Nguyễn Trọng Luân
Sư đoàn 320A Tây Nguyên
Tôi không biết đặt tên chuyện này thế nào cho phải, nên cứ gọi là chuyện Trường Sơn vậy. Đọc sách báo, tiểu thuyết về một thời đánh giặc chả thấy ai viết về cái cảm giác sung sướng của người lính trên Trường Sơn khi bất ngờ được gặp một người con gái ra sao, cái sự có mặt một người phụ nữ trong đạn bom nó động viên mãnh liệt cho người con trai cầm súng thế nào? Hình ảnh người con gái đứng trước người ra trận thiêng liêng làm sao? Cái nỗi mong mỏi của người lính hành quân biền biệt ra chiến trường chỉ một lần thôi được gặp một cái dáng yêu kiều khác giới thì chỉ có người lính mới hiểu. Suốt hơn ba tháng leo Trường Sơn tôi nhớ là mình đã ba lần được gặp con gái. Ba lần ấy chỉ có hai lần nhìn thấy mặt còn một lần không. Thế mà cảm giác xúc động xốn xang trong cả ba lần ấy đều rạo rực như nhau. Bây giờ già rồi viết lại mà vẫn nguyên xúc động, ngày ấy đã qua bốn mươi năm.
Lần thứ nhất
Chúng tôi rời Cự Nẫm được 4 ngày. Bốn ngày ấy đi trong mưa. Mưa Trường Sơn cứ ri rỉ không ngớt. Ba lô nặng chịch càng chĩu xuống vì mệt mỏi. Quần áo ẩm xì xì. Đoàn quân trùm áo mưa cúi rạp người lên dốc. Đứng trên đỉnh núi nhìn quay lại trong cái dáng trời thum thủm màu mắm tôm, đội hình trông như một đàn gà tây. Ngày thứ tư đi từ 5 giờ sáng tới 5 giờ chiều chưa được nghỉ vì không có chỗ trú quân. Uể oải, lo lắng. Thỉnh thoảng tôi ngửa mặt liếm những giọt nước mưa chảy tràn vào khóe miệng. Trời gần tối, đang lên dốc cán bộ bảo sắp tới chỗ nghỉ. Ai cũng thấy khỏe hẳn lên. Cả hàng quân râm ran trò chuyện. Bỗng có tiếng cười lanh lảnh ngay trên đầu dốc. Trong mưa rì rầm tiếng cười trong veo hệt như tiếng cười trên cánh đồng làng mùa gặt cong eo những thôn nữ quê tôi. Chúng tôi ngước lên. Một cô gái. Một thím bộ đội ôm một chú khỉ con ngồi vẫy vẫy đoàn quân.
- Em ơi …
- Thím bộ đội ơi …
- Đồng chí ơi …đồng chí gì ấy ….ơi
Tiếng gọi ùa vào nhau, tiếng cười ríu vào nhau. Bỗng chốc cái mệt đi đâu hết. Anh nào cũng cố gọi to hơn. Cô gái ngồi dưới mưa nhìn đoàn quân và chỉ cười, chỉ vẫy, vẫy rối rít cười líu ríu. Cô ướt run lên mà vẫn long lanh mắt. Trời xâm xẩm, chỉ có mắt cô và nụ cười thì vẫn sáng. Chúng tôi rẽ vào một khu rừng tan hoang bom B52 mới đánh. Đó là một khu vực kho hậu cần lớn của quân ta. Vương vãi đây đó những gạo mốc, nhà đổ, súng đạn văng đầy rừng, nồi niêu méo mó và áo quần mắc lủng lẳng trên cành cây.
