Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Có một huân chương chiến công như thế!

      Tôi và Tế ở cùng một trung đội công binh mở đường. Cuối năm 1973, cấp trên điều hai thằng về một đơn vị cầu phà ở sông Tranh (thuộc Trà Mi - tỉnh Quảng Nam). Gọi là đơn vị cầu phà cho oai, thực ra nó chỉ là một trung đội thiếu do trung đội trưởng có tên là NHIỄM (lính 66) chỉ huy - cơ sở vật chất chỉ là một con phà có sức chứa hai chiếc GÁT 63 hoặc một chiếc JIN 57 cho một lần chở.
      Lúc bấy giờ ngầm sông Tranh chưa làm được. Việc vận chuyển súng đạn, lương thực, quân trang...vào phía trong Quảng Ngãi, Tây Nguyên...đều phải qua đây, qua con phà này...mà con phà bằng gỗ của đơn vị lại nát. Tôi nhớ lại, mỗi sáng sớm chúng tôi lại phải dùng gầu là những chiếc xoong quân dụng 12 đã bẹp dúm dó tát nước, cứ mỗi ngày nước rỉ vào ngập đến đầu gối, lại phải còng lưng tát nước cho phà nổi hẳn lên.
      Việc đưa phà qua sông cũng rất thủ công: ở hai bên bờ sông Tranh mỗi bên có một trục quay bằng gỗ trông giống như một chiếc bánh xe bò cỡ lớn, có các nan gỗ to và mỗi đầu của con phà lại có dây xích nối vào. Để giữ thăng bằng cho phà đặc biệt khi nước sông chảy mạnh, người ta chăng một chiếc sợi dây thừng to ngang sông, phía trên con phà khoảng 40mét, thế rồi cứ mỗi lần những chiếc xe chở đạn nguỵ trang lao xuống phà là những tay lính công binh như tôi, như Tế lại xúm vào còng lưng quay bánh xe tời cho phà qua sông...
      Để thắng được lực đẩy của nước vào con phà, để kéo được trọng lực của phà và của xe qua sông - với sức người quả thật là gian nan và rất mất thời gian. Trong khi chiến trường dưới kia, bộ đội đang chống lấn chiếm - đạn và gạo đang cần nhiều, rất nhiều...
      Sau nhiều đêm suy nghĩ, Tế đã bàn với mọi người và cấp trên đồng ý cải tiến con phà bằng việc gắn trên phà một trục quay, có chiếc quay tay (giống như cái maniven của cánh lái xe) - cái trục quay này được nối với sợi dây bắc qua sông phía trên phà bằng một ròng rọc động. Và thế là khi con phà ở sát bờ lúc nước còn lặng. chúng tôi dùng chiếc tay quay, qua hệ thống trục quay-dây tời-ròng rọc dễ dàng đưa phà ngược dòng, sát lên sợi dây ngang sông rồi thả tay lợi dụng sức nước rất nhanh chóng đẩy phà sang bờ bên kia an toàn...
      Mỗi chuyến như vậy, chúng tôi giảm được 15phút so với trước
      Mười lăm phút quý giá ấy cộng với những sáng kiến khác của Tế (sinh viên cơ điện k6) - năm ấy nó được bầu là chiến sĩ thi đua cấp trung đoàn và được tặng thưởng một huân chương chiến công.
      Đã gần 40 năm trôi qua - duyên nợ, Tế vẫn làm việc trong nghành giao thông vận tải - có lẽ nó chẳng nói với ai về cái huân chương chiến công ấy bao giờ...chuyện nhỏ mà.
                                                                                                                                                                                                           LÍNH SƯ PHẠM 1040- BẠN TẾ. 
 

Lời chú giải của quá khứ

Các bạn thân mến!

       Trước hết cho tôi được thay mặt gia đình xin chân thành cám ơn các bạn Cơ điện và CCB đoàn 1040 đã đến, gửi điện, vòng hoa...chia buồn cùng gia đình khi được tin BÀ, MẸ chúng tôi mất; thật sự những nghĩa cử đó đã động viên và an ủi tôi rất nhiều.
          Hiện tôi đang ở quê, vừa lo việc cho Bà sau khi mất vừa thực tập HƯU TRÍ, nên rất mù thông tin. Hôm trước Lê Hồng Phóng (D1040-Sư phạm) có điện cho tôi: "Tớ có mấy dòng về cậu trên Blog k6CĐ bọn cậu, cậu xem nhé", mãi tới hôm nay mới có máy để xem. Về câu chuyện này các bạn hãy tin là có thật nhưng là dân sư phạm nên bạn tôi kể lại về chuyện công cụ thiết bị thì trở thành khó hiểu, thực tế thời điểm của câu chuyện là từ giữa năm 1974 cho tới khi ôm súng lên xe về giải phóng Đà nẵng - tháng 3/1975 chứ không phải 1973. 

