Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Chúng tôi cùng tiểu đội

  của Nguyễn trọng Luân

Cho đến tận bây giờ hai chúng tôi vẫn ở bên nhau như một duyên nợ. Đã 40 năm kể từ lúc cả hai vẫn còn trai trẻ, đều hăm hở với cuộc đời với nhiều khát vọng và rất nhiều bâng khuâng với khoảng trống ở phía trước. Chúng tôi cùng vào đại học một năm, cái thuở sinh viên đi bộ hàng ngày đường cõng gạo kiếm củi và học bài bên bờ suối, nhớ nhà cùng ngồi khóc bên bờ suối. Quê chúng tôi ở xa nhau. Sỹ ở tận Sơn La còn tôi ở cuối Phú Thọ, ấy mà hai đứa gần như anh em ruột. Đời người chả nói trước được điều gì nhưng ước vọng thì chẳng ai cấm. Cứ ước mơ đi, cứ hy vọng đi, có hy vọng dám ước mơ cũng đã là hạnh phúc rồi. Hồi xưa chúng tôi bảo nhau như thế. Rồi hai đứa ước mơ, Sỹ bảo: Tao sẽ về làm bác sỹ ở nông trường Mộc Châu, tôi bảo: Tao sẽ về làm kỹ sư nhà máy chè Phú Thọ. Hai đứa bâng khuâng nhìn dòng suối La Hiên êm ru đầy những cánh hoa rừng trôi. Ấy là những ngày cuối thu 1970.

Bạn sẽ hỏi: hai đứa tôi không cùng trường, cùng nghề, sao thân nhau từ lúc mới vào trường? Sỹ học Y khoa Thái Nguyên còn tôi học Cơ điện Thái Nguyên nhưng tôi có bạn cùng học với Sỹ. Ngày xưa, thứ 7 đi bộ vài chục cây số lên thăm nhau là chuyện thường, lên thăm bạn tận núi rừng Võ Nhai tôi được bạn gửi sang ngủ nhờ Sỹ, thế là thân nhau. Nói vậy thôi, chứ không dễ. Hồi ấy hắn cũng gườm gườm nhìn tôi ngụ ý rằng: đã lên tán gái lớp bọn này lại còn tá túc, lắm chuyện. Nhưng thân nhau rồi thì chẳng có ai cắt nghĩa được là vì sao. Sau này lớn tuổi, hai thằng cùng kết luận là do cả hai đứa mình là đàn ông thế thôi. Đoạn đời trong veo là những năm sinh viên sơ tán. Rừng cũng đẹp, suối cũng đẹp, con suối La Hiên có những khúc quanh chằng chịt dây rừng che kín như một cái kén tằm khổng lồ. Nghe bọn nam trường Y tả về những sáng chủ nhật tắm tiên của nữ sinh trường Y mà cứ như được lên tiên vậy. Những ngày gặp nhau, Sỹ kể cho tôi nghe về sinh hóa, về giải phẫu, tôi chẳng hiểu gì cả. Nhưng nghe nó nói về lời thề Hypograts thì hiểu. Và rồi hai đứa có nhiều dịp để nói về lời thề đó. Tôi chỉ có một cái quần xanh chéo và cái áo phin trắng chuyên dùng mặc khi đi đến trường khác, Sỹ bảo: Mày diện thế, nó cũng có một bộ như thế nhưng chẳng dám mặc phung phí như vậy, nó bảo chỉ Tết về mới diện thôi. Nó cũng mặc quần nâu gụ như tôi. Sao hồi ấy bọn tôi không mặc cảm với bạn gái nhỉ? Thản nhiên yêu đời, yêu bạn bè cũng thật thản nhiên.
Chiến tranh lại đưa chúng tôi gần nhau hơn. Mùa hè năm 1972 tôi nhập ngũ. Vào cái ngày cởi bỏ bộ áo sinh viên nhận bộ áo lính, hai thằng òa lên khi nhìn thấy nhau, ở cái xóm cây thị Phú Lương hôm ấy hai thằng nằm ngửa mặt nhìn trời cùng nhớ ngày hôm qua là một cuộc đời xa thẳm cái ngày hôm nay của hai đứa. Bạn bè tôi, bạn bè Sỹ đứng lặng ven rừng nhìn chúng tôi lên xe đi về phía trước, hai thằng nhìn qua lớp bụi đỏ rưng rưng nhớ trường nuối tiếc thời trong trẻo đang lùi lại phía sau. Những tháng ngày hành quân Trường Sơn là cái vạch ngang trí não của bất kỳ những người lính đánh Mỹ. Khổ cực đến tận cùng, vui cũng tận cùng mà lãng mạn cũng tận cùng. Sỹ bảo tôi, ở đây không có cái gì nửa vời mày ạ, nửa vời là chết, là mình bị mất mình. Hai đứa chuồn đi bắn sóc trong rừng khiến binh trạm báo động náo loạn cả lên. Có một đêm, nó ngồi ngoài tảng đá bờ sông Xê Bang Hiêng lần giở ba lô kiểm đếm kỷ vật miền Bắc mang theo vào chiến trường, rồi chẳng hiểu nó nghĩ gì mà trên đường leo dốc sáng hôm sau nó bảo: Tao viết bài thơ về trị thủy Sông Đà, để con đường đi lên Hòa Bình sẽ thơ mộng hơn. Khủng khiếp quá, hóa ra nó có ý tưởng lớn quá.