Đêm ấy chúng tôi ngủ lại đây. Chập chờn. Phấp phỏng. Mệt nhọc. Chính trị viên bảo, đơn vị trông kho có một tiểu đội nữ mới hi sinh mất ba người. Chúng tôi nặng nề qua một đêm râm rỉ mưa, tâm hồn người lính chưa giáp trận lung mung khó tả. Sáng hôm sau hành quân sớm. Ở chỗ ngã ba rẽ ra đường chính lại có ba nữ bộ đội ngồi chờ sẵn. Ba khuôn mặt thẫn thờ nhìn chúng tôi đi về phía trước. Qua chỗ các em ngồi chúng tôi ai cũng xốc lại ba lô gọn gàng, vươn thẳng người lên chào các em. Có anh còn bỏ mũ ra vẫy lại. Những người con gái ngồi đấy với nụ cười méo mó để chia tay. Suốt cuộc hành quân hôm ấy chúng tôi cứ nói chuyên với nhau về họ, về nước da xanh tái xám ngoét của họ mà chúng tôi chưa từng được nhìn thấy nước da ấy khi còn ở miền bắc.
Lần thứ hai
Hơn một tháng sau. Chúng tôi đến trạm 45. Ở trạm này rẽ trái là đi về mạn Quảng nam. Gần đó có viện 47. Chiều rồi, nhưng nắng còn vương vải trên tán lá rừng. Có tiếng hú từ phía trước truyền lại. Tiếng hú lan đến chỗ tôi. Tôi cũng hú, rồi người đằng sau hú tiếp. Hú …Hú . Cứ u .. u..u mãi. Ai cũng hiểu phía trước có con gái. Đội hình chộn rộn, bước chân đang trĩu xuống bỗng thẳng lên, súng nghếch nòng hiên ngang chứ không chúc xuống nữa. Mấy chú mang nồi niêu lấy lá rừng phủ đè lên cái nồi đen nhẻm. Chả ai bảo ai, quân dung bỗng nhiên tươi tỉnh. Phải hai mươi phút sau chúng tôi mới gặp đoàn người đi ngược lại. Chưng hửng vì chỉ thấy có hai người đàn ông mang đồ dân sự B2 và một cái cáng. Nhưng kìa trên cáng là một cô gái trẻ, áo bà ba đen, tóc thật đen và mượt buông chùm ra mép võng. Hai giao liên khiêng võng đi thật nhẹ nhàng. Khuôn mặt người con gái đẹp làm sao. Cô cười tươi như hoa. Chào eng … chào các Eng …
Phía trước, tôi thấy chúng nó dừng lại bám vào mép võng. chúng nó kêu ..trời ơi … trời ơi. Tôi tiến lên, cái võng rúm như chỉ còn một nửa. Khuôn mặt như trăng rằm. Hai giao liên chừng cũng vui, chừng chừng lại. Cô gái lại cất tiếng …Các eng đi nờ.
Đến lượt tôi …Trời ơi. Bây giờ thì tôi nhìn rõ, người con gái cụt cả hai tay. Hai chân thì chỉ còn đến gối. Đoàn quân thì vẫn đi, tay tôi vuốt dần dọc theo mép võng của cô không muốn rời và tay đồng đội tôi phía sau lại đang níu lấy. Hoàng hôn tắt trên đại ngàn Trường Sơn. Cả đêm ấy tự nhiên bãi khách không ồn ào, không thấy hò hét ỏm tỏi. Đêm, chính trị viên nhận giao ban ở trạm về nói chuyện đấy là một dũng sĩ ở Sài Gòn Gia Định đang trên đường ra Bắc chữa chạy sau khi thoát khỏi nhà tù của địch. Ngày hôm sau, đội hình hành quân lặng lẽ hơn nhưng đi nhanh và gọn. Cán bộ hành quân thấy an tâm lạ thường, chẳng cần động viên tư tưởng. Tôi không biết cô dũng sĩ trẻ măng ấy liệu ra bắc có được lắp đôi tay giả để mà tự thay quần áo. Để tự chải mớ tóc dày đen như suối kia, để tự vuốt ve cái dáng eo thon trời cho ấy không? Đề tài ấy bọn tôi tranh luận mãi dọc Trường Sơn.
Lần thứ ba.
