Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Cuộc hành quân lần thứ 2 vào Tây Nguyên


 Kí của Nguyễn trọng Luân

 Đúng 40 năm. Hôm nay, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã ngoài tám mươi tuổi lại dẫn đầu những người lính sư đoàn 320A hành quân vào Tây Nguyên. Trời miền Bắc đầu đông, se lạnh. Đội hình hành quân náo nức, rộn ràng, mà sao vẫn rưng rưng vừa vui vừa buồn. Ngày 7/12/1971 khi rời Kỳ Anh, Hà Tĩnh cả sư đoàn 320 nườm nượp tuổi xuân tiến về phía bom đạn mang khí thế một đơn vị vừa đại thắng Đường 9 - Nam Lào. Còn hôm nay đội hình chỉ hơn một trăm người lính ngày ấy đầu bạc phơ, nhiều bước chân lập bập, giọng nói khẽ khàng. Lính “trẻ” tuổi sáu mươi dắt tay  lính “già” tuổi bẩy tám mươi lên xe. Tiếng gọi đồng chí nay chỉ còn lõm bõm, cả đoàn quân gọi nhau bằng ông, bằng cụ. Nhưng với những người chỉ huy năm xưa họ vẫn một điều  “thủ trưởng’’ hai điều “báo cáo thủ trưởng”. Chiến tranh lùi xa gần bốn mươi năm nhưng kỉ luật quân đội cách mạng đã ngấm vào máu những người chiến binh quả cảm năm nào, dù bây giờ họ là dân thường, quen với cuốc với cầy. Trung tướng Khuất Duy Tiến lại một lần trong đời -sau mấy chục năm-  phát lệnh hành quân. Mắt ông ngân ngấn nước, ông nhìn những người lính đã từng cùng ông đi xuyên qua từ Quảng Trị -Mậu Thân, đến Tây Nguyên “mùa hè đỏ lửa”, qua chiến dịch HCM, cuốn như cơn lốc sang chiến tranh Biên giới Tây nam, lên biên giới phía Bắc. Trước mắt ông là những lão nông, những cán bộ nghỉ hưu ở nhiều tỉnh thành cơm nắm đồ đoàn về đây cùng ông hành quân quay lại chiến trường xưa. Nơi chúng tôi đến, là nơi một thời tiếng súng, tiếng bom và máu lửa. Bây giờ đó vẫn là nơi chúng tôi đi đến, mảnh đất chiến địa cũ năm xưa thế nào, chúng tôi chưa hình dung ra. Chúng tôi chỉ biết rằng ở đó có những đồng đội của mình đang chờ, những hương hồn chết trẻ đang nôn nao đón những người một thời đã cùng nhau chia đạn, sẻ bom cùng nhau bẻ miếng cơm ngấm nước mưa dưới chiến hào sặc mùi khói súng. Ở đó những căn hầm mục lá, những chiến hào, khe suối có bước chân trai trai trẻ của mình, ở đó là nơi chúng tôi để lại tuổi xuân, để lại một phần xương máu và từ nơi đó chúng tôi đã trưởng thành.

