Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Hai cây Me vẫn Xanh màu lá

Nguyễn trọng Luân

       Trận đánh vào thị xã Cheo reo 18/19tháng 3 /75 là một trận đánh có tính then chốt đập tan toàn bộ QĐ 2 VNCH trong chiến dịch Tây Nguyên 75. Tôi ở E 64 được tham gia ngày ấy. Viết về kỉ niệm Cheo Reo tôi đã cố không có đạn bom súng ống mà vẫn không tránh khỏi và vẫn buồn. Các đồng đội hiểu và thông cảm cho.

   Tôi chắp tay khấn hai ông Me. Hai ông chứng giám cho cái ngày máu lửa 18,19/3/75 và bây giờ hai ông lại cho linh hồn những kẻ xấu số cư ngụ nơi ông. Tôi cám ơn lắm. Định mạng nó sắp sẵn như vậy rồi, chúng tôi ngày ấy muốn cưỡng cũng không được. Có 2 ông chứng kiến từ đầu đến đuôi,  tôi lậy hai ông, cầu hai ông khoẻ mạnh tươi tốt đề huề để chở che cho bao linh hồn đáng thương... ở cả hai phía, chở che cho những con người như tôi đây ngày ấy từng nổ súng ngay dưới chân ông, khói lửa làm 2 ông ngả nghiêng đau đớn...
                                 + + +

    Vợ chồng tôi trở lại Cheo reo tháng 1/5/2008. Vậy là đã 33 năm một tháng 11 ngày. Đoạn thơì gian ấy đủ để một con người sinh ra và trưởng thành. Chúng tôi những người lính E64 thì đã vào già. Nhưng cái ngày 18,19/3 năm ấy thì tươi nguyên, nhoi nhói trong tâm hồn. Cũng như những CCB về lại chiến trường xưa, tôi trở về đây không phải kiếm tìm vinh quang, gặm nhấm gì nơi quá khứ, chúng tôi trở về vì mắc nợ với quá khứ, mắc nợ với đồng đội và cả những linh hồn của những con người xấu số.

