Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Nguồn gốc một bài thơ


Nguyễn trọng Luân

      Các bạn lính của tôi thân mến! Trên VNQĐ số 19 năm 2009 có in bài thơ  “Đêm cuối cùng mẹ ru con” của tôi, trong mục thơ dự thi. Sau khi bài in ra tôi nhận được rất nhiều điện thoại của bạn đọc cả già lẫn trẻ bầy tỏ tình cảm của mình và có lời động viên tôi. Nhưng các bạn biết không? baì thơ ấy viết trong lúc tôi ốm nặng nằm viện. Chuyện thế này:

      18/10 /2008 tôi và vài CCB từ Hà nội về Thái bình dự họp mặt lính Thái bình trong E64 F 320. Tôi có mang tặng các bạn thái bình cuốn VNQQĐ cũ từ năm 2003 trong đó có chuyện  kí ức tháng tư được giải tư đợt thi 2 năm 2002- 2003. Cái truyện kí ấy tôi viết về trận đánh ác liệt cuối cùng của chúng tôi vào Củ chi ngày 29/4/1975 . Trong đấy có chi tiết vẻn vẹn hai dòng ... Trong số những nguời hi sinh có một người trúng đạn vào phút cuối của trận đánh là trợ lí tham mưu tên Măng người Thái bình . Măng chết trong lúc đang giương khẩu chống tăng của địch bắn xe tăng địch ....
          Thế rồi một tuần sau ngày 23/10/2008 tôi nhận được điện thoại từ một số máy Thái Bình tôi không quen.
       “ anh là Luân phải không ?
       - Vâng
       “ Tôi đang ngồi nhà anh Măng, người mà anh viết trong VNQĐ”  
       - Vâng đúng tôi viết .
       “anh biết mộ anh Măng chứ”
       - Tôi cam đoan là biết rõ
       “Vậy thì anh nói chuyện với mẹ anh Măng”
      Tôi nín thở, đầu dây bên kia cũng lặng lúc lâu, rồi tiếng cụ già nhà quê yếu ớt: “Bác ơi, tôi là mẹ cháu Măng đây, nếu bác biết làm ơn giúp tôi đưa cháu về ...tôi tám mươi mốt rồi tôi cũng sắp chết chỉ mong đưa cháu nó về ...” rồi máy tắc nghẹn.
      Người tôi lạnh toát, tôi chợt hình dung ra cái lúc Măng gục xuống ở chợ Tân Phú Trung mà có cả Ngô Thịnh k6 mình vuốt mắt cho Măng, rồi chúng tôi để Măng lại và tiếp tục truy kích địch chạy về Bà Điểm, Tân Sơn Nhất.
      Một tuần sau 2 người Phụ nữ từ Thái Bình lên nhà tôi. Thật may mắn tháng 7 /2008 vợ chồng tôi đi Củ Chi thắp hương cho đồng đội, tôi đã chỉ cho vợ ngôi mộ Phí Văn Măng và tôi chụp cả ảnh mang về. Gia đình Măng an tâm và làm thủ tục xin đi lấy hài cốt. Tôi gọi điện cho Thành Tuyên Quang đang ở truyền hình TPHCM làm thủ tục trước. Sau 3 tuần vừa xong mọi việc cho gia đình Măng ở Thái bình thì tôi tai biến vào viện. Ngày đi kíp rồi nên em gaí Măng gọi vào Sài gòn cho các bạn tôi đón. Những ngày qua khỏi phút nguy kịch, nằm trong viện tôi cứ miên man nghĩ về chuyến đi của mấy đứa em Măng. Một đêm, chừng 11 giờ có điện thoại, tôi nghe thấy tiếng khóc nức nở trong máy ...anh ơi em đang đi cùng anh Măng về tới Quảng Ngãi rồi. Anh Măng bảo là anh rồi sẽ khỏi, nhà mình bị động ở trên quê Phú Thọ đấy anh ạ. Tôi bàng hoàng tưởng như có người ngồi bên cạnh, căn phòng bệnh viện như lạnh toát.
       Rồi tiếp: anh ơi, anh Măng bảo đưa anh về để ở nhà thổi kèn một ngày một đêm rồi mới đưa anh ra nghĩa trang huyện. Và thế là tôi hình dung ra người mẹ của Măng lại ôm Măng vào lòng. Lúc ra đi con mẹ thanh niên cường tráng, trở về con mẹ trở lại hình hài bé thơ. Đêm ấy, tôi viết luôn bài thơ mà không hề sửa một câu nào. Bài thơ ra, tôi gửi cho VNQĐ. Biên tập gọi lại cho tôi, chúng em đọc mà cũng rơi nước mắt anh ạ.
      Tôi không về Thái Bình đón và đưa Măng ra nghĩa trang với đồng đội được mà lòng nôn nao nhớ một thời lửa khói đời mình.
      Tôi đưa bài thơ lên đây, cũng là nỗi niềm của những CCB chúng mình nhớ thương những người đồng đội của mình. Cám ơn các bạn, đọc và chia sẻ với tôi về những mất mát của bè bạn chúng mình.