 Thủ đô lùi lại phía sau, vùn vụt loang loáng những chung cư ngất cao xanh đỏ, những dòng người và xe cộ nhoang nhoáng hối hả, bình yên. Đoàn quân lặng im, bồi hồi. Chúng tôi đang đi tìm tuổi trẻ của chúng tôi, chúng tôi đang trở lại chính mình, chúng tôi đang tìm về nơi để soi mình vào đó để thấy mình có xứng đáng là mình nữa hay không, có xứng đáng với hương hồn đồng đội hi sinh ngày xưa ấy. Cái ngày xa đã bốn mươi năm. Trước lúc hành quân, trung tướng Khuất Duy Tiến dẫn đầu ban liên lạc bạn chiến đấu sư đoàn Đồng Bằng đến thắp hương cho người anh cả đại đoàn là cố Đại tướng Văn Tiến Dũng. Trung tướng lau nước mắt mà thưa: Báo cáo anh, hôm nay tôi đưa anh em cựu chiến binh của sư đoàn về thăm lại chiến trường Tây Nguyên, Quảng Trị, để thắp hương cho những đồng đội của sư đoàn… kính cáo anh…  “Nhìn giọt nước mắt của người tướng già ngoài tám mươi tuổi chúng tôi xao xuyến nghẹn ngào. Kim chỉ có đầu, người Việt nam xưa nay vẫn thế.
            Chúng tôi bồi hồi, nhớ ngày xuất quân tròn bốn mươi năm trước. Khẩu hiệu “Đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng” mà ngày ấy mỗi chiến sĩ sư đoàn Đồng Bằng đều tự nhủ với lương tâm mình. Cuộc ra quân ngày ấy còn có sư đoàn trưởng Kim Tuấn. Bây giờ ông đã yên nghỉ trong Nghĩa trang Mai Dịch. Hôm nay, không có ba lô, không có súng đạn mà sao chúng tôi thấy đồ đạc nặng thế. Bó nhang mang đi để thắp cho đồng đội đã gánh nặng cả mấy chục năm trời. Nhành hoa mang từ Thủ đô, màu hoa chắt lọc, vắt kiệt mấy chục mùa nắng để bây giờ đồng đội mang tặng nhau. Rất nhiều người lính trong chuyến đi này mang theo mảnh giấy ghi tên tuổi, ngày hi sinh, hòm thư, đơn vị của bạn mình ngày xưa những mong tìm thấy nơi đồng đội mình còn an nghỉ đâu đó ở vùng đất cao nguyên ấy. Trích ngang của người lính chúng tôi cả khi sống và khi đã chết đơn sơ nhẹ nhàng như thế. Chỉ mảnh giấy có vài dòng chữ thôi là tuổi trẻ của chúng tôi được cách mạng biên chế vào cuộc kháng chiến thần kì của dân tộc. Chỉ vài dòng chữ viết tay là chúng tôi có thể hiến dâng cả tuổi xuân của mình. Sau khoảng thời gian lắng đọng xót xa chợt cả xe cất tiếng hát, lại hát những bài ca ra trận năm nào, chúng tôi hát trong nước mắt, trong  tự hào, trong nỗi niềm hồi tưởng của đời người mà đâu phải ai cũng có. Xe lại qua đèo Ngang. Cái buổi sáng 7/12/1971 ấy, khi đoàn quân lên đèo ngồi trên xe chúng tôi ngoái nhìn lại phía sau, ngoái nhìn về miền Bắc mà tràn trề nỗi mong ngày trở lại. Tạm biệt những Kì Tân, Kì Tây, Kì Thượng… Tạm biệt miền Bắc thân yêu. Chúng tôi sẽ trở về,  trở về trong chiến thắng. Hôm nay qua đèo Ngang lại bỗng nhớ Sư đoàn trưởng Kim Tuấn, người chỉ huy cuộc hành quân tháng 12 năm 1971, lại nhớ những thủ trưởng các trung đoàn dạn dầy trận mạc, nhớ hàng ngàn động đội ra đi hôm ấy không về. Bốn mươi năm qua họ không thêm một tuổi nào trên mảnh đất cao nguyên.
            Phải mất 4 năm sau, lác đác trong số những người ra đi từ Kỳ Anh hôm ấy mới trở về. Và trở về đâu phải là nguyên vẹn.
Chúng tôi qua sông Gianh (có lẽ tác giả nhầm vì Cự Nẫm không nằm bên bờ Gianh - BBT). Con sông ngày ấy chúng tôi từng một lần vượt qua ở chót làng Cự Nẫm. Bao nhiêu người bạn không về để được một lần vục mặt xuống làn nước mát thấm ướt câu hò nữ thanh niên xung phong.
Chúng tôi bồi hồi khi xe qua cầu Hiền Lương. Trong số chúng tôi ngồi đây hầu như mới qua Hiền Lương một lần. Một lần là của ngày trở về từ miền Nam sau giải phóng, cây cầu cũ kĩ ngày ấy phải mấy chục năm chiến đấu mới được đi qua. Bây giờ Hiền Lương đứng đó, nườm nượp xe ra xe vào bình thản. Nhưng với những người lính chiến chúng tôi thì không bình thản chút nào. Nó vẫn nôn nao lên tiếng, hừng hực bộn bề kỉ niệm.
            Dốc Miếu kia, nay không còn khúc quanh đỏ đất, trắng khói  của pháo của  bom. Con dốc tử thần nay đẹp rưng rưng những rừng cao su và sừng sững tượng đài trên điểm cao một thời thắng Mĩ. Còn đó những cái tên Cồn Tiên, Dốc Miếu, Lâm Xuân, Quán Ngang… Mai Xá thị  gắn liền với E48, E52 anh hùng của chúng tôi.
Chúng tôi lại về đây ơi các dũng sĩ E64. Thủ trưởng Khuất Duy Tiến cũng về đây, tìm về chốt ngã tư Sòng, tìm về Kim Đâu, Phú Hậu, ngã ba Cam Lộ, Thiện Xuân … Tất cả chỉ thấy một màu xanh ngan ngát, những nhà cửa phố thị và những khu công nghiệp đang lên. Các anh ở đâu chúng tôi tìm chả thấy? Những dũng sĩ Bùi Đức Hậu, Trần Thành, những cán bộ mưu trí tiểu đoàn trưởng Trần ngọc Long, tiểu đoàn phó  Thuật, … bây giờ ở đâu? Chúng tôi đang đi trên màu xanh ngút ngát mọc lên từ những máu xương của các anh, chúng tôi đang đi trên nhịp đập con tim tuổi trẻ của các anh, chúng tôi đã già còn các anh vẫn trẻ. Các anh vẫn xếp hàng những tấm bia nghĩa trang hâm hập nóng, Quảng Trị ơi.