     17/3/1975.  Tiểu đoàn 7 đánh Buôn Hồ đã mấy hôm. Lúc ấy bọn mình vẫn đang đuổi địch ở Chư Pao, Đạt lí. Phía Ban mê Thuột pháo vẫn ầm ịch. Máy bay địch nhùng nhằng trong đốm trắng pháo phòng không. 14 /3/ tiến đánh Chư Pao.  Địch bỏ cả pháo rút chạy. Hôm qua tiểu đoàn mình đánh nốt một đại đội công binh đóng trên đường 14 bắc Buôn Hồ.  Bây giờ thì cả D8 và D7 nằm trong những cánh rừng cà phê phía bắc Buôn Hồ 2 km. Trời nắng. Nắng tháng ba Tây Nguyên như mật. Hoa cà phê trắng muốt, thơm nức nở. Bàn chân sưng tấy lên vì những chặng hành quân rồi tác chiến liên miên từ hôm 5/3 tới giờ. Ngay chỗ chúng tôi náu quân có một đội xe của 559 thì phải. Lâu lắm rồi tôi nhìn thấy cô bộ đội miền bắc. Khăn bông chùm mặt, đội mũ cối, môi tím tái vì sốt rét. Chúng nó vác về một cây ghi ta lấy trên đồn Buôn Hồ. Tôi rúc vào ven rẫy bập bùng lừng phừng mấy bài hát Nga thủa đi học ngày xưa. Đồng đội có anh ngồi băng chân, lau súng mặt rười rượi buồn. Cô bộ đội ở đoàn xe lau mắt.
      Ơi người đồng đội gái. Quê bạn ở đâu? Bạn ở đợn vị nào ? Trai tráng như chúng tôi đây mà trận mạc cũng làm cho bải hoải, thế mà giữa lúc chiến dịch đang hồi gay cấn có bạn ở đây. Sao chẳng bỏ cái khăn bông cỏ úa trùm kín mặt ra. Tôi hiểu rồi, môi bạn tím ngắt vì sốt rét Tây nguyên. Da bạn tái đi vì thiếu ăn thiếu thuốc. Người đàn bà dễ nhạy cảm nhất ở chỗ nhan sắc. Tôi nghe như đâu đây có tiếng mẹ tôi, tiếng em gái tôi tiếng các bạn tôi trên đồng quê miền bắc. Pháo địch vẫn soèn soẹt trên đầu, mà tôi như thấy sự bình yên như ở quê nhà. Tôi bỏ đàn, thấy mình như có lỗi. Ba lô gói chặt rồi chả có việc gì phải làm. Giở cái ví lấy được hôm 12/3 của một người lính VNCH, có mấy tấm ảnh phụ nữ ra xem. Hình một người con gái mặc đồ tắm trên bãi biển. Mặt sau đề “Tình yêu bất diệt’’ Nha trang hạ 1971. Bao giờ mình mới có tấm hình như thế này nhỉ. Rồi chợt nhớ: không được hữu khuynh.
       Bốn giờ chiều. Lệnh phát ra. Tất cả hành quân. Ồn ào, vội vã tràn ra đường 14. Nắng vẫn vàng sau lưng, mồ hôi ướt nhoáng cả trên nòng cối 82, trên DKZ. Nhìn bọn hoả lực mà thương, chúng nó thập thiễng khiêng đế cối, rạp lưng vác bầu nòng 12,7 li ... Xe ô tô ào đến chỉ có D7 được lên xe chạy ngược về hướng bắc. D8 lại hành quân bộ. Cứ thẳng đường 14 mà đi, mà chạy. Sao không cho bộ đội đi vào rừng nhỉ, địch cho máy bay oánh thì sao? Cán bộ D bảo kệ máy bay, đã có thằng E593, E234 lo rồi. Lại có xe chở tiếp số quân D7 đi còn chúng tôi vẫn đi bộ vội vã.
      Hơn 5 giờ chiều 17/3 đoàn xe bụi ngầu đỏ, lá nguỵ trang tơi tả quay lại đón D8. Thì ra là xe chạy cuốn chiếu. Ôi chao, chen chúc lên xe, ngủ luôn. Chắc được chừng non tiếng đồng hồ giật mình vì pháo bắn. Đạn rơi trên sườn núi đá khói ngèn nghẹt. Tiếng nổ vang vọng bên này sang bên kia oang oang. Kệ, cứ cố mà ngủ. Đã hơn mười ngày tác chiến. Đi liên tục, không có một đêm ngủ, không có một nơi trú quân lấy nửa ngày. Chân sưng lên, mắt hõm xuống. Lúc nào cũng trong trạng thái ngẹn cổ. Nắng tháng ba và bụi đỏ nhuốm trên tóc. Buị đất đỏ chui vào họng vào mũi lính cứ dính khin khít, mắt đứa nào cũng hai cục rỉ to như con nhặng, đến khiếp. Chập tối xe đổ quân ngay chân ngọn núi đá cao ngất. Nghe đại bác nổ vang dội đập vào vách núi biết phía bên kia núi là Cheo reo. Pháo địch bắn qua núi chặn đường tiến của quân ta khét lẹt. Cả trung đoàn không theo con đường chính nữa mà trèo vượt ngọn núi này lao tắt ra chặn ngay phía nam thị xã.
      D9 đã đi trước. D7 giờ này đang trên đỉnh núi, chỉ có chúng tôi bây giờ mới bắt đầu trèo, lúc ấy là 8 giờ tối ngày 17/3.
      Ba mươi bẩy năm, đã hai lần từng trở lại Cheo reo, đứng nhìn ngọn núi sẫm xanh chắn ngang con đường từ Cheo reo đi Ban mê thuột. Trong tôi cứ bồi hồi về một đêm cắt đường leo núi. Súng đạn, ba lô thít chặt vào ngực. Có những lúc tưởng như không thể bò lên được, có những lúc muốn khóc quá mà không thể nào khóc được. Nhìn những tân binh ra trận lần đầu mà thương. Họ hưng hức rên rỉ mà không ra được nước mắt. Trong đêm có đứa gọi mẹ ơi, bố ơi...