            Vợ tôi thường tâm sự với vợ Sỹ, hai ông ấy pê-dê thì phải. Ở thủ đô cách nhau vài dẫy phố mà hai tuần không gặp nhau là đã thấy lâu lắm, đi làm về mệt mỏi ấy thế mà có điện thoại là đi liền. Thật ra tôi với Sỹ đâu thích nhậu nhẹt, bao nhiêu bức xúc lo lắng con cái, hai thằng dốc cho nhau nghe. Rồi chuyện gia đình, chuyện ở quê, mồ mả ông cha.  Chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện về cơ quan, nói về vai diễn cuộc đời mình.
            Ở Tây Nguyên nó làm y tá đại đội hỏa lực, rồi y tá đại đội quân y. Mỗi năm tôi sốt rét nặng là gặp nhau ở viện. Trong bom pháo đì đùng hai đứa lại chúi đầu thì thầm mơ ước. Một chiều mùa mưa trong căn hầm tối om tôi và nó lại tổ chức kiểm nghiệm quân trang. Chiếc khăn mùi xoa có hai con chim, tập giấy Pơluya buộc bằng sợi chỉ mầu, những tấm ảnh bé như con tem mờ mờ. Những thứ của cải được bọc cẩn thận, hai đứa nâng niu nhẹ nhàng và mường tượng ngày trở về học tiếp đại học. Sỹ bảo: tao và mày đi sau chúng nó, sau trước có nghĩa lý gì đâu, miễn là đi tới đích. Trong cơn sốt rừng hầm hập nghe nó nói mà như thấy cắt cơn, tôi cho rằng nó động viên mình đó thôi. Rồi nó bảo lời thề Hypograts ở chiến trường luôn bộc lộ tự nhiên mày ạ. Chiến tranh là phép thử thông thường của cuộc đời, không cần thề bồi chi hết, con người thế nào nó phơi ra như thế, hai đứa nói với nhau như hai ông cụ non. Có chuyện hai thằng ít khi nhắc lại là cái đoạn đời cùng tá túc nhà vợ. Trở về sau 30 tháng 4 hai thằng lại vào đại học, ra trường cùng lấy vợ, hai cô vợ đều là người Hà Nội, hai thằng đều không có nhà. Tôi đi học tiếp trường nữa, nó cầy đầu học lên cao học. Dù ở nhà vợ, vẫn học hành ỉ eo đèn sách bao nhiêu phiền toái vợ lo hết. Nó bảo tôi, vốn liếng quái gì đâu ngoài cái sự chịu khố mà bố mẹ đẻ cho mình từ bé, chiến tranh dậy cho mình cái lý thuyết hoặc là mình chết hoặc là mình sống. Hai thằng cười như méo mồm hút chung nhau điếu thuốc giữa Thủ Đô những năm 80 vất vả.
            Trận đánh cuối cùng của chúng tôi là trận Cầu Bông trên đường tiến vào Sài Gòn. Sáng 29/4/75 một quả cối nổ ngay phẫu trung đoàn, anh Bàn y tá người Quảng Ninh chắn đằng trước gục ngay. Sỹ đỡ anh ấy dậy, anh Bàn chết trên tay Sỹ. Trở về Sỹ lấy trong ba lô của anh cái áo Moontơghi cộc tay giữ làm kỷ niệm. Lúc còn ở Củ Chi hai đứa hay dở ra xem và nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Năm 78 khi tôi thi tốt nghiệp đại học, tôi bán hết cả dép đúc Tiền Phong cả tăng võng vẫn không đủ tiển trả nợ và thi cử. Sỹ đau lòng đưa tôi cái áo của anh Bàn, sau nhiều dằn vặt để tôi bán đi lấy tiền thi tốt nghiệp. Bao năm nay, tôi cứ nhớ cái khuôn mặt dại đi của nó khi tôi bán cái áo đó. Rồi tôi trở thành kỹ sư, quản đốc, rồi lên giám đốc. Cái áo của anh Bàn thi thoảng hiện lên, hiện lên rồi mờ đi sau bộn bề cuả đời, bộn bề cơm áo.
Nhưng chúng tôi không thể chịu đựng hợn được nữa. Một ngày cuối năm 2005  tôi và vợ tôi trở về Củ Chi. Sau vài ngày tìm kiếm, may mắn cho tôi, tôi tìm được mộ anh Bàn. Sỹ đang đi công tác ở Nhật Bản. Tôi gọi điện, Sỹ nghẹn ngào mếu máo: Mày ơi chúng mình có lỗi nhiều quá… Hai tháng sau tôi và Sỹ vào thành phố Hồ Chí Minh và một đêm mắc võng trên Củ Chi, nằm nghe sông Sài Gòn thì thầm với lục bình trôi, cùng trò chuyện với anh Bàn và bao đồng đội của mình. Hai đứa cả ngày không nói với nhau lời nào. Chúng tôi đang trở lại với chính mình, với đoạn đời máu lửa và nhờ nó cả hai chúng tôi trưởng thành. Sỹ bảo rằng như thế mình sống lại đúng là mình. Có một lần, khi đã là giám đốc viện 74, phóng viên hỏi, Sỹ trả lời chỉ có 4 năm đời lính chiến thôi nhưng tôi học được cả cách làm người cho một đời. Thật là lãi lớn, tôi bảo nó.