Đêm nay, chúng tôi nghỉ lại Quảng Trị. Nhưng ai mà ngủ được. Thành Cổ uy nghiêm nghẹn ngào cho mỗi bình minh và rưng rức cho mỗi hoàng hôn.
Đêm nay sau mấy chục năm vẫn thế. Quảng Trị vẫn thao thức. Mấy chục năm nay người Quảng Trị vẫn nguyên cái cảm giác khi đi gần đến Thành Cổ là ai nấy đều nói nhẹ nhàng hơn, xe chạy chậm hơn và nhìn nhau cũng trìu mến hơn.
Mấy chục năm nay, bờ sông Thạch Hãn ven Thành Cổ vẫn không ngừng nghỉ bước chân hành hương. Họ về đây lắng đọng một chút thôi để muốn mình tốt đẹp hơn, để thấy đời còn nhiều khát khao trả nợ. Sự khát khao trả nợ là phúc lộc để lại cho dân tộc mình. Đôi bờ sông trong hoàng hôn dàn dạt những chân nhang đỏ hồng sắc lửa, những chân nhang như trăm ngàn mũi chông lửa hướng lên trời, chỉ có khói nhang là xòa xanh mặt nước, khói nhang ngấm vào từng con sóng mịn màng của dòng sông, của hương đồng cây cỏ.
Làm sao chúng tôi ngủ được, khi đêm nay lại nghe thấy tiếng còi tu tu của một con tàu lớn vừa cặp cảng Cửa Việt. Nơi ấy sư đoàn tôi đã để lại bao thân xác chiến sĩ một thời, một thời các anh làm nên chiến công - Chiến công Mậu Thân của trung đoàn 48, trung đoàn 52. Trong số những người lính già đi hôm nay, có người cứ loay hoay bảo tôi, bao giờ gần tới cửa Việt chú nhắc anh với nhé. Xe tới ngã ba lối rẽ xuống Cảng Cửa Việt. Anh lập bập vái qua cửa kính xe ô tô. Khuôn mặt sạm sụa một lão nông vất vả của anh méo đi. Anh ấy khóc, gục đầu lên thành xe. Mái tóc bạc phơ của người nông dân già Sơn Tây rung lên nâng nấc. Tuổi trẻ của anh và máu của anh gửi lại nơi ấy. Anh không khóc vì thiệt thòi của mình,  anh khóc cho bao người bạn cùng đại đội anh xương cốt còn đâu trong cát trắng. Khóc vì nhìn thấy mảnh đất chiến địa năm xưa nay đã mọc lên những phố thị, làng quê tươi phơi phới.
            Ngày hôm sau xe chúng tôi qua Quảng Nam, Quảng Ngãi. Chúng tôi dõi trong màu nắng về những cánh rừng phía tây, nơi ấy có những Nông Sơn, Tiên Phước, có Ba Tơ, Thượng Đức mà nhớ tới các đồng đội ở trung đoàn 52. Chúng tôi nhớ ngày thủ trưởng Hồ Hải Nam dẫn trung đoàn đi về khu 5. Trong khói lửa chiến dịch Kon Tum năm 72 vừa tạm lắng, vừa chôn cất bạn bè ở 1049 đã vội vã đi làm nhiệm vụ mới, vội vã chia tay với sư đoàn để đi về một vùng đất mới đầy khó khăn, ai cũng bịn rịn bồi hồi. Trung đoàn 52 đã làm nên chiến công nổi tiếng Ba Tơ, rồi Thượng Đức.. . Ngày trở về với đội hình sư đoàn năm 1975 trung đoàn đã gửi lại mảnh đất khu năm này hàng trăm ngôi mộ chiến sĩ của mình. Xin gửi vào màu nắng màu gió khu 5 lời tâm sự nhớ thương của chúng tôi tới các anh.
            Đội hình hành quân lần này của chúng tôi thỉnh thoảng lại phải dừng lại để bổ sung quân số. Đó là những lão chiến sĩ nhập đội ngũ ngang đường. Từ Thái Nguyên Tuyên Quang, Sơn Tây, Phú Thọ họ về, mang theo cơm nắm cháu con gói cho, với bọc thuốc huyết áp, thuốc khớp …các bà vợ già chằng đụp để lên đường cùng đội ngũ. Qua Thanh Hóa, Nghệ An đội hình càng đông hơn. Và lại hệt như ngày xưa trên đường hành quân có đủ tiếng nói cười khu Ba khu Bốn, miền xuôi miền ngược. Những người lính ra về với núi rừng Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên nay lại đi trở về phương Nam mà lệ nhòa khóe mắt. Cái bi-đông lính thủơ nào nay là bình rượu ngô vợ chuẩn bị cho chồng chuyến đi xa. Bộ quân phục còn thơm mùi băng phiến, bàn tay chai nứt nẻ ruộng vườn. Phía trước là bao hương hồn đồng đội chờ chúng tôi. Ai mà chẳng rưng rưng thổn thức.
Đi trên đường số 1. Qua bao nhiêu thành phố làng mạc, có lúc xe chạy trên bờ biển ngời ngợi màu xanh ngó lên Trường Sơn mờ xa mà tuổi trẻ chúng tôi băng qua với bàn chân tơ tướp ngày xa xưa. Con đường ấy chẳng thể nào quay lại, chẳng thể nào tìm lại được những đồng đội đã gửi thân xác trong hang núi hay vách đá suối sâu. Chúng tôi đang đi dọc đất nước, đi dọc Trường Sơn, đi ngược về phía thời trai trẻ của mình.
