Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

NÓ LÀ BẠN TÔI-LÍNH CƠ ĐIỆN

Đây là bài của tr Luân đăng trên QSVN tôi mang về


                                                NÓ là bạn tôi



     Vài năm nay, tôi và nó không hay tụ tập mỗi chiều nữa. Cùng trong thành phố nhoáng nhoàng gọi nhau, nhoáng đến với nó rồi lững thững ra về. Ngày lễ quân đội, ngày thành lập đơn vị cười rổn rảng ôm lấy nhau, nắm tay nhau giật giật nó như là con người khác, nó trẻ phơ phớ nó hỏi thăm những thằng bạn trong rừng từ cái hồi ở Gia lai. Đã có lần tôi thấy nó vừa khóc vừa giở ví lấy vài trăm đưa biếu vợ một người liệt sĩ còi cọc ở quê lên dự gặp mặt trung đoàn.


Một lần hai đứa ngồi bia Hiếu béo. Trong nhốn nháo khua khoắng chân tay của quần chúng xung quanh nó bảo: mày nhớ tối hôm lấy được cái ghi ta ở Buôn Hồ không? đêm ấy rút về chui trong rừng cà phê tao và mày tranh nhau cây đàn rồi giận nhau… Ừ nhỉ gần bốn mươi năm rồi hai ông già ngồi bên nhau mày mày tao tao khiến mấy Hot gilr vê mắt ngược lên nhìn. Nắng nhoa nhóa ngòai đường Xã Đàn xe cộ hun hút tụt xuống hầm Kim Liên như cố quên bụi bậm của đời.

Đánh giặc bốn năm rồi về. Khỏi phải nói cái phơi phới tuổi trẻ lúc ấy. Hai mươi lăm tuổi vào học năm thứ tư. Hai mươi sáu ra trường. Nó yêu cô sinh viên Cao đẳng thương nghiệp người Trùng Khánh xinh như mộng. Cái tên cô ta cũng xinh. Hoàng Vi Son. Nó tên Tiêu yêu cô Son. Bao nhiêu cuộc trà lá ở trường trước khi bảo vệ đồ án về cái sự thằng Tiêu yêu cái Son. Nào là Tiêu là tiêu mất Son, nào là tiếng sáo trên núi nghe réo rắt mà gần cũng như xa (Chúng nó bảo Tiêu là sáo còn son tức là sơn là núi). Nó ngồi nghe mà mắt cứ long lanh. Tôi biết nó đang tự hào về Son và yêu cái Son lắm. Cưới nhau rồi cái Son bán hàng thương nghiệp còn nó làm kĩ sư, những năm 80 thế là quá ổn. Tôi từ Hà nội lên, thời ấy đói kém mỗi khi về cái Son mua biếu ông bà già yến mì sợi. Xách cái bao mì lên tàu nhìn vợ chồng nó vịn vai nhau đứng dưới ga ngực cứ nghèn nghẹn chợt nhớ cái đêm ở Buôn Hồ tôi giằng cây đàn ghi ta đẩy nó ngã vào gốc cà phê. Nhoáng cái đã mười mấy năm.