Chúng tôi đã đi được gần trăm ngày rồi. Đội hình đã vơi đi vài người, mặt mũi đã hốc hác, tái mét vì sốt rét, vì đói, vì đạn bom. Gần ba tháng chúng tôi xa miền bắc, xa quê hương và bao kỉ niệm thời thanh xuân yên ả. Thế mà chúng tôi mới gặp có hai lần hai người đàn bà. Những đêm treo võng giữa rừng, giấc ngủ của những người trai trẻ lại rưng rưng nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ trường nhớ lớp. Chúng tôi đã từng kể cho nhau nghe về chuyện bạn gái khi còn trên đất bắc. Những câu chuyện về lính có người yêu và tình cảm của một cô gái nào đó với đồng đội mình cũng đều quí giá trân trọng biết bao đều lan sang đồng đội. Rất nhiều người lính chưa từng có người yêu, chưa từng một lần có cô gái nào đưa tiễn, nhưng không thể nói họ chưa từng có một lần xao xuyến về một người con gái. Vì thế, ngay cả những người chưa có người yêu cũng phải bịa ra một chuyện về bạn gái. Chuyện người yêu thật, chuyện người yêu bịa cứ trong veo đan quyện với nhau và những câu chuyện tình yêu ấy làm chỗ dựa cho tinh thần người chiến sĩ ra trận. Có người yêu khi ra trận là thương hiệu cho lính trẻ chúng tôi. Sau này khi đã hết chiến tranh nghĩ lại thấy thương những đồng đội mới mười bẩy mười tám ở quê ra đi chưa hề có người yêu cứ há hốc mồm nghe cánh lính sinh viên kể chuyện gái rồi cười bẽn lẽn.
Chúng tôi đã vào tới gần bờ sông Xê Công để rẽ đi Tây Nguyên. Lúc ấy là tháng 3. Mùa khô ở cao nguyên Át-tô-pơ này đẹp lắm. Rừng khộp trút lá như một rừng bánh đa vừng. Suối cạn mà trong veo. Trạm nào cũng vàng ươm lá rừng và cuồn cuộn tiếng ve. Trạm 78 đông như hội. Quân vào nườm nượp nên bãi khách ở cách xa trạm dễ đến một tiếng hành quân. Từ xa chúng tôi nhìn lên lưng đồi có mấy căn nhà nửa chìm nửa nổi. Dưới tán cây cổ thụ có phơi … mấy bộ áo ngực của con gái. Ô…Ô..u.. hú hú. Cả đoàn quân hú dài. Đằng sau cũng lại hú. Lại có con gái rồi. Nhưng đội hình đi khuất rồi mà chả nhìn thấy người con gái nào cả. Ấy thế mà bỗng dưng những anh nói tục cũng dịu dàng hẳn lại. Mười tiếng leo dốc mà sao như ai cũng đang sung sức. Chúng tôi đi mãi mới dừng lại trú quân. Anh nào cũng sang sửa áo quần như sắp gặp con gái đến nơi mặc dù biết mình đi đã rất xa chỗ mấy cái cooc xê ấy. Anh nào cũng nhanh nhẹn, ân cần lịch sự với nhau. Lại còn huýt sáo, hát những câu hát tình ca không đầu không cuối. Cán bộ bảo, chúng ta ngày mai sẽ hành quân cùng một đoàn nữ cán bộ Tây Nguyên vừa học xong Lục quân trở lại chiến trường. Đêm ấy là một đêm tuyệt đẹp. Nằm trên võng ngước nhìn bầu trời mùa khô sâu thăm thẳm. Rất gần đây thôi chỉ vài cây số là những tấm thân con gái dịu mềm thơm ngát hơn cả hoa rừng. Tôi cứ thầm tiếc giá mà binh trạm cho tiểu đoàn nghỉ ngay ở binh trạm bộ thì tuyệt biết bao. Rồi giấc ngủ đến thật nhẹ nhàng.
Sau này trong mấy năm chiến đấu ở mặt trận. Mỗi khi bước vào chiến dịch là cán bộ chính trị phải xuống tận từng đại đội để làm công tác động viên tư tưởng . Nhưng cũng có một lần trước khi đánh Lệ Ngọc ở Gia Lai nghe tin mấy cô văn công khu năm xuống tới trung đoàn bộ. Ấy thế mà dưới đơn vị xốn xang hẳn lên, tinh thần phấn chấn rạo rực. Khí thế xuất kích với quyết tâm rất cao. Nhiều người viết sẵn lá thư để trước khi vào trận gửi cho mấy cô văn công. Ở đời, không có gì động viên đàn ông bằng đàn bà. Lúc ấy chỉ nghĩ vậy chứ làm sao dám nói.