Đêm thứ hai ngủ ở Tuy Hòa. Với tôi, Tuy Hòa là một đêm lộng gió mà lần đầu tiên tôi được ngủ trong vườn. Đêm 2/4/1975 ấy tôi đã từng hít gió biển và mùi tanh ngái của đồng lúa. Đêm ấy chúng tôi chôn cất xong bao nhiêu đồng đội ở chân núi Chóp Chài, ở chân đèo Cả. Những dũng sĩ đuổi địch nhào ra cửa bể Đông Tác, những dũng sĩ làm nên chiến công đánh tan hoàn toàn quân đoàn 2 của địch chạy nhào ra biển, bắt sống chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên. Các anh yên nghỉ ở đây trên bờ biển này, các anh mãi mãi nằm nghe lời ru của biển của sóng lúa Tuy Hòa thân thương. Ngày được ra về sau chiến tranh chỉ thoáng qua nơi này lúc chạng vạng tối. Bây giờ Tuy Hòa là một thành phố biển du lịch. Tôi miên man ngồi ngắm biển dưới hàng dừa hứng gió ngạt ngào. Chợt thấy thương người vợ già ở nhà một nắng hai sương không có may mắn được đi như tôi. Các đồng đội tôi cũng thế, ngoài 60 tuổi rồi nhưng dừng chân ở đâu là loay hoay đi tìm mua một thứ gì đó về tặng vợ ở nhà quê. Càng về già người lính chúng tôi đang cố gắng bù lại một khoảng đời trai trẻ chiều chuộng yêu thương mà mình thiếu thốn.
Sáng hôm sau xe ngược đường 25 lên Cheo Reo Phú Bổn. Qua Củng Sơn Phú túc, vượt đèo Tu Na về thung lũng Cheo Reo... Con đường số 7 năm xưa đuổi địch  đâu còn  ghềnh thác mà đã phẳng lì trải nhựa êm ru. Ai cũng xốn xang nhoài ra cửa muốn ngó tìm những dáng hình thân quen một thủơ. Từ lúc xe vào huyện Sơn Hòa, cả xe xao xuyến rồi lặng im. Đây, con đường kẻ thù hãi hùng rút chạy tháng 3/ 1975. Đây, con đường mà người lính chúng tôi vừa đánh địch vừa giúp dân qua cơn hoạn nạn của cơn lũ di tản. Xe chạy dọc bờ sông Ba nước đỏ ngày nào, con sông nhấn chìm bao xe tăng và vũ khí hiện đại của kẻ địch. Bây giờ hiền hòa làm sao. Chúng tôi đi qua những cánh rừng ngút ngát là mía, là keo, đi qua nương rẫy chập chùng, đi qua những nhà máy mới mọc lên, nơi mà ngày xưa đuổi địch chỉ là rừng hoang với con đường heo vắng. Vượt đèo Tu Na chúng tôi nhìn thấy ngã ba hai con sông hợp lưu nên dòng sông Ba. Đây rồi hai con sông Adun và sông Pa chập vào nhau để làm thành thung lũng Cheo reo. Trời bỗng rộng ra với đồng lúa Adun Hạ tít tắp, nhà cửa phố xá tươi ngời ngợi. Ở cái thị xã này, nơi trận đánh lịch sử của sư đoàn chúng tôi đập tan đội hình mấy chục ngàn quân địch để rồi tạo nên đòn quyết định thứ hai làm xuất hiện thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhưng lạ quá không còn thấy đàn ông đóng khố cởi trần, không thấy thiếu nữ đeo gùi đi nương. Tiếng cười nói của trai gái áo quần xanh đỏ lanh lảnh rơi xuống ven rẫy bắp vừa thu hoạch thơm một vị thơm lâng lâng. Một đàn bò ăn nhởn nhơ lưng đèo bên cô chủ xinh tươi đang nhí nhoáy nhắn tin trên điện thoại di động.
Bức ảnh trên cùng từ trái qua phải :
anh hùng Đại tá Nguyễn Vi Hợi (người bắn cháy 9 xe tăng trong một ngày 18/3/75 ở Cheo Reo). Trung tướng Hoài nguyên trưởng ban bảo về sư đoàn 320. Đại tá cục phó cục quân lực bộ QP Nguyễn Công Dung. Đại tá phó tư lệnh quân đoàn 3 Khuất Duy Hoan. Nguyễn Trọng Luân (đeo lon trung tá), a trưởng trinh sát D8 E64 F320, vợ chồng trung tướng Khuất Duy Tiến nguyên tư lệnh quân đoàn 3, sư trưởng 320 thời đánh Pôn pốt. Nguyễn Văn Lệ chánh thanh tra sở Giáo Dục Tuyên Quang, người cắm cờ trên căn cứ Thuần Mẫn Ban Mê Thuột. Đại tá Thân Như Ngôn người dũng sĩ trận Chư Nghé, SV k4 cơ điện Bùi Tiến, k5Ia cận vệ của thiếu tướng Nguyễn Đằng Bộ tư lệnh B3. Đại tá (rởm)Nguyễn Doãn Thọ, sư đoàn 308 đánh Quảng trị .
Mười giờ sáng, nắng vàng ươm trên cây hai cây cầu Sông Bờ và cầu Cây Sung. Chúng tôi thật cảm động khi gặp sư trưởng sư đoàn 320 Trần Đức Hán đứng đón đoàn ở đầu cầu Cây Sung. Những cựu chiến binh trên xe aò xuống ôm lấy người chỉ huy trẻ của sư đoàn. Nhước mắt rưng rưng, đây rồi người nhà đây rồi. Các CCB trung đoàn 64 ồ lên, trận địa mình đây rồi. Anh hùng Nguyễn Vi Hợi đứng lặng trong bãi rừng thưa lúp xúp ở cầu Sông Bờ, anh nhìn ra xa xăm, 37 năm rồi anh trở về đây, nhớ cái ngày 18/3/1975 hàng chục xe tăng đã bị đại đội anh thui cháy. Biển lửa Cheo Reo là chứng tích một trận truy đánh hoàn hảo của sư đoàn. Nhưng cũng ở đây trong cái ngày đập tan cuộc co cụm của quân đoàn 2 ngụy hơn một trăm chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại. Từ trên xe, vợ chồng thiếu tướng Bùi Huy Bổng, vợ chồng trung tướng Khuất Duy Tiến bước xuống. Những người chỉ huy ngoài 80 tuổi tay rừng rực bó hương trầm dẫn đầu hơn một trăm người lính già tiến lên đài tưởng niệm. Chói chang nắng, ngạt ngào hương thơm và hoa mang từ Hà nội. Chúng tôi cúi đầu nghĩ về  đồng đội. Trong lặng im thổn thức bỗng một con chim Kơ-Tia bay qua buông tiếng kêu như tiếng vọng từ mấy chục năm trở về.