Chúa đã cho con miếng bánh mà chúa lại còn đòi lại một tí. Trên cao chúa đứng vời vợi phán câu công bằng. Thượng đế cũng thế. Thượng đế bố thí và san sẻ yêu ghét cho nhân gian nhưng nhiều khi Thượng đế cũng lầm lẫn đến nỗi yêu kẻ này ghét người kia. Hai đứa con trai mới học đến cấp ba thì Son đổ bệnh. Bệnh gì đó tôi không hiểu chỉ thấy Son đang xinh đẹp mặn mà bỗng rúm ró gầy quắt đi và khuôn mặt thiếu phụ biến thành mặt bà già 70 tuổi. Nó đang làm chánh văn phòng ủy ban, chiều về nước mắt rơi từ ngõ, lao vào buồng vợ khóc tu tu. Bà già Son ngơ ngác, rồi héo hắt cười. Nó cất tất cả các tấm gương soi. Cái nào không tháo ra được thì lấy báo cũ dán kín mặt gương. Bữa ăn bố khóc, con khóc còn mẹ thì ngác ngơ. Son bây giờ như người ở thế giới khác chả nhớ mình là ai. Cười vô tư như đứa trẻ mang hình hài phù thủy. Hàng đêm nó ngồi bên vợ nhìn vợ co quắp trên giường, mặt vợ mình giống như tranh vẽ bà già cưỡi trên cán chổi. Một năm, hai năm rồi ba năm mỗi tuần nó ở cơ quan 5 ngày còn ở viện Bạch Mai với vợ 2 ngày. Nó hát những bài hát ngày xưa nó nấu canh rau sắng ngoài gốc xà cừ mang vào cho vợ nó. Cái Son cười rúm ró bảo ngon quá nhỉ. Chúng tôi đến thăm, mấy thằng tóc hoa râm quay đi chỗ khác chùi nước mắt. Mua chùm nho cho vợ nó thì nó cười bảo hạt dẻ đấy hả? Trùng Khánh mùa này chưa có hạt dẻ… có con tàu thống nhất về ga toe toe còi. Tôi rưng rưng nhớ cái ngày tôi mang túi mì sợi của vợ nó lên tàu trên ga Lương Sơn. Ngày ấy như vừa đâu đây, hôm qua thôi.

Bốn năm, năm năm, rồi sáu năm. Con nó lớn. Cả hai đứa vừa chăm mẹ vừa thi vào Đại học. Nó lên đến phó Giám đốc sở CN. Vợ nó vẫn không trẻ lại chút nào.

Cuộc đời như cứ trôi không vướng bận về chút tình cảm của bất kì ai. Thành phố vẫn mọc thêm nhiều chung cư, cao ốc vẫn kẹt xe, vẫn hối hả bụi bặm và ngày càng bổ sung thêm khẩu phần bia trên mỗi đầu người. Nó vẫn cần mẫn làm công chức cái Sở quan trọng ở một tỉnh còi cọc. Sau một ngày làm cán bộ nó vội về nhà ngồi bên vợ nó kể thôi thì đủ chuyện cho Son nghe. Từ chuyện đấu đá cạnh tranh nôi bộ Sở nó rồi chuyện nó không đủ thóc cho cuộc đấu thầu chức Giám đốc sở. Son cười nghềnh nghệch, bấu bấu mười ngón tay như mười cái chân gà mò vào tay nó. Nhìn vợ, nó khóc. Rồi nó bảo em ơi, anh và con sẽ bán nhà này đi mua nhà Hà nội để cho con nó vươn lên để một ngày nào em khỏi bệnh em sẽ được anh đưa đi bờ hồ… Chả biết Son có hiểu không mà cũng ràn rụa nước mắt. Hai thằng con trai nấu cơm dưới bếp cũng khóc.

Một lần tiểu đội trinh sát của tôi tụ tập trên Thái. Tối ấy nhậu rồi kéo cả mấy thằng cùng E ngày xưa đi vào hồ Núi Cốc hát karaoke. Mấy đứa tiếp viên trụi thùi lụi lông cánh mà anh anh em em. Thằng Tiêu có cô gái Tày nói chưa sõi tiếng kinh phục vụ rất nhiệt tình. Ngồi hát Trường sơn đông - Trường sơn tây mà vẫn nghe thấy con bé nó nói: ầy dà anh là hiền quá hà. Tự dưng thằng Tiêu chạy ra ngoài, mình vội ra theo thấy nó châm lửa hút thuốc dưới ven hồ. Biết tôi đến gần, nó bảo "thôi tao về đây Luân ơi, con bé này giống cái Son ngày xưa quá" ừ ừ nhỉ, bây giờ tôi mới nhận ra cô gái này nói giọng Trùng Khánh. Hồ núi Cốc mùa hè mà vẫn có sương rơi và đèn trên thuyền câu nhấp nháy. Trên nhà hàng nhạc xập xình còn ở ven hồ ve vẫn kêu đêm ri ri trên tán xà cừ.