            Bố mẹ tôi làm nông dân, còn bố mẹ Sỹ làm nông trường tít trên Mộc Châu. tôi bảo: nhà mày chỉ như nhà tôi tao thôi. Nông trường là nông dân ở tập thể chứ gì, nó cãi nông dân như nhà tao tiên tiến hơn, tôi cũng thấy có vẻ thế thật, nhưng hai đứa thân nhau nên sự hơn kém ấy không ảnh hưởng gì. Ba lô của nó có gì tôi biết hết. Từ cái album nhấp nháy, cái sợi dây len mầu của ai, nhật ký ghi về cô gái nào thậm chí nó còn bao nhiêu thuốc lá sợi tôi cũng biết. Sau giải phóng Miền Nam trở về, cái bật lửa tổng thống VNCH là vật có vẻ là đáng giá nhất. Mà đáng giá thật vì đó là trận đánh cuối cùng của chúng tôi ở Sài Gòn, chỉ đơn vị tôi mới có. Một dạo, tôi ở nhờ nhà vợ trên Bưởi. Sỹ sinh đứa con trai đầu nhưng cũng không có nhà, hai vợ chồng ôm con lên ở nhờ nhà bà ngoại của vợ trong làng Trích Sài. Hai đứa lại gần nhau, tối tối tôi đi tắt làng theo những cái tàu seo giấy vào chơi. Tối om, muỗi tháng ba từ ngoài vườn hồng xiêm réo vi vu. Bên ngọn đèn dầu, nó đang học tiếng Pháp. Cuốn từ điển Pháp Việt trên bàn là của thằng Tốt cùng đại đội cho Sỹ hồi tháng 5/75. Hai đứa chuyện với nhau chẳng có chuyện ngày xưa nữa, toàn nói về con nhỏ, về vất vả của vợ. Hút lóp má điếu thuốc cuốn Đình Bảng nghĩ về những ngày chiến trường nhiều mơ ước. Mới có vài năm mà xa lăng lắc.
            Mồng 05/04/1975 cả dải đất Miền Trung đang như một cơn lũ quyét. Sư đoàn 320 đuổi địch chạy nhào ra biển Đông Tác Phú Yên, chưa kịp giặt khô bộ quần áo bùn đất và khói súng đã lộn về đường số 7 lên xe tiến vào Sài Gòn. Tôi và Sỹ gặp nhau trên đường nó đi lấy gạo, ôm nhau giữa rừng. Vậy là còn sống. Cứ biết đến hôm nay đã. Nó dành dụm từ hôm đánh Cheo Reo tới giờ 8 bao thuốc lá cho tôi. Kịp dúi vào tay nhau những bao thuốc, hộp sữa con chim rồi hối hả chia tay. Chả biết lần sau gặp lại nữa không, hai thằng ngoái đầu nhìn nhau trong ngột ngạt nắng và gầm rú của máy bay trên đầu.
            Ở gần nhau thật nhưng cái thời ấy làm gì có điện thoại viễn thông như bây giờ. Chỉ biết nó khổ mà tôi cũng khổ, toàn dân khổ. Tôi ra trường rồi đi làm nghề bán sắt, nó làm bác sỹ quân y. Cắm đầu vào học, vào làm. Rồi một hôm vợ Sỹ tìm đến tôi nói là mai Sỹ bảo vệ luận văn Phó tiến sỹ ở trong học viện quân y. Sáng hôm sau, tôi đi rất sớm, vào gặp nhau trước khi đi công tác Nam Định. Sỹ đang cùng các nhân viên hành chính bưng bê, xếp đặt bàn ghế cho hội trường. Dúi vào tay nó bao thuốc Dulhill đỏ và hai mươi nghìn rồi đi, hẹn nhau thi cho tốt. Hai đứa cùng ngân ngấn nước mắt, hóa ra bây giờ còn yếu đuối hơn lúc đánh giặc trong rừng. Ngày bảo vệ tiến sỹ của nó chẳng có hoa, có thê tử bầu đoàn chớp ảnh gì cả. Lẳng lặng vào đời khoa học chẳng hứa hẹn tung hô như bây giờ. Tiến sỹ rồi vẫn thế. Đi và về với thứ bệnh tật của người nghèo. Có năm, một hội thảo tận thành phố Sài Gòn, tiền vé máy bay mua cũng oải, tự mua mà đi. Cái nhà bé như chuồng chim đầy ắp lo lắng. Sách vở gắn trên tường, chuồng heo treo ngoài tường cứ nương tựa vào nhau mà đi lên, kỳ quái thật.