      Mười hai giờ đêm chúng tôi mới lên đến đỉnh núi. Nhìn xuống thung lũng Cheo reo lửa đỏ rực, đạn vạch thành những đường đan chéo nhau đỏ vùn vụt. Cả thị xã bùng nhùng chuyển động những khối lửa. Trên cao nghe chỉ thấy tiếng súng lớn, nghe nói 48 họ đánh phía bắc thị xã rồi, ở đoạn Phước Thiện. Mệt quá, mà không được nghỉ. Tối như hũ nút, lúc thì chui trong rừng cây rậm rạp, lúc thì tụt xuống vách đá hun hút. Leo lên còn dễ hơn lúc tụt xuống, đến lượt bàn tay bám đá toe toét máu. Liên tục cán bộ giục nhanh lên, chậm là địch chạy mất thì ra bã. Chẳng ai nói một lời, tôi cũng đang đi nhanh đấy, hành quân bằng chân, bằng tay, bằng cả đầu đấy thôi. Lính bộ binh mỗi người phải vác thêm một quả cối cho hoả lực. Cậu Chức người Thanh Ba Phú thọ lần đầu vào trận ôm quả cối 82 trước bụng mếu máo. Tay trái em trèo cây bị gẫy từ hồi bé không ôm được quả đạn nó cứ tụt xuống anh ạ. Mình bảo nó đưa khẩu súng AK mình vác hộ. Lúc ấy  nó mới khóc được. Khóc một lúc hình như nó khoẻ ra nó lại đòi lại khẩu súng của mình. Trời sáng thì chúng tôi xuống chân núi. Cánh rừng từ đây ra đường 7 còn 8 km nữa. Rừng thưa, bằng phẳng hơn nhưng đầy đá và suối cạn. Cỏ mùa khô vàng hoe cao đến gối, rặt những loại cây có gai ô rô và khoọc. Tiếng súng nghe càng rộn rã, bộ đội chạy cuống quít, cán bộ giục rối rít suốt hàng quân.
       Suốt một đêm leo núi bây giờ lại chạy người cứ lủng lẳng muốn lăn quay ra đất. Thỉnh thoảng đại bác lại xoe xoé qua đầu. Có tiếng pháo làm cho lính khoẻ ra, chạy được. Còn cách đường 7 chỉ 1 cây số thì D8 đụng địch. Từ trong rừng, nhô ra cả lính và xe tăng bị đánh ngoài đường chạy dạt vào. Hạ ba lô là đánh ngay. Bọn 12,7 giá súng nhanh thế, nó nổ trước cả bọn mình. B40, B41 nổ loạt đầu chả có xe nào cháy. Xe tăng địch quay ngoắt hướng khác bỏ chạy. Cây lá đổ rào rào. Lệnh Tiểu đoàn truy kích ngắn. Mình và tiểu đội vừa chạy vừa bắn như trong phim. Cánh rừng cỏ đẹp thế đã mươi cái xác lính. Giá vào lúc khác bọn mình khốn đốn vì xe tăng rồi nhưng vì D9 bắn cháy nhiều xe ngoài đường quá nên nó hoảng loạn, chạy thục mạng vào rừng. Khổ nỗi cánh quân này chạy vào đúng sở chỉ huy trung đoàn 64. D8 được lệnh bố trí đánh địch trong rừng bảo vệ E bộ và khối trực thuộc. Tổ chức trận địa. Chả kịp đào hầm nữa. Kiếm cái mà đổ vào bụng đã. Nắm cơm từ chiều qua khô như quả bưởi Đoan hùng ngày tết chưa kịp gọt. Nước thì hết. Nấp sau tảng đá, bụi cây lính ta làm bữa sáng. Ngoài đường đánh chắc dữ lắm. Tiếng B40, tiếng lựu đạn, phóng lựu oà lên lúc rộ dạt lúc ắng xuống và tiếng gầm rú của xe tăng. Phía nào cũng khói, cũng la hét. Máy bay gầm rú thả bom phía bờ sông Bờ.
       Cho tới chiều, đã  mấy đợt đánh bằng súng bộ bịnh những cánh quân tràn vào cánh rừng E bộ và các C trực thuộc. Lính bộ binh D8 vẫn chưa được lệnh ra đường. Tranh thủ lúc truy kích ngắn chúng tôi kiếm tìm ba lô của địch. Tôi vớ được mấy bao thuốc basto, tựa lưng vào gốc cây hút mê mải. Lại moi được mấy tấm ảnh trai gái miền nam, trong đì đùng bom pháo xem mà thấy nhẹ cả lòng.
        Tôi mò xuống con suối cạn khô đầy đá và bướm trắng. Không thể tưởng tượng nơi này đông người thế. Hàng trăm, hàng ngàn người dân di tản thất thần, nước mắt ngắn dài ôm nhau chúi vào từng hốc đá. C24 tất bật đun nước tiêm cấp cứu cho dân. Băng bó cho những người bị thương. Có một cái lều căng mấy tấm ni lông bộ đội trong đấy oe oe tiếng trẻ khóc. Gặp Sỹ C24 nó bảo bọn y tá đang đỡ đẻ cho dân. Tôi vội vã chạy về phía C mình. Đằng sau tôi tiếng khóc tiếng rên la não ruột.
      Cái lòng suối cạn ấy chẳng qua là một đường phân thuỷ. Đầy đá cuội to như quả bưởi. Hòn đá nào cũng có thể làm đá nén vại cà được, đều nhau, nhẵn hứn. Chẳng có một giọt nước, chẳng có một ngọn cỏ, được cái sâu và dài đầy cát vàng rất sạch. Cái rãnh khổng lồ ấy chứa hàng ngàn con người tránh bom tránh đạn. Cái rãnh người ấy chứa  hàng ngàn mảnh đời bất hạnh cho mãi về sau này. Tôi chỉ một thoáng chứng kiến rồi phải quay trở về vị trí chiến đấu của mình.