Đoàn cựu chiến binh và các tướng lĩnh sư đoàn 320 dâng hương ở đài tưởng niệm các liệt sĩ sư đoàn ở Cheo Reo ngày 6/12/2011

Tại thung lũng Cheo Reo này, hôm nay Thị ủy, UBND, MTTQ cùng hội CCB đã long trọng tổ chức lễ đón đoàn. Trang trọng là thế, uy nghiêm là thế mà nước mắt cứ nhòa đi. Trung tướng Khuất Duy Tiến nghẹn ngào nhắc tới hơn một trăm chiến sĩ nằm lại nơi đây. Có chiến thắng nào mà không xây nên từ hi sinh mất mát? Có hạnh phúc nào không đổi bằng sự khổ đau. Sự tích anh hùng là của lịch sử. Chúng tôi, những người lính thay mặt cho lịch sử làm nên chiến công. Chiến công là chiến công của lịch sử dân tộc. Chúng tôi tự hào vì được lịch sử đất nước chọn lựa đứng vào đội hình ngày ấy.
Các CCB đại học cơ điện trên đường 19 bạt ngàn hoa cúc quì
            Tạm biệt thung lũng Ajun Pa xinh đẹp, đoàn chúng tôi vượt đèo Chư Xê về Plây-cu. Còn đây, con đèo đẹp như trong mơ, xanh ngút ngát hồ tiêu và cà phê. Nơi đây tháng 3/1975 trung đoàn 48 đã kịp hành quân chặn đánh kẻ thù. Từ hướng này trung đoàn 48 đã áp vào Buôn Hồ làm đà cho trung đoàn 64 tiêu diệt địch. Đứng trên đỉnh đèo nhìn về Cheo Reo một màu xanh như khói, những vạt hoa cúc quì chạy miên man xuống chân đồi. Trận địa năm xưa bây giờ như một bức tranh, để chúng tôi mang theo trong lòng về quê hương miền Bắc.
            Chiều Plây-cu nắng ươm heo heo trên từng phố núi. Thành phố thanh bình là thế mà mấy năm chiến đấu ước mơ tiến vào thành phố vẫn không thành. Phía xa kia, những ngọn Chư-groong-rang, Chư-gara sầm sẫm. Nghĩa trang Plây-cu nhìn quay ra phía ngọn Hàm Rồng. Nghi ngút khói hương, ầng ậng nước mắt của tướng lĩnh của những người lính già đi dọc hàng quân xếp hàng từ mấy chục năm nay. Chiều nắng, vòng hoa của đoàn cứ rưng rưng vàng, cứ như đâu đây đồng đội chúng tôi vừa qua cơn sốt. Sống khôn thác thiêng xin các anh chứng giám. Rằng, chúng tôi đã về đây dẫu dù có muộn. Các anh thì trẻ, chúng tôi thì già. Đồng đội ơi!
            Chiều nay, chúng tôi xếp hàng vào nhà tưởng niệm sư đoàn. Bốn bức tường ghi tên mười bốn ngàn liệt sĩ của sư đoàn tôi. Đồng đội ơi, hãy đội đất trở về đi, để sư đoàn ta làm thành mấy sư đoàn. Hãy xếp hàng cùng chúng tôi, để ngắm  nhìn tổ quốc mình bây giờ tươi đẹp hùng vĩ đổi thay. Đồng đội của các anh chắt trong nghĩa tình tâm can đúc nên quả chuông để hôm nay mang về đây dâng lên tượng đài. Trong thinh không xin gửi tiếng chuông nối miền tâm thức của chúng tôi với linh hồn đồng đội. Tiếng chuông đưa chúng tôi về cõi lặng ở đó không có sự bon chen, đen bạc đời thường, tiếng chuông đưa chúng tôi về đứng trước các anh để soi lòng mình cho rõ, để ngộ ra rằng mình có xứng đáng với thương hiệu người lính Đại đoàn Đồng Bằng hay không?
Chiều trước khi rời Plây-cu, đoàn chúng tôi đi dọc đường 19 kéo dài. 40 km thôi, thế mà suốt ba năm ròng Sư đoàn lăn lộn đánh địch giành dân, nhịn đói nhịn khát mà chiến đấu, mà hứng chịu pháo kích Hàm Rồng, pháo Thanh An, pháo Mĩ Thạch và những trận bom của máy bay địch từ sân bay Cù Hanh. Chúng tôi sống kiên cường và làm nên chiến công Đức Cơ, Thánh Giáo, Chi Bồ, Chư Nghé, Lệ Ngọc, đồi 30, đồn Tầm, chốt Mĩ … vẫn sừng sững kia, ngọn Chư-rông-rang, chư-gara, làng Dịt. Chúng tôi đi trong bạt ngàn rừng hoa cúc quì, trong bạt ngàn rừng cà phê cao su hồ tiêu, những cứ điểm năm xưa bây giờ là phố thị là nhà hàng là những mái ngói trẻ trung phơi phới. Chúng tôi cứ nghĩ mỗi bông hoa Cúc Quì kia là một linh hồn còn trẻ. Vì thế hoa muôn đời rưng rưng vàng ngả nghiêng trong gió. Hoa nhiều quá và gió cao nguyên nhiều quá. Trong màu xanh rưng rức kia có máu của anh em sư đoàn chúng tôi, hương hồn liệt sĩ sư đoàn đã hóa thành hoa thành trái thành niềm tin hi vọng của cao nguyên. Chúng tôi nhớ tới các đồng đội ở những đơn vị bạn đã gắn bó sẻ chia hiểm nguy với sư đoàn ngày ấy. Chúng tôi nhớ tiểu đoàn 631, nhớ trung đoàn pháo phòng không 593, nhớ tiểu đoàn xe tăng 198 nhớ trung đoàn 40 trung đoàn 675… các đồng đội ở huyện 4, huyện 5 Gia Lai gian khổ. Chúng tôi không quên đội điều trị 17, mãi  nhớ những cô gái rừng xoài Đức Cơ ngày xưa. Chúng tôi ra về mà bần thần không muốn rời xa cán bộ chiến sĩ sư đoàn. Thật xúc động khi gặp đội hình các cán bộ cấp trung đoàn đứng chào nghiêm trang khi đoàn đi tới đại bản doanh Sư đoàn. Chúng tôi lại gặp đây Thăng Long, đây Quyết Thắng, đây Đông Biên (Tây tiến) đây Kinh Thanh, những cái tên hào sảng một đời trận mạc. Chúng tôi cảm động  khi nhìn Sư đoàn trưởng Hán và toàn bộ ban chỉ huy nhiều ngày vất vả bận rộn tổ chức đón đoàn. Ai cũng rưng rưng nước mắt  khi thấy Sư đoàn trưởng Hán vừa khóc vừa đỡ tay thiếu tướng Bùi Huy Bổng lập bập xuống xe. Chúng tôi về với ngôi nhà của mình trong tình yêu sâu nặng mang thương hiệu Đại Đoàn Đồng bằng.
Mai chúng tôi về, xin gửi niềm hi vọng nơi các anh, những cán bộ chiến sĩ sư đoàn đang gánh nhiệm vụ gian khổ mà vinh quang trên nóc nhà của tổ quốc. Chúng tôi, những người lính già của sư đoàn trân trọng gửi niềm tin vào truyền thống sư đoàn.