            Thời gian hai đứa tôi hay gặp nhau nhiều ấy là lúc Sỹ lên làm viện trưởng K74. Cái bệnh viện nằm ở đây dễ vài chục năm rồi, cũ kỹ, hiền lành và rất khiêm tốn. Miền trung du cằn cỗi bình yên, bình yên đến mức tự ti, hiền lành đến mức bé lại trước bộn bề thời mở cửa. Chúng tôi nói chuyện nhiều về việc cơ quan mới của Sỹ. Nó nói về viện 74 như nói về quê hương của nó. Nó bảo, ở đây họ đánh thức tao về gia đình về quê hương nhiều lắm mày ạ. Rồi nó bảo, những chiều trung du tuyệt đẹp. Những bông hoa súng tím cánh chuồn chuồn trên những đầm nước quanh bệnh viện làm con người tử tế và yêu cuộc sống hơn. Cốc bia hơi trên đường Láng bỗng như dìu dịu làm khô đi giọt mồ hôi cuối chiều hè Hà Nội. Rồi vài năm sau, viện 74 ngày càng khá hơn, là địa chỉ tin cậy cho những người mắc bệnh lao ở vùng phía bắc. Chẳng thể bảo ấy tất cả là công của Sỹ, nhưng những ngày vất vả đơn điệu tự ti lùi lại phía sau khi có một ông giám đốc nghiêm túc và yêu thương con người trên đó thì ai cũng tin. Ai cũng từng nhớ, giám đốc Sỹ từng không quên ngày sinh nhật của chị lao công cho tới các bác sỹ trong toàn bệnh viện. Bây giờ, hai đứa tôi sắp lên ông rồi. Nó cứ đi họp và đi công tác liên miên. Bực mình hỏi mày đi họp suốt ngày không chán à? Họp là việc đời, còn làm việc với các bộ phận chuyên môn, với các bác sỹ trẻ là việc đạo. Mày vào viện tao mà nhìn khuôn viên giữa lòng bệnh viện. Một bệnh viện lao to nhất nước mà sạch sẽ, trong lành thật khó hình dung. Vài năm nay, cái cung cách tác phong làm việc của thầy thuốc nơi này thật đổi khác. Tôi mừng cho Sỹ và cũng thương cho nó. Thị thành nó khắc nghiệt hơn nhiều, yêu thương chưa phải là tốt cho tất cả. Nhưng tất cả con người thì ở đâu cũng cần được yêu thương.
            Hẹn hò bao nhiêu năm mà phải cho tới dịp 30/4/2008 vợ chồng Sỹ và vợ chồng tôi mới thực hiện được chuyến đi về chiến trường xưa. Xe chạy theo kiểu ngày đi đêm ngủ, qua Quảng Trị, qua nghĩa trang đường 9, nghĩa trang Trường Sơn. Vào Kon Tum, qua Play Cần, Đăk-tô, nghĩa trang thị xã rồi về Gia Lai, vào Đức Cơ xuống Phú Bổn Cheo Reo. Tám ngày trời hai cặp vợ chồng già thơ thẩn toàn nghĩa trang là nghĩa trang. Bao nhiêu hương nhang, bao nhiêu là hỏi thăm rồi bao nhiêu là nước mắt mừng tủi, mỗi khi đọc được một cái tên đồng đội. Trời cao nguyên xanh và nhiều mây như ngày còn trẻ, tôi và Sỹ sống những ngày đẹp nhất của đời mình ở đây. Nắng cao nguyên tháng tư, hai thằng lính già đi dọc những hàng bia mộ trắng nhức mắt Tây Nguyên thơm hương hoa café và bạt ngàn xanh cao su, hồ tiêu. Chúng tôi khấn với đồng đội, rằng nhờ có các anh nằm lại mà chúng tôi mới được trở về, chúng t«i nên người và đùm bọc cho các con em chúng tôi cũng nên người. Những người làm giám đốc như chúng tôi đây, cũng chỉ là kẻ vay nợ các anh đó thôi. Thời gian càng lùi xa thì các nghĩa trang liệt sỹ lại càng ngào ngạt hương thơm trong cõi tâm linh con người. Năm nay, ngày 27 tháng 2 một nhóm những người lính già vào Viện Lao trung ương thăm Sỹ, lẵng hoa ghi dòng chữ: Bạn chiến đấu sư đoàn 320A chúc mừng. Người mang hoa là một ông già 80 tuổi, Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ông già ôm lấy Sỹ mà mừng về người lính trẻ dũng cảm ở chiến trường Tây Nguyên  năm nào nay đã thành Phó giáo sư Tiến sỹ. Chúng tôi ngồi bên nhau, tất cả đã đầu bạc. Thời gian sàng lọc kỷ niệm để cho con người còn lại những ký ức mà ký ức nào cũng tốt đẹp khi đồng đội t×m đến với nhau. Sỹ cũng như tôi, lúc này bâng khuâng nhớ về căn nhà nhỏ ở quê, ở đó kể từ ngày mẹ theo bố lên nông trường Mộc Châu, để rồi bốn chục năm sau, đưa mẹ về yªn nghỉ trên cánh đồng nhà, ngai ngái cái mùi men gốm Chu Đậu. Tôi hình dung ra, cái bóng của Sỹ bước thấp bước cao trên bờ ruộng lúa trong chiều ra thăm mẹ. Lúa mùa xanh ngăn ngắt trong khoảng xanh bình yên thăm thẳm.