       Cái ngày 18/3 ấy dưới tiếng gầm rít của bom pháo tôi mò mẫm đi tìm cái ăn. Tôi khom người liều lĩnh chui vào một bụi le khô vàng gục đầu xuống một lõm suối. Mấy tên lính bỏ chạy. Ba lô nằm lại lẫn những mảnh bông băng. Tôi dựa lưng vào bờ đất dưới bụi le giở ba lô của địch bỏ lại. Tiền VNCH, thuốc lá, thuốc tây... và một xấp thư. Tôi cuộn hết xấp thư và mấy bao thuốc lá rồi lom khom bò ra chạy về phía C mình đang chốt chặn. Nấp sau một gốc khoọc giở thư lính VNCH ra đọc. Đến bây giờ tôi vẫn hình dung ra nét chữ của người vợ lính ấy, như nét chữ những người con gái miền bắc yêu thương nhớ nhung người chồng ngoài chiến trận.
      “...Qui nhơn ngày ...1975
       Anh rất yêu thương. Mấy rày nghe đụng độ trên cao nguyên mà em lo mất ăn mất ngủ luôn.  Anh có thường không? Có phải hành quân không ?...
...Cầu trời phật ông bà trên cao anh mau chóng mà về với ba má và em. Cầu cho đất nước mình hết giặc giã anh ơi...”
       Trong cái ngày đang đánh nhau ấy thế mà tôi đọc thư đối phương rồi nước mắt ứa ra như lá thư của mình vậy. Tôi gấpvội tất cả thư nhét vào túi quần lau nước mắt lặng im. Tôi đã vi phạm kỉ luật. Mãi về sau tôi cho rằng mình may mắn không dính đạn. Nếu tôi hi sinh họ sẽ moi trong túi quần tôi có những lá thư ấy... Họ sẽ nghĩ Đảng viên không thể n
hư tôi. Rồi trong những ngày tiếp theo tôi còn nhiều lần đọc nhiều lá thư của lính VNCH nữa, cả những trang sách học trò nhặt được trên đường.
       Chừng 5 giờ chiều, D8 hành quân gấp ra thay trận địa cho D7. Chúng tôi chỉ mất 15 phút là ra đường. Khúc đường 4 km đầy xe cháy, đang cháy, đạn ở xe tăng cháy vẫn nổ, D7 vừa bàn giao trận địa chúng tôi đã phải nổ súng những toán đich liều chết vượt qua cầu cây Sung. C7 bố trí ngay đầu cầu. Cây cầu dã gục thành chữ V xuống dòng sông cạn. Ở cái đít chữ V ấy là ba xe GMC chúi vào nhau. Tôi gặp thằng Tạ Cư bạn tôi người Phú thọ ở ngay đầu cầu. Nó bảo chúng mày vào thay à, tao mệt lắm, tao sợ lắm rồi mày ạ. Chết nhiều quá. Tôi hỏi quân xê mày à? Không! Lính nguỵ và dân. Rồi nó đi luôn. Nó đi như chạy trốn một điều khủng khiếp.
       Đại đội trưởng bố trí đội hình. Các B trưởng bò quan sát khu vực đoạn đường chừng vài trăm mét của đại đội. Tiểu đội tôi bố trí cách cầu 100m. Vị trí của chúng tôi sau hai cây me chua. Hai cây me nằm cách đường mươi mét gốc bằng đầu gối. Dưới gốc cây là ba xác lính và một người dân. Tối nhoang nhoáng tôi kéo một cái đệm từ một cái xe đò vỡ toang đắp lên mấy cái xác xấu số. Chúng tôi đào hầm  sau hai cây me. Nhưng chịu, tôi không thể đào được vì không có cuốc chim. Đất toàn sỏi thôi. Mà quái lạ chả thấy cái hầm nào của C3 để lại. (Sau này hỏi, chúng nó bảo: đã kịp đào đâu mà có hầm, mơ sáng ra đến đường là nổ súng liên miên tới lúc chúng mày vào đấy) Nhìn ra ngoài đường trong cái tối nhập nhoạng tôi thấy cái cuốc Mỹ cài sau một cái xe Zép. Tôi nhào ra lấy cái cuốc. Bây giờ mới để ý người chồng mang quân phục sĩ quan chết gục trên vô lăng. Người vợ chết ngửa người ghế bên. Chắc chị ta khi chết cố vươn người lên nên người vắt cong lên tấm dựa lưng phơi mảng bung xám ngắt. Tôi bỏ ngay ý định lấy cái cuốc, chạy về sau hai cây me ôm ba cục đá to chắn lên phiá trước.
      Cả đêm ấy tôi không ngủ mắt cứ nhìn ra hai vợ chồng người lính chết trên xe. Hai cái xác ướt thũng sương lạnh cao nguyên. Trong đêm, vài lần nổ súng với những toán lính liều lĩnh vượt cầu. Chúng tôi không dám ngủ. Trăng suông, từ trên cành me sương rỏ giọt lành lạnh. Tôi lạnh gai người vì mấy cái xác người phía ngoài gốc cây chỉ cách mình hai sải tay. Ngửa mặt lên cây không muốn nhìn những gì trên mặt đất. Trong vòm trời lờ mờ những quả me cong cong như quả đậu ván rung rinh. Cái hình ảnh chùm me treo trong đêm ám ảnh tôi tới bây giờ. Trận địa đêm ắng xuống. Ngoài phía bờ sông có những đống lửa chả biết của dân đốt nương hay của người di tản leo lét cháy. Chả ai muốn mò ra xem ta hay địch nữa.
       Chúng tôi thức bải hoải. Cây me cũng thức. Nó chứng kiến những sinh mạng kia lúc lìa đời, nó chứng kiến những chiếc xe tăng M41, M48 hoá thành cỗ quan tài lửa sáng nay, nó cũng tả tơi cành lá vì mảnh pháo. Nhưng nó vẫn sống. Đêm nay nó cũng nghẹn ngào ngậm những giọt sương đêm và nhọc nhằn che sương cho những người lính phía bên kia và che cả cho tôi đỡ lạnh ...

