Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Những ngày ở Cự Nẫm

 Luân CCB K5

       Kể từ năm 1975 tới nay đã nhiều lần đi công tác qua Quảng Bình. Đã nhiều lần đi trên con đường mang tên Hồ Chí Minh mới làm sau này, nhìn thấy cái biển chỉ đường Cự Nẫm ...km. Đã nhiều khi gặp những người bạn học Quảng bình hỏi: Mày biết Cự nẫm không? Nó bảo biết chứ cách nhà tao không xa. Thế mà Cự Nẫm tôi vẫn chưa trở lại. Cái vùng quê heo hút trong trí tưởng tượng của tôi sam sám xanh, khen khét mùi khói và rất nhiều con đường đất bùn trơn nằm bên con sông có rất nhiều lau sậy đôi bờ.
        Sắp đến tết rồi. Chúng tôi tới Cự Nẫm vào lúc mờ sáng mưa phùn. Xuống ca-nô ở Quảng Thuận lúc nửa đêm chật ngét. Ép giò bên nhau đến nỗi nghe tiếng hò đêm trên sông Gianh của các o thanh niên xung phong cũng cứ ngèn nghẹt như người hụt hơi. Ấy thế mà nhớ mãi... Ờ ơ...ơ... Sông Gianh (mừ) mãi mãi là sông Gianh. Anh đi (mừ) đánh giặc ờ ơ chừ khi mô anh ờ ơ mới về... rồi ngủ lịm đi trong tiếng sóng. Mờ sáng lên bờ cứ tưởng vẫn là sông Gianh. Giao liên bảo nỏ phải mô, đây là bờ sông Son. Thì ra ca nô đã rẽ vào ngã ba sông, rồi sang sông Son và chúng tôi đã đến gần Trường Sơn. Tưởng ngôi làng bé hoá ra không phải. Gặp lính cũ họ bảo trạm này to, quan trọng. Nhiều ban bệ lắm. Nhà kho, trường học cái gì cũng bé, nửa chìm nửa nổi nhưng đâu cũng có cờ đỏ. Cờ đỏ cám dưới gốc cây to cho kín dáo. Bộ đội đi lại nhiều hơn dân làng. Chả nhìn thấy ngôi nhà nào nguyên ven như làng xóm ngoài bắc. Chìm dưới đất một nửa chỉ nhô lên cái mái lá như úp vào đống rơm hé ra hai cái cửa lên xuống vài bậc. Người lên xuống nhà cứ chui chui. Xuống cũng chui mà lên cũng chui. Ngoài vườn nhô lên thành ụ, thành gò ấy là những cái hầm trú ẩn. Trẻ con chơi trên nóc với những đàn gà và lũ chó con để tiện chui vào hầm khi máy bay đến ném bom. Tối, ngồi trên nóc hầm trời thì lạnh không đèn đóm hỏi bọ: bọ ơi sao con chẳng thấy nhà cửa gỗ lá tre pheo như ngoài ta? Bọ bảo, dỡ ra hết rồi, lấy gỗ làm hầm kèo cho pháo, làm cầu phà và chống lầy cho xe chở đạn đi vô. Bọ nói tỉnh queo. Thế dỡ nhà lấy chi mà ở? Thì chui xuống đất đó, bay thấy rồi nớ. Mạ bay chui lên chui xuống còng lưng, con gái bọ cũng chui xuống chui lên cong cả mông khu. Bọ thì nỏ cần. Bọ ngủ trên nì. Bom nổ bọ lăn cái uỵch xuống. Mạ mi càu nhàu ông giả vờ lăn xuống để vô tui đó ha? Chúng tôi cười, bọ cười còn lớn hơn.
      Đến bữa cơm thấy lũ con nít loạng quạng xung quanh. Kêu nó vô ăn cơm với chú. Nó nhào vào liền. Xới cho bát cơm nhoáng cái nó chạy vèo ra sau mái lá quay ại đã ăn xong. Khiếp, nó lùa nhanh hơn cả bộ đội! Thì ra nó đâu có ăn. Nó đổ bát cơm đó vào cái nồi con. Rồi nó ra nưã. Chú cho bát nữa. Nó cũng lại ăn nhanh như rứa. Chịu chúng nó. Các chú bộ đội nhe răng cười. Nể, nể.