Suốt dọc đường Trường Sơn, ba lần gặp đàn bà với tôi là kỉ niệm lớn. Kỉ niệm xúc động như những gì xúc động lớn lao nhất của cuộc chiến tranh mà tôi từng đi qua.
Mình cũng nhớ hình ảnh mấy cô thanh niên xung phong đứng chống xẻng vẫy bọn mình hành quân ,có lẽ nhớ giai là vì lần đầu tiên bọn mình nhìn thấy các cô con gái có nước da xanh sao ,môi thâm (ngày đó có lẽ chưa biết là do sốt rét ).sau này những năm 80 ra công tác ,nhà có hai vợ chồng và con nhỏ ,nhiều khi phải đi xếp hàng mua thịt ,nhìn qua ô cửa kính thấy mấy cô nhân viên cửa hành thực phẩm ,trơn lông đỏ gia ,hách dịch mình lại nhớ đến mấy cô thanh niên xung phong trên Trường Sơn mà ghen tỵ thay !
Trả lờiXóaCảm động và may mắn nữa chứ,vì tôi khi qua dốc Bò lăn - Nghĩa Đàn trở đi cho đến lúc vào Quảng trị rồi bị thương không gặp một bóng dáng phụ nữ nào cả .Chỉ đến khi ra tới Bảo ninh-Đồng hới mới được .các mẹ ,các chị cho bát cháo trong đêm đen mà cay lè lưỡi vì ớt bột trong cháo. Vậy cũng hạnh phúc lắm rồi còn gì,bởi chúng ta còn trở về có phụ nữ bên cạnh cho đến bây giờ.
Trả lờiXóaNgày 26-11-2011 tới các CCB Cơ Điện,cựu SV K6 Hà nội,Nam Định và Hội Cơ Điện Hà nam về Vĩnh Trụ -Lý Nhân thăm gia đình liệt sỹ Trần văn Hoá K6B ,đoàn 3002 rồi F320 đã hy sinh ở Chư Nghé - Tây Nguyên .Xuất phát 8g20 tai 237 Kim Ngưu-Hà nội .Mời các Đ/c có điều khiện tham gia và đăng ký ngay với Thọ mom nhé.
Tôi lại cũng giống như Luân:Có một kỉ niệm không bao giờ quên, khi được gặp một người Phụ nữ trên đường hành quân ra Mặt trận.
Trả lờiXóaChỉ có khác Luân người Phụ nữ mà tôi gặp và mãi mãi không bao giờ quên ấy, lại là một... Bà mẹ Lào.
Ngày hành quân ra trận,tôi đã bị gục ngã vì sốt rét rừng. Sau này tôi còn biết không phải chỉ là mình tôi, mà còn có thêm nhiều đồng đội khác nữa.
Hôm ấy không còn biết là ngày thứ bao nhiêu sau khi bị sốt, thằng Ngô Thịnh dìu tôi bước theo đoàn quân; đi qua một cánh rừng Khộp trên đất nước Lào.
Sau khi chúng tôi đi qua cánh rừng khô khốc chói chang nắng vì mùa khô,những cánh lá Khộp rơi khô rang như "Một biển bánh đa vừng".Chúng tôi mệt mỏi kiệt sức lê bước con trên đường nhỏ đầy cát bụi trong mùa khô, được xới tung bởi hàng ngàn vạn bước chân bộ đội hành quân qua đây.
Dưới cái khô nóng đến "nảy đom đóm" mắt, chúng tôi như đang bước đi trên Sa mạc. Mặt trời mới đang ở đỉnh đầu,nghĩa là đoạn đường chúng tôi phải hoàn thành ngày hôm nay còn đang xa lắc phía trước.Thằng Thịnh không thể bỏ tôi, còn tôi cố gắng lê bước cùng nó, chúng tôi đang tụt lại rất xa sau đoàn quân.
