ bị nghỉ việc. Uất ức hơn nữa, chính giám đốc nhà máy gọi anh lên đánh tiếng doạ dẫm, không được làm ảnh hưởng tới uy tín đảng viên, vì anh y sĩ nọ là đảng viên, còn Bằng thì vẫn đang là quần chúng. Vậy ra, anh chẳng là gì hết, không có quyền giữ được vợ vì anh chưa phải là người “đồng chí”, anh không phải là cán bộ. Suốt mấy tháng trời, nghẹn ngào nhìn kẻ tình địch hằn học mà không làm gì được. Sống trằn trọc trong ý nghĩ mình vẫn chưa phải là cán bộ, đảng viên  thì không trả thù được kẻ xấu kia.Và, anh quyết tâm phải phấn đấu trở thành đảng viên, phải trở thành cán bộ, để trả thù. Anh xung phong nhập ngũ. Con đường nguy hiểm nhưng cũng nhanh nhất để trưởng thành, để trở về nơi anh nung nấu sự đời. Con sông Bạc về đêm chảy vắt vẻo trên từng vạt đá, trăng cuối năm leo lẻo trong. Vài chùm pháo sáng ẻo lả như mảnh sao sa cuối trời nhạt nhẽo. Nằm nghe anh kể mà cái lạnh cứ chạy từ xương sống dần lên đỉnh đầu. Chao ôi, anh ấy liều thế ư? Thảo nào anh ấy phấn đấu như điên, chỉ còn biết dồn sức cho ý nghĩ duy nhất, phải nhanh được vào chiến đấu, phải trở thành dũng sĩ, phải lập được chiến công.
       Vào chiến trường Tây Nguyên, tôi và anh lại được về cùng trung đoàn. Đợt ấy, những giáo viên phổ thông, những thợ máy được bố trí về những đơn vị trực thuộc. Anh Bằng thì không, anh xin về bộ binh. Về Tiểu đoàn 7, rồi lại xin về đại đội chủ công. Khỏi phải nói đến những nỗi vất vả của đại đội chủ công bấy giờ. Chốt giữ, phục kích, đánh giao thông, đánh cứ điểm. Cứ chỗ nào ác liệt là chủ công có mặt. Mà anh Bằng là tiểu đội trưởng mũi nhọn. Những tháng ngày sau kí kết 1973, kẻ địch thường xuyên phá hoại hiệp định bằng những cuộc hành quân lấn chiếm. Tiểu đoàn 7 là tiểu đoàn liên tục tác chiến. Mùa mưa Tây nguyên sao mà khủng khiếp thế. Đánh trận cũng khổ mà ở chốt cũng cực. Đến anh nào yếu ốm ở kiềng tăng gia cũng nhọc nhằn không kém. Những trận đánh đường 15, đường 5A, 5B, làng Dit, Lệ Ngọc đã khiến kẻ thù phải lùi lại và chấp hành hiệp định. Chỉ sau mấy tháng chiến đấu, tôi gặp lại anh Bằng. Trông anh già nhiều quá, nhưng mắt sáng và anh rắn đanh lại. Ấy là ở hội nghị những trận đánh hay những người đánh giỏi toàn trung đoàn. Anh ôm chầm lấy tôi và khoe, tao kết nạp rồi, hai huân chương, có thư khen về cơ quan rồi, mày thế nào? Tao phải trở về… phải trở về. Thoáng vui mà anh bỗng chùng xuống, con mắt đờ dại đi... Miệng lẩm bẩm ngoài ấy bây giờ… thế nào nhỉ...
        Và cũng chỉ sau 2 tháng tôi và anh lại gặp nhau. Nhưng gặp ở viện trung đoàn. Mùa mưa thối trời thối đất khiến lính sốt rét quá nhiều. Đã có vài thằng bạn người thành phố ác tính mà đi ra rừng Lồ ô nằm rồi. Tôi với anh Bằng lại được ở cùng một lán. Thật đã quá, bạn cũ ở với nhau vừa dễ chuỵện, vừa dễ ca cóng. Mưa ác lắm, nước suối sôi ùng ục. Lá rừng gục xuống dính nát vào nhau. Cái ăn chỉ là cá khô nấu lá chua. Có tý giá đậu nhường cho thằng ốm nặng và thương binh. Những thằng sốt rét thì tự vào rừng kiếm bất kì cái gì có thể ăn được. Tôi khoác áo mưa đi đào măng. Mão lùn người Đông Kinh Đông Hưng Thái Bình đi lật đá tìm cua. Anh Bằng nói,  để tao đi đánh cá. Anh móc túi cóc đếm ra 10 cái kíp số 8 màu đồng đỏ. Chuyện