                                          
                                              +    +   +
Gần đến ngày 30/4, tôi gọi điện thoại cho Dương phỉ, máy tò tí te, ngắt máy gọi lại thì te tí tò. Chẳng biết nó ở đâu mà “họp” tiểu đội .
Dương họ Hoàng. Họ Hoàng ở Trùng khánh Cao Bằng cũng có số có má hẳn hoi. Học trên tôi một lớp ở đại học, đến năm thứ hai thì nhuận, nên lại học cùng. Phải nói là hắn xấu trai. Nhưng lạ, con gái rất thích. Chịu không hiểu nổi cái chủ nghĩa ấn tượng của đàn bà. Anh em nhà Dương có tới 5 người cùng học đại học một thời với nhau. Sức nuôi của các cụ nhà thật khủng khiếp. Nó bảo chỉ mình bà già lo thôi, ông già thản nhiên ngồi ngắm lũ con mỗi khi về nghỉ hè nghỉ tết mà cười khoe với hàng xóm. Lúc tôi và nó nhập ngũ thì ông anh cả của Dương cũng vào bộ đội được một năm rồi. Hôm hai đứa xin đơn vị lên đại học Sư phạm Việt Bắc, chị Phương bảo, Luân ơi vào chiến trường đánh nhau thì nhớ đi kèm với Dương kẻo bộ đội ta bắn nhầm nó. Hai thằng cười nhe răng, gớm đến nỗi nào đâu. Chị Phương bảo trông nó giống giặc phỉ hơn là giống chiến sĩ giải phóng.
Suốt ngày đi tập tành, đêm sinh hoạt trung đội nó hát mộc niên hoa ơi… rồi : được 5 ngày phép mất 3 hôm làm quen. B trưởng tức lắm đưa ra kiểm điểm về tội hát nhạc vàng. Nó bảo thế nào là vàng, chịu chả anh nào giải thích được. Hồi ấy chợ Hanh nơi chúng tôi đóng quân có một dẫy hàng xén. Mỗi ngày chỉ có 30 phút là ra quán được thôi, vậy mà ai cũng biết Dương. Ai cũng thương nó và tất nhiên nó mua chịu được rất nhiều chủ hàng. Tôi hỏi mày không trả tiền à? Trả sau, ai lại quỵt của nhân dân. Khó tin nhưng tôi im. Bốn tháng huấn luyện ai cũng có bạn ở lớp đến thăm. Chả thấy cô nào thăm Dương. Nhưng cô nào đến đơn vị thăm bạn cũng nói chuyện với Dương nhiều hơn với bạn mình. Hay thật!
Một chiều, đang cấm trại, B trưởng hốt hoảng như cháy nhà, tuýt còi tập hợp. Lệnh ban ra, đồng chí Dương đảo ngũ, mỗi tiểu đội cử một người đi tìm, chặn các bến xe, ga tàu . Hành quân đến nơi rồi, thành tích… còn gì là thành tích. Cả trung đội im thin thít.
        Tôi biết, mọi người cũng biết. Nhưng chả nói làm gì. Chúng tôi dẫn cán bộ lên thành phố Thái nguyên. Nhà chú nó ở đấy, nó đến xin tiền ấy mà. B trưởng được chúng tôi đưa vào hàng nước chè kề bên. Tôi lẻn ra sau nhà gọi Dương, rồi nó chuồn về đơn vị trước. Đoàn chiến sĩ đi tóm cổ người đảo ngũ sau một hồi quanh quẩn bến xe và ga Thái nguyên buồn bã ra về, vừa đi vừa an ủi B trưởng. Về đến đơn vị mới 8 giờ tối. Thấy D đang sinh hoạt tiểu đội, không nói năng gì anh B trưởng lôi nó lên ban chỉ huy. Và thế là một cuộc tập trung đại đội diễn ra ngay sau đó 15 phút. Khuôn mặt hầm hầm của đại đôi trưởng trông mà khiếp. Thôi thì đủ mọi nhời nhẽ, nhời nào cũng xấu, cũng nguy hiểm cho cách mạng với một kẻ đảo ngũ. Lặng im, lặng im mãi không có ai phát biểu. Dương thủng thẳng, tôi không đảo ngũ, đão ngũ phải bỏ hẳn đơn vị, tôi đi chơi rồi về, vậy phải nói là tôi đi chơi quá giờ. Nếu đồng chí đại đội trưởng thấy tôi không đủ tư cách đi chiến đấu thì bắt tôi ở lại, giống như cho tôi đúp lớp này, tôi xin chịu ở lại hậu phương. Cả đại đội cười ồ. Nhùng nhằng tới 10 giờ đêm, giải tán. Dương bị ghi vào lí lịch là đi chơi quá giờ. Không biết cái trích ngang ấy khi vào Trường Sơn giao quân có còn không?