Tạm biệt cao nguyên, tạm biệt nơi một thời máu chúng tôi đã đổ, tạm biệt nơi tuổi trẻ đời mình, chúng tôi ngược Kon Tum về miền Bắc. Chúng tôi lại qua dòng Đakpla, qua Tân Cảnh, Đăk Tô. Chúng tôi kính cẩn nhớ tới đồng đội sư đoàn 10 đang nằm trên mảnh đất này. Ngoái nhìn phía tây Đăk Tô, vẫn nhận ra ngọn 1015 xám bạc, vẫn nhận ra ngọn 1049 lở lói. Tôi ngước nhìn sang trung tướng Khuất Duy Tiến. Ông già lặng im.  Khi xe chạy vào đoạn để nhìn rõ ngọn 1015 ông ngó sang trái, ông thẫn thờ, giọt nước mắt người tướng già ứa ra. Tôi hình dung ra cái ngày 12, 13 tháng tư năm 1972. Hơn hai trăm dũng sĩ của trung đoàn 64 mãi mãi không về.
Chúng tôi chạy dọc con sông Pô Kô, chúng tôi chạy dọc kí ức máu lửa của đời mình. Chúng tôi đã tìm về nơi trong sạch nhất của tâm hồn mình. Chuyến đi này là một lần thắp sáng lại niềm tin trong chúng tôi, chuyến đi này chiêm nghiệm cho một cuộc đời, cuộc đời người lính. Xe lên đèo Lò Xo. Hơn một trăm lính già lặng lẽ bồi hồi nghe lời bài hát của một CCB trong đoàn…
“ thắp sáng một niềm tin tương lai , thắp sáng một niềm tin không phai . Đồng Bằng ơi! Mãi gọi tên Sư đoàn …”

