Lại sắp đến ngày 22/12, ngày tết quân đội, những hồi ức một thời gian khổ lại ùa về trong tâm trí những người lính, có những kỷ niệm thoáng qua nhưng cũng có những hồi ức không bao giờ quên được.
Trần Vũ Liệu
Một ngày giữa tháng 12 năm 1972, đoàn 1040 hành quân từ Lào vào đất VN, trạm đầu tiên ở VN là trạm giao liên số 249. Bắt đầu vào VN là gặp thời tiết xấu, trời mưa nhiều, đường rừng lầy lội, bầu trời u ám, rét, hành quân rất vất vả, nhất là cảnh nấu cơm chiều vì trời mưa, cây rừng ướt, việc nhóm lửa nấu cơm rất khó khăn. Đoàn quân đi trong im lặng. Sau trạm 251, cả trung đoàn trầm hẳn đi khi nghe tin Năng bên sư phạm ôm lựu đạn ra bờ suối tự sát. Năng bị sốt đã mấy ngày, cố theo anh em đi nhưng chắc vì quá mệt, yếu và không đấu tranh được với bản thân nên đã quyết định tìm đến cái chết. Đây là cái chết tức tưởi thứ hai sau cái chết của một chiến sĩ tại kho gạo do “quân ta bắn nhau” bên đất Lào.
Lác đác đã có người ốm sốt phải ở lại. Tiểu đội tôi có Nhuận k7, sốt cao phải ở lại trạm 252. Trời vẫn mưa rả rích, đường rừng âm u nặng nề. Không khí ngột ngạt, ẩm ướt, báo hiệu sự đe dọa của bệnh sốt rét nhiệt đới. Sáng hôm ấy, trên đường từ trạm 253 sang 254 tôi đã cảm thấy ngây ngấy, người thấy ớn lạnh nhưng vẫn cố đi. Đến trạm 254 khi trời đã về chiều, anh em trong tiểu đội như thường lệ, tỏa ra kiếm củi khô và sửa soạn nấu cơm chiều. Riêng tôi thì mệt quá, cố lê ra bờ suối rửa ráy chân tay, vào mắc võng đi nằm rồi lên cơn sốt mê man không biết gì nữa. Sáng hôm sau, khi lệnh hành quân bắt đầu rồi mà tôi không ngồi dậy nổi, y tá đơn vị đến tiêm cho một mũi ký ninh mà tôi vẫn không thể đứng dậy. Đơn vị quyết định cho tôi nghỉ lại.Tôi còn nhớ anh Toa và anh Khóa k4 hai anh hai bên xốc nách dìu tôi đi vào trong trạm giao liên, để tôi lại đó rồi các anh lại cùng đơn vị đi tiếp.
Cả ngày hôm đó tôi vật vã với những cơn sốt, người mệt nhoài, miệng đắng ngắt, hầu như không ăn uống gì. Đêm xuống, khi cơn sốt đã tạm lui, nằm trên võng trong khu nghỉ của trạm giao liên, bốn bề rừng tối đen, gió xào xạc, tôi miên man suy nghĩ. Giây phút phải xa tiểu đội, tôi bỗng thấy lẻ loi, cô quạnh như một người em, người con vừa phải rời bỏ tổ ấm gia đình. Đã 6 tháng trời gắn bó bên nhau tập luyện rồi hành quân, coi nhau như anh em, và nếu vào đơn vị chiến đấu thì cũng sống chết có nhau, có ai ngờ tôi lại phải chia tay đồng đội sớm thế và rồi thân phận tiếp theo sẽ ra sao.
Cũng may là sáng hôm sau tôi phát hiện ra : cùng nằm trong cái lán đó, cách mấy cái võng là Quỳnh k6b (hồi đó hắn bé tí nên thường gọi là Quỳnh con). Hắn nằm li bì suốt ngày, chả nói năng chi cả. Tuy nhiên chiều hôm đó chúng tôi cũng đã nói chuyện được với nhau. Sau một ngày nằm tại trạm giao liên, thấy điều kiện chăm sóc chẳng có gì, bệnh tật cũng không thuyên giảm, mọi người khuyên chúng tôi đến đội điều trị gần đó để điều trị. Chúng tôi nghe lời và quyết định ra đi mặc dù người còn rất yếu và trời vẫn còn mưa. Sáng hôm sau, dưới trời mưa phùn rả rích, đường rừng le lầy lội, hai thằng ốm dở nghiêng ngả, dựa vào nhau, dò dẫm vừa đi vừa nghỉ, thất thểu đến quá trưa mới tới được đội điều trị.