         Đêm trước ngày đi B, nửa đêm nó lội tắt cánh đồng ra thị trấn. Nó đi trả nợ. Nợ nần quán sá nào nó trả sạch. Gần sáng nó thì thầm vào tai tôi, sợ vào trong đấy mà hi sinh thì thành ma ăn quịt, ngại lắm.
        Chúng tôi hành quân đi chiến trường vào mùa khô. Dọc đường hành quân thôi thì đủ chuyện, nhưng hay nhất là chuyện gái. Từ Việt Bắc, đi tàu hỏa xuống Đông Anh rồi đi bộ vào Hà Nội. Lúc lên tàu ở ga Hàng Cỏ mới nhìn thấy cô con gái chủ nhà nơi đóng quân nức nở ở cửa ga. Thì ra cô ấy đưa tiễn âm thầm Dương tới tận đây. Cả tiểu đội sau phút kinh ngạc thì lặng im, sau phút lặng im thì cùng rơi nước mắt. Giỏi, giỏi thật. Suốt Trường Sơn, nó ít nói. Sợ nó dao động tư tưởng, chính trị viên đại đội hay đi kèm bên cạnh. Một hôm nó vằn mắt, ông đi sang mà kèm cái thằng Chu Thành ấy ám mãi tôi, khó chịu. Lạ. Chu Thành là giáo viên cao đẳng cơ điện, rất nhiệt tình và vui vẻ việc gì phải kèm cặp. Ấy thế mà khi vào đến binh trạm 36 hắn ta đã đảo ngũ. Hỏi Dương, nó bảo loại người hèn nhát nhìn là biết không cần phải bom đạn thử. Hay thế!
      Tôi làm ủy viên ban chấp hành chi đoàn. Cứ 5 ngày hành quân thì chi đoàn lại họp một lần rà xét tư tưởng đoàn viên. Dương luôn là tâm điểm phê bình của chi đoàn. Nào là nói tục. Nào là chửi mấy tay cán bộ đùn đẩy cho chiến sĩ mang vác nặng hơn. Nào là đêm hay hát í ửn làm tiểu đội không ngủ được. Năm lần bẩy lượt đưa vào diện cảm tình đảng mà không ổn. Tôi thân với nó nên được chi đoàn giao nhiệm vụ giúp đỡ. Nó nheo nheo, hay đấy mày giúp đỡ thì tao để yên thằng khác thì tao chửi cho. Đêm trên rừng Trường Sơn mùa khô đẹp lắm. Khi ve ngừng kêu thì cũng là giờ đi ngủ. Đang râm ran rạo rực bỗng ắng xuống và lập tức trời bổng vút lên cao. Nó bảo mày không nghe thấy đêm ở rừng mềm mại thế nào sao? Nghe mà thấy mềm à? Mày dốt, không gian thì phải nghe mới thấy độ dài rộng cứng mềm của nó. Mày không thể làm nhà văn được. Nằm im. Nó thì thầm, mày sợ chết không? Mồm mày dở hả Dương. Nó thò cổ ra khỏi võng, không dám nói thật phải không? Tao biết ngay. Mà mày đâu đến nỗi nào… ? Rồi nó thở dài, cuộc sống người lính chiến là một đời sống bất bình thường nên những gì tỏ ra bất bình thường của lính chiến chính là sự bình thường nhất. Tôi chịu .
         Thế mà một anh lính nhiều khuyết điểm nhất ở ngoài Bắc, không ở diện đoàn viên tiên tiến khi đi B, hay cự lại cán bộ khi họp hành. Vào chiến trường, Dương là người lập chiến công sớm nhất so với bọn tôi. Dương trở thành đảng viên trước tôi một năm. chỉ một năm sau nó là B trưởng bộ binh nổi tiếng. Cả trung đoàn đều biết tên. Nào là gan góc, sáng tạo và sống chết vì đồng đội và đặc biệt là có tài đi bản đồ. Năm 74 nó về làm tiểu đội trưởng trinh sát tiểu đoàn 9 với 2 bằng dũng sĩ và hai lần bị thương. Trong thời gian trung đoàn tôi đánh ở phía tây Plâycu khắp các ngọn núi, con suối chỗ nào Dương cũng in dấu chân. Nó trở thành tấm gương cho lính trinh sát toàn trung đoàn. Có điều lạ, nó tâm phục khẩu phục thằng Minh trinh sát tiểu đoàn 8. Dạo ấy hai tiểu đoàn thường đi đánh cùng nhau, trinh sát coi như gắn vào nhau một thời gian dài. Đêm đêm nằm bờ nằm bụi Minh và Dương tỉ tê chuyện nhà chuyện cửa, rồi hẹn nhau sau này còn sống trở về thì Dương lấy em gái Minh. Chả là Minh bảo tao có 3 đứa em gái vào loại: được. Từ đó Dương gọi Minh là anh và sau này cũng vẫn thế. Chuyện chỉ có thế mà ba bốn chục năm nay Dương vẫn tôn ti trên dưới với Minh và gia đình dĩ nhiên ba cô em to vật vã của minh đều đã lên bà, và chả cô nào lấy Dương.