      Sáng  19/3, chúng tôi gấp gáp chuẩn bị hành quân đuổi địch trên đường 7. Mọi thứ diễn ra trong đêm qua và ngày hôm nay tôi gần như không muốn nhớ. Hai cây Me tới trưa hôm ấy lại thêm vài nhân khẩu nữa. Chúng nó đưa mấy cái xác trên một xe zép xuống gốc me để lấy cái xe đó cho trung đoàn. Trời nắng lên, những thân người khốn nạn đen đúa dần. Tôi xách súng đi rồi còn ngoái nhìn nơi gốc me, tấm đệm lù lù che mấy cái xác người và ba hòn đá quây vòng chỗ tôi nằm.

       Tôi trở lại cầu Cây Sung. Bây giờ cây cầu trở thành một cái tên quen thuộc trong cụm chiến tích đường 7 Cheo reo. Tôi lại xuống con sông cạn ngày xưa nhìn những doi cát vàng lẫn nhữg bụi cây mà nước lũ mang về từ trên rừng bỏ chềnh ềnh giữa lòng sông đói nước mùa khô. Vẫn những nương ngô lẫn vạt vườn đu đủ hệt như ngày xưa. Nơi sáng 19/3 chúng tôi bế hai đứa trẻ con bị thương trong vạt nương kia về dưới gốc me và nhờ đơn vị địa phương mang chúng vào phẫu bộ đội. Số phận hai đứa trẻ ấy bây giờ thế nào ai mà biết được. Tôi đi từ cầu lên phía trận địa tôi ngày xưa. Đầu nóng ran ran, chân ríu lại khi tôi đến gần hai cây me. Nó vẫn đây, vẫn sống, gốc sần sì và lá vẫn xanh. Chùm quả khô cong như cái quẩy còi. Nắng mùa khô mà bỗng thấy như ớn lạnh, hệt một đêm tháng ba có những giọt sương rất lạnh mà buồn.