Pờ lây cu 6/12
Hà nội 12/12/2011

Nguyễn Trọng Luân chiến sĩ trinh sát E64

16 nhận xét:

  1. Đặng văn Toàn K6MB thuộc đại đội 11 trung đoàn 52 của 320 xuống quảng ngãi năn 1972 và hy sinh đầu 1973 ở Ba tơ .Đặng văn Khanh K6MA không rõ C nào cũng hy sinh 1973 khoảng tháng 5 hay 7 gì đó cả hai hiện không rõ phần mộ .Nếu có đồng đội nào biết thì lên tiếng để báo cho gia đình .Cìn rấy nhiều Cơ Điện K5,K6 đi đợt 7-1071 vào 320 ngày đó hy sinh mà chưa rõ nữa như Long,Trung ,Thường K6I.Đới sỹ Liêu K6A...Trời xanh có thấu không hãy nhờ người báo cho chúng tôi biết về những đồng đội đã hy sinh đó đi...

    Trả lờiXóa
  2. Thật là một chuyến đi đầy kỷ niệm, đầy nước mắt và gió ngàn Trường sơn. Bài ký là một chuỗi những hồi ức về quá khứ và hiện tại đan xen nhau, lúc dồn dập như sóng biển dâng cao lúc lăn tăn như sóng vỗ bờ. Theo bước chân của đoàn hành hương về với chiến trường năm xưa, ta thấy hiện lên một Trường Sơn hoành tráng, hiện đại mà ẩn trong màu xanh mướt ấy có biết bao máu xương của những người chiến sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Bài ký rất hay, cảm động và có sức truyền cảm lạ kỳ.

    Trả lờiXóa
  3. Luân có khiếu nhất trong thể loại ký! Đọc mà cứ tưởng như mình cùng đi với Luân thật. Mà thật ra Luân cũng có đi thật đâu? Thế mới hay chứ. Theo mình biết thì Luân đi ngược lại kia mà, như Thọ viết đấy.
    Thật là một cây bút ký hàng đầu hiện nay của CCB.

    Trả lờiXóa
  4. Bạn lính 1040 có nhận xét rất hay,rất trúng về bài ký.Luân thật giỏi...

    Trả lờiXóa
  5. Đũng nói đúng đấy Bọn mình đi tiền trạm đến trước theo lối Alưới nhưng đoàn chính gấn 150 CCB sư 320 đi theo lối kia ,Luân phải tôn trọng và káy cảm xúc chung của đồng đội chứ .cái giỏi cái hay ,cái tài của Luân là ở chỗ đó :chắt loc khi lắng nghe và đặt toàn cục lên còn cụ thể chuyến đi thì giành cho Yhọ viết rồi.

