Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Đêm ấy ở Gia nghĩa


Truyện ngắn ngắn
                                                                                                 Nguyễn Trọng Luân
  
Ba mấy năm rồi, chẳng biết Gia Nghĩa bây giờ ra sao. Khi nghe cái tên thị xã Gia Nghĩa của tỉnh Đắc Nông mới thành lập mà trong lòng cũng thấy nao nao mừng. Xa lắm, thời gian cũng đã lâu lắm nay trong tôi bỗng hiện về một thị trấn đất đỏ ngày xưa, nườm nượp quân giải phóng, nườm nượp xe pháo trong cái đêm mùa xuân 1975 không quên.
             11 tháng tư năm 1975
Sư đoàn chúng tôi hành quân tới Gia Nghĩa.
8 giờ tối.
            Trước mắt tôi là một vùng dân cư đỏ quạch đèn trên từng con đường đất đỏ. Bao nhiêu đơn vị hành quân bộ, hành quân cơ giới, xe pháo ùn ùn khiến bụi đỏ ngầu lên trong ánh đèn. Trước mắt tôi, Gia nghĩa là một thị trấn đỏ. Đỏ cả những cái xe bò vàng chất đầy gỗ. Thậm chí tôi nhìn thấy cả những bãi gỗ cũng xẫm mầu ba zan. Xe trinh sát của tôi dừng lại một ngã ba trước một xưởng cưa. Ngay kề bên xưởng cưa là một cái chợ. Đèn sáng và chợ vẫn họp. Hay thật. Chiến tranh vừa qua nơi này vài tuần. Nhịp sống vẫn bình thường như chưa hề xẩy ra cuộc tấn công nào vào đây.
          Anh Tuần tiểu đoàn trưởng bảo tôi và Thịnh xuống xe, xách cái can nhựa xin nước. Tôi mang theo cái bi đông ngụy vào sau chợ. Hai thằng chen qua mấy hàng quán chộn rộn những người và bộ đội. Một quán hàng khá sạch sẽ và sáng đèn. Cô gái ngồi trong quầy hàng đến là xinh. Hai thằng dừng lại ngay. Dừng lại rồi mà cứ bần thần. Một người đàn ông trung niên chạy vội từ trong nhà ra. Thưa quí anh, quí anh cần gì ạ? Xin chú can nước. Dạ có ngay. Ông bảo cô gái, con lấy nước cho mấy chú. Trong lúc Thịnh đi lấy nước tôi ngước nhìn căn nhà. Tôi nhìn đến đâu người đàn ông nhìn theo đến đó. Trên tường là những bức ảnh gia đình, ca sĩ tây phương lạ lẫm, rất nhiều ảnh dáng chừng thành viên gia đình, nhưng không có một tấm ảnh nào là binh sĩ. Một cây ghi ta treo ngay ngắn góc nhà. Thoáng thấy đôi mắt ông nhíu lại. Vừa lúc cô gái và Thịnh xách nước ra. Tôi bước lại gần cây đàn búng vào chùm dây. Cô gái tươi lên. Của anh trai em đó. Và chợt như lỡ miệng cô ngừng bặt. Dạ thưa là… à của anh nó … nó… chỉ là địa phương quân. Mặt người đàn ông tái đi, miệng lắp bắp. Cây đàn thật tuyệt. Tuy cũ nhưng được chủ nhân giữ gìn, chắc hẳn cũng phaỉ là  người sành chơi đàn.
          ... Anh hai  em hiền lắm ạ. Ảnh mua cho em ngày em thi đậu vào trung học trên Ban Mê Thuật. Tôi hỏi: cô chơi đàn được hả, cho chúng tôi nghe đi! Mắt người con gái sáng lên. Người cha chau mày, im lặng. Tôi và Thịnh đứng ngây giữa gian nhà thơm mùi ca-may từ cô gái với can nước và bên cạnh là hai bố con với cây đàn ghi ta. Ngoài kia, tiếng xe xích gầm gừ, tiếng gọi nhau, tiếng chân chạy và tiếng hô chỉnh đốn đội hình ầm ào.
Lặng lẽ. Cô gái nhìn người cha. Ông quay mặt đi, lo lắng. Chuyện gì sẽ xẩy ra đây? Tại sao những người lính này lại yêu cầu con gái ông chơi đàn, hay họ biết cây đàn này của ai rồi.
 Một tiếng hú của quả đạn pháo rít ngang đầu. Ngoài chợ người ta hét lên. Chúng tôi vẫn đứng im.
Tôi cầm cây đàn xuống đưa cho cô gái, em chơi đi, bản nhạc nào em thích nhất. Đừng sợ. Lúc ấy tôi nghe thấy cả tiếng thở dài của người cha cô gái. Ánh mắt lo lắng ỉu sìu. Thịnh lặng lẽ đến bên tôi cho gần cô gái hơn. Ngồi xuống ghế, cô khẽ khàng vuốt tóc và nhìn vào cây đàn. Đầu cúi nghiêng trên cần đàn, mắt nhắm lại, chùm tóc xõa mơn nan trên phím. Tiếng đàn vang lên, có thể lâu quá rồi cứ cuốn theo bom rơi đạn nổ nên bây giờ tôi mới thấy bình yên dịu dàng đến thế. Bài hát quen thuộc một thời sinh viên của tôi ngoài miền Bắc. Trở về Su-rien-tô. Bỗng chốc hiện ra trong tôi cánh rừng vùng Việt Bắc nơi trường sơ tán. Những đêm ôm đàn hát bên bờ suối Đại Từ, bao khuôn mặt những bạn bè trai gái mà xa nhau đã 4 năm trời. Ngôi sao xanh trên cánh rừng chia tay bạn gái ngày lên đường ra trận.… “ Biển hiền hòa lớp sóng đẹp bao la…lòng ta như rộn vang ngàn câu ca…” tôi và Thịnh lẩm nhẩm hát theo. Cô gái cũng hát và cho tới khi câu hát cuối cùng …” Xin hãy về người ơi…”  thì người cha quay mặt đi. Ông dụi mắt .. lặng lẽ.
Người ngạc nhiên nhất là cô gái. Cô ngước nhìn chúng tôi, những người lính giải phóng mặt xạm đen vì khói đạn. Những người mà phía bên kia nói rằng bám cọng đu đủ không gẫy, rằng đó là những kẻ không có văn hóa… chỉ biết có nổ súng…vì uống thuốc kích thích.
Cô nói một hồi không nghỉ. Em đang học năm cuối trung học thì chiến sự nổ ra, phải mất 5 ngày sau em mới về được đây. Em đi theo những người lính cộng hòa chạy trong rừng. Sợ lắm, họ còn sợ hãi hơn cả tụi em. Thế rồi, ơn chúa em về được nhà mà vẫn không bỏ lại cây đàn kỉ nệm của anh trai em, chẳng biết anh em bây giờ ở đâu…
 Nước mắt lăn trên má. Cô nhìn ra ngoài đường. Bộ đội vẫn nườm nượp đi qua, từng đoàn xe tăng ầm ầm cuốn bụi chạy về phía nam. Tôi chợt tỉnh, bảo Thịnh đứng đợi đó, tôi chạy ra xe. Anh Tuần giục chuẩn bị hành quân, mau lên. Tôi dạ thật to và kéo cây đàn ghi ta bọc tấm vải dù trên xe xuống. Ôm cây đàn chạy đi còn nghe thấy có người gọi với theo đừng bán, đừng bán cái đàn.
Đến bên cô gái. Cả cô gái và Thịnh cũng bất ngờ khi tôi đưa cây đàn cho cô. “Anh thấy em chơi đàn hay lắm. Đây là cây đàn mà tiểu đội anh lấy được ở trận đánh thị trấn Buôn Hồ. Bọn anh còn đi tiếp, không biết rồi sẽ ra sao. Em giữ cây đàn này nhé và chơi đàn thật hay vào nhé“. Nói rồi tôi đưa cho cô gái. Người cha nhìn chúng tôi trân trân. Căn nhà bỗng thật chật hẹp. Cô gái áp cây đàn vào mình, từ từ đứng lên treo cả 2 cây đàn trên tường. Lại một tiếng hú dài của đạn pháo. Còi xe inh ỏi, tiếng gọi nhau hành quân, rầm rập, hối hả.
Chúng tôi vội vã lên đường. Con đường phía trước là Sài Gòn. Chiến dịch đưa chúng tôi tới toàn thắng. Thịnh hi sinh ở trận Đồng Dù 29/4/75. Còn tôi, tôi lại trở về học đại học rồi đi làm. Chúng tôi chẳng có ai quay trở lại thị trấn nhỏ nhoi đầy bụi đất đỏ cao nguyên xa lắc ấy một lần nào. Gia Nghĩa  vời vợi  như một kỉ niệm dĩ vãng. Ba mươi mấy năm trôi qua. Gia Nghĩa thoáng qua trong cái đêm hành quân ấy. Cô gái nay chắc đã lên bà. Hai cây đàn ghi ta treo trên tường như hai trái cây chín hiện về trong tôi.
 Một xưởng cưa.
 Bên hông là một cái chợ, rất nhiều…bụi đất đỏ.