Gọi là đội điều trị nhưng cũng chỉ là vài cái lán được dựng lên ven một con suối nhỏ giữa rừng. Hai thằng chúng tôi được chỉ về một cái lán rộng chừng 20 m2, trên lợp lá cọ, dưới là hai dãy phản gỗ có một lối đi nhỏ ở giữa, trên phản đã thấy la liệt bệnh binh nằm, đa phần là sốt rét. Hai thằng kiếm một góc phản và giở tăng võng ra nằm, cơn sốt lại đến hành hạ và chúng tôi lại mê man, chìm vào những cơn mê sảng. Cái lạnh của mùa mưa giữa rừng già Trường Sơn cộng với cái lạnh do cơn sốt ác tính đem lại và hơn nữa là cái lạnh của sự chơi vơi của một thân phận giữa dòng đời mà chưa biết bấu víu vào đâu càng làm tôi lạnh cóng, răng đánh vào nhau cầm cập. Nằm ở góc phản, những lúc tỉnh lại nhìn ra xung quanh chỉ thấy những cái chăn, những tăng những võng màu cỏ úa đắp kín lên thân thể những người lính nằm thiêm thiếp, không gian đôi lúc tĩnh lặng đến rợn người.
Buổi chiều tôi cố gắng lần mò xuống nhà ăn. Quỳnh con không dậy nổi, hắn vẫn nằm sốt li bì. Nhà ăn của đội điều trị là một cái lán dựng ven một lạch nước nhỏ, trong nhà có một bếp nấu Hoàng Cầm, một bàn phát cơm và mấy cái bàn ghế ăn, tất cả đều làm bằng các thân cây rừng nhỏ buộc ghép lại. Mặt nền nhà ăn cũng lầy lội như ở ngoài đường. Người ăn ở trên còn ở dưới thì lợn ăn. Mấy chủ lợn nhỏ chạy lăng xăng và tranh nhau chí chóe nhặt các loại thức ăn thừa rơi vãi. Thức ăn là cơm độn sắn khô với cá biển kho mặn và canh rau môn thục rừng. Vì đang ốm, nhạt mồm nên tôi cũng chỉ trệu trạo nhai được một chút rồi cũng chịu, không sao ăn nổi nữa.
Sau hai ngày nằm ở đội điều trị, được tiêm và uống thuốc, tôi đã cắt cơn sốt, có thể chống gậy đi lại được. Sang đến ngày thứ ba thì tôi quyết định ra đi, phần vì thấy nằm lại đây cũng chẳng có ích gì, phần vì nhớ đồng đội, muốn đi tiếp tìm đơn vị cũ. Quỳnh con thì vẫn nằm liệt giường, đành để bạn nằm lại vậy. Nhân có một anh bạn nằm gần đó cũng đã hồi tỉnh, tôi rủ cùng đi luôn. Thế là sáng hôm đó, ngày 22 tháng 12 năm 1972, tôi và anh lính mới quen tên Phụng tạm biệt đội điều trị, khăn gói lên đường.
Hai thằng lính mới ốm dậy, tay chống gậy, vừa đi vừa nghỉ cứ theo đường mòn giao liên mà đi. Cũng may hôm ấy trời cũng đã hửng, tạnh ráo và đã có thể nghe thấy tiếng gà rừng gáy và chim hót bên đường. Đích đến là trạm giao liên 255. Từ trạm 254 đến trạm 255 chắc chỉ độ chục cây số, anh em khỏe mạnh chỉ được phép đi trong một ngày, nhưng chúng tôi do ốm sốt nên đã phải đi mất 5 ngày.
Tới quá trưa thì tới trạm 255, hai thằng vào một căn lán buộc võng nằm nghỉ sau đó thì đi tìm nhà bếp của trạm để xem có gì ăn được. Sau khi báo với nhân viên nhà bếp rằng chúng tôi là quân “thu dung” (tức là bị ốm phải đi sau, đơn vị đi trước rồi), chúng tôi nhận được những ánh mắt nhìn thông cảm và bảo ra bàn ngồi chờ. Hai thằng ra một cái bàn ngồi, Phụng tranh thủ vấn một điếu thuốc rê phì phèo, còn tôi thì ngồi chờ, bụng nghĩ chắc lại sẽ được ăn cơm độn với cá kho thôi chứ còn gì khác nữa đâu. Lúc sau, một anh nuôi mang ra một khay thức ăn mà thoạt trông tôi giật cả mình, có nằm mơ tôi cũng không thể tưởng tượng ra được, đó là một nắp vung nồi quân dụng đầy thịt. Toàn là thịt lợn luộc, những miếng thịt mỡ béo ngậy, thái miếng to, thi thoảng có lẫn vài miếng lòng và tiết cùng với chút rau rừng. Mùi thơm của khay thịt làm chúng tôi ngây ngất và không thể chờ đợi lâu hơn. Hai thằng chúng tôi ăn ngấu nghiến như chưa bao giờ được ăn vậy. Những miếng thịt luộc trắng ởn những mỡ được chấm với một thứ hỗn hợp bột muối, mì chính với tiết lợn luộc băm nhỏ, cứ ào ào trôi vào dạ dày. Có thể là chúng tôi mới ốm dậy nên ăn trả bữa chăng, có thể là chúng tôi đang đói ngấu chăng, không biết nữa, nhưng có lẽ đơn giản chỉ là đã quá lâu rồi tôi không được ăn ngon và ăn nhiều như vậy. Chúng tôi im lặng ăn và cảm nhận cái sự ngon ấy một cách hết mình, như sau này lính chúng tôi vẫn gọi là ăn ngon “quên chết” hay ăn đến mức “vẫy tai phành phạch”, và chỉ khi hai đứa chúng tôi đứng lên thì khay thịt đã sạch sành sanh, chả còn miếng nào.