     Đã hai ngày, vẫn chưa hành quân. Tới đây thì tiểu đội được phát thêm... đạn. Lính tráng sợ hãi hồn khi thấy tiểu đội được thêm một thùng đạn AK. Loại thùng bọc kín bằng tôn hình khối chữ nhật. Chắc nặng cỡ ngót chục kí. Thế là san sẻ ra mỗi ngày một người vác thêm cái thùng đạn đó quay vòng tròn. Trời thâm tím những mưa phùn. Buồn quá, hết ghi nhật kí rồi lại ngủ. Nhà bên sát liền nhà mình có cô giáo viên cấp một trông rõ xinh  cũng ở trọ ở đó. Bọn A8 ở đó cứ díu vào cô giáo tán phét. Tóc dài, áo phin hoa và con mắt thì đặc săc làm sao. Đôi lông mày cạo tỉa để nhỏ cong như cái võng bộ đội mắc chùng. Xinh lắm nhưng chỉ tội cô ấy có chửa nên bọn mình cũng ngại sang đó bắt chuyện. Nghe tiếng bom pháo đã thì thòm mạn trong đoán đã gần chiến trường rồi thế là anh nào cũng tranh thủ viết thư về, kể chi chít những là chúng con gần tới chiến trường. Kể cứ như thật. Kì tình vẫn đang tán gái và mắc võng ngủ ngày trên đất bắc. Tôi ngó vô cái nhà chìm của nhà chủ tôi. Tịnh không thấy một thứ đồ đạc gì ngoài mấy cái nồi gang và một cái hòm đựng thóc lẫn đồ đạc. Tết nhất đến nơi mà không có một dấu hiệu gì có vẻ tết. Tối qua nghe ông chủ nhà kể, ngày tết bộ đội có chi cho cái nớ, các bọ ăn tết với các chú cho đoàn kết chứ no béo chi mô. Tôi hỏi xã không phân phối hàng tết hả bọ? Có chứ. Bọ mua rồi đó. Hai hào dầu hoả, 2 bao diêm, 2 phong lương khô, lạng đường đỏ và có cả một bao thuốc lá chi đó của ngoài bắc đó ... à à Nhị Thanh. Đó tết đó. Chúng tôi ngồi nín thinh. Bao nhiêu năm nay như thế. Chiến tranh đã khiến cái vùng đât xa xôi này chỉ đầy thêm lòng yêu nước còn thì vơi đi mất cái thú ăn mặc đủ đầy. Ăn no thôi đã không được no thì lấy đâu mà đầy đủ mà ngon mà gọi là thưởng thức. Bọ bảo, từ ngày máy bay Mỹ thả bom bọ chưa biết đến cái quần đùi mặc bên trong cái quần dài. Thế nghĩa là sao hả bọ? Bọ nhướng mắt. Rứa mà mi không hiểu? Là tau mặc quần đùi thì không quần dài, mà đã mặc quần dài thì không quần đùi. Chiến tranh toàn diện mà, phải tiết kiệm, phải tất cả cho tiền tuyến, để cho các chú đầy đủ mà đi vô B mà đánh thắng thằng Mỹ chớ. Dạ hiểu, hiểu rồi bọ ơi. Bọ cười. Nụ cười người nông dân Quảng Bình thật hiền và khô.
      Chiều 26 tết. Buồn nẫu ruột. Tôi và Dương phỉ Cao Bằng rủ thằng Tứ người Hải Dương tùng teng đi loanh quanh trong làng. Định bụng ra bờ sông Son cho đỡ nhớ quê. Chúng tôi đi dưới con đường đất nhỏ hai bên rin rín những tre cọc cằn. Một cô gái đi về phía chúng tôi. Ba thằng lính nín thở nhìn nhau. Ô con gái ở đây thân tình thế. Từ xa cô ấy đã cười, chào mấy eng lính mới tò te. Thằng Dương bảo khẽ: tò te cái le te te, te cái khỉ.
      Tay cô gái đỡ cái nón ngửa giông hệt gái quê mình cầm nón đi vay gạo nhà hàng xóm trở về. Sát vào nhau, hai thằng nhòm vào lòng nón còn mình nhòm cô gái. Chắc chỉ độ 19 tuổi thôi, tóc loe hoe đuôi ngựa, chân sắn quần chưa có bắp giọng nói thì chua loe loe. Cô ta cũng nhìn vượt qua hai cái đầu của Dương và Tứ đang nhòm vào cái nón lăng sang tôi. Tôi cười cô ấy cũng cười. hai thằng đồng đội thì không biết chúng tôi cười với nhau. Dương hỏi: đồng bào đi mô về? Cô gái cười chun mũi: đồng bào đi lấy hàng tết cho bọ mạ.