       Còn con phà do tiểu đoàn 273-chủ yếu là mấy ông thợ xẻ gỗ chò Cơ-Điện đóng. Nó gồm 4 phao gỗ riêng để giữ cho phà nổi, phía trên là chiếc cầu gỗ (mặt phà). Bốn phao đặt song song với dòng chảy, cầu bắt lên trên phao theo hướng vuông góc dòng sông, hai bên bờ là hai hố thế bê tông giữ căng sợi cáp thép fi 42, trên cáp chạy 2 pu-ly động được nối với hai đầu con phà bằng cáp fi 22 nhằm giữ cho phà không bị trôi và luôn vuông góc với dồng chảy. Hai đầu phà đặt 2 tời tay, loại tời đứng có 4 tay gỗ hướng tâm tời để cho người đẩy tay vào tời. Hai tời dùng cáp fi 22 nối với hai bờ, mỗi lần di chuyền phà phải mất 6-8 người quay ở đầu tời, 1 người ở tời còn lại để nhả cáp và rất mất sức nhất là khi nước chảy.  Toàn bộ thiết kế do Phòng Công binh - Cục Hậu cần thiết kế, chế tạo. Sau thời gian sử dụng chúng tôi nhận thấy có thể thay đổi một ít là hợp lý, vừa giảm sức ( 80%) vừa nhanh hơn nhiều lần, chúng tôi đã đề nghị cấp trên và được chấp thuận. Cụ thể chỉ cần thay hai tời đứng bằng hai tời quay tay (loại nhỏ có bộ giảm tốc-1 tay quay-1 người ngồi quay nhẹ nhàng), vẫn giữ hai pu-ly động ở trên cáp fi 42 và nối hai đầu phà  trực tiếp cáp fi 22 vào hai tời quay tay trên.  Khi vận hành chỉ cần quay tời tay thu ngắn dây ở đầu bến đậu và nhả dài dây ở đầu tời ngoài sông, dùng sào đẩy nhẹ phà rời bến, chỉ cần một phao gỗ chạm dòng chảy là phà tự sang sông nhờ lực đẩy của nước ( phải nói thêm là khi thử, do để phao quá xiên với dòng chảy nên tốc độ quá nhanh lao vào bờ (đá) làm hỏng mất một phao phà), khi phà vào gần bờ thì phải điều chỉnh dây tời cho phà thẳng góc với bến và như vậy đồng nghĩa với giảm tốc độ của phà về 0 khi cập.
         Phải công nhận là sau này khi đã quen với cách vận hành mới, mọi việc nhẹ nhàng và có vẻ tốt hơn nhiều. Có lúc chỉ cần 2 người cũng cho phà qua lai chở xe được.
        Thọ Mom và các bạn! Thực ra nói là lính ở chiến trường nhưng bọn mình - những thằng  công binh có thấm béo gì so với các cậu những thằng lính chiến. Những chuyện vặt ở đại đội có gì đáng kể đâu, nó chỉ thật sự là đáng nhớ thôi vì dù sao cũng thuộc về một quãng đời đẹp nhất mà. Ở đại đội 2, D283, E238 Cục 565 - QK5 lúc đó có 8 thằng của D1040: Tế, Phóng, Lượng, Tôn, Hoàng Minh Đăng (đã hy sinh, SP), Phú (ykhoa), Bá (ngân hàng) và anh Ngữ (xây dựng). Chúng tôi sống và luôn yêu mến, giúp nhau những lúc ngặt nghèo. Hiện tôi chỉ thỉnh thoảng gặp Phóng, Bá còn những người còn lại không có tin gì, nếu bạn nào mà biết thì nhắn dùm cho tôi nhé.
         Về tấm huân chương, năm ấy ở đại đội tôi, Phóng và tôi được tuyên là chiến sỹ thi đua cấp trung đoàn nhưng không hiểu sao tôi lại được tặng huân chương còn Phóng thì không. Chắc họ nghĩ chúng tôi thân nhau nên chỉ cần một đứa giữ vật kỷ niệm là được. Thực ra ngày ấy mình có nghĩ là vào chiến trường để nhận huân chương đâu mà quan tâm nó có mấy mặt!  Sau này, cũng có mấy lần được nhận huân huy chương nhưng cảm xúc không được như ngày ấy, chắc là vì không có âm hưởng của súng đạn. M
ãi gần đây, trước lúc nghỉ hưu, tôi cũng được chiếu cố một tấm Huân chương Lao Động, quả thật là nó có mặt sau thật (chuyện này chỉ kể với ai hay đa nghi thôi). Nhưng thôi, đã gần 40 năm rồi còn gì, ta cho qua nhé. Cám ơn các bạn! Mong một ngày đẹp trời chúng ta lại gặp nhau.  
                                                                                                                   TẾ-BỌ

 

 
 
 

3 nhận xét:

  1. Tế thân mến . Nhớ Luân k5 chứ . Khi mình về học tiếp ở trường đảng , đã từng cùng nhau bù khú cùng với giáo sư Dững bạn Tế và Tôn Thất bá đó . đúng như té nói khi bọn mình vào chiến trường có ai nghĩ là để có Huân chương đâu . Mọi thứ đã lùi xa , chỉ còn lại tình người đó thôi . Gặp Phóng , mình càng thấy cái tình người lính nó sâu nặng đâu kể cùng khoa cùng lớp cùng trường . Chúc Tế và gia đình mạnh khoẻ , thường xuyên gặp nhua ở trên trang Blog của bọn mình nhé .

    Trả lờiXóa
  2. Thật tự hào về lính Cơ Điện !hóa ra trung đoàn toàn sv ở qk5 đi làm đường năm xưa toàn quân nhà mình cả !các bạn phải ơn cụ Võ chí Công đấy nhá !ngày ấy khi biết có một trung đoàn mới vào toàn sv ,cụ đã chỉ đạo cho đi làm đường để giành đấy ,không thì cũng toi rồi !

    Trả lờiXóa
  3. Đã lâu lắm mới thấy bài viết và phần ghi chú hay như thế . Không có gì khiên cưỡng , men , say mà vẫn xúc động .

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]