      Đầu năm 73, mặt trận Tây Nguyên đói. Tiểu đoàn chúng tôi vượt sông Sa Thầy làm nhiệm vụ mót sắn. Người đi đào sắn đói mờ mắt, gùi trên lưng 25 kí sắn mà bò ra rừng mãi không về đến kiềng. Nhìn nhau chỉ thấy hai lỗ mắt và bộ răng khấp khiểng. Dương và Sỹ đều thuộc loại thiện xạ đêm nào cũng đi bắn thú rừng. Mà khổ, đêm nào cũng về không, chân tay run lẩy bẩy. Đại đội xuất hiện sốt ác tính. Ấy là cậu Khoái, người thành phố Thái nguyên. Khổ thân nó, nó đói quá mắt đờ đẫn. Đêm ấy Dương và Sỹ lại đi. Chỉ cầu mong được chút gì cho bạn mình. Vừa đi hai đứa vừa khấn ông trời, ông thương chúng con ít thôi cũng được nhưng thương thằng Khoái với, nó sắp chết mà đói quá .Trong rừng đêm Dương khóc, Sỹ cũng khóc. Thế mà trời thương thật, hôm ấy hai thằng bắn được con mang. Chúng nó khỏe như chưa hề đói, chạy thục mạng về làm thịt mang. Nhưng trời thương có đến thế. Khoái chết trước khi thịt chín. Đặt nó nằm trên tấm tăng ni lông. Cả tiểu đội bó gối hu hu. Thằng Dương và thằng Sỹ thì không khóc được nữa. Hôm sau Khoái đi rồi, hai thằng lên cơn sốt rét. Mấy chục năm nay chả biết hài cốt thằng Khoái đã tìm được mà đưa về nước chưa. Những lần gặp Dương nó cứ lẩm bẩm về chuyện thằng Khoái chết vẫn không được ăn. Tháng sau chúng tôi bổ sung về sư đoàn chiến đấu. Lại vượt sông Pô Kô để lại sau lưng những nấm mồ lính sinh viên chết vì bệnh tật và đói ở nơi rừng sâu heo hút bên kia biên giới.
        Cuối năm 1974 sư đoàn tôi bí mật hành quân về Đắc Lắc để tham gia chiến dịch. Trăng mờ và sương lạnh. Đội hình chiến dịch nườm nượp. Người và xe lầm lũi. Tôi gặp Dương. Nó không đeo ba lô, vác 2 khẩu AK . Tôi hỏi sao vác 2 súng. Tao bi thương chưa khỏi hẳn nên ba lô anh em mang hộ, nhìn ra thì thấy nó đi thập thềnh. Chia tay nhau ngay lúc đó và mãi gần một tháng sau gặp nó trên đường 7. Chân nó đã ngon rồi . Nắng chiều chói chang, bom đạn nổ vung vít. Ngầm sông Ba ào ào người và đạn bom. Trinh sát hai tiểu đoàn gặp nhau bờ sông. Phải vượt sông bám địch ngay, nó đưa cho tôi gói cà fê còn tôi thì cho hắn ba bao thuốc Ru bi. Dưới chân 2 thằng có một bao cát nằng nặng, nó lấy mũi giầy móc lên, những lá vàng kim thành óng ả rơi ra. Hắn cười, lấy chân gạt cát vùi xuống rồi lội ào xuống sông. Tôi cũng nhẩy theo bơi qua sông. Sau này nó bảo, tao chắc mày cũng không tiếc cái thứ của thiên ấy. Trở về học lại đại học với nhau nhưng chưa bao giờ nó tiếc nuối điều gì về những ngày đã từng chiến đấu khi xưa. Mọi chuyện bị đạn với nó nó kể chuyện như đùa. Một lần Dương bị bọn thám báo phục kích. Tụi thám báo lẳng cho một quả U S rồi bỏ chạy. Dương cũng chạy, máu chảy ướt từ vai xuống tay, mặc kệ cứ chạy đã. Chừng xa địch rồi mấy thằng xúm lại băng bó. Đêm tối lại cũng hoảng nữa nên bị đạn vào vai mà băng vào tay, thế mà cũng ung dung về phẫu trung đoàn. Bữa ấy thằng Sỹ đang làm y tá được một trận cười no bụng. Dương và Sỹ lại có cớ ở gần nhau được mấy tuần. Thành tích lớn nhất của hai đứa nó là vào bản Ngo lê tán cô Mít. Dạo ấy ở vùng này có cô Mít đẹp lắm.  Sỹ thì nhận tên là Dương và ngược lại Dương nhận tên là Sỹ. Khổ nỗi, cô Mít thích Dương thì lại hổn hển thì thầm ‘ Mình yều bồ đồi…  bồ đồi sỳ … bồ đồi sỳ … sỳ… sỳ…  “. Vụ này tới ba lăm năm sau hai thằng vẫn cãi nhau.