Bỗng nhiên từ môt cái xóm nhỏ thấp thoáng ven đường, bóng một người Phụ nữ- một bà mẹ Lào- xăm xăm bước đi về phía chúng tôi.Bà cầm lấy tay tôi và bà nói một thôi một hồi, tất nhiên tôi và thằng Thịnh chẳng thằng nào hiểu bà đang nói gì. Thằng Thịnh thì đáp lời Bà bằng một thứ tiếng "Lào" như tiếng "Ý",Còn tôi thì ngẩn ngơ trong cơn sốt. Rồi Bà đưa cho tôi mấy quả trứng gà nhỏ.Lúc ấy tôi chợt hiểu là Bà đang muốn nói gì,thế là đôi mắt tôi rưng rưng lệ.
Tôi và chắc là cả thằng Thịnh cũng thế, đã rất lúng túng và bất lực vì không thể nói một câu cám ơn Mế bằng tiếng Lào.
Tôi như được tiếp thêm sức mạnh để đi tiếp quãng đường hành quân hôm ấy.
Sự việc hôm đó đã ghi đậm nét trong tôi mãi đến bây giờ tôi cũng không thể quên và tôi đã có bài thơ kỉ niệm về bà:
Nhớ những ngày nào trên Đất Mẹ
Con lạc đường trong một buổi hành quân
Khi đồng đội đã mắc võng nghỉ chân
Con mới tới, người muôn phần rệu rã
Rồi hôm sau cơn sốt cứ thong thả
Tràn đến dần rồi quật ngã con
Đất nước Lào mùa khô- như bên Hỏa diêm sơn
Trong nắng nóng bóng con đi vất vả
Đồng đội dìu bên con thong thả bước chân
Đường hành quân chúng con qua Bản mẹ
Một Bản Lào giản dị yêu thương
Mẹ bước tới trên đường cát mịn
Dáng xăm xăm như mẹ của con
Nắm bàn tay xanh yếu gày còm
Mẹ nói với con- con chỉ hiểu
Mẹ thương con nhiều, sao sốt vẫn cứ đi
Trong cơn sốt con chẳng biết nói gì
-Và mẹ đưa con đôi trứng tròn nhỏ
Ôi đôi trứng!- Tình thương của mẹ
Trong bàn tay hằn những nếp nhăn
Đôi bàn tay qua gian khổ bao năm
Đôi trứng nhỏ- Lớn vô cùng lòng mẹ
Đôi mắt con bỗng rưng rưng ngấn lệ
Con mới hiểu trên mỗi mảnh đất này
Ở nơi đâu chẳng phải là Quê mẹ
Khi Mĩ kia đã là kẻ thù chung
Con đi tới mà chẳng biết tột cùng
Của Đất nước Quê hương và Lòng mẹ.
Bình làm mình hơi bất ngờ về khả năng căn chương đấy !còng bài nào hay nhật ký ngày bọn mình ở vùng SaThầy thì bỏ ra thôi !
Trả lờiXóaBình còn nhớ một lần thằng Đỗ quê Hà Bắc khù khờ thế mà một hôm nó đẫn mấy o bên 559 vào đơn vị chơi không ? khi chia tay mấy o nó còn oai lấy một nửa vườn rau của bọn mình cho mấy o ,khi về bị ông Sơn mắng cho một trận ,các cậu thì quây vào trêu nó ,chỉ có mỗi mình tớ là bênh nó thôi ,tớ hãy còn nhớ bộ mặt lúng túng của nó khi mấy o đến chơi ,thật tội nghiệp !không biết bây giờ hắn thế nào rồi ?
Cảm ơn Luân đã nhắc lại một cách toàn diện một hiện tượng tâm lý của cánh lính trẻ xa nhà ,trong đạn bom ,trong rừng âm u ,hàng năm trời không thấy bóng người con gái ,rõ ràng chỉ nghe thấy tiếng ,chỉ nhìn từ xa thế mà thấy vui hơn ,thấy gần nhà hơn ,thấy yêu đời hơn ,không hề có gì gọi là máu gái cả !lạ thật !