      Trời ơi hàng tết? Thật đúng như Bọ nói với tụi tôi tối qua. Trong lòng cái nón nưng nức mồ hôi và hương bồ kết là 5 cái bát Hải Dương loai 2 méo mó. Mấy bao diêm và nổi bật là bao thuốc lá Nhị Thanh. Tuồng như cô gái không để ý chúng tôi đang băn khoăn về cái sự nghèo nàn của tết nơi này, cô hỏi thao thao: Chừng mô các anh vô? Các anh ở đoàn 3002 nớ phải không? Địa phương biết các anh là lính sinh viên thủ đô đó tề. Chu cha, thương hè, học hành rứa mà vô B, uổng hè.
      Thằng Dương chớp ngay, thương thì cho bao thuốc này đi hè.
      Lập tức cô gái đưa ngay bao thuốc cho Dương. Tôi ngúc ngắc cái đầu mà Dương không biết. Nó lia lịa nói cám ơn cám ơn. Tôi và Tứ sau giây phút đó thì định thần thấy nôn nao buồn như vừa làm một việc gì sai trái lắm. Dương ơi mày quá thể đáng, trả lại bao thuốc tết của gia đình cô ấy đi. Nhìn bóng cô gái thấp thoáng sau bụi tre Dương cầm bao thuốc chạy theo.
    Chúng tôi im lặng đi ra bờ sông Son. Bên kia sông, tôi nhìn rõ một ngôi đình và những hàng cau. Tôi nhìn rõ những người đàn bà ra sông chiều cuối năm giặt chiếu và cọ lá bánh hoặc kị cọ cái nồi đã úp để không từ cuối mùa tết năm ngoái. Chiều cuối năm sông gờn gợn buồn. Tiếng đập chiếu vọng từ bên kia sông, tiếng lao xao của trẻ con nô đùa và tiếng quát tháo con cái từ bên kia sông như mơ hồ nôn nao. Tôi bỗng nhớ chiều quê tôi những ngày áp tết.
      Ngồi đây, đầy những lau và hoa lau phơ phếch. Cỏ may quấn lâm nhâm gấu quần lính. Bờ cỏ ươn ướt.  Kệ, chúng tôi ngồi nơi bờ sông nhìn mê mải về bên kia nơi có cái đình làng âm u trong chiều sẫm. Bờ bên này có mấy đứa trẻ chăn trâu đang lom lom nghịch trò gì đó. Bỗng chúng nó chạy vọt ra mỗi đứa một ngả. Bùm xoẹt xoẹt. Một luồng khói tím phả xuống sông. Luồng khói bùng lên rất nhanh rồi loáng cái nó tan biến cái màu hồng tím, mặt sông gờn gợn lai trở lại bình yên. Hoá ra lũ trẻ con ở đây đốt ồng phóng B40 liều lĩnh bằng một đoạn dây cháy chậm. Tôi bần thần, những đứa bé kia có được biết đến bài thơ nào của Trần đăng Khoa chưa? Có biết tờ báo Thiếu niên Tiền phong có hai anh chàng Bóng Nhựa và Bút Thép bao giờ chưa? Chúng nó biết chơi những trò chơi chết nguời trước khi biết đến một cuốn truyện tranh Kim Đồng. Một vườn hoa hay một cái cánh đồng hoa ghế đá dưới gốc cây và rất nhiều trẻ em chơi đùa gọi là Công Viên. Chiến tranh là thế. Cự Nẫm đón rồi tiễn đưa biết bao người đi chiến đấu, Cự Nẫm đón biết bao người trẻ trai thương tật trở về. Cự Nẫm gặp đủ tầng lớp trai tráng của đất nước này. Cự Nẫm biết rất nhiều thứ giết người của kẻ thù và của chúng ta, Cự Nẫm rất nghèo, Cự nẫm là địa chỉ mơ ước của người lính đi B mong một ngày trở lại.