Đêm cuối cùng Mẹ ru con

                                                                 viết tặng mẹ đồng đội tôi liệt sĩ Phí văn Măng
                                                                                              NTL
Biền biệt mấy chục năm mẹ đón con về
Đồng đã gặt rồi, đón con rơm vàng xóm ngõ
Tám mươi tuổi mẹ lại bồng con, vườn nhà nức nở
Nức nở ...à ơi

Đêm nay nhà mình đèn lại sáng choang
Nước mắt tưởng khô mấy chục năm không khô nổi
Thức cùng con đêm nay
Mai con lại đi rồi

Mẹ bồng con à ơi
Hài cốt quấn vuông vải mới
Có tã lót nào đau xé lòng đến thế?
Me ru con quằn quại tiếng trống kèn

Cái tên Cửa ngõ Sài gòn
Ba mươi ba năm mẹ nằm mơ đêm nào cũng thấy
Ngày một ngày rằm thắp hương bánh Cáy
Ngày thường rau tập tàng cua ốc ...à ơi ..

Mai lại đưa con đi với đồng đội con rồi
Nghĩa trang heo heo gíó tím
À ...ơi ..
Ngủ đi con
Đêm nay mẹ ru con lần cuối ..

À ...ơi...

6 nhận xét:

  1. Cứ động đến hình ảnh mẹ già với các ls mà cổ cứ nghèn nghẹn !lại nhớ đoạn thơ không biết của ai ?

    “Hồn các chàng trai giờ ở nơi đâu ?
    Nhìn thấy khói mà tìm về với mẹ !
    Con chim khách sau nhà mười mấy năm nói giối !
    Cau mười mấy năm vô ý trổ bông đôi !
    Các anh về với mẹ một đêm thôi .
    Cho ngọn đèn dầu không giật mình vụt tắt .
    Cho nồi cơm được một lần đầy đặn .
    Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm !”

    Trả lờiXóa
  2. Chẳng nói đâu xa , bao nhiêu bạn cùng khoa , cùng trường với chúng mình đã mãi không về . Nếu các bạn ấy về cũng đã là những kĩ sư giỏi . Các bạn k6 chắc còn nhớ Trung Hà bắc không ? k5 còn nhớ Phước không ? những học sinh giỏi nổi tiếng ... họ không về nữa .

    Trả lờiXóa
  3. Lớp tôi có Dương quê Hải Dương đi từ năm thứ nhất !

    Trả lờiXóa
  4. Không có người lính chiến nào quên được đồng đội của mình nhất là họ còn nằm lại ở nơi nào.Tháng 6-2011 Tôi cũng đi tìm di cốt người cậu của Liễu Mai Sâm K15 Cơ Điện nguyên D phó E95-F325 ở Quảng -Trị.Và Tôi đã chứng kiến những niềm vui của người sống khi tìm được di cốt liệt sý ra sao.Tiếc là Tôi cũng không làm được nhiều hơn nên sẽ cố làm được những gì có thể được để an ủi phần nào cho các Liệt sỹ.Dĩ nhiên cả K6 và Đ H Cơ Điện và các Đại học khác đều cũng vậy .

    Trả lờiXóa
  5. đọc xuất sứ bài thơ và bài thơ:"đêm cuối cùng mẹ ru con" của anh,tôi thật sự xúc động
    anh viết về người mẹ già đã ngoài 80 tuổi ,sau mấy chục năm nhận lại hài cốt, đứa con dứt ruột của mình:
    "tám mươi tuổi mẹ lại bồng con vườn nhà nức nở..."
    và cái bi đến cưc điểm, đến không chịu nổi:
    "mẹ ru con quằn quại tiếng trống kèn"
    từng tứ thơ ,từng tứ thơ,như bóp nghẹt trái tim, làm tôi không ngăn nổi những giọt nước mắt...

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn lính SP đã đồng cảm với người viết . Những người đi qua chiến tranh như chúng mình đều giống nhau phải không bạn . thưòng xuyên ghé vào trang Blog này nhé . Nó mang tên BLOG CCB SV ĐẠI HỌC chứ không của riêng trường nào đâu .Chào nhé

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]