    Trả lờiXóa
  6. Không phải Luân tài cán gì đâu . Khi viết cứ như có người mách bảo phải viết như thế các bạn ạ . Tôi viết một mạch 4 tiếng đồng hồ . đến trưa 12/12 thì xong . viết xong ấn linh tinh mất biến không còn nữa . Ngồi khóc , bỏ cơm trưa . Suốt chiều hôm ấy gọi cho bạn bè tìm cách tìm lại . chập tối , mình ngồi trước máy nhắm mắt và khấn đồng đội : hãy giúp tôi , tìm lại được bài viết này và tôi lại khóc . Vừa lúc con trai về thế là bố con loay hoay chừng một tiếng thì tìm ra được . Tôi hét vang nhà ôm lấy thằng con mà hét vợ tôi chạy lên hốt hoảng . Tôi cám ơn hương hồn đồng đội giúp tôi . hay , dở cũng là nỗi lòng mình các bạn ạ . cámơn các bạn đọc và đồng cảm với tôi

    Trả lờiXóa
  7. mình không là lính f320 ,nhưng mình biết nhiều trận đảnh của f320,mình cùng đi với Luân ,cũng có những cảm xúc như vậy ,chỉ khác là mình không viết ra được !cảm ơn Luân đã nói hộ bọn mình !

    Trả lờiXóa
  8. Mình ghi chú :
    Bức ảnh trên cùng từ trái qua phải :
    anh hùng Đại tá Nguyễn Vi Hợi ( người bắn cháy 9 xe tăng trong một ngày 18/3/75 ở cheo reo ) .Trung tướng Hoài nguyên trưởng ban bảo về sư đoàn 320.Đại tá cục phó cục quân lực bộ qp nguyễn Công Dung . Đại tá phó tư lệnh quân đoàn 3 Khuất Duy Hoan .Nguyễn trọng Luân a trưởng trinh sát D8 E64 F320 .vợ chồng trung tướng Khuất duy Tiến nguyên tư lệnh quân đoàn 3 , sư trưởng 320 thời đánh Pôn pốt .Nguyễn văn Lệ chánh thanh tra sở Giáo dục tuyên quang , người cắm cờ trên căn cứ Thuần mẫn Ban mê thuột . Đại tá thân như Ngôn người dũng sĩ trận chư nghé , SV k4 cơ điện .Bùi Tiến , k5Ia cân vệ của thiếu tướng Nguyễn Đằng Bộ tư lệnh B3. Đại tá Nguyễn Doãn Thọ , sư đoàn 308 đánh Quảng trị .

    Trả lờiXóa
  9. bức ảnh thứ 2 :
    Đoàn cựu chiến binh và các tướng lĩnh sư đoàn 320 dâng hương ở đài tưởng niệm các liệt sĩ sư đoàn ở cheo reo ngày 6/12/2011

    Trả lờiXóa
  10. Bức ảnh thứ ba : Các CCB đại học cơ điện trên đường 19 bạt ngàn hoa cúc quì

    Trả lờiXóa
  11. Sau lưng các CCB ở ảnh đầu là núi Hàm rông mộtcăn cứ pháo binh nguỵ cũ lúc khoảng 8g ngày 6-12
    vị trí chụp bức ảnh thứ 3 ở đầu đường 19 khi đi Đức Cơ về gần chân núi Hàm rồng khoảng 10g ngày 7-12

    Trả lờiXóa
  12. một độc gia ở miền nam , nhưng là người bắclúc 11:34 20 tháng 12, 2011

    các bác thật nặng lòng với với quãng đời là lính . Bây giờ , tìm được những người như các bác đâu dễ . Các bác CCB làm chúng cháu thế hệ sau khâm phục . kính chúc các bác nhân ngày 22/12 : Mạnh khoẻ , vui vẻ , yêu đời và luôn để thế hệ sau noi theo .

    Trả lờiXóa
  13. Dù không phải là CCB, nhưng tôi cũng là người lính đang gắn bó cùng Tây Nguyên bao năm qua. Bản thân tôi tôn thờ người lính Trường Sơn như Ba tôi bao nhiêu thì cũng vô cùng cảm phục và kính trọng các bác bấy nhiêu, những con người thực sự thuộc về thế hệ Hồ Chí Minh một cách đúng nghĩa.
    Với tôi, các bác là những tấm gương trong vắt giữa thời "gió cát" văn hóa lịch sử này. Theo tôi, việc đi, rồi đến và tâm tư của các bác còn mang giá trị giáo dục cho thế hệ trẻ gấp trăm ngàn lần những cuộc "diễn thuyết vỏ bầu" trên các diễn đàn thời "hội nhập" của một số quan chức ngày nay.
    Tôi xin kính chúc tác giả, các bác CCB nói chung và CCB của fBBCG320 nói riêng một lời chúc tốt đẹp. Mong các bác luôn khỏe để lại có dịp hành quân vào Tây Nguyên cùng chúng tôi.
    Hẹn gặp lại các bác!

    Trả lờiXóa
  14. Cảm ơn Bạn Hoàng lính đương nhiệm đã tham gia với CCB chúng Ta ,mong được gặp Bạn thường xuyên nhé.

    Trả lờiXóa
  15. Nghiêng mình thắp nén nhan tưởng nhớ linh hồn các anh. Cảm ơn các anh, các chú, các bác đã cho chúng cháu có ngày hôm nay

    Trả lờiXóa
  16. Nghiêng mình thắp nén nhan tưởng nhớ linh hồn các anh. Cảm ơn các anh, các chú, các bác đã cho chúng cháu có ngày hôm nay

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]