Trả lờiXóangày ấy đơn vị mình ở vùng Sa Thầy ,gần một cây cầu độc mộc bắc qua suối , đầu năm 1974 mở tuyến đường 20 ,có một đơn vị của đường dây 559 chuyển đến đóng gần ,mỗi khi mấy o qua suối là tiếng cười nói ríu rít từ xa ,những ngày đầu mỗi khi thấy tiếng các cô gái là mấy thằng hú nhau ra đứng bên đây cầu như cũng chờ qua suối , để được ngắm các cô dang tay lấy thăng bằng qua cầu ,có thằng mạnh dạn hơn còn chìa tay ra đón ,khi mấy o qua rồi mấy thằng lại quay lại ,việc nào vào việc áy ,mặt mũi tươi ra ,nói cười rôm rả ,chỉ có mấy ông lính già là biết chả sơ múi gì ,thì cứ mặc kệ chúng may !
Luân ơi. tay ccb76 rất hay tự mâu thuẫn với chính mình, ví dụ hắn nói hắn " không hề có gì gọi là máu gái cả..."thế mà hắn lại kết luận người ta "biết là chả sơ múi gì"...tôi chẳng hiểu ý hắn nói sơ múi là gì?thà cứ thẳng thắn như luân "già rồi viết lại vẫn xúc động"...
Trả lờiXóaVợ nó cũng hay xem Blog của tụi mình lắm đấy bạn ạ .
Trả lờiXóaNặc danh ơi !sao vẫn nặng lời vậy ?sao lại :tay ,lại hắn ! vào đây mà không giải tỏa được thị ngược với mong muốn của mọi người đấy !
Trả lờiXóaLuân ơi !đứng ra giải huề ,không lại mệt ra !
Cũng có một chuyện cần giải toả đây ccc76 ạ:
Trả lờiXóaHồi ở SV Tớ là người chăm chỉ trong tháng luyện tập quân sự .là lính ,lúc luyên tập trên thao trường ,chẳng ai dám bảo tớ là không chịu đổ mồ hôi ,ấy thế mà trời ạ! khi bắn đạn thật, kể cả lúc là SVlẫn khi là chiến sỹ ,lúc bắn đạn thật chuẩn bị đi B ,mặc dù đã thực hiện đầy đủ các yêu lĩnh: tỳ vai ,áp má nín thở bóp cò -tuy nhiên tớ thực sự choáng váng khi tay báo bia cười khành khạch :"dở quá ,đuổi hươu, 3viên -o điểm-"
Đi chiến trường với tâm trạng trĩu nặng...
thế mà có một lần như thế này;
không nhớ rõ tớ đã một mình lạc vào lán trại của dược cục hậu cần QK5 như thế nào.chỉ nhớ hôm ấy bầu trời thì trong ,mà rừng cây nơi các em ở thì cao vời vợi,đến đúng lúc các em đang ríu rít chỉ tay và nhìn lên bầu trời- Chà! một con chim đậu trên đỉnh một ngọn cây rất cao ,dễ đến vài chục mét,trông như một cái chấm nhỏ- một khẩu AK báng gấp trên giá súng của các em được mang ngay đến -họ đùn đẩy cho nhau và cuối cùng là cho tớ ,người đàn ông duy nhất ở đây :"anh bắn đi".
Không thể chối từ, thôi vậy muốn ra sao thì ra -tỳ báng súng lên vai ,súng thẳng 90độ,tư thế cực kỳ khó bắn ...đoàng!một tiếng súng,và chỉ một viên duy nhất,con chim trúng đạn -cánh sải rộng xoay tròn và rơi bịch ,ngay dưới chân mình,cả đám lính con gái như vỡ oà nức nở khen ngợi
điều này thì tớ nhớ rõ ,không thể quên được-một khuân mặt con gái đẹp,rất đẹp ,đôi mắt nhìn tớ như muốn nói:hòang tử của em...cảm giác ngọt ngào sung sướng đúng như Luân nói:"già rồi viết lại vẫn xúc động" cái xúc động của một tâm hồn ngệ sỹ,chứ đâu phải để "sơ múi" đúng không Luân.?