      Kết thúc chiến tranh, chúng tôi về đóng ở Củ Chi. Cấp trên muốn đưa Dương  làm cán bộ đại đội, nhưng nó dứt khoát xin về. Hồi đó bọn tôi không dám làm như nó. Sợ kỉ luật, tư tưởng dã đám. Nó thẳng thừng nói với chính ủy, rằng khi có chiến tranh chúng tôi ra trận không chút so đo, nhưng bây giờ cho chúng tôi về học tiếp đại học mới có lợi hơn cho đảng, đừng có giữ chúng tôi. Chà, chúng tôi khoái. Nó xin nhận 4 con bò của tiểu đoàn đi chăn ngoài rừng cao su. Đi qua, thấy nó hát ngêu ngao bài đàn bò của tôi với một lũ trẻ con.
       Ngày tốt nghiệp đại học mỗi đứa một nơi. Dương về quê mình. Chỉ năm năm sau biết nó làm giám đốc một xí nghiệp ở địa phương. Và cũng chỉ sau vài năm lại thấy nó không làm giám đốc nữa. Nghe chuyện mà cười toát mồ hôi. Một lần có đoàn cán bộ lên thăm sở công nghiệp tỉnh. Sở dẫn đoàn xuống Xí nghiệp Dương. Những năm của thập kỉ 80 đầy khó khăn ấy nhà máy nào kiếm công việc gì làm ra sản phẩm và có lương cho công nhân là may rồi. Xi nghiệp Dương làm vại sành chum sành. Thế là cuộc viếng thăm ấy Dương không chơi loại phong bì làm quà mà nó cho gói ghém mỗi quan trên một cái chum to tướng. Đoàn quan chức từ Hà nội lên đành ì ạch bê món quà ấy về tới tận …văn phòng của tỉnh. Nó xin thôi giám đốc để đi làm vận tải liên tỉnh. Mấy năm rong ruổi xa nhà, tiền thì kiếm được nhưng tình thì ra đi. Cô vợ chán cảnh chồng bỏ giám đốc đi chở hàng thuê nên cũng bỏ đi nốt, để lại hai thằng con trai đẹp như tượng, may mà nó giống mẹ. Trắng tay, chợt nhớ ra là tiền của chức tước không bằng vợ con thế là quay về nuôi hai đứa con trai ăn học. Nó làm đủ mọi việc bươn trải mọi nơi để hai cu cậu học hành đến nơi đến chốn. Thi thoảng về Hà Nội gặp nhau, trong mọi câu chuyện thì hùng hồn nhưng nói đến con thì bỗng dưng chùng lại. Với nó, hai đứa con là tất cả. Chỉ có con mới làm nó vui làm nó trẻ lại .
        Mới tháng trước gặp tôi và Sỹ nó bảo tao xin việc cho thằng lớn rồi, thằng nhỏ cũng sắp ra trường. Hồi này thấy tức ngực lại ho nữa, có khi bị lao mày ạ. Nhưng có bạn Sỹ làm bác sỹ viện lao thì tao bị lao cũng tốt để cho thằng Sỹ nó chữa.
        Sỹ cười, Dương ơi tao chỉ sợ bệnh láo thôi chứ còn lao thì mày yên tâm! Chữa được!

                                                                                                                    Hà nội Tháng 7/2009

3 nhận xét:

  1. Đúng là văn sỹ thật Ông Luân ạ,viết được như vậy quả là khõ lắm,vậy nên tại sao mội người ít viết được là đúng thôi.Tuy vây lẽ ra các Bạn phải có nhiều bình luận để bày tỏ ý kiến và hơn hết là động viên những thàng viết chứ.

    Trả lờiXóa
  2. Viết không ơphải là nghề bọn mình phải khôg Thọ . Nhưng vết hay trứoc hết ở cái tình , mà tình thì phải thật . Cũng như Thọ thôi , viết về quảng tri mà bọn mình cứ thấy nôn nao khi đọc. Còn ý kiến của người đọc thì lại là một vấn đề khác Thọ ơi . Mình chỉ mong khi đọc bọn mình bạn bè đồng cảm thôi . Sáng nay có một bạn ở Thái nguyên gọi cho mình ở số 0985290886. nói chuyện tới 30 phút về đơn vị cũ mà mình vẫn chưa nhận ra , Thế mà những chuyện cũ 40 năm ở đơn vị bạn ấy nói vanh vách mà đúng hết . Thế mới biết đồng cảm với nhau nó quí đến thế nào .
    Thọ ạ

    Trả lờiXóa
  3. Ai bảo Dân Cơ Khí là "Khô" nếu đọc Luân.Bọn Lính chúng ta, kể cả là Dân Cơ Điện- Luân là điển hình-Đều có thể viết như một Nhà Thơ, Nhà Văn thậm chí lại còn sáng tác nhạc như một Nhạc..Xí ấy nữa chứ!.miễn là có một tâm hồn luôn biết rung động.
    Cuộc đời đã và đang nhanh chóng qua đi với mỗi chúng ta; bao kỉ niệm, bao lo toan đầy ắp trong mỗi cuộc đời ấy thế nhưng có mấy ai viết(mà như vẽ) lại được như Luân.
    Cám ơn Luân đọc Bạn chúng tôi như thấy mình trong đó. và quan trọng làm chúng tôi luôn nhớ về những thằng bạn từng "vào Sinh ra Tử" cùng mình.

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]