Hà nội mùa thu 2009

2 nhận xét:

  1. mình đến Gia nghiã ngay tối hôm vừa giải phóng ,trước BMT một hai ngày ,hình như ngày 8/3 thì phải ,đến vào buổi tối nên ko nhớ gì nhiều ,chỉ nhớ đêm ấy ở trong một biệt thự của tên thị trưởng ,ngoài cổng có một xác lính ngụy chưa mang đi ...lâu quá rồi ,bạn làm tôi nhớ về Đắc đam cách nay hơn 36 năm !

    Trả lờiXóa
  2. Cái tên Gia Nghĩa mọi người cảm thấy xa lạ phải không ? Nói lại cho rõ nha : Con đường 14 chạy qua Ban mê Thuật về phía nam sẽ tới Gia nghĩa . ( Bây giờ là Đắc Nông ) . Vượt qua Gia nghĩa là tiến về vùng Bình Phước để rồi quân ta tiến đánh sài gòn . Nhưng trong chiến dịch Tây nguyên thì Đức Lập gia nghĩa nổ ssúng trước .( Sư đoàn 10 đánh ). vì vậy Gia nghĩa giải phóng trước Ban mê thuột .

    Trả lờiXóa

Các bạn dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào còm (thay vào chữ URL)
Link ==> <a href="URL">TEXT</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]