Thực ra thì giữa lúc nhìn thấy khay thịt và lúc bắt đầu ăn thì có tồn tại một khoảng thời gian ngắn, trong đó anh nuôi có nói lý do vì sao chúng tôi lại được chiêu đãi một bữa thịnh soạn như vậy. Đại ý là, hôm nay là ngày 22 tháng 12, ngày thành lập QĐNDVN, trạm giao liên có tổ chức ăn tươi có thịt lợn, những ai “may mắn”qua đây đều được khoản đãi. Trời, số chúng tôi hên quá, được “một bữa no” nhớ đời. Chắc là, khi chúng tôi đến thì đã quá trưa, mọi người ăn hết rồi, may cho chúng tôi là trong bếp vẫn còn một chút thì các anh lấy ra cho chúng tôi hết cả.
Ăn uống xong, chúng tôi đi nghỉ để lấy sức cho chặng đường tiếp theo ngày mai. Trong lòng vẫn vương vấn về bữa ăn bất ngờ chiều hôm đó. Quả thực là một kỷ niệm ngọt ngào khó quên đối với những người lính luôn phải đương đầu với những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống. Cho mãi đến tận bây giờ, cứ mỗi khi ngày kỷ niệm 22 tháng 12 đến, cảm giác về một “bữa no nhớ đời” vẫn hiện về trong tôi, nhắc tôi nhớ về một thời kỳ gian khổ mà tuổi thanh xuân của tôi và các đồng đội đã trải qua.
May cho Liệu quá! Mình không nhớ được kỷ niệm nào hay đến thế về ngày 22-12. Mình rời đoàn 1040 ngày 19-11 tại trạm 36, đã có lúc định bỏ B1 mà đi thẳng B2 cho được xa, được qua nhiều vùng đất của Tổ quốc hơn nhưng rồi ý định tìm lại các bạn bè ở 1040 đã kéo mình rẽ về B1... Cũng chưa có nhiều dịp để kể lại chuyện xưa nên có blog rồi hy vọng mình sẽ có thể thu thập được nhiều chuyện, nhiều tư liệu để viết thành một tập "quân sử đoàn 1040" về tất cả các nhánh, các thành viên cho đến lúc lại tập trung về trường. Nghe có vẻ to tát nhỉ? Nhưng mình thích như vậy, Liệu và các bạn cùng nhau thực hiện nhé!
Trả lờiXóaChuyện thằng Năng,thằng nào biết không?đặc biệt là mấy bố SP,NÓI ĐI
Trả lờiXóathật là ấn tượng . mình cũng thế , nhớ tới 22/12 trong lính là nhớ tớibữa ăn tươi mong chờ
Trả lờiXóaHôm nay qua giới thiệu của Lê Phóng,mình mới lần đầu tiên về ngôi nhà chung ccb sinh viên ĐH,
Trả lờiXóaXin chào tất cả các bạn:
Hành quân vào nam.
một khoảng thời gian ,một chặng đường gian khổ rất đáng nhớ trong cuộc đời quân ngũ-tuy nhiên khoảng thời gian này được khắc họa trong bức tranh tổng thể còn mờ nhạt ,thiếu sức sống và sự chân thực đặc biệt trong thơ ca ,nhạc và cả bức ảnh rất đẹp ở trên ,cũng mới chỉ là sự lãng mạn...
Cảm ơn anh Trần vũ Liệu đã nói đươc một phần gian khổ rất thực chặng đường đó ,quá khứ ngồn ngộn ùa về ,những cơn mưa rừng ào ạt ùa về,cả cái đói ,caí rét...hồi ấy-rất cảm ơn anh
Chào Hà Nhân! Mong bạn thường xuyên ghé thăm và cả đóng góp bài viết và bình luận với các CCB sinh viên. Chúc bạn và gia đình sức khỏe và hạnh phúc!
Trả lờiXóaChào HÀ Nhân !
Trả lờiXóaNghe đại danh của anh đã lâu rồi ,sao hôm nay mới thấy xuất hiện,nhiêt liệt chào mừng đồng chí PCT - CCB -1040 ĐHSP...