Về hưu rồi, hai con trai lấy vợ rồi có con. Nó ở với một thằng và hai cháu nội. Son vẫn nằm đấy ngô nghê cười, nụ cười của bà lão tám mươi. Tôi đến chơi thấy nó vẫn kể chuyện ngày xưa ở trên Bắc thái với vợ… Nó gọi Son ơi anh Luân đến này! Rồi nó nói tiếp Son biết đấy! Có hôm Son còn bảo tao anh Luân và anh Thịnh hồi này có vẻ khỏe hơn mày ạ.

Tôi và nó ngồi nhìn lên tấm ảnh tiểu đội chụp ở Tây nguyên. Hồi ấy chúng tôi đẹp trai thế.

HN 9/5/2013 NTL

3 nhận xét:

  1. [FLASH]http://www.nhaccuatui.com/m/bCzRv4fkAjHl[/FLASH]
    link bài hát Ta về tìm lại trường xưa ( Nguyễn TRọng Luân )

    Trả lờiXóa
  2. Đấy là Nguyễn Mạnh Tiêu K4 về K8.Năm Tiêu đưa vợ về Hà nội chữa bệnh chúng tôi có đến thăm mấy lần,rồi cưới cậu con trai chúng tôi cũng kéo nhau lên Thái dự.Năm 2009 khi đang làm khu lưu niệm của E88 ở Tân Cương chúng tôi lại có dịp vào nhà thăm vợ chồng anh và các cháu .Đúng là căn bệnh quái lạ đã làm bà Son thay đội ghê gớm,may mà giờ cũng đỡ nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Mình nghe được bài hát này ở Lính Tây nguyên. Họ rất khen. Giai điệu đẹp, trữ tình, da diết, sâu lắng. Nếu bạn có tâm trạng sẽ thấy ngấm buồn. Ai đó có mối tình đầu nơi đây hãy cẩn thận vì con tim sẽ lại nhói đau…

    Đây là phần lời bài hát do Tralientay chép lại cũng ở đó:
    Trở lại mái trường xưa

    Nguyễn Trọng Luân

    Trở về tìm nhau mái tóc đã điểm sương
    Tiếng còi tàu se sắt vào gió bấc
    Em ở đâu? ở đâu?

    Trở về tìm nhau đã mấy chục năm
    Hoa sim tím nghiêng vào nỗi nhớ
    Về đây thôi! Về đây thôi! Tìm lại chính mình

    Hoa cứ tím khói lò cao thì trắng
    Thầy ở đâu? Em giờ ở đâu?
    Trang sách cũ bông hoa rừng quên ngủ
    Về đây đi em! Về đây đi em!...

    Về thôi tìm lại một thời
    Thời bụng đói lẫn vào trong mơ ước
    Đồ án long lanh, mắt học trò trong quá
    Chìm vào trong mơ…chiều thứ bảy đung đưa…
    Vọng về năm xưa…tiếng còi tầu

    Trở về đi em! Trở về đi em!
    Đi về Việt Bắc… có mái trường xưa… Trường Cơ Điện của tôi./.

    Mình không hình dung được anh Tiêu như thế nào vì hồi đó K4 về đông lắm. Không ngờ anh chị lại có kết buồn như vậy. Nếu chị Son cảm nhận được sẽ thấy mình vô cùng hạnh phúc vì đã có được người chồng yêu thương vợ hiếm có. Anh Tiêu cũng là một mẫu người đàn ông chung tình.
    Hy vọng cùng với y học và sự kiên trì, chăm sóc của chồng chị Son sẽ sớm trở lại người bình thường để hạnh phúc của gia đình họ được trọn vẹn.

    Các anh lính trường mình tài năng, sống đẹp…thật đáng nể

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]