này thường. Vì bộ binh ai chả đánh bộc phá. Nhưng nước suối to đánh kíp ăn nhằm gì. Biết vậy nhưng không được gàn, sợ sui sẻo. Chiều. Mưa day dả. Tôi chui về lán trước giờ tiêm của viện. Mão lùn về từ bao giờ đang mân mê 4 con cua chiến thắng. Anh Bằng chưa về. Tự nhiên buồn thế. Hai thằng sốt nặng rên hừ hừ, nôn oẹ, rồi khóc. Rừng thâm như màu mắm tôm. Bỗng nhốn nháo từ phía phòng khám chân đồi. Anh Bằng lao vào hu hu khóc. Luân ơi tao bị rồi, tao bị nát bàn tay rồi, khốn nạn không, ôi trời ơi, hết rồi... Bọn tôi lao tới lau mặt lau cổ đầy máu. Bàn tay tơ tướp, những ngón tay toe toét như ngọn măng bóc dở, đỏ ngòm máu. Quân y lao xuống. Băng bó. Lấy lời khai, tìm hiểu tình trạng gặp nạn. Mấy ông cán bộ viện  nhăn nhó vì để xẩy ra hiện tượng thương vong trong bệnh viện. Đêm nặng nề. Đạn đại bác phía HÀM RỒNG táng về ùa với mưa rừng tê tái. Bằng áp mặt vào vách hầm mắt mở trừng trừng. Tôi nghĩ anh ấy buồn vì khó có cơ hội trở về đơn vị chiến đấu. Anh ấy máu đánh giặc mà.
      Trời đất ạ, buộc cả 10 cái kíp số 8 làm một chùm giật nụ xoè, chùm kíp mắc ở bàn tay nổ đồng loạt bàn tay phải như có hàng ngàn mũi dao nhỏ dóc thịt ra. Bây giờ trông cuộn băng to như cái chổi trên tay anh mà thương. Măt sám đen khói thuốc, rửa không sạch trông càng thảm hại. Sáng hôm sau, anh được gọi lên gặp quân pháp làm việc. Sao lại làm việc với quân pháp nhỉ? Anh đi liêu xiêu, mặt cúi xuống từng bậc đất nhấp nhính bùn, dặt dẹo. Cả lán bó gối nín thở chờ anh về. Chẳng ai buồn ca cóng. Mấy con cua của Mão lùn cũng nằm im dưới gậm sàn chân co quắp. Bâng khuâng nhớ những ngày cùng đại đội ngoài Bắc. Liệu anh có lành lặn mà về không ? Cuộc chiến đấu cho ngày trở về của anh sẽ sứt mẻ thế nào đây...
       Gần trưa anh về. Con người Bằng bây giờ khác hẳn. Sụp xuống, khóc như trẻ nhỏ. Cả lán hai thằng què ba thằng sốt rét túm vào an ủi anh. Anh bưng mặt. Hết rồi, chấm dứt rồi, sạch sẽ hết mọi thứ rồi... ối cha mẹ ơi. Anh cứ hưng hức khóc hồi lâu, rồi ngẩng lên nhờ tôi cởi ba lô  lấy ra cuốn sổ chép bài hát và bảo, mày cầm lấy mà dùng. Tao không cần nữa. Thì ra, anh ấy tự thương. Chao ôi, anh Bằng tự thương! Nghĩ mà không tin được. Anh ấy có hèn nhát gì đâu, tấm gương chiến đấu viết trên tờ tin trung đoàn hôm nào vẫn còn đây. Thế mà ...
      Ngày ấy chuyện tự thương ở chiến trường là nghiêm trọng lắm. Nhìn vết thương là người ta biết ngay thôi. Nhưng anh Bằng tự thương thì chỉ tôi biết vì sao.Tôi im lặng.
       Anh lầm rồi anh Bằng ơi. Máu của chúng ta đổ đâu chỉ vì cái sự tầm thường ấy

      Tới giờ mấy chục năm không biết anh cư ngụ nơi nào. Ai giúp anh trả món nợ đời kia ?


                                                            Tháng 2/2007
                                                                                   NTL

1 nhận xét:

  1. Đau thế chỉ giây phút nông cạn thôi mà hủy hoại mình với nguyên nhân cực vớ vẫn không đáng một lạng...Nhưng giờ ta hiểu qua chuyện này mầm mống "bảo vệ" cán bộ -đảng viên đã có tự xửa tự xưa rồi.Cứ thế sau 40 năm nó đã phát triển lên thành đường lối ôi cái lỗi hệ thống ày nó càng tác qoái mạnh hơn đấy.

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]