      Gà gáy sáng hôm sau chúng tôi hành quân. Mưa phùn lạnh. Làng xóm vẫn yên giấc. Cái giấc ngủ người nghèo trằn trọc sang cả những người lính trú quân nơi này. Họ đã quen với những cuộc chia li như thế này từ bao năm nay, mọi sự bình thường đến nỗi con chó con nhà chủ tôi ở cũng không buồn sủa khi cả tiểu đội tôi chộn rộn. Bọ mạ vẫn ngủ dưới nhà hầm, mưa rơi tí tách trên lớp lá cọ che đống rơm khô đầu nhà, mấy tàu lá chuối xơ xác loáng bóng trong bóng tối. Cả trung đội tập trung ở sân nhà bên cạnh. Sân trơn như mỡ. Chúng tôi còng rạp lưng với ba lô căng phồng để bắt đầu từ ngày hôm nay bước vào Trường sơn. Tôi khoác khẩu AK lên nóc ba lô đằng sau. Trượt ngã oạch trên sân đau điếng người. Cả B đi hết cả, một mình loay hoay nằm trên sân cố nâng cái ba lô nặng chịch đứng lên. Trong bóng đêm, nằm sát mặt đất tôi nhìn rất rõ  từ dưới nhà hầm chui lên một bóng người, lại  một bóng người nữa đeo ba lô xuất hiện. Tôi nín thở. Cô giáo cấp một bụng chửa thì thầm, chú đi may mắn mà về nhé. Tiếng của bóng đen đeo ba lô kia cũng thì thầm ươn ướt. Chúc chị mạnh khoẻ... rồi có tiếng chị... hôn ...em nhé để em đi. Hai bóng người cố sát vào nhau thật khó nhọc. Cái bụng chửa vượt mặt cứ đẩy người đeo ba lô ra xa, cái ba lô thì cứ kéo ngửa khuôn mặt người con trai không cho gần lại. Họ hổn hển, thì thầm họ khóc thì phải rồi họ buông nhau ra, đêm đen như màu mực tàu cuối năm dinh dính nước. Tôi đứng dậy được từ lúc nào, ngoài sân kho tập trung có tiếng còi toe toe của các đơn vị tập hợp.
      Hơn bốn mươi năm tôi chưa trở lại Cự Nẫm. Cứ giở mạng ra đọc thấy nhiều tin về cái tên này. Trường PTTH Cự Nẫm có học sinh giỏi toàn quốc, chuyện xây dựng khu di tích lịch sử cấp quốc gia Cự Nẫm... nhiều lắm . Cự Nẫm không xa, không thăm thẳm trong trí nhớ nữa. Cự Nẫm cứ hằn sâu trong tôi là tấm lòng người dân nơi này.
      Hơn bốn mươi năm qua, chỉ tôi biết người lính cùng trung đội được cô giáo cấp một ôm hôn vào lúc gà gáy khi rời Cự Nẫm. Bạn tôi hi sinh ở Đồng Dù, Củ Chi vào ngày 29/4/75.
      Còn cô giáo, tôi chắc là cô đã nghỉ hưu và cô sống hạnh phúc.

6/2012NTL
Zin Ba Cầu

2 nhận xét:

  1. Lại một lần nữa tôi khóng có được may mắn như lính 1040 hay 3002.Bởi cũng vào sông son nhưng chúng tôi đi luôn cả đêm mãi gần sáng thì mắc võng ngủ trong rừng.Trước đó từ Nghĩa Đàn trở vào chúng tôi đã không được tiếp xúc với dân rồi cho đến tận Quảng trị.Hạnh phúc thay cho người lính nào nghe được tiếng o du kích hay o giao liên.Tôi không có hạnh phúc đó nên phải quay ra sớm chăng?

    Trả lờiXóa
  2. Bác Luân phải mở riêng một blog Nguyễn Thành Luân - ĐHCĐ. Có cảm giác bác viết mãi vẫn không hết những kỷ niệm thời chiến tranh, những kỷ niệm Trường ĐHCĐ...Đọc câu "Bạn tôi hy sinh ...29/4/75" không biết bao giờ mới thoát khỏi những ký ức nặng nề về chiến tranh. Một ngày nữa thôi là người lính đó có dịp trở lại "địa chỉ mơ ước"...

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]