 

      Thưa hai ông Me. Lần nữa tôi cám ơn hai ông nhiều năm qua vẫn hiền từ che chở những linh hồn xấu số trong tán lá mượt mà nơi ông. Ông chứng kiến những trôi nổi của kiếp người và dòng đời suốt mấy chục năm qua con đường số 7 này. Ông nhìn thấy người đời lạnh lùng qua đây trôi về phía duyên hải mưu sinh hay những dòng người đi tìm nơi định cư mới từ phía bắc, từ phía biển lên miền núi cao. Con sông Ba cứ hết khô rồi lũ. Những nén nhang dâng lần khói thơm len lỏi lá cành. Bao năm nay vẫn thế. Chiến tranh lùi xa nhưng hương khói lại về dù chẳng biết người đời thương xót được bao nhiêu. Chúng tôi tin là hai ông Me biết rõ. Có một chương trình dài về kí ức đường 7 mà họ gọi là  “Như chưa hề có cuộc chia li” trên TI VI đó hai ông. Họ cũng đi lại con đường này, tìm kiếm những đứa trẻ thất lạc bởi chiến tranh ngày ấy. Đâu biết ông Me lặng lẽ chứng kiến bao mảnh đời đáng thương ấy hai ông nhỉ.
       Chúng tôi những người lính già đến trước hai ông Me chúng tôi lại thấy mình thơ dại lắm
.



Hà nội giữa tháng 2/2012
 
      NTL

4 nhận xét:

  1. Hôm qua đọc xong mà nghĩ mãi không biết viết ra cảm xúc của mình.hôm nay đánh liều viết ra hai chữ "rờn rợn"

    Trả lờiXóa
  2. Nỗi buồn day dứt của người thắng trận. Đâu phải ai cũng hả hê ,sung sướng khi mình là người chiến thắng ?
    Cảm ơn tình cảm sâu sắc , chân thật của bác Luân đen !

    Trả lờiXóa
  3. găp lại bác Luân ở đường 7

    Trả lờiXóa
  4. Ngày nay đọc lại thấy thương xót rất nhiều những ngừơi lính ở cả hai bên chiến tuyến,những người dân vô tội .Ôi dân tộc ta bao nhiêu năm chìm trong khói lửa

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]