Các bạn lính của tôi nghệ sĩ hơn cả những nghệ sĩ có nghề . Già rồi mà vẫn xúc động như tâm hồn nghệ sĩ thì chỉ những ai không là nghệ sĩ mới có tâm hồn ấy . Đấy chỉ là LÍNH
Trả lờiXóaThế là Nặc Danh đã trải lòng !tôi cũng thấy nhẹ người !qua mẩu truyện của ND tôi thấy có 3 ý có thể trao đổi tý :
Trả lờiXóa- truyện bắn 0điểm giống tôi ,truyện của tôi đã kẻ trong "Tác phong tiểu tư sản" ở trên ,ND vào đọc để ta thông cảm với nhau !
- những năm tháng ND ở trong chiến trường đã may mắn được ở chỗ không thiếu tiếng ríu rít của các o nên có thể không cảm nhận một cách sâu sắc cái cảnh mấy anh lính trẻ hu gọi nhau chạy ra chỉ để được nhìn thấy mấy o ,song rồi thấy vui hơn ,thấy gần quê hương hơn ...(thông cảm nhé chỉ là có thể thôi đấy !)
-còn cuối cùng là từ "Sơ múi"đây là sự việc có thật ở đơn vị mình :mấy thằng lính trẻ thì rối tinh ,rối mù ,lúng ta lúng túng khi có mấy o đến chơi ,có thằng chả biết nói gì lại hỏi các em có thiếu rau xanh không ?thế là hăng hái ra nhổ nửa mảnh rau của tiểu đội cho mấy o ,sau khi các o đi rồi, ông tiểu đội trưởng già hơn bọn mình chắc tiếc của ông nói "sơ múi gì mà sĩ " .truyện này chắc Triệu Bình cũng nhớ !
TỚ đã đọc:" tác phong tiểu tư sản",và cũng có ý kiến rồi,mình tưởng tượng đồng chí BT chi bộ có gương mặt rất...tròn ,phải không?
Trả lờiXóahề hề ...đùa cho vui thôi ,già rùi cho trái tim trẻ lại một chút ,đừng giận nhé,qua mấy bài và
nhân xét của ccbd76 thấy mến ông bạn già rồi đấy...
lúc nào rỗi rãi, mời anh và cả chị lên trên tôi ,uống ruợu
Thân
Thôi thế là huề ! khi nào sang Tau tớ sẽ qua chơi !
Trả lờiXóaNặc danh nhiều quá! Cuối cùng chẳng biết ai với ai cả- Đang nói chuyện với ai đây?Ai ơi!.
Trả lờiXóaTriệu Ơi . Tao đang buồn ghê vì không có mày đi Tây nguyên đây ./ Mày chịu khó thúc dục cái thằng Ngô Thịnh mau mau tỉnh giấc Viên chức đi nha . Còn nặc danh chắc là các bạn ấy không tự tin thôi mà . nhưng đều là lính tốt cả đấy họ Triệu ạ .
Trả lờiXóaCả đời bắn trượt,để chỉ có một lần bắn trúng.nặc danh không tự tin là phải rồi.tuy nhiên phát súng ấy "ngon" đấy chứ Luân nhỉ?
Trả lờiXóaTên này hay của nó đấy Bùi Tiến ạ . Này nhé , nó cứ bảo nó bắn kém , rằng nó bắn trượt , nhưng có con gái bên cạnh nó cắn răng mà bắn mà lại bắn trúng . Mày thấy hay chưa . nếu đợt này tao và mày đi Tây nguyên có nó dễ bọn mình được ăn thịt Chim luôn Tiến ạ . Thôi để vụ đó hôm nào đi Lạng sơn giải quyêt nhá.
Trả lờiXóaXin lỗi Bình và Luân !đã làm các bạn phiền lòng !tiếng gọi của Bình :ai đấy ,ai Ơi làm mình sấu hổ quá ! thú thật lúc đầu cũng chỉ muốn cho nó sinh động thêm thôi ,không ngờ ngồi trước máy với cái tên khác ,lại khác dần !
Trả lờiXóaLuân à ! bây giờ nó vẫn bắn giỏi thì tao toi rồi !nó nheo mắt đã thấy mặt tao tròn thì